Wednesday, October 17, 2012

KHÓC MUN

http://www.facebook.com/vanmylan
 
KHÓC MUN
Mới sáng sớm vừa tỉnh giấc đã nghe tin dữ. Nghĩ mà thương con Mun nhỏ đã lìa đời. Ta vẫn nhớ ngày nào Mun đi tìm chủ. Nghe cũng kỳ giống chó lại bỏ chủ cũ mà đi. Nhưng nghiệm lại chỉ vì Mun rất sáng, không “ NGU TRUNG” mà bám kẻ chẳng yêu quí mình. Rồi lại nhớ ngày nào Mun hung dữ. Nhỏ xíu con mà sủa tiếng ầm vang. Ai đến nhà cũng không qua anh Mun giữ cửa. Kẻ giàu sang Mun khép nép cho vào. Ai bần hàn Mun chảnh chẹ làm le. Chảnh như thế nên kẻ thương người ghét. Riêng ta thì ngưỡng mộ anh chó nhỏ có  bộ óc rõ to.
Rồi lại nhớ ngày Mun đi lang thang hoa bướm. Dù chơi hoang nhưng không quên trách nhiệm làm cha. Sáng nửa đêm Mun gặm tác phẩm  về nhà.  Mấy con chó nhỏ ôi thôi lủ khủ. Ta nhớ Mun đôi mắt to rất sáng. Đôi mắt van nài bà chủ nuôi giúp con thơ. Tiếc thay anh làm cha mà không qua cưới hỏi. Thế cho nên anh chẳng được gần con. Ta vẫn nhớ vẫn thương anh ngày đó. Ôi con chó nhỏ mà sao có trái tim của một con người.
Ta lại nhớ Mun tha đâu về một con mèo nhỏ. Chó với mèo mà Mun vẫn mở lượng từ bi. Bạn ta nói Mun ngày đêm canh giữ, bảo đảm cho chú mèo ướt được ấm áp an toàn. Trong lòng ta thương Mun thêm nhiều nữa. Vẫn ước ao có chú chó nhỏ hay lạ như Mun. Vậy mà sáng nay ta nghe tin dữ. Lòng bàng hoàng như đánh mất người thân. Thôi thì đến giờ Mun phải hoá kiếp rồi. Kiếp sau nữa cứ làm chú chó nhỏ , với yêu thương tràn ngập trái tim mình. Kiếp sau nữa Mun cứ làm chú chỏ nhỏ nhưng nhớ vào nhà chủ tốt như mẹ Giang nha Mun!
Vĩnh biệt Mun
Oct. 17, 2012
Văn Mỹ Lan

