Thursday, August 17, 2017

CHUYỆN CÁI THẺ XANH 2

CHUYỆN CÁI THẺ XANH 2
 (HỎNG DÁM ĐÂU !)

Lãnh sự quán gọi phỏng vấn, con Huyên từ Việt nam gọi sang Mỹ cho tôi:
-       Em không biết mình nên đi hay ở?
-       Thế cái gì khiến em nghĩ tới chuyện đi, cái gì giữ chân em ở lại?
-       Vợ  chồng em đang ăn nên làm ra, bỏ đi thì uổng. Nhà cửa bên này cũng ngon lành. Ở đây thì dù gì mình cũng thể..
-       Thế cái gì khiến em nghĩ đến chuyện đi?
-       Chuyện học hành của thằng lớn, chuyện chữa bệnh cho con gái nhỏ. Bên này tiền chạy thận mỗi tuần hai lần ngốn của vợ chồng em biết bao nhiêu của cải, chưa kể vô bệnh viện vừa phải đầu luỵ ,vừa phải đút lót mà vẫn phải bị nạt nộ.
-       Vậy thì cán cân đi hay ở của em qúa lệch rồi. Trường hợp em dễ tính quá mà.
-       Vậy mà mãi vợ chồng em cũng không quyết được. Gì thì tụi em cũng hơn bốn chục tuổi rồi. Mỗi lần suy tính, tụi em cứ lấy anh chị ra mà so…




Đổi đời ở cái tuổi đã cắm rễ là một quyết định không dễ, nhất là đối với những cái rễ đã cắm quá sâu. Thằng Anh chồng con Huyên đang làm trong ngành hàng không, phụ trách một khâu cực kỳ quan trọng với đồng lương béo bỡ. Chưa kể là với cái ghế ngồi thuận lợi ấy, thằng Anh kiếm tiền thêm vừa nhiều vừa dễ. Qua bên này thằng Anh không thể tiép tục công việc cả thế giới cần đến đó vì nước sở tại chỉ mướn công dân Mỹ, không mướn thường trú nhân. Tôi hiểu tâm tư của vợ chồng nó và không có ý khuyên can gì cả.

Rồi một hôm con Huyên lại gọi cho tôi. Nó cười khặc khặc hỏi:
-       Chị có nhà không, một chút em ghé thăm. Em đang tập lái xe.
Vậy là vợ chồng nó đã quyết định dời đô!

Vài tháng sau con Huyên lại gọi, thút thích khóc. Tôi hỏi:
-       Cái gì mà khóc, bộ bệnh con Na trở nặng hả?
-       Dạ không. Con Na qua bên này cũng chạy thận hai lần một tuần. Bác sĩ y tá ở đây rất tử tế ân cần. Họ còn đang tìm thận thay cho con em. Họ còn tìm hội bạn để hổ trợ giúp đỡ mình nữa.
-       Vậy sao khóc?
-       Em mới đi làm về.
-       Đi làm về sao khóc?
-       Em đi làm Oshin.
Con Huyên kể là nó cần có một việc làm có thu nhập để xin được bảo hiểm y tế cho con gái. Nghĩ hồi nào giờ ở Việt nam bản thân có vài nhân viên trong văn phòng, có vú em ở nhà mà giờ qua đây phải đi giúp việc nhà thì tủi thân quá nên nó cứ sụt sùi hoài làm bà chủ nhà quýnh lên vừa thương vừa ngại. Nó tự gọi mình là Oshin để tự trào phúng đó thôi,thật ra là nó đến chăm sóc người già có kèm theo chút công việc nhà và được đối xử bình đẳng, không có vai vế chủ tớ gì hết. Nó khóc chỉ vì chưa quên được cái nó từng có ở quê nhà.Tôi nói:
-       Mấy chục năm trước, bao nhiêu người bán mạng để qua đây, giai đoạn đầu ai cũng đi dọn cầu rửa chén. Qua giai đoạn tăm tối đó rồi  giờ khối nhà có bác sĩ, nha sĩ, dược sỉ, kỹ sư….Em muốn thấy được cái hay  cái vui của xứ người thì bỏ con Huyên “ sang chảnh”  ở lại Việt nam đi. Chỉ sống sao để hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay là tốt.
Rồi tôi hỏi thêm:
-       Còn thằng Anh chồng em qua đây giờ làm gì?
Nó lại hu hu:
- Dạ ảnh  đi làm “ cu li” ở mấy cái Mall.
Tôi không biết “cu li” mà con Huyên nói là làm gì, chỉ biết đó là một công việc rất khiêm tốn. Nghe vậy tôi cũng rất chạnh lòng, tay cầm cái điện thoại mà miệng không thể đối thoại. Tôi nói:
-       Vì con, vợ chồng em còn sẵn sàng cho cả quả thận thì xá gì cái việc khiêm tốn cho một ý nghĩa cao cả. Chị rất bái phục những “ culi” , Oshin như vợ chồng em.

