Monday, March 14, 2016

CHUNG ĐỤNG



Đi làm anh phải làm hai nơi cho hai jobs( việc), về nhà anh cũng phải ăn ở hai bếp.
Đầu tiên, trước khi lên lầu với vợ  anh phải ghé vào ăn thức ăn của ba mẹ đã dọn sẵn trên bàn và sau đó anh phải lên lầu để ăn thêm thức ăn vợ nấu.
Ba mẹ anh suốt ngày ở nhà chỉ đau đáu chờ anh về để nhìn anh ăn và ông bà không thể không ráng thuyết phục anh ăn thêm một chút này, thử thêm một chút kia. Có khi anh đang húp canh của ông bà già thì vợ anh  từ cầu thang thò đầu xuống nhắc:
-       -     Em có nấu canh nữa đó.
Vậy là anh biết tối nay anh sẽ khó ngủ vì cái bụng óc ách và anh cũng biết vì sao mình lên kí đều đều. Biết thế nhưng  anh chẳng biết cựa quậy như thế nào trong cái vòng kim cô yêu thương của cha mẹ và vợ.


Ba mẹ anh nói tiếng Tàu, vợ chồng anh trao đổi nhau bằng tiếng Anh. Cha mẹ anh và vợ anh không thể nói chuyện với nhau.
Có lẽ vợ anh đã rất ngán ngại phải ở chung với cha mẹ chồng khác ngôn ngữ, khác văn hoá nên cô đã hoãn cưới ba lần trong ba năm dù họ đều đến tuổi phải lập gia đình sau tám năm yêu nhau trên giảng đường đại học.
Vợ anh giờ phải đối đầu với những e ngại trước đây của mình. Cô muốn bếp núc ngăn nắp, sạch sẽ tinh tươm. Cô muốn cái thớt xắt thịt thì không được dùng để cắt trái cây. Cô không dùng thức ăn có nhiều dầu mỡ, tiêu, hành, đường ,tỏi, ớt. Cô thích đồ ăn được chế biến đơn gỉan và lành mạnh. Cha mẹ chồng cô thì lại nấu nhiều mỡ, nhiều gia vị. Họ khó mà ăn chung một bếp và ở chung một nhà
Lúc đầu nếu không có chồng ở nhà thì cô cứ lang thang đâu đó. Cái nhà đầu tiên mà cô có được sau bao năm vật vả ở thuê  đã  không thành cái tổ ấm, mà vẫn cứ như cái nhà trọ. Cô thậm chí không muốn có con dưới mái nhà chung này.

Khá sùng đạo, cô cũng không muốn anh phải bỏ cha bỏ mẹ vì mình. Hấp thu nền văn hoá phương Tây, cô thấy bất công khi cô bỏ mẹ già để qua chung đụng, chịu đựng cha mẹ chồng và phải hi sinh cái tôi của mình. Cô không thấy vui... có gì đó như bế tắc trong cuộc sống này

Anh lại nhớ tới gia đình của thằng Văn, bạn anh cũng có chung cảnh ngộ là con một như anh nhưng giờ thì họ đã thoát ra. Lúc hai chồng có việc làm ổn định và  muốn có con, vợ chồng nó tính tới tính lui, thấy thu nhập của mình cũng cao, nếu bảo lãnh cha mẹ qua làm người phụ thuộc thì cũng đỡ được thuế má. Đi làm về có người nấu cơm sẵn cho ăn, nhà cửa có người dọn dẹp sạch sẽ miễn phí. con cái có người tin tưởng chăm lo khỏi tốn tiền . Vậy là ở chung được mấy năm vui vẻ.
Rồi sau hai đứa con gái nó lớn và đến trường cả thì vai trò của ông bà nội mờ nhạt đi. Vợ nó giờ có nhiều thời gian hơn để dòm ngó chuyện nhà cửa bếp núc thì có chuyện. Cô tham gia sắp xếp lại đồ dùng trong bếp theo ý mình. Cô mạnh tay vứt bỏ những thứ mà bà bếp già dùng đến hằng ngày vì nó khong vừa ý cô.Người già thích nồi nhôm tiện lợi nhẹ nhàng thì người trẻ thích nồi thép sang trọng chắc chắn. Người già thích đồ đạc trong tầm tay để tránh leo trèo nguy hiểm còn người trẻ lại thích mọi thứ sắp xếp gọn gàng trong các ngăn tủ cao cao. Người già quen nấu ăn kiểu Việt có nhiều gia vị, thậm chí có mùi hơi nặng thì người trẻ lại hướng tới thực phẩm được chế biến nhanh mà vẫn đầy đủ dinh dưỡng. Chỉ nói tới gạo trắng hay gạo nâu trong những bữa ăn hằng ngày cũng là vấn đề mà bên này hài lòng thì bên kia thấy khó nuốt .
May sao ba mẹ vợ nó xin được nhà và hai ông bà già hí hửng ra riêng. Khi ôm nhau giã từ bà nói với con dâu:
-        - Vai trò của ba má giờ đã không cần thiết nữa, nếu tiếp tục sống chung là mình phải chịu đựng nhau con à. Má hiểu được cái khát vọng được  thấy mình làm chủ cái nhà của mình theo ý mình là chính đáng. Ông bà mình nói: “ Ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng là đúng”. Ba má đi rồi ba má lại về thăm con cháu thì quan hệ đó sẽ vui vẻ thoải mái hơn nhiều. Các con và các cháu có nhớ ông nhớ bà thì xuống thăm, lúc đó nhà mình sẽ vui như ngày hôi. Dù ước nguyện của người già nào cũng muốn sống với con cháu nhưng mình nên biết khi nào thì buông. Má thuộc thế hệ trước, cả đời muốn có cuộc sống riêng, tách khỏi cha mẹ chồng . Thế nên bây giờ má muốn con trai con dâu của má cũng sớm có ngày đó
Chuyện nhà thằng Văn đã được giải quyết nhưng chuyện của anh thì chưa. Anh là con một của một gia đình người Hoa truyền thống. Muốn giữ chữ hiếu thì anh sẽ không vẹn được chữ tình. Lòng anh nghiêng về cô vợ mà anh đã quyết lòng gắn bó từ cái nhìn đầu tiên nhưng anh cũng không nỡ lên tiếng bảo ba mẹ ra ở riêng..Có khi anh  thầm ước ba má anh cũng xử như ba má vợ của thằng Văn...
Ngày 15/3/2016