Friday, August 10, 2012

ĐẠI GIA BÊN ĐÓ, OSHIN BÊN NÀY

-->
ĐẠI GIA BÊN ĐÓ, OSHIN BÊN NÀY
Qua thăm con, nhà nó ở xa khu cộng đồng người Việt, sợ tôi khát bạn, các con tôi cứ an ủi:
-       Trời ơi mẹ của Anh Phương cứ đòi qua nhà mình gặp mẹ hoài, bà thèm nói tiếng Việt quá trời luôn.
Hôm gặp Phương Anh, bạn của Công, con rể tôi, cô nói:
-       Ít bữa nữa ba con qua, con đưa qua gặp hai bác nha. Mấy bữa nay mẹ con cứ đòi qua đây…
Hình như đám nhỏ ái ngại cho chuyện đám già ở xứ người mà lại ở ngay khu Mỹ trắng không có bạn nên tụi nó cứ gặp mặt người lớn là buông ra một câu hứa hẹn, tôi  dùng chữ “ hứa hẹn” là vì có khi nói hoài tụi nó vẫn không thu xếp được để đám già gặp nhau.  Phải dùng chữ “ thu xếp “ vì tụi nó sẽ có trăm lý do để cuối cùng không làm gì cả, khi thì do đi làm cả ngày trong tuần, cuối tuần lại chăm chút cái nhà đã bỏ phế cả tuần , rồi còn phải làm bổn phận với con cái, phải đưa bọn nó đi chơi hay phải ngồi chơi với  chúng nó để tạo sự gần gũi liên kết với gia đình. Nói chung hoạt động nào cũng phải ưu tiên hướng đến gia đình nhỏ của chúng và bổn phận của chúng với con cái , còn hoạt động hướng tới cha mẹ  thì thường phải xếp hàng chờ, cái hàng thường bị chen ngang bởi bao nhiêu cái đến bất ngờ không tên nên cái vui của cha mẹ cứ “ standby”.
Cuối cùng thì cũng có ngày Anh Phương đưa mẹ, chị Thanh Phương tới nhà con tôi chơi. Chị gặp tôi mừng như gặp cố tri dù đây là lần đầu chúng tôi gặp nhau. Chị nói huyên thuyên như sợ dừng lại là không được mở miệng nữa. Anh Phương lằng nhằng :
-       Mẹ nói nhiều quá.
Chị Thanh Phương xác nhận ngay :
- Mẹ vốn nói nhiều mà con.
“Mẹ vốn nói nhiều”, nghĩa là chị  vốn có nhu cầu nói, nhu cầu giao tiếp với xã hội  nhưng theo lời chị thì chị đã ngậm miệng lâu lắm rồi vì con gái lấy chồng Mỹ, chị thì chỉ dăm chữ tiếng Anh nên không trao đổi với con rể được, con gái thì bận túi bụi vì việc cơ quan, việc nhà, việc làm thêm nên trao đổi với chị, hầu như chỉ là những yêu cầu giúp đỡ, không phải là những phút trao đổi tâm tình mà chị thèm khát.
Tôi hỏi:
-       Chị có ý định ở đây không?
-       Mình có thẻ xanh rồi nhưng ở đây thì chắc 55% thôi. Ở đây hình như mình  không còn sống cho mình nữa.
-       Nghĩa là thương con thương cháu thì thương nhưng mình cũng còn thương thân chứ gì? Tôi như nói cho bản thân mình.
-       Chính xác là vậy đó. Mình đã một đời lo cho con rồi, giờ cũng muốn nghỉ ngơi. Như ông nhà tôi, ổng ngán qua đây lắm.
-       Sao vậy?
-       Thì chị nghĩ coi, bên ấy ổng nhà cao cửa rộng, cơm dâng nước hầu, qua đây ổng không quen tự phục vụ bản thân …
-       Mình cũng nên làm quen với chuyện tự phục vụ bản thân chứ. Bên này triệu phú đô la cũng phải tự lái xe, tự lo điểm tâm, không phải lệ thuộc người làm.
-       Thì cũng biết vậy nhưng nếu mình có điều kiện không mất thời gian cho mấy cái chuyện linh tinh như quét nhà giặt giũ, lau dọn để dành thời gian kiếm ra tiền nhiều hơn thì mình cũng đâu cần phải…
-       Ý chị nói là lao động của anh nhà cao cấp hơn nên anh cũng không cần làm quen với mấy cái chuyện lao động chân tay…
-       Thì vậy!
-       Vậy thì anh cứ mướn người giúp việc. Nếu thực sự là đại gia thì anh phải dám bỏ tiền ra mướn người giúp việc và anh sẽ có người hầu ngay…
-       Thì lấn cấn là ở chỗ đó. Bên đó mình dư tiền để thuê mướn vài người , qua đây thì một người cũng không dám thuê vì đại gia bên đó chưa chắc đã là đại gia bên này.
-       Vậy nếu muốn làm đại gia thì ở bên đó, qua đây chi?
-       Thì mỗi người cũng có cái khó riêng, hai đứa con đi học bên này rồi lấy vợ lấy chồng bên này hết.  Ở bên đó thì nhớ con thương cháu, qua đây thì thương thân …
-        Chị nói chữ  “ thương thân” nghe thảm quá?
-       Vậy chứ chị không thấy sao, qua bên này  với con mà cả ngày có gặp nó đâu. Nói là vì cháu thì đứa lớn đi học cả ngày, đứa nhỏ thì mình phải trông…
-       Thì qua đây anh chị cũng có đi đâu được, sẵn trông cháu luôn…