Mỗi lần nói chuyện với con Huyên tôi lại nhớ tới hai vợ chồng của con Lan Hương. Con Lan Hương vốn là thư ký của tôi từ gần ba mươi năm trước. Nó là một đứa rất vui tính, có tật vừa cười vừa chảy nước mắt rất dễ thương. Nó thông thông minh và chăm việc. Sau ba nó chuyển qua làm bên ngành ngoại giao hơn hai mươi năm và đạt được một chức vụ đáng kể bên đó.
Chồng con Lan Hương là một kiến trúc sư tầm cỡ, đã từng thắng những giải thưởng lớn trong và ngoài nước. Hai người cũng qua đây theo diện đoàn tụ gia đình. Con Lan Hương nói với tôi:
-       Em không hề muốn đi. Qua đây em cũng không biết làm gì nhưng tính tới tính lui cũng phải bấm bụng mà sang cho  thằng nhỏ nó đi học chứ nếu ở lại Việt nam  thì tụi em đâu đủ sức lo cho hai thằng du học. Còn nếu ở lại Việt nam thì khi ra trường cũng chưa chắc kiếm được việc.

Lúc mới qua con Lan Hương cũng sốc lắm. Phải ăn nhờ ở đậu, phải  học lái xe, phải tìm việc làm. Có lần nó còn nói với tôi:
-       Em đang nghĩ đến chuyện học làm nail nè.

Câu nói của con Chi làm tôi nhớ tới con Ngọc bạn tôi. Hai vợ chồng nó có năm đứa con và có một tiệm kinh doanh hàng điện máy ở Việt nam. Tiền bạc thì thoải mái nhưng không đủ thoải mái để cho cả năm đứa con đi du học. Vợ chồng nó bàn tính sao đó mà cuối cùng hai đứa li dị để con vợ kết hôn với một Việt kiều Mỹ, là bạn học trước đây của anh chồng. Lấy chồng là công dân Mỹ con Ngọc được thẻ xanh, năm đứa con dưới mười tám tuổi cũng có thẻ xanh hết và được đi học miễn phí ở một trường công năm sao gần nhà mà nó đã nhắm trước.
Hằng ngày các con tự bương chảy đi bộ đến trường mà học còn mẹ thì cắm đầu cắm cổ đi làm nail, một tuần không dám nghỉ đến một ngày.

Mười lăm năm sau nhà nó có một bác sĩ, một dược sĩ, một kỹ sư và hai đứa nữa tốt nghiệp cử nhân. Anh chồng giờ cũng được đứa lớn bảo lãnh qua.Vợ chồng đoàn tụ một nhà. Tôi nói với nó:
-       Tao xin bái phục quyết tâm, ý chí, nghị lực của cả nhà mầy. Giờ thì vợ chồng mầy xứng đáng được nhàn nhả đi chơi rồi đó.
Tôi an ủi con Lan Hương bằng cách kể cho nó nghe câu chuyện của nhà con Ngọc và nói:
-       Chị sắp viết một bài để tôn vinh bà tổ ngành nail đó. Ngành này đã giúp biết bao gia đình từ khốn khó đến vinh quang. Mình trâu chậm đành uống nước đục , kiên nhẫn chừng năm bảy năm cho con cái ăn học thành tài rồi mình tính lại đời mình em ơi.

