CHUYỆN CÁI THẺ
XANH 2
(HỎNG DÁM ĐÂU !)
Lãnh sự quán gọi
phỏng vấn, con Huyên từ Việt nam gọi sang Mỹ cho tôi:
-
Em
không biết mình nên đi hay ở?
-
Thế
cái gì khiến em nghĩ tới chuyện đi, cái gì giữ chân em ở lại?
-
Vợ chồng em đang ăn nên làm ra, bỏ đi thì uổng.
Nhà cửa bên này cũng ngon lành. Ở đây thì dù gì mình cũng thể..
-
Thế
cái gì khiến em nghĩ đến chuyện đi?
-
Chuyện
học hành của thằng lớn, chuyện chữa bệnh cho con gái nhỏ. Bên này tiền chạy thận
mỗi tuần hai lần ngốn của vợ chồng em biết bao nhiêu của cải, chưa kể vô bệnh
viện vừa phải đầu luỵ ,vừa phải đút lót mà vẫn phải bị nạt nộ.
-
Vậy
thì cán cân đi hay ở của em qúa lệch rồi. Trường hợp em dễ tính quá mà.
-
Vậy
mà mãi vợ chồng em cũng không quyết được. Gì thì tụi em cũng hơn bốn chục tuổi
rồi. Mỗi lần suy tính, tụi em cứ lấy anh chị ra mà so…
Đổi đời ở cái tuổi
đã cắm rễ là một quyết định không dễ, nhất là đối với những cái rễ đã cắm quá
sâu. Thằng Anh chồng con Huyên đang làm trong ngành hàng không, phụ trách một
khâu cực kỳ quan trọng với đồng lương béo bỡ. Chưa kể là với cái ghế ngồi thuận
lợi ấy, thằng Anh kiếm tiền thêm vừa nhiều vừa dễ. Qua bên này thằng Anh không
thể tiép tục công việc cả thế giới cần đến đó vì nước sở tại chỉ mướn công dân
Mỹ, không mướn thường trú nhân. Tôi hiểu tâm tư của vợ chồng nó và không có ý
khuyên can gì cả.
Rồi một hôm con
Huyên lại gọi cho tôi. Nó cười khặc khặc hỏi:
-
Chị
có nhà không, một chút em ghé thăm. Em đang tập lái xe.
Vậy là vợ chồng
nó đã quyết định dời đô!
Vài tháng sau con
Huyên lại gọi, thút thích khóc. Tôi hỏi:
-
Cái
gì mà khóc, bộ bệnh con Na trở nặng hả?
-
Dạ
không. Con Na qua bên này cũng chạy thận hai lần một tuần. Bác sĩ y tá ở đây rất
tử tế ân cần. Họ còn đang tìm thận thay cho con em. Họ còn tìm hội bạn để hổ trợ
giúp đỡ mình nữa.
-
Vậy
sao khóc?
-
Em mới
đi làm về.
-
Đi
làm về sao khóc?
-
Em đi
làm Oshin.
Con Huyên kể là
nó cần có một việc làm có thu nhập để xin được bảo hiểm y tế cho con gái. Nghĩ
hồi nào giờ ở Việt nam bản thân có vài nhân viên trong văn phòng, có vú em ở
nhà mà giờ qua đây phải đi giúp việc nhà thì tủi thân quá nên nó cứ sụt sùi hoài
làm bà chủ nhà quýnh lên vừa thương vừa ngại. Nó tự gọi mình là Oshin để tự
trào phúng đó thôi,thật ra là nó đến chăm sóc người già có kèm theo chút công
việc nhà và được đối xử bình đẳng, không có vai vế chủ tớ gì hết. Nó khóc chỉ
vì chưa quên được cái nó từng có ở quê nhà.Tôi nói:
-
Mấy
chục năm trước, bao nhiêu người bán mạng để qua đây, giai đoạn đầu ai cũng đi dọn
cầu rửa chén. Qua giai đoạn tăm tối đó rồi giờ khối nhà có bác sĩ, nha sĩ, dược sỉ, kỹ
sư….Em muốn thấy được cái hay cái vui của
xứ người thì bỏ con Huyên “ sang chảnh” ở
lại Việt nam đi. Chỉ sống sao để hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm
nay là tốt.
Rồi tôi hỏi thêm:
-
Còn
thằng Anh chồng em qua đây giờ làm gì?
Nó lại hu hu:
- Dạ ảnh đi làm “ cu li” ở mấy cái Mall.
- Dạ ảnh đi làm “ cu li” ở mấy cái Mall.
Tôi không biết “cu
li” mà con Huyên nói là làm gì, chỉ biết đó là một công việc rất khiêm tốn. Nghe
vậy tôi cũng rất chạnh lòng, tay cầm cái điện thoại mà miệng không thể đối thoại.
Tôi nói:
-
Vì
con, vợ chồng em còn sẵn sàng cho cả quả thận thì xá gì cái việc khiêm tốn cho
một ý nghĩa cao cả. Chị rất bái phục những “ culi” , Oshin như vợ chồng em.