-       Thì cũng biết vậy nhưng suốt ngày cứ ở nhà với cái đứa con nít chưa biết nói, chưa biết chia sẻ lại không được tuỳ tiện nghỉ ngơi làm cho mình cảm thấy mệt mỏi. Dẫu gì thì mình cũng già, tính nghỉ hưu bây giờ lại có “ job” mới phải chuyên tâm hơn cái job kiếm tiền hồi nào nữa…
-       Nghe chị than mình cũng cám cảnh, mình cũng sắp có cháu…
-       Có đi rồi chị biết. Bỏ thì thương. Vương thì tội. Mà đàn bà mình lục thục chuyện bếp núc hay chăm cháu dù mệt cũng có cái vui, còn đàn ông có khi không biết làm gì mới khổ…
-       Khổ sao? Thì chị nói ảnh tìm việc mà làm như ông nhà tui lúc nào cũng làm không hết việc cho con. Khi nó sửa nhà thì phụ dọn dẹp, nhà cất xong thì phụ xây kho, lót gạch ngoài sân, trồng cỏ, chăm sóc sân vườn…
-       Là tại nhà con chị có sân vườn rộng để ông nhà chị cắt cỏ trồng rau, còn cái sân nhà con gái tui có tí tẹo mà nó cũng trồng cỏ mất rồi. Hơn nữa ông nhà tui cũng không khéo tay, cũng không có cái thú sân vườn. Ở Viêt nam ông có hội có bè, muốn tập họp nhắn mấy cái tin, nửa tiếng sau chiến hữu đủ mặt...
-       Nghe chị nói mình mới nhớ, mình có một chị bạn, có hai cô con gái đang theo học  Y- Nha bên này, chắc cũng còn lâu mới xong. Tụi nó lại có bạn trai cả rồi nên chắc học xong cũng lấy chồng ở lại đây. Chị ấy có điều kiện để qua đây ở lại nhưng chị nghiện Oshin nấu cơm rửa chén, giặt đồ với thêm mấy cái mục gội đầu, làm móng, massage ở Việt nam…
-       Ừa thì đã nói đại gia bên đó qua đây có khi hơi sốc. Bên đó xài thoải mái nhưng qua đây tiền của như teo tóp lại, xài cho cái mục gội đầu làm móng hơi phê, chưa kể là dịch vụ không vừa ý như ở bên nhà mà  tiền tip thôi cũng còn hơn tiền phải trả bên kia, lại còn cái khoản phải đi xa. Với lại  cuộc sống bên này  có nhiều cái khác, mình như biến mất trong cõi người ta, không ai dòm ngó hay cần biết mình là ai. Người ta thích gì mặc đó, mặc cho mình chứ không phải mặc để ai dòm ngó phê bình …
-       Còn như mình lúc ở Việtnam, ở nhà thì cơm dâng nước hầu tận răng, ra đường thì xe đón xe đưa nhưng mình thấy đời sống gia đình bên này hình như chặt chẻ hơn. Những ngày lễ phần lớn người ta về nhà. Mấy anh chồng xăng tay lên chia sẻ việc nhà với vợ. Người nấu cơm người rửa chén, người trông con người giặt đồ. Vợ cho con bú ban đêm thì ông chồng có nhiệm vụ vác con lên vai cho bé ợ, khỏi bị ộc sữa…Các ông không câu nệ, tị hiềm chuyện đàn bà đàn ông và không có thời gian lê la nhậu nhẹt, gái gú…
-       Nhưng bên này buồn quá, suốt ngày ở nhà không gặp ai, cứ  như bị giam lỏng nhất là mình không thể tự lái xe hay  tự đi đâu, mà xét cho cùng muốn đi cũng không biết đâu mà đi, nhất là ở cái khu tìm hoài không ra một cái đầu đen.
-       Nghe chị than mình cũng cám cảnh nhưng mỗi người một hoàn cảnh. Có khi cả đời chờ đến ngày nghỉ hưu để nghỉ ngơi thì giờ phải theo con, phụ con. Nghiệm lại những ngày còn đi làm lo cho con cũng không cực bằng bây giờ ở nhà lo cho cháu, mà có phải ai ép uổng gì mình được đâu. Chỉ tại mình không đủ mạnh dạn sống cho bản thân, cũng không đủ dứt khoát để hi sinh cho con cháu. Lấn cấn như vậy làm mình tự thấy khổ.
Nghe tôi nói vậy chị Thanh Phương thở dài, đánh sược một cái:
-       Thế nên ai hỏi tôi đã quyết sống bên này chưa tôi không thể trả lời ngay được. Chẳng lẽ về Việt nam sống một mình mà ở đây không có cái xã hội của mình, phải theo cái xã hội xa lạ của con thì thấy cái tuổi già của mình già thiệt, như sống để chờ chết.
-       Nghe chị nói mình hết sức thông cảm luôn. Có lẽ chị phải cố lái cho được xe, lâu lâu  hẹn hò đi đâu đó chơi với bạn bè. Làm quen với các mạng xã hội cũng đỡ lắm. Mỗi năm về Việt nam vài tháng để lên hương, nạp lại năng lượng rồi lại qua đây với con. Chứ hoàn cảnh như tụi mình thì tập khi làm chủ, khi làm tớ vậy. Đành làm đại gia bên đó Oshin bên này thôi.
-       Chắc đành phải chịu vậy thôi.
Hai bà bạn già cùng cười, chấp nhận phần đời đành phân đôi từng lúc từng khi vậy.
Thousand Oaks ,ngày 22/7/2012

