ĐẠI GIA BÊN ĐÓ, OSHIN BÊN NÀY
Qua thăm con, nhà nó ở xa khu cộng đồng người Việt, sợ tôi
khát bạn, các con tôi cứ an ủi:
-
Trời ơi mẹ của Anh Phương cứ đòi qua nhà mình gặp
mẹ hoài, bà thèm nói tiếng Việt quá trời luôn.
Hôm gặp Phương Anh, bạn của Công, con rể tôi, cô nói:
Hình như đám nhỏ ái ngại cho chuyện đám già ở xứ người mà lại
ở ngay khu Mỹ trắng không có bạn nên tụi nó cứ gặp mặt người lớn là buông ra một
câu hứa hẹn, tôi dùng chữ “ hứa hẹn” là
vì có khi nói hoài tụi nó vẫn không thu xếp được để đám già gặp nhau. Phải dùng chữ “ thu xếp “ vì tụi nó sẽ có
trăm lý do để cuối cùng không làm gì cả, khi thì do đi làm cả ngày trong tuần,
cuối tuần lại chăm chút cái nhà đã bỏ phế cả tuần , rồi còn phải làm bổn phận với
con cái, phải đưa bọn nó đi chơi hay phải ngồi chơi với chúng nó để tạo sự gần gũi liên kết với gia
đình. Nói chung hoạt động nào cũng phải ưu tiên hướng đến gia đình nhỏ của
chúng và bổn phận của chúng với con cái , còn hoạt động hướng tới cha mẹ thì thường phải xếp hàng chờ, cái hàng thường
bị chen ngang bởi bao nhiêu cái đến bất ngờ không tên nên cái vui của cha mẹ cứ
“ standby”.
Cuối cùng thì cũng có ngày Anh Phương đưa mẹ, chị Thanh
Phương tới nhà con tôi chơi. Chị gặp tôi mừng như gặp cố tri dù đây là lần đầu
chúng tôi gặp nhau. Chị nói huyên thuyên như sợ dừng lại là không được mở miệng
nữa. Anh Phương lằng nhằng :
-
Mẹ nói nhiều quá.
Chị Thanh Phương xác nhận ngay :
- Mẹ vốn nói nhiều mà con.
“Mẹ vốn nói nhiều”, nghĩa là chị vốn có nhu cầu nói, nhu cầu giao tiếp với xã
hội nhưng theo lời chị thì chị đã ngậm
miệng lâu lắm rồi vì con gái lấy chồng Mỹ, chị thì chỉ dăm chữ tiếng Anh nên
không trao đổi với con rể được, con gái thì bận túi bụi vì việc cơ quan, việc
nhà, việc làm thêm nên trao đổi với chị, hầu như chỉ là những yêu cầu giúp đỡ,
không phải là những phút trao đổi tâm tình mà chị thèm khát.
Tôi hỏi:
-
Chị có ý định ở đây không?
-
Mình có thẻ xanh rồi nhưng ở đây thì chắc 55%
thôi. Ở đây hình như mình không còn sống
cho mình nữa.
-
Nghĩa là thương con thương cháu thì thương nhưng
mình cũng còn thương thân chứ gì? Tôi như nói cho bản thân mình.
-
Chính xác là vậy đó. Mình đã một đời lo cho con
rồi, giờ cũng muốn nghỉ ngơi. Như ông nhà tôi, ổng ngán qua đây lắm.
-
Sao vậy?
-
Thì chị nghĩ coi, bên ấy ổng nhà cao cửa rộng,
cơm dâng nước hầu, qua đây ổng không quen tự phục vụ bản thân …
-
Mình cũng nên làm quen với chuyện tự phục vụ bản
thân chứ. Bên này triệu phú đô la cũng phải tự lái xe, tự lo điểm tâm, không phải
lệ thuộc người làm.
-
Thì cũng biết vậy nhưng nếu mình có điều kiện
không mất thời gian cho mấy cái chuyện linh tinh như quét nhà giặt giũ, lau dọn
để dành thời gian kiếm ra tiền nhiều hơn thì mình cũng đâu cần phải…
-
Ý chị nói là lao động của anh nhà cao cấp hơn
nên anh cũng không cần làm quen với mấy cái chuyện lao động chân tay…
-
Thì vậy!
-
Vậy thì anh cứ mướn người giúp việc. Nếu thực sự
là đại gia thì anh phải dám bỏ tiền ra mướn người giúp việc và anh sẽ có người
hầu ngay…
-
Thì lấn cấn là ở chỗ đó. Bên đó mình dư tiền để
thuê mướn vài người , qua đây thì một người cũng không dám thuê vì đại gia bên
đó chưa chắc đã là đại gia bên này.
-
Vậy nếu muốn làm đại gia thì ở bên đó, qua đây
chi?
-
Thì mỗi người cũng có cái khó riêng, hai đứa con
đi học bên này rồi lấy vợ lấy chồng bên này hết. Ở bên đó thì nhớ con thương cháu, qua đây thì
thương thân …
-
Chị nói
chữ “ thương thân” nghe thảm quá?
-
Vậy chứ chị không thấy sao, qua bên này với con mà cả ngày có gặp nó đâu. Nói là vì
cháu thì đứa lớn đi học cả ngày, đứa nhỏ thì mình phải trông…
-
Thì qua đây anh chị cũng có đi đâu được, sẵn
trông cháu luôn…
-
Thì cũng biết vậy nhưng suốt ngày cứ ở nhà với
cái đứa con nít chưa biết nói, chưa biết chia sẻ lại không được tuỳ tiện nghỉ
ngơi làm cho mình cảm thấy mệt mỏi. Dẫu gì thì mình cũng già, tính nghỉ hưu bây
giờ lại có “ job” mới phải chuyên tâm hơn cái job kiếm tiền hồi nào nữa…
-
Nghe chị than mình cũng cám cảnh, mình cũng sắp
có cháu…
-
Có đi rồi chị biết. Bỏ thì thương. Vương thì tội.