Mỗi lần nói chuyện
với con Huyên tôi lại nhớ tới hai vợ chồng của con Lan Hương. Con Lan Hương vốn
là thư ký của tôi từ gần ba mươi năm trước. Nó là một đứa rất vui tính, có tật vừa
cười vừa chảy nước mắt rất dễ thương. Nó thông thông minh và chăm việc. Sau ba
nó chuyển qua làm bên ngành ngoại giao hơn hai mươi năm và đạt được một chức vụ
đáng kể bên đó.
Chồng con Lan
Hương là một kiến trúc sư tầm cỡ, đã từng thắng những giải thưởng lớn trong và ngoài
nước. Hai người cũng qua đây theo diện đoàn tụ gia đình. Con Lan Hương nói với
tôi:
-
Em
không hề muốn đi. Qua đây em cũng không biết làm gì nhưng tính tới tính lui
cũng phải bấm bụng mà sang cho thằng nhỏ
nó đi học chứ nếu ở lại Việt nam thì tụi
em đâu đủ sức lo cho hai thằng du học. Còn nếu ở lại Việt nam thì khi ra trường
cũng chưa chắc kiếm được việc.
Lúc mới qua con
Lan Hương cũng sốc lắm. Phải ăn nhờ ở đậu, phải
học lái xe, phải tìm việc làm. Có lần nó còn nói với tôi:
-
Em
đang nghĩ đến chuyện học làm nail nè.
Câu nói của con
Chi làm tôi nhớ tới con Ngọc bạn tôi. Hai vợ chồng nó có năm đứa con và có một
tiệm kinh doanh hàng điện máy ở Việt nam. Tiền bạc thì thoải mái nhưng không đủ
thoải mái để cho cả năm đứa con đi du học. Vợ chồng nó bàn tính sao đó mà cuối
cùng hai đứa li dị để con vợ kết hôn với một Việt kiều Mỹ, là bạn học trước đây
của anh chồng. Lấy chồng là công dân Mỹ con Ngọc được thẻ xanh, năm đứa con dưới
mười tám tuổi cũng có thẻ xanh hết và được đi học miễn phí ở một trường công năm
sao gần nhà mà nó đã nhắm trước.
Hằng ngày các con
tự bương chảy đi bộ đến trường mà học còn mẹ thì cắm đầu cắm cổ đi làm nail, một
tuần không dám nghỉ đến một ngày.
Mười lăm năm sau
nhà nó có một bác sĩ, một dược sĩ, một kỹ sư và hai đứa nữa tốt nghiệp cử nhân.
Anh chồng giờ cũng được đứa lớn bảo lãnh qua.Vợ chồng đoàn tụ một nhà. Tôi nói
với nó:
-
Tao
xin bái phục quyết tâm, ý chí, nghị lực của cả nhà mầy. Giờ thì vợ chồng mầy xứng
đáng được nhàn nhả đi chơi rồi đó.
Tôi an ủi con Lan
Hương bằng cách kể cho nó nghe câu chuyện của nhà con Ngọc và nói:
-
Chị sắp
viết một bài để tôn vinh bà tổ ngành nail đó. Ngành này đã giúp biết bao gia
đình từ khốn khó đến vinh quang. Mình trâu chậm đành uống nước đục , kiên nhẫn chừng
năm bảy năm cho con cái ăn học thành tài rồi mình tính lại đời mình em ơi.
Khi an ủi con Lan
Hương tôi lại nhớ tới vợ chồng con Thy. Thy là bác sĩ, chồng là kỹ sư điện
toán. Lúc ở Việt nam hai đứa nó sống dư dã trong một căn nhà bề thế ở mặt tiền
đường. Bây giờ con vợ lại đi làm trợ lý bác sĩ , còn thằng chồng xuống cấp làm kỹ
thuật viên. Đặc biệt tôi chẳng nghe hai đứa than thở lời nào. Con Thy nói:
-
Dù không
được hành nghề nhưng Sếp biết mình có nghề nên cũng quý trọng. Còn anh Lợi thì thấy
làm ở đây không bị áp lực. Lương ít nhưng khoẻ cái đầu, yên tâm chuyện học hành
của con cái, y tế của gia đình, khỏi nơm nớp những bất trắc không tên thành ra tụi
em thấy cũng OK. Ở riết quen cũng chẳng còn muốn về Việt nam nữa. Ở gần khu người
Việt lại chẳng có cảm nhận mình đang sống lưu vong.
-
Bởi vậy
ở bên này thấy ai đang hành nghề khiêm tốn cũng đừng vội đánh giá năng lực họ khiêm
tốn. Chị biết khối trường hợp rất ngậm ngùi.
Con Thy nhiệt tình
đồng ý:
-
COI
THƯỜNG HẢ? DẠ HỎNG DÁM ĐÂU CHỊ !
Văn Mỹ Lan
August 17, 2017