Saturday, May 19, 2012

BÂY GIỜ TÔI SỐNG CHO TÔI


BÂY GIỜ TÔI SỐNG CHO TÔI

Đám giỗ Long, người mà Phong rất quí mến khi anh còn sống nhưng hôm đó anh bảo vợ là anh sẽ đi dự sinh nhật của một cô bạn trong nhóm khác được tổ chưa cùng ngày. Chỗ đó chắc chắn vui vì anh sẽ gặp được những người chung diễn đàn, có nhiều cái chung để chia sẻ, có nhiều cái vui để cười. Anh nói:
-       Anh chỉ đến thắp nhang rồi về dự sinh nhật Phi Phi.

Ngọc Chân không tin vào tai mình, chồng chị từ nào tới giờ luôn sống mẫu mực , theo khuôn phép, làm gì cũng nghĩ đến người khác, vì người khác mà hành xử nhưng nay sao lại dứt tình, bỏ cái “nghĩa” với người quá cố mà đeo theo cái vui “hời” bên ngoài. Thế nên mới nghe qua quyết định của chồng lúc đầu chị giận, sau  thì suy nghĩ lại khi nghe chồng nói:
-       Anh không thích cái kiểu giỗ quảy như thế. Rình rang như một đám cưới. Sự hiện diện của anh có giá trị gì trong một biển người đó?
-       Nhưng anh đến vì người đã mất…
-       Người đã mất nằm trong tim anh nè. Anh đến đó thắp cây nhang là đủ. Không phải ngồi đó ăn cho tàn mâm mới gọi là có tình…
-       Nhưng đám giỗ là để họp mặt tưởng nhớ…
-       Bao nhiêu người thực sự đến đó để tưởng nhớ anh Long? Hay họ chỉ đến vì họ sợ người ta nói họ không tình nghĩa, sợ những quy định xã hội…
Hôm đó hai vợ chồng mỗi người đi một nơi dù hai nơi điều là bạn chung. Anh chồng đến thắp cây nhang rồi chuồn mất, Ngọc Chân ở lại cho đến tàn tiệc.
Dù làm theo ý mình nhưng đi giỗ một mình chị cũng không vui và bắt đầu suy ngẫm. Thực ra chị cũng không hề muốn đến dự cái đám giổ này nhưng không đi chị thấy mình bạc tình, chính xác hơn là sợ bị người ta nói mình bạc tình. Chị áy náy nếu bỏ cái nơi chán ngắt này để qua dự cái tiệc đình đám bên kia nhưng ở lại  thì chị cũng thấy rõ là  mình đang “cố” chứ không thực lòng. Nhìn những người đến ăn giổ buổi trưa mà tội. Họ tranh thủ đội nắng đi mua hoa trái mà tới. . Những người đến buổi chiều thì đa phần còn mặc đồ đi làm, mặt mũi đã mệt mỏi. Nhưng có lẽ đa số đều nghĩ : “ Mình không làm vậy thì coi sao được, hồi xưa mình từng thân thiết với anh, giờ anh ra đi, chị vợ mời, lẽ nào mình lại quay mặt đi.”
Buổi sáng đi bộ với Mây, nghe cô trả lời điện thoại:
-       Thôi, quen biết thân thiết gì mà đi, mình không đi đâu.
Một chị khác nghe vậy bèn góp lời:
-       Tối qua mình cũng mới bỏ một cái đám cưới. Có thân thiết quen biết gì  mà cũng mời gọi. Nhớ có mấy lần đến trung tâm tiệc cưới, bỏ quên cái thiệp ở nhà là coi như huề, chẳng biết cô dâu chú rể nào mà vào bàn. Điện thoại của người mời mình cũng không có…
Mây nghe vậy chen vào:
-       Mấy cái thiệp mời đó là em dứt khoát trả lời không đi. Mắc gì tự nhiên vô đó chịu hành hình với tiếng nhạc ầm ầm chẳng nói năng gì được. Mà được ngồi với người quen còn đở, ngồi với người lạ còn ngán ê chề nữa. Sợ mất lòng thì mình gửi tiền chứ mình không muốn vừa mất tiền, vừa mất cái hạnh phúc được thoải mái ở nhà.
Chi nảy giờ lặng thinh bổng lên tiếng:
-       Nhưng người ta có quí mình người ta mới mời…
-       Có thực sự là người ta quí mình không hay người ta chỉ muốn đám cưới thêm “ xôm” vì một lý do gì đó…
-       Không hẳn vậy đâu chị, đôi khi mình phải mời những người bà con dưới quê lên, họ đi có mấy chục đồng ngàn đồng ở những nhà hàng năm sao thì lời lóm chỗ nào. Cái lễ ở Việt nam nó vậy đó…
-       Nghĩa là những người ở dưới quê đó phải bỏ công bỏ việc lên ăn cái đám cưới mà chưa chắc gì họ muốn đi, nhất là họ nghèo nữa, “ ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày”…
-       Nhưng sự đời nó kỳ vậy đó. Được mời thì than thở, không được mời thì giận dỗi.
Mây lại vẫn kiên quyết:
-       Giận em cho giận tuốt. Lòng em không muốn đi thì em không cần phải miễn cưỡng. Tại sao lại không dám sống thực mà phải dối mình dối người vậy..
-       Chị nói vậy, tới đám của con chị…
-       Mình hả?  Một đám cưới nhỏ, chỉ có những người thật sự quan tâm tới hạnh phúc  của con mình mình mới mời, không miễn cưỡng mời tràn đồng, ai giận chịu. Như hôm đám ma ba mình, mình không báo ai hết. Cơ quan họ trách, mình nói đó là chuyện riêng. Mấy người đó có biết ba mình hồi nào  đâu mà gọi là “ Vô cùng thương tiếc”. Thực tình ông cụ sống đời thực vật hơn năm năm, gia đình còn không “ tiếc” lấy gì mà người dưng tiếc thương chứ.
-       Chị  Mây sống mới quá. Chứ xã hội hồi nào giờ đám ma đám cưới là người thân, bạn bè phải hiếu hỉ…
-       Hiếu hỉ là cái tốt nếu có thật tâm. Còn cứ theo những ước lệ của xã hội thì mình không theo, hủ tục thì nên bỏ đi chứ, biết sai mà không ai dám sửa, bao giờ xã hội mới tiến bộ.
Nghe các bạn tranh cãi Ngọc Chân lại nhớ tới chuyện chồng mình, từ hồi nào giờ anh là con người mẫu mực, đột nhiên một ngày đẹp trời anh nổi loạn, anh dám sống cho mình. Còn chị nổi tiếng là người thành thật với đời nhưng chị đã không dám thành thật với lòng.
Nhớ mới tuần rồi Mỹ mời cả nhóm bạn cũ đi ăn sáng để tiễn Ngọc đi định cư nước ngoài nhưng chị không mời vợ chồng Ngọc Chân, biết được chị không buồn mà còn cảm thấy nhẹ cả mình, đở phải một lần nữa nói lời từ chối. Đơn giản là dù chơi trong nhóm nhưng hai cặp hoàn toàn không có cái gì chung. Nhớ có lần hai vợ chồng chị đi từ quận 2 về Sài gòn ăn sáng, tính có một  sáng chúa nhật lãng mạn với nhau nhưng mới ngồi vào bàn thì vợ chồng Mỹ tới, bất đắc dĩ phải ngồi chung, cả buổi  hai bên gượng gạo, cố rặng cho ra những câu xã giao ước lệ. Ra về Phong lầm bầm : “ Mất cha một buổi sáng chúa nhật”. Từ đó, cứ đi ăn chỗ nào sợ gặp người quen bất đác dĩ là anh chọn ngồi ở cái bàn kê sát tường kiếng, chỉ đủ hai người cho lành, phòng khi có những người mà cả mình và họ, vì quan hệ xã hội, được tiếng là quen, khỏi lấn cấn xem nên ngồi chung ngồi riêng . Bây giờ Mỹ đã dứt dạt không mời gọi hai người là Mỹ đã tiến bộ, dám thẳng thắn sống thật lòng, không câu nệ những mối quan hệ chồng chéo, vị nghĩa hơn vị tình.
Mây hùng hồn kéo chị quay về đề tài đang tranh cãi:
-       Em ủng hộ ảnh Phong nhà chị. Nhất là đến tuổi này, anh chị đã về hưu, chẳng còn bao nhiêu năm để sống cho mình mà còn không dám sống thực nữa thì còn chờ đến bao giờ.
Nghe Mây nói tự nhiên Ngọc Chân nhớ tới sinh nhật của Hồng tuần trước, Hồng phá lệ chỉ mời đám mới sau khi chị nghỉ hưu, lờ hết mấy bạn trong nhóm doanh nhân mà chị gắn bó nhiều năm nhưng giờ chị thấy không còn vui nữa. Mấy năm nay chị tiếc nuối “cái thương hiệu” với những người thành đạt này mà đành chấp nhận làm một bóng mờ nhạt . Nay chị mạnh dạn gạt bỏ cái vỏ ngoài phù phiếm đó để thoải mái với những người có nhiều cái chung như mình, khẳng định được chổ đứng và khẳng định bản thân mình. Những người không được mời cảm thấy nhẹ cả lòng, khỏi phải quyết định đi tới cái nơi mình không hứng tới. Nhưng đời cũng lạ, khi không được mời thì cũng có người  kết tội Hồng bạc tình. Chính Ngọc Chân đã lên tiếng:
-       Thôi bây giờ sống thật chút đi. Chơi với nhau không thấy vui thấy họp nữa thì thôi, sao cố níu kéo cho mệt xác đôi bên.