Mà đàn bà mình lục thục chuyện bếp núc hay chăm cháu dù mệt cũng có cái vui,
còn đàn ông có khi không biết làm gì mới khổ…
-
Khổ sao? Thì chị nói ảnh tìm việc mà làm như ông
nhà tui lúc nào cũng làm không hết việc cho con. Khi nó sửa nhà thì phụ dọn dẹp,
nhà cất xong thì phụ xây kho, lót gạch ngoài sân, trồng cỏ, chăm sóc sân vườn…
-
Là tại nhà con chị có sân vườn rộng để ông nhà
chị cắt cỏ trồng rau, còn cái sân nhà con gái tui có tí tẹo mà nó cũng trồng cỏ
mất rồi. Hơn nữa ông nhà tui cũng không khéo tay, cũng không có cái thú sân vườn.
Ở Viêt nam ông có hội có bè, muốn tập họp nhắn mấy cái tin, nửa tiếng sau chiến
hữu đủ mặt...
-
Nghe chị nói mình mới nhớ, mình có một chị bạn,
có hai cô con gái đang theo học Y- Nha
bên này, chắc cũng còn lâu mới xong. Tụi nó lại có bạn trai cả rồi nên chắc học
xong cũng lấy chồng ở lại đây. Chị ấy có điều kiện để qua đây ở lại nhưng chị
nghiện Oshin nấu cơm rửa chén, giặt đồ với thêm mấy cái mục gội đầu, làm móng,
massage ở Việt nam…
-
Ừa thì đã nói đại gia bên đó qua đây có khi hơi
sốc. Bên đó xài thoải mái nhưng qua đây tiền của như teo tóp lại, xài cho cái mục
gội đầu làm móng hơi phê, chưa kể là dịch vụ không vừa ý như ở bên nhà mà tiền tip thôi cũng còn hơn tiền phải trả bên
kia, lại còn cái khoản phải đi xa. Với lại
cuộc sống bên này có nhiều cái
khác, mình như biến mất trong cõi người ta, không ai dòm ngó hay cần biết mình
là ai. Người ta thích gì mặc đó, mặc cho mình chứ không phải mặc để ai dòm ngó
phê bình …
-
Còn như mình lúc ở Việtnam, ở nhà thì cơm dâng
nước hầu tận răng, ra đường thì xe đón xe đưa nhưng mình thấy đời sống gia đình
bên này hình như chặt chẻ hơn. Những ngày lễ phần lớn người ta về nhà. Mấy anh
chồng xăng tay lên chia sẻ việc nhà với vợ. Người nấu cơm người rửa chén, người
trông con người giặt đồ. Vợ cho con bú ban đêm thì ông chồng có nhiệm vụ vác
con lên vai cho bé ợ, khỏi bị ộc sữa…Các ông không câu nệ, tị hiềm chuyện đàn
bà đàn ông và không có thời gian lê la nhậu nhẹt, gái gú…
-
Nhưng bên này buồn quá, suốt ngày ở nhà không gặp
ai, cứ như bị giam lỏng nhất là mình
không thể tự lái xe hay tự đi đâu, mà
xét cho cùng muốn đi cũng không biết đâu mà đi, nhất là ở cái khu tìm hoài
không ra một cái đầu đen.
-
Nghe chị than mình cũng cám cảnh nhưng mỗi người
một hoàn cảnh. Có khi cả đời chờ đến ngày nghỉ hưu để nghỉ ngơi thì giờ phải
theo con, phụ con. Nghiệm lại những ngày còn đi làm lo cho con cũng không cực bằng
bây giờ ở nhà lo cho cháu, mà có phải ai ép uổng gì mình được đâu. Chỉ tại mình
không đủ mạnh dạn sống cho bản thân, cũng không đủ dứt khoát để hi sinh cho con
cháu. Lấn cấn như vậy làm mình tự thấy khổ.
Nghe tôi nói vậy chị Thanh Phương
thở dài, đánh sược một cái:
-
Thế nên ai hỏi tôi đã quyết sống bên này chưa
tôi không thể trả lời ngay được. Chẳng lẽ về Việt nam sống một mình mà ở đây
không có cái xã hội của mình, phải theo cái xã hội xa lạ của con thì thấy cái
tuổi già của mình già thiệt, như sống để chờ chết.
-
Nghe chị nói mình hết sức thông cảm luôn. Có lẽ
chị phải cố lái cho được xe, lâu lâu hẹn
hò đi đâu đó chơi với bạn bè. Làm quen với các mạng xã hội cũng đỡ lắm. Mỗi năm
về Việt nam vài tháng để lên hương, nạp lại năng lượng rồi lại qua đây với con.
Chứ hoàn cảnh như tụi mình thì tập khi làm chủ, khi làm tớ vậy. Đành làm đại
gia bên đó Oshin bên này thôi.
-
Chắc đành phải chịu vậy thôi.
Hai bà bạn già cùng cười, chấp nhận
phần đời đành phân đôi từng lúc từng khi vậy.
Thousand Oaks ,ngày 22/7/2012
Văn Mỹ Lanhttp://www.facebook.com/vanmylan
No comments:
Post a Comment