Khi an ủi con Lan Hương tôi lại nhớ tới vợ chồng con Thy. Thy là bác sĩ, chồng là kỹ sư điện toán. Lúc ở Việt nam hai đứa nó sống dư dã trong một căn nhà bề thế ở mặt tiền đường. Bây giờ con vợ lại đi làm trợ lý bác sĩ , còn thằng chồng xuống cấp làm kỹ thuật viên. Đặc biệt tôi chẳng nghe hai đứa than thở lời nào. Con Thy nói:
-       Dù không được hành nghề nhưng Sếp biết mình có nghề nên cũng quý trọng. Còn anh Lợi thì thấy làm ở đây không bị áp lực. Lương ít nhưng khoẻ cái đầu, yên tâm chuyện học hành của con cái, y tế của gia đình, khỏi nơm nớp những bất trắc không tên thành ra tụi em thấy cũng OK. Ở riết quen cũng chẳng còn muốn về Việt nam nữa. Ở gần khu người Việt lại chẳng có cảm nhận mình đang sống lưu vong.
-       Bởi vậy ở bên này thấy ai đang hành nghề khiêm tốn cũng đừng vội đánh giá năng lực họ khiêm tốn. Chị biết khối trường hợp rất ngậm ngùi.
Con Thy nhiệt tình đồng ý:
-       COI THƯỜNG HẢ? DẠ HỎNG DÁM ĐÂU CHỊ !

Văn Mỹ Lan
August 17, 2017





Monday, August 7, 2017

CHUYỆN CÁI THẺ XANH 1

CHUYệN CÁI THẺ XANH( 1)

VUI ĐÂU SỐNG ĐÓ, THÍCH ĐÂU Ở  ĐÓ!


Lại một ngày cuối tuần nữa ở chùa “Bát Nháo”!
Khi nghe bà Hoa thông báo ngày về Việt nam, con Hà ngạc nhiên hỏi:
-       Ủa sao chị về Việt nam hoài vậy?
-       Tại chồng chị ở bển, nhớ chồng phải về thăm chứ sao!
-       Bao nhiêu người thèm qua Mỹ nhỏ vãi, còn ông chồng chị có quốc tịch mà lại chê, cũng lạ!
-       Thì ổng đã nói trước chuyện này trước khi chịu theo chị qua đây đoàn tụ gia đình mà. Bây giờ con cái học hành xong hết thì mình cho ổng “thăng” thôi.
Rồi cười tươi như hoa, quay qua tôi bà Hoa nhẹ nhàng nói tiếp:
-       Ông chồng tui ổng nói CÓ LÀM ĂN MÀY Ở VIỆT NAM ỔNG CŨNG KHÔNG THÈM QUA MỸ Ở.
Cả bọn đang ồn ào bỗng nín thinh một hồi để cho câu tuyên bố xanh rờn của ông Chi, chồng bà Hoa thấm vào tâm ý. Bà Nga thẳng thắng đặt nghi vấn:
-       Hay ổng có chân dài ở bển, chứ Việt nam có gì mà níu chân ổng dữ vậy?
Bà Hoa lại toét miệng cười toe nói:
-       Tới tuổi này rồi mà có ai còn muốn rước ổng thì tui xin kính dâng, kính tặng, kính biếu. Tui xài hết rồi, bây giờ ổng chỉ còn các xác khô thôi. Khi ổng còn là của tui thì tui lo, còn ai tốt bụng rước ổng dùm thì tui xin cho.
Rồi hạ giọng bà nói thêm: “Nói vậy chứ bây giờ ổng còn tiền bạc gì đâu mà mấy em đeo”
-       Vậy là bà phải bay về thăm ổng hoài vậy hả? Tôi ái ngại hỏi.  
Bà Hoa trả lời nhẹ hều:
-       Bây giờ tui còn khoẻ thì tui về thăm, chừng nào mệt mỏi quá thì thôi.


