Saturday, May 19, 2012

BÂY GIỜ TÔI SỐNG CHO TÔI


BÂY GIỜ TÔI SỐNG CHO TÔI

Đám giỗ Long, người mà Phong rất quí mến khi anh còn sống nhưng hôm đó anh bảo vợ là anh sẽ đi dự sinh nhật của một cô bạn trong nhóm khác được tổ chưa cùng ngày. Chỗ đó chắc chắn vui vì anh sẽ gặp được những người chung diễn đàn, có nhiều cái chung để chia sẻ, có nhiều cái vui để cười. Anh nói:
-       Anh chỉ đến thắp nhang rồi về dự sinh nhật Phi Phi.

Ngọc Chân không tin vào tai mình, chồng chị từ nào tới giờ luôn sống mẫu mực , theo khuôn phép, làm gì cũng nghĩ đến người khác, vì người khác mà hành xử nhưng nay sao lại dứt tình, bỏ cái “nghĩa” với người quá cố mà đeo theo cái vui “hời” bên ngoài. Thế nên mới nghe qua quyết định của chồng lúc đầu chị giận, sau  thì suy nghĩ lại khi nghe chồng nói:
-       Anh không thích cái kiểu giỗ quảy như thế. Rình rang như một đám cưới. Sự hiện diện của anh có giá trị gì trong một biển người đó?
-       Nhưng anh đến vì người đã mất…
-       Người đã mất nằm trong tim anh nè. Anh đến đó thắp cây nhang là đủ. Không phải ngồi đó ăn cho tàn mâm mới gọi là có tình…
-       Nhưng đám giỗ là để họp mặt tưởng nhớ…
-       Bao nhiêu người thực sự đến đó để tưởng nhớ anh Long? Hay họ chỉ đến vì họ sợ người ta nói họ không tình nghĩa, sợ những quy định xã hội…
Hôm đó hai vợ chồng mỗi người đi một nơi dù hai nơi điều là bạn chung. Anh chồng đến thắp cây nhang rồi chuồn mất, Ngọc Chân ở lại cho đến tàn tiệc.
Dù làm theo ý mình nhưng đi giỗ một mình chị cũng không vui và bắt đầu suy ngẫm. Thực ra chị cũng không hề muốn đến dự cái đám giổ này nhưng không đi chị thấy mình bạc tình, chính xác hơn là sợ bị người ta nói mình bạc tình. Chị áy náy nếu bỏ cái nơi chán ngắt này để qua dự cái tiệc đình đám bên kia nhưng ở lại  thì chị cũng thấy rõ là  mình đang “cố” chứ không thực lòng. Nhìn những người đến ăn giổ buổi trưa mà tội. Họ tranh thủ đội nắng đi mua hoa trái mà tới. . Những người đến buổi chiều thì đa phần còn mặc đồ đi làm, mặt mũi đã mệt mỏi. Nhưng có lẽ đa số đều nghĩ : “ Mình không làm vậy thì coi sao được, hồi xưa mình từng thân thiết với anh, giờ anh ra đi, chị vợ mời, lẽ nào mình lại quay mặt đi.”
Buổi sáng đi bộ với Mây, nghe cô trả lời điện thoại:
-       Thôi, quen biết thân thiết gì mà đi, mình không đi đâu.
Một chị khác nghe vậy bèn góp lời:
-       Tối qua mình cũng mới bỏ một cái đám cưới. Có thân thiết quen biết gì  mà cũng mời gọi. Nhớ có mấy lần đến trung tâm tiệc cưới, bỏ quên cái thiệp ở nhà là coi như huề, chẳng biết cô dâu chú rể nào mà vào bàn. Điện thoại của người mời mình cũng không có…
Mây nghe vậy chen vào:
-       Mấy cái thiệp mời đó là em dứt khoát trả lời không đi. Mắc gì tự nhiên vô đó chịu hành hình với tiếng nhạc ầm ầm chẳng nói năng gì được. Mà được ngồi với người quen còn đở, ngồi với người lạ còn ngán ê chề nữa. Sợ mất lòng thì mình gửi tiền chứ mình không muốn vừa mất tiền, vừa mất cái hạnh phúc được thoải mái ở nhà.
Chi nảy giờ lặng thinh bổng lên tiếng:
-       Nhưng người ta có quí mình người ta mới mời…
-       Có thực sự là người ta quí mình không hay người ta chỉ muốn đám cưới thêm “ xôm” vì một lý do gì đó…
-       Không hẳn vậy đâu chị, đôi khi mình phải mời những người bà con dưới quê lên, họ đi có mấy chục đồng ngàn đồng ở những nhà hàng năm sao thì lời lóm chỗ nào. Cái lễ ở Việt nam nó vậy đó…
-       Nghĩa là những người ở dưới quê đó phải bỏ công bỏ việc lên ăn cái đám cưới mà chưa chắc gì họ muốn đi, nhất là họ nghèo nữa, “ ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày”…