Wednesday, February 3, 2016

CHỌN VỢ


CHỌN VỢ!
Chỉ một ngày sau sinh nhật ba mươi ba tuổi, ba mẹ gọi Thanh vào nhắc nhở:
-       Ngày nào con chưa có đôi là ngày đó ba mẹ còn thấy lòng chưa an.
Ba mẹ muốn và Thanh cũng muốn!  Hôm qua nhìn hai đứa con trai kháu khỉnh của ông anh cả, rồi nghe tụi nó líu lo làm Thanh cảm thấy thèm con lạ.
Nhưng muốn có con thì phải lấy vợ.  Một doanh nhân thành đạt, chuẩn men như anh, chuyện lấy vợ không khó, nhưng lấy ai trong những cô trong tầm ngắm của anh bây giờ? Đã qua cái tuổi yêu dại khờ, khi lấy vợ anh có những đong đo.
Người đầu tiên anh nghĩ đến là Hạnh. Hạnh đẹp như người mẫu. Học giỏi như thần đồng. Mới hai mươi ba tuổi mà tay Hạnh đã sắp với tới bằng tiến sĩ với những học bỗng danh dự từ năm lớp 10. Với Hạnh, anh có thể trò chuyện thâu đêm không chán nhưng với cô anh không thấy mình là một anh đàn ông thực sự. Mẹ thèm thuồng một dứa con dâu vừa đẹp vừa tài ba như vậy. Ba lại thì thầm vào tai anh:
-       Con Hạnh nó giống mẹ con. Nó có cái máu điên, có con ma lãng tử trong người xui nó đi hoang. Lấy nó con sẽ không có một gia đình thật sự đâu.
Nghe ba nói Thanh mới chợt hay là bấy lâu nay ba cũng có nỗi niềm riêng. Vậy mà ai cũng tưởng ba rất hạnh phúc khi đã lấy được mẹ, hoa khôi của làng quê xưa. Một người tài hoa có thể vừa đàn vừa hát. Ngưới đã từ chối tất cả thanh niên đang thời để lấy một thằng sĩ quan học tập cải tạo không có tương lai.
Rồi anh lại nghĩ đến Ngân. Ngân không đẹp không xấu. Không vô duyên cũng chẳng hớm hỉnh. Cái gì của cô cũng bình thường, bình dị đến lạ. Cô chỉ được cái là làm cho người chung quanh thấy an lòng khi giao tiếp. Thế thôi! Ba thích Ngân lắm. Ba nói:
- Hạnh phúc là bình thường thôi con ạ!