Có một số người dị ứng khi ra nước ngoài sinh sống nhưng dị ứng cỡ chồng bà Hoa thì cũng hơi hiếm. Mà nhẹ nhàng chấp nhận ông một nơi, bà một nẻo như bà này lại càng hiếm hơn. Bà Hoa nói như chặn trước những lời chỉ trích của bạn bè có thể xảy ra:
-       Tui thích ông Chi nhà tui ở chỗ muốn gì thì nói rõ ràng dứt khoát như vậy cho mình dễ tính.
-       Mà bà tính sao?
-       Thì đàn bà mình luỵ con luỵ cháu thì mình đeo theo nó.  Ổng không luỵ mình thì cho ổng tự do sống đời còn lại theo ý  ổng đi. Với tui, được ở chung nhà với tụi nhỏ, được nấu cho tụi nó ăn, được hun hít nựng nịu tụi nó là tui thấy sướng lắm, thấy mình còn ngon lắm. Đàn ông đàn bà khác nhau, đâu bắt mấy ổng cảm nhận giống mình được.
-       Vậy rồi  hai người đành sống đời Ngưu lang Chức nữ sao?
-       Thì trước mắt đành chịu vậy thôi.
 Nghe tiếng thở dài rất nhẹ của bà Hoa, bà Mai thủng thỉnh nói:
-       Hồi đó ông chồng tôi cũng nhất định không chịu ở Mỹ  nhưng vì chuyện học hành của tụi nhỏ mà ổng đành theo khi hồ sơ anh tôi bảo lãnh tới hạn. Tính ổng rất gia trưởng, qua bên này  con cái nổi loạn, tụi nó đâu chịu răm rắp nghe lời ổng như hồi ở bên đó. Nói không phải là tụi nó cãi lại, làm sai là  tụi nó góp ý. Lúc đầu bị mất ngôi ổng sốc ghê lắm, sau dần dần thấy nhà nào bên này cũng vậy rồi ổng cũng theo. Ở đây lâu lại không còn muốn về Việt nam nữa. Giờ thì  ổng quyết dọn sạch ổ ở Việt nam mà qua đây ở luôn không về nữa. Cuộc đời vô thường mà, vạn vật thay đổi từng giây, con người cũng thay đổi từng ngày. Biết đâu chồng bà Hoa cũng có ngày nghĩ lại.

Nghe mấy bà nói chuyện tôi lại nhớ tới ông Quang bạn tôi. Bất đắc dĩ ông đành theo vợ con sang định cư ở miền Đông bắc nước Mỹ, nơi không có cộng đồng người Việt, muốn hoà nhập ông phải bỏ chút công sức. Ông phản ứng gay gắt:
-       ĐANG SỐNG SUNG SƯỚNG THẢNH THƠI YÊN LÀNH SAO TỰ NHIÊN PHẢI BỎ QUÊ TA QUA XỨ LẠ QUÊ  NGƯỜI MÀ Ở. CỨ Ở VIỆT NAM THÌ TÔI ĐÂU PHẢI HỌC ĐỌC, HỌC NÓI LẠI NHƯ CON NÍT VẬY.  CÒN PHẢI HỌC LÁI XE CHO CĂNG THẲNG NỮA CHỨ. Ở VIỆT NAM THÌ CỨ PHÂY PHÂY MÀ SỐNG, CHẲNG CẦN PHẢI NGHE AI DẠY DỖ PHẢI HOÀ NHẬP THẾ NÀY THẾ NỌ . MỆT!
Có người nói ông Quang ghét nước Mỹ vì ông sang định cư ở một vùng toàn Mẽo nên cảm thấy lạc lõng. Chứ nếu sang Nam Cali mà ở thì chắc ông không ngán đến như vậy vì ở đây có giỏi tiếng Mỹ cũng chủ yếu dùng tiếng Việt. Chợ Việt nam lại dày đặc đến không biết lựa chợ nào mà đi. Trung tâm hỗ trợ người định cư thì mọc đầy như nấm,  không cần phải bám vào ai đó mới tồn tại được. Mà giờ con cái ở đâu thì ổng cũng phải đành theo đó, thế nên mỗi năm ông cũng ráng chịu “lưu đày” chừng hơn sáu tháng để giữ cái thẻ xanh, chờ ngày vô quốc tịch rối đấm có thèm qua nữa. Tôi nói:
-       Tôi có mấy người bạn rất có “điều kiện” khi ở Việt nam nên cái thẻ xanh với họ ví như cái gân gà của Tào Tháo, nuốt vô cũng chả thấy ngon lành gì mà nhả ra thì uổng.
Nghe tôi nói thế ông Mẫn nãy giờ im lặng chợt lên tiếng:
-       Uổng là vì mình tham. Biết cái món ăn không ngon nhưng thấy ai cũng quí thì bỏ không đành, vẫn cố dù nuốt khó trôi chứ Mỹ đâu có mong mình tới ở, buộc mình lấy quốc tịch của nó . Mỹ có thêm mấy người già như mình chỉ làm nghèo nước nó thêm, ích lợi gì cho nó đâu. Mình không thích thì mình buông đi, bám chi như đeo cùm vậy. 
-       Thực ra cái thẻ xanh giống như cái thẻ bảo hiểm mấy bà ơi, phòng khi có chuyện thì còn có chỗ mà chạy. Giờ còn khoẻ thì nói phách, tới chừng già quá biết đâu lại cần cái y tế vừa đáng tin cậy vừa miễn phí của Mẽo mà bò qua.
-       Ông chồng tôi nói mấy năm ổng về Việt nam sống thử ổng thấy mỏi mệt quá. Môi trường y tế, giáo dục, thực phẩm, luật pháp không rõ ràng gì hết. Cái sợ nó đeo mình từ lúc mở mắt thức dậy cho đến lúc lên giường ngủ cũng còn sợ.  bà Mai bổ sung thêm lý do chồng bà quyết dọn ổ để sang Mỹ ở vĩnh viễn.
-       Sợ gì mà dữ vậy?
-       Chứ không phải ra đường nếu đi xe gắn máy thì sợ nắng nôi, khói bụi, giựt dọc. Đi xe hơi thì sợ cảnh sát rình. Vô bệnh viện thì sợ y tá sợ bác sĩ nạt nộ. Con đi học thì sợ bị thầy cô đì nếu không đi học thêm, ra trường thì sợ không kiếm được việc làm, ra chợ thì sợ thực phẩm có tẩm hoá chất, đi ngủ thì sợ quên đóng cửa ăn trộm vô sao?