Nhớ ngày đầu tiên nghỉ hưu ở nhà, việc đầu tiên Hùng làm là đổi sim điện thoại, anh thảy hết mấy cái áo sơ mi đắc tiền, mấy cái cà vạt hiệu vào một cái thùng to rồi anh lấy chân đá nó một cái thật mạnh. Anh đi tha về mấy cái quần  bụi tùm lum túi, mấy cái áo thun màu sắc bụi đời. Anh đi mua cái máy ảnh và bắt đầu một hành trình mới của đoạn cuộc đời. Nơi đó, theo anh, không còn phải lâu lâu chầu chực hầu quan, dạ thưa trong khi miệng muốn chưởi thề. Nơi đó anh không còn phải đau đầu phấn đấu cho đạt được doanh số và phải đối phó với nay chủ trương này mai chính sách nọ.
Ngọc Chân lại nhớ tới bà mẹ chồng mình. Ba ngày sau khi ông nằm yên dưới lòng đất, bà đã cho đi tất tần tật những gì mang dấu vết của ông. Thậm chí bà còn đòi con cháu thay cả cái giường ngủ của hai ông bà.  Và sau khi xoá sạch dấu vết của ông chồng hơn năm mươi năm chung sống, bà lên kế hoạch đi chơi.Nhiều người trách bà bạc tình nhưng Ngọc Chân lại thấy vừa thương vừa nể bà. Năm mươi năm bà đã cam chịu sống với một người chồng hiền lành nhưng không đồng điệu.  Ông thấy chướng khi bà cầm cây đàn mandolin lên gãy. Bà thấy khổ khi nghe ông cư xử cục mịch , nói năng thô lỗ. Bà khoẻ mạnh muốn được đi đây đi đó còn ông thì chỉ thích ở nhà chỉ vì bị cao huyết áp. Bà muốn thăm thú cô bác bạn bè nhưng ông không thích dịch chuyển. Đến khi ông đi thì bà cũng đã tám mươi , may là bà vẫn còn sức khỏe của người năm mươi và bà quyết sống vội. Chị hỏi mẹ chồng : “ Ba chết thấy má có vẻ thoải mái quá há”
Bà cười hả họng, không cần dấu diếm nói: “ Bây giờ tao khoẻ. Tối được ngủ yên, ngày muốn đi đâu thì đâu, muốn làm gì thì làm…”
Nhiều người nói bà bạc tình quá nhưng thấy vậy chị lại xót cho bà, hoá ra mấy chục năm nay bà đã không được sống. Quan trọng hơn trong những tháng ngày không còn dài phía trước, bà đã dũng cảm dám sống thật với mình với đời, điều mà ngay cả những người ở thế hệ sau bà cũng chưa chắc dám làm.
Văn Mỹ Lan
18/5/2012