Người làm cho anh ray rứt nhất là Long. Long xấu lạ! Người thì khẳng khiu, miệng thì hô, da thì nhám. Ấy vậy mà cô chả mặc cảm chút nào về nhan sắc của mình . Cô luôn nói nói cười cười. Được cái là cô rất có duyên. Cô có khả năng thuật chuyện như người ta tấu hài. Mới nhìn cô chẳng ai có thiện cảm, tiếp cận rồi thì cô hấp dẫn được khối người bất kể nam hay nữ. Có lần Thanh phát hiện mình đang ngóng chuyện của cô.
Mẹ bảo:
- Thứ nhất răng hô thứ hai da rám …cái gene này nó mạnh lắm, nó truyền mấy đời chưa hết đó con.
Thanh biết mẹ muốn Hạnh nhưng Thanh cũng biết quyền lựa chọn cuối cùng là của anh.
Nhưng quả thật anh không biết chọn ai…..Đêm nay chắc anh phải thức mà lắng nghe trái tim mình mách bảo thôi.
Jan 22, 2016

Sunday, January 10, 2016

NGÀY ĐẦU TIÊN GẤU ĐI HỌC


NGÀY ĐẦU TIÊN GẤU ĐI HỌC!
Lần lựa mãi rồi cũng tới ngày Gấu đến trường. Bà cứ tự hỏi hôm nay Gấu có thoả mãn với ước nguyện của mình không vì khi chưa được đi học, mỗi lần Gấu làm được một điều gì hay hay giỏi giỏi như ị giỏi, ăn giỏi, cất đồ giỏi mà Bà khen thì bao giờ Gấu cũng nhắc : “ Gấu giỏi Gấu được đi học nha!”
Anh Dy đi học từ hồi mười một tháng còn Gấu thì gần hai tuổi mới được đến trường. Lý do ba mẹ cho Gấu đi học trễ vì Gấu chậm nói hơn anh Dy, ba mẹ Gấu muốn Gấu nói rành tiếng Việt rồi hãy tiếp nhận thêm một ngôn ngữ thứ hai.
Sáng này bà mở bài hát  NGÀY ĐẦU TIÊN ĐI HỌC cho Gấu nghe” Ngày đầu tiên đi học. Mẹ dắt tay tới trường. Em vừa đi vừa khóc…”
Hôm nay Gấu tới trường có ba mẹ và bà ngoại cùng đưa đi. Có cả anh Dy cũng đến lớp. Gấu chẳng khóc tiếng nào. Vừa đưa vào lớp Gấu là Gấu vào chỗ ngồi vui vẻ ngay. Thấy các bạn đang ăn cheese Gấu quay lại nhìn. Cô cho một cây cheese là Gấu chơi liền. Chả bằng khi còn ở nhà, bà dỗ gì Gấu cũng không thèm đụng tới.
Ra khỏi lớp bà núp bên cửa sổ nhìn Gấu. Thấy mặt Gấu có vẻ căng thẳng quan sát các bạn. Gấu vẫn chưa mắt ướt nhạt nhoà…
Khi về nhà, không có Gấu bà thấy nhà yên ắng lạ dù bình thường nhà mình cũng luôn yên ả. Không có Gấu quấn bên chân bà cảm thấy có gì trống vắng lắm. Mỗi ngày độ mười một giờ trưa bà phải lo cho Gấu ăn, rồi thay tả, rồi đánh răng và hai bà cháu dắt nhau đi ngủ. Bao giờ Gấu cũng lựa một quyển truyện rồi bà cháu mình cùng nhau lên giường. Bà thích nhất là được nhìn ánh mắt của Gấu khi Gấu bảo bà: “ Bà ngoại nằm đây còn Gấu nằm đây nha!”. Vậy là hai bà cháu nằm xuống. Bà kể chuyện cho Gấu nghe. Gấu nghe chuyện nhưng chả tập trung vào cốt truyện gì cả. Bà nói tới con chim thì Gấu chặn lại hỏi:” Nó là con chim hả?”.Bà nói tới con kiến thì Gấu lại hỏi: “ Nó là con kiến hả?” Gấu chả hiểu câu chuyện nói gì…Nghe tới từ nào thì Gấu hỏi lại từ đó.  rồi từ từ Gấu không hỏi nữa, Gấu thôi không luồn bàn tay bé nhỏ của Gấu vào tay áo của bà ve vuốt nữa và Gấu bắt đầu thở đều, rồi bà bắt đầu rón rén ra khỏi giường để về phòng mình nghỉ trưa….Cả buổi trưa ông bà ngoại cũng chả dám làm gì khác được. Vẫn là loanh qoanh đâu đó chờ Gấu thức dậy, cho Gấu ăn xế…Có Gấu ông bà đi đâu làm gì cũng phải tính tới Gấu trước. Có khi ông bà thấy bị trói chân trói tay nhưng không còn Gấu để ôm ấp nữa trái tim già thấy có chút hoang lạnh..
Giờ này chẳng biết Gấu có đang yên giấc không? Giật mình thức dậy Gấu có khóc không? Giờ này bà lại muốn đi gọt táo lấy chuối cho Gấu ăn xế rồi lâu lâu bị Gấu dụ cho ăn lollypop với câu: “ Bà ngoại có muốn cho Gấu ăn kẹo lollypop không? “ hay “ Gấu ị giỏi, bà ngoại có cho Gấu kẹo không?’
Trưa nay bà nhớ Gấu lắm đó!
Ngày 4 tháng 1, 2016