Bà Hoa cắt ngang:
-       Ôi sợ riết cũng quen rồi mấy bà ơi. Ông chồng tôi nói một chục cái sợ ở Việt nam cũng không bằng  cái sợ lớ ngớ khi ra nước ngoài ở, cứ như thằng khờ thằng câm, trăm sự cái gì cũng phải nhờ người này giúp, người kia hổ trợ. Sống như thế thì làm sao sướng được mà gọi là thiên đường Mỹ quốc. Chưa kể cái khoảng dịch vụ thì thua Việt nam xa lắc. Bên kia nội cái chuyện đi gội đầu làm móng cũng đã cái đời. Sướng nhất cái khoản có người giúp việc nhà. Qua bên này, đại gia cỡ nào cũng phải nai lưng ra mà làm..
Bà Mai chen vào:
-       Nói vậy thôi chứ qua bên này làm riết cũng quen, lại thấy thoải mái. Có điều có những cái thuộc về cái tình mà con người ta  không đem ra đong đo được như chuyện ông bác tôi. Hai bác chỉ có một đứa con gái qua đây du học lấy chồng  rồi ở lại. Bác gái đau tim mất, anh chị tôi mới hết sức dỗ dành bác trai qua đây  ở để con cái dễ bề phụng dưỡng nhưng bác trai qua ở chưa được một tháng đã sống chết đòi về quê. Bác nói bác muốn  hằng ngày được ra thăm mộ vợ, được ngắm dãy núi bên kia con sông Son mà chờ ngày đoàn tụ với bà. Các con thuyết phục bố ở lại đây sẽ được cấp nhà, được tiền già, được bảo hiểm y tế miễn phí thì bác nói ở Việt nam tao có nhà thì tao cần gì xin nhà ở đây để ở. Ăn uống thì rau củ ngoài vườn, con cá dưới sông cũng sống được qua ngày, tao cần gì ăn mày xứ người. Còn già thì chết là lẽ thường, bác không cần nền y tế tiên tiến kéo dài cuộc sống héo hon lọm khọm. Anh chị không cho bác về, bác tuyệt thực đến mấy hôm. Giờ thì bác về Việt nam rồi. Cha mẹ ở xa cũng  làm khó cho con cái nhưng bác dứt khoát quá thành ra anh chị tôi cũng đành chịu.
Mọi người im phăng phắc lắng nghe câu chuyện căng thẳng của bác bà Mai. Câu chuyện này cũng sốt như câu tuyên bố của ông Chi. Tôi nói:
-       Suy ra là có người thấy sầu riêng ngon, có người thấy thúi chịu không nỗi. Có người nghiện nước mắm, có người nghe mùi thì chạy. Túm lại  tôi nghĩ  là ai thấy VUI ĐÂU SỐNG ĐÓ, THÍCH ĐÂU Ở ĐÓ. Có sức có tiền thì chạy qua chạy lại như bà Hoa, không thì thôi. Không cần phải ai sao tui vậy!.
Văn Mỹ Lan
August 07, 2017