-       Nhưng sự đời nó kỳ vậy đó. Được mời thì than thở, không được mời thì giận dỗi.
Mây lại vẫn kiên quyết:
-       Giận em cho giận tuốt. Lòng em không muốn đi thì em không cần phải miễn cưỡng. Tại sao lại không dám sống thực mà phải dối mình dối người vậy..
-       Chị nói vậy, tới đám của con chị…
-       Mình hả?  Một đám cưới nhỏ, chỉ có những người thật sự quan tâm tới hạnh phúc  của con mình mình mới mời, không miễn cưỡng mời tràn đồng, ai giận chịu. Như hôm đám ma ba mình, mình không báo ai hết. Cơ quan họ trách, mình nói đó là chuyện riêng. Mấy người đó có biết ba mình hồi nào  đâu mà gọi là “ Vô cùng thương tiếc”. Thực tình ông cụ sống đời thực vật hơn năm năm, gia đình còn không “ tiếc” lấy gì mà người dưng tiếc thương chứ.
-       Chị  Mây sống mới quá. Chứ xã hội hồi nào giờ đám ma đám cưới là người thân, bạn bè phải hiếu hỉ…
-       Hiếu hỉ là cái tốt nếu có thật tâm. Còn cứ theo những ước lệ của xã hội thì mình không theo, hủ tục thì nên bỏ đi chứ, biết sai mà không ai dám sửa, bao giờ xã hội mới tiến bộ.
Nghe các bạn tranh cãi Ngọc Chân lại nhớ tới chuyện chồng mình, từ hồi nào giờ anh là con người mẫu mực, đột nhiên một ngày đẹp trời anh nổi loạn, anh dám sống cho mình. Còn chị nổi tiếng là người thành thật với đời nhưng chị đã không dám thành thật với lòng.
Nhớ mới tuần rồi Mỹ mời cả nhóm bạn cũ đi ăn sáng để tiễn Ngọc đi định cư nước ngoài nhưng chị không mời vợ chồng Ngọc Chân, biết được chị không buồn mà còn cảm thấy nhẹ cả mình, đở phải một lần nữa nói lời từ chối. Đơn giản là dù chơi trong nhóm nhưng hai cặp hoàn toàn không có cái gì chung. Nhớ có lần hai vợ chồng chị đi từ quận 2 về Sài gòn ăn sáng, tính có một  sáng chúa nhật lãng mạn với nhau nhưng mới ngồi vào bàn thì vợ chồng Mỹ tới, bất đắc dĩ phải ngồi chung, cả buổi  hai bên gượng gạo, cố rặng cho ra những câu xã giao ước lệ. Ra về Phong lầm bầm : “ Mất cha một buổi sáng chúa nhật”. Từ đó, cứ đi ăn chỗ nào sợ gặp người quen bất đác dĩ là anh chọn ngồi ở cái bàn kê sát tường kiếng, chỉ đủ hai người cho lành, phòng khi có những người mà cả mình và họ, vì quan hệ xã hội, được tiếng là quen, khỏi lấn cấn xem nên ngồi chung ngồi riêng . Bây giờ Mỹ đã dứt dạt không mời gọi hai người là Mỹ đã tiến bộ, dám thẳng thắn sống thật lòng, không câu nệ những mối quan hệ chồng chéo, vị nghĩa hơn vị tình.
Mây hùng hồn kéo chị quay về đề tài đang tranh cãi:
-       Em ủng hộ ảnh Phong nhà chị. Nhất là đến tuổi này, anh chị đã về hưu, chẳng còn bao nhiêu năm để sống cho mình mà còn không dám sống thực nữa thì còn chờ đến bao giờ.
Nghe Mây nói tự nhiên Ngọc Chân nhớ tới sinh nhật của Hồng tuần trước, Hồng phá lệ chỉ mời đám mới sau khi chị nghỉ hưu, lờ hết mấy bạn trong nhóm doanh nhân mà chị gắn bó nhiều năm nhưng giờ chị thấy không còn vui nữa. Mấy năm nay chị tiếc nuối “cái thương hiệu” với những người thành đạt này mà đành chấp nhận làm một bóng mờ nhạt . Nay chị mạnh dạn gạt bỏ cái vỏ ngoài phù phiếm đó để thoải mái với những người có nhiều cái chung như mình, khẳng định được chổ đứng và khẳng định bản thân mình. Những người không được mời cảm thấy nhẹ cả lòng, khỏi phải quyết định đi tới cái nơi mình không hứng tới. Nhưng đời cũng lạ, khi không được mời thì cũng có người  kết tội Hồng bạc tình. Chính Ngọc Chân đã lên tiếng:
-       Thôi bây giờ sống thật chút đi. Chơi với nhau không thấy vui thấy họp nữa thì thôi, sao cố níu kéo cho mệt xác đôi bên.