Thursday, April 26, 2012

SỐNG GIÀ


SỐNG GIÀ!
Tới mừng thôi nôi cháu ngoại Bích Ngọc, không thấy Quế Hương, bạn cố tri của Ngọc, tôi hỏi:
-       Sao bữa nay không thấy Quế Hương tới dự thôi nôi cháu bà vậy?
-       Dự sao được, mấy bữa nay bả te tua rồi?
-       Sao vậy?
-       Ừa, thì mấy bữa nay ông già bệnh. Chắc cũng sắp đi rồi.
-       Thì trên trăm tuổi rồi. Ông đã như thân cây mục, cũng nên để ông thay đổi hình hài khác đi chứ. Nhưng còn anh cả đâu? Nghe đâu anh cả chăm ông cụ mà.
-       Ổng xụm luôn rồi.  Mà nói tới ông anh cả của bả mới tội, ổng gần tám mươi rồi mà không được hưởng tuổi già, được sống gần con cái ở Quy nhơn mà phải ở đây lo cho ông già hơn trăm tuổi mới khổ chứ.
-       Nhà Quế hương đông mà, sao lại bắt ông già trẻ chăm ông già già?
-       Thì tại vì ổng là anh cả với lại mấy người kia ở nước ngoài hết rồi. Phần cũng tại ổng nghèo nhất , không có tiền lo cho cha thì phải lãnh phần chăm sóc ông cụ chứ. Mấy người kia chu cấp tài chánh. Đứa bỏ công, người bỏ của mà.


Nói tới anh em ở nước ngoài của Quế Hương tôi mới nhớ là lâu lâu ông cụ làm mệt, Quế Hương gọi các anh chị mình về. Khi về tới nơi thì ông cụ khỏe lại. Cứ thế trong hai năm các anh chị của Quế Hương phải tức tốc về tới bốn lần mà ông cụ cũng chưa đi. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, có hai ngừơi anh của Quế  Hương lại dám bỏ việc hoài nên bị mất việc luôn, nhưng bổn phận làm con mà, biết sao giờ?
Không có Quế Hương tôi mất bạn tung hứng nên truy Ngọc:
-    Nhưng sao tự nhiên Quế Hương lại te tua?
-       Thì ông già hơn tám mươi phải chăm ông già hơn một trăm, nên ông già già chưa khỏe thì ông già trẻ đã sụm rồi . Vậy nên bây giờ Quế Hương phải chăm cả hai ông chứ sao.
Tự nhiên Bích Ngọc cười khùng khục :
-       Nhớ bữa hổm ông anh cả than với tui, ổng nói :’ Trời ơi, hỏng biết chừng nào ông già chết cho tui khỏe vài năm trước khi theo ông bà tổ tiên đây!”
-       Nói gì thảm vậy?
-       Bà nói “ thảm” là ai thảm?
-       Thảm cho cả hai. Bởi vậy mai mốt tốt nhất đừng có chúc ông bà sống lâu trăm tuổi rồi rên nha.
Nói chuyện với Ngọc Bích xong tôi thẩn thờ. Từ cổ chí kim, từ vua chúa cho đến thứ dân, ai cũng mong được trường sinh bất lão nhưng liệu thọ quá có phải là điều hay ho cho bản thân và cho người thân không?  Tuổi già lú lẫn, hình hài nhăn nhúm, sức khỏe suy giảm. Tôi nhớ khi còn nhỏ, dù được cả nhà dạy phải biết kính yêu bà cố nhưng đứa cháu nhỏ của tôi dứt khoát không thấy thoải mái với bà. Có lẽ khi nó có ý thức chút thì bà đã nhăn nheo xấu xí quá rồi, hình ảnh của bà không giống với bà tiên trong truyện cổ tích nữa. Khi đó, bản thân bà không tự chăm sóc được nên bao người lớn quanh nó phải dành sự chăm sóc cho bà nhiều hơn cho nó và nó thì luôn bị mắng mỏ vì ồn ào, vì phá phách làm bà không nghỉ ngơi được. Dạy dỗ gì thì nó cũng thấy mình thiệt thòi vì bà nên nó cứ mơ hồ, miễn cưỡng ghi nhận công lao dưỡng dục xa xưa của bà… thế nên gia đình dòng họ cứ trách móc nó không ngoan, không biết ông bà, bây giờ nó là đứa cháu vô tình, không biết cội nguồn mai mốt chắc là đứa con bất hiếu.

Tôi nhớ có lần đến tiệm làm tóc, con bé  làm móng cho tôi khoe:
-       Bà cố của con năm nay 115 tuổi rồi, bà được cả chủ tịch tỉnh đến thăm đó cô.
-       Bà con thọ quá há. Vậy bây giờ ai lo cho bà?
-       Dạ, ông ngoại tám của con nuôi.
-       Vậy ai nuôi ông ngoại?
-       Dạ mấy cậu mấy dì nuôi.
-       Mấy cậu mấy dì khá không?
-       Dạ nghèo lắm.
-       Có bà thọ đến vậy chắc thích lắm hả?
Nó trầm ngâm một hồi rồi nói:
-       Dạ thích chứ cô. Dòng họ con ai cũng thích bà thọ để khoe, chỉ có ông ngoại tám của con thì không thích lắm. Ông nói:” Phụ tiền bạc chăm lo cho ông bà là chuyện dễ, trực tiếp chăm lo bệnh hoạn, chịu đựng tính khí của người già mới là khó”.
Câu chuyện của con bé làm móng làm tôi nhớ tới câu chuyện buổi sáng khi tôi đi bộ cùng các bạn trong cùng khu phố, đề tài vô tình nói về tuổi già và về việc phụng dưỡng cha mẹ già . Chị Xuân nói:
-       Dì của em năm nay tám mươi sáu tuổi rồi mà còn làm dâu đó.
-       Vậy bà mẹ chồng chắc thọ lắm.
-       Bà đã hơn trăm tuổi. Mấy chục năm trước khi chú em đi bộ đội về hưu, thấy bà đã hơn tám mươi bèn quyết đem bà về nuôi, nghĩ mẹ chắc cũng không còn sống bao lâu nữa, ráng gần gũi phụng dưỡng mẹ vài năm nhưng tới giờ đã gần hai mươi năm bà vẫn ăn khỏe và vẫn đòi hỏi cơm dâng nước hầu, trà thuốc mỗi ngày làm dì em oải muốn chết.
-       Nhưng cha mẹ già thì mình phải phụng dưỡng chứ sao!
-       Thì đó là bổn phận mà, có điều dì của em cũng đã hơn tám mươi, con dâu dì thuộc thế hệ mới, nó không chịu hầu dì mà dì thì không dám không hầu mẹ chồng.
-       Đó là bất hạnh thế hệ của dì đó. Người ta gọi thế hệ 5X là thế hệ trắng tay, hồi nhỏ thì sợ cha mẹ, khi cha mẹ lớn tuổi thì tự cho mình có bổn phận phải phụng dưỡng. Đối với con cái thì không dám uy quyền, nếu không nói là dốc hết sức mà lo cho con nhưng lại không dám mong con cái lớn lên sẽ chăm lo cho mình, sợ làm phiền nó…
Câu chuyện của chị Xuân làm tôi nhớ tới có lần tôi gặp hai bà lão ở New Jersey. Bà lão người Việt cứ theo nài nĩ tôi nhờ tôi nói giúp với cha xứ mà tôi thân, để cha nói  với con cái bà cho bà được vào Viện dưỡng lão người Việt, lý do là vào ngày thường, con cháu bà đứa đi học, đứa đi làm. Tối về thì đứa nào về phòng đó. Suốt ngày bà ở nhà một mình buồn quá, bà ước ao có tiếng nói đồng hương hay tiếng nói của con người  cho đỡ cô quạnh. Tôi nói lời thỉnh nguyện của bà với cha xứ, cha xứ nói đó là chuyện riêng của gia đình con chiên, cha không muốn can thiệp. Rồi cũng trong những ngày đó, cũng tại khu phố đó, tôi lại tiếp xúc với một bà lão gần tám mươi người Mỹ, chân cũng đã run, mắt cũng đã mờ rồi mà lại sống một mình. Bà ham chuyện lắm nhưng khi hỏi bà ở một mình có buồn không, sao không ở chung với con cháu cho vui. Bà nói dứt khoát:
-       Con tôi nó có cuộc đời của nó. Tôi không muốn và không thể trói buộc cuộc đời nó vào cuộc đời tôi vì tôi sống già.
-       Nhưng đó là bổn phận của con cái đối với cha mẹ lúc về chiều mà .
-       Giáng sinh, sinh nhật tôi có khi nó dẫn vợ con về thăm. Vậy là đủ. Còn bình thường mỗi năm nó chỉ có một số ngày phép, tôi không cho phép mình bắt nó về thăm hoài mà để nó thoải mái đưa gia đình đi đây đi đó. Đòi hỏi ở con là ích kỷ.
Đúng là Tây Ta có khác. Tây nuôi con, khi con vừa lớn đủ, Tây thả cho con vào đời, mong con như cánh chim trời, có sức bay càng xa càng tốt. Tây vui khi dõi theo cánh chim bay. Ta nuôi con, ngày nào còn khả năng, ta vẫn còn muốn giang đôi cánh ra để ấp ủ chăm lo cho con dù cho con có lớn đến bao nhiêu tuổi . Rồi cũng vì cách nuôi dưỡng yêu thương không bờ bến đó, khi già, ta mong con cũng quay lại dòm ngó đến ta dù chỉ bằng một phần nào tình yêu thương mà ta đã cho. Ta nắm níu nhau qua lại, ta làm ấm lòng nhau cũng có mà phiền lụy nhau cũng nhiều.
Trở lại chuyện con bé làm móng, tôi hỏi:
-       Bà con đẹp lão không, hôm nào cô đưa chú tới chụp hình bà nhá.
-       Dạ bà không khỏe lắm đâu cô, bà của con lòa rồi, chỉ nằm một chổ thôi.
Nghe con nhỏ trả lời tôi lại nhớ tới một bà lão người dân tộc ở Bảo lộc đã 103 tuổi, da bà đen nhẻm, từng centimet da thịt hiện lên những nếp thời gian trông hay ho và đẹp đẻ lạ lùng. Toàn thể con người trần trụi của bà  như một món đồ cổ xưa. Ánh mắt của bà trắng dại đưa ta ngược về cả thế kỷ trước. Nói chuyện với con cháu bà lão mới thấy họ kính yêu và quan tâm đến bà vô cùng, nó nói:
-       Hôm trước bà con bệnh, cả nhà con bỏ hết nương rẫy về chăm bà.
Nghe con nhỏ nói về bà với cái giọng thiết tha làm tôi thầm cảm mến em, người dân tộc không cần học Khổng Mạnh cũng biết kính yêu ông bà. Em  khoe tiếp:
-       Bà em nuôi cả nhà đó cô.
-       Nuôi cả nhà? Bà già vậy thì có sức đâu mà làm nuôi cả nhà?
-       Dạ, tại cô không biết, già thiệt già thì không cần làm gì cũng có tiền mà cô. Nhà nước cho mỗi tháng vài trăm ngàn. Lâu lâu mấy cô chú vô chụp ảnh chừng vài giờ cũng được cả trăm ngàn. Chưa kể khách nước ngoài đến chụp ảnh thì còn cho cả giấy xanh, bán được nhiều tiền lắm. Cả nhà con kiếm tiền không bằng một mình bà đâu.
-       Vậy nếu bà không kiếm được nhiều tiền thì có yêu quí bà không?
-       Có chứ cô. Vẫn yêu quí bà chớ nhưng nếu bà bệnh tốn tiền quá thì không mong bà sống lâu đâu. Bà sống đủ rồi thì thôi, để dành ngô khoai nuôi trẻ nhỏ.
Lời con bé người dân tộc làm tôi ngẫm nghĩ hoài” Sống đủ rồi…” Thế nào là sống đủ, ai có quyền định cái chữ đủ ở đây. Phải chăng sống khỏe như bà lão người dân tộc thì sống hoài vẫn chưa đủ, còn sống mù lòa yếu đuối như bà cố của con bé làm móng là quá đủ. Nhưng đủ hay không đủ thì ai có quyền quyết định, kể cả bản thân của người đó.
Tôi có quen biết một đôi vợ chồng nay đã ngoài bốn mươi rồi mà không dám có con cái gì, ở vây nuôi chó và chăm hai bà mẹ hai bên với một người giúp việc. Bà mẹ bên vợ bị bệnh tiểu đường nằm bẹp trên giường không tự lo cho bản thân được. Đã vậy bà lại còn mất trí nhớ, bà chẳng còn nhớ được ai trừ con chó nhỏ vẫn quấn quít bên bà và đứa con gái đang ngày đêm chăm lo cho bà. Khi bức bối là bà la hét. Mỗi đêm hai vợ chồng phải thức dậy giúp bà tiểu tiện và tiêm thuốc cho bà. Bà mẹ bên chồng vẫn còn đi lại được nhưng cũng đã đã ngoài tám mươi. Tôi đã chính mắt thấy anh chồng đút cơm cho mẹ mình với một đôi mắt yêu thương. Hai vơ chồng này chưa hề biết đi đâu chơi xa là gì. Đến ngày tết, ngày lễ còn thê thảm hơn vì người làm nghỉ hết, hai vợ chồng phải đích thân lo toan mọi bề cho hai bà mẹ. Tôi nhìn tình cảnh của họ mà cảm kích, thương cho sự hiếu thảo hiếm hoi còn sót lại trong thời buổi này. Tôi nhớ có một người bạn thấy xót cho sự thiệt thòi cực khổ của đôi vợ chồng trẻ bèn xúi dại người chồng:
-       Bà mẹ vợ của mầy sống đời thực vật lại không còn nhận biết ai nữa. Để bà sống thì khổ bà mà khổ luôn tụi bây, mầy để bà đi cho rồi…
-       Người ngoài bao giờ cũng thấy khác, cảm khác, còn người thân trong cuộc thì không thể dứt ruột ra mà làm vậy được đâu.
Trông người lại nghĩ đến mình. Giờ bản thân cũng đã nghỉ hưu, đã xếp vào hàng “ bà bà” rồi, cái ngày mình già nua yếu đuối lẩm cẩm đang sầm sầm bước tới, không biết sức khoẻ mình rồi sẽ ra sao, con cái sẽ đối xử thế nào. Nữa đây khi đã già, đã yếu, đã chết được rồi mà trời chưa cho đi thì có dám tự xử không hay lại kéo lầy nhầy những ngày tàn héo úa. Đọc báo thấy tổ chức Y tế cứ nói hoài những bệnh của người già, quỷ hổ trợ người già, nước này đang già, nước ta cũng sắp già rồi tưởng tượng nếu mai này ra đường thấy ai cũng nhăn nheo, đi đứng chậm chạp, nói năng lập cập mà sống hoài không chịu đi…thì loài người có nên tiếp tục nghiên cứu để con người trường sinh bất tử chăng?
Văn Mỹ Lan
Ngày 25/4/2012




Monday, April 16, 2012

CHƠI THÂN


facebook.com            
     CHƠI THÂN!

                        Thế gian có đến triệu người
                        Với em chỉ thấy một người là anh
                        Thế gian có đến triệu người
                        Sao anh quên mất một người là em?

Chơi thân với đứa không thân
Chỉ vì nhà nó ở gần nhà anh!