Nhớ ngày đầu tiên nghỉ hưu ở nhà, việc đầu tiên Hùng làm là đổi sim điện thoại, anh thảy hết mấy cái áo sơ mi đắc tiền, mấy cái cà vạt hiệu vào một cái thùng to rồi anh lấy chân đá nó một cái thật mạnh. Anh đi tha về mấy cái quần  bụi tùm lum túi, mấy cái áo thun màu sắc bụi đời. Anh đi mua cái máy ảnh và bắt đầu một hành trình mới của đoạn cuộc đời. Nơi đó, theo anh, không còn phải lâu lâu chầu chực hầu quan, dạ thưa trong khi miệng muốn chưởi thề. Nơi đó anh không còn phải đau đầu phấn đấu cho đạt được doanh số và phải đối phó với nay chủ trương này mai chính sách nọ.
Ngọc Chân lại nhớ tới bà mẹ chồng mình. Ba ngày sau khi ông nằm yên dưới lòng đất, bà đã cho đi tất tần tật những gì mang dấu vết của ông. Thậm chí bà còn đòi con cháu thay cả cái giường ngủ của hai ông bà.  Và sau khi xoá sạch dấu vết của ông chồng hơn năm mươi năm chung sống, bà lên kế hoạch đi chơi.Nhiều người trách bà bạc tình nhưng Ngọc Chân lại thấy vừa thương vừa nể bà. Năm mươi năm bà đã cam chịu sống với một người chồng hiền lành nhưng không đồng điệu.  Ông thấy chướng khi bà cầm cây đàn mandolin lên gãy. Bà thấy khổ khi nghe ông cư xử cục mịch , nói năng thô lỗ. Bà khoẻ mạnh muốn được đi đây đi đó còn ông thì chỉ thích ở nhà chỉ vì bị cao huyết áp. Bà muốn thăm thú cô bác bạn bè nhưng ông không thích dịch chuyển. Đến khi ông đi thì bà cũng đã tám mươi , may là bà vẫn còn sức khỏe của người năm mươi và bà quyết sống vội. Chị hỏi mẹ chồng : “ Ba chết thấy má có vẻ thoải mái quá há”
Bà cười hả họng, không cần dấu diếm nói: “ Bây giờ tao khoẻ. Tối được ngủ yên, ngày muốn đi đâu thì đâu, muốn làm gì thì làm…”
Nhiều người nói bà bạc tình quá nhưng thấy vậy chị lại xót cho bà, hoá ra mấy chục năm nay bà đã không được sống. Quan trọng hơn trong những tháng ngày không còn dài phía trước, bà đã dũng cảm dám sống thật với mình với đời, điều mà ngay cả những người ở thế hệ sau bà cũng chưa chắc dám làm.
Văn Mỹ Lan
18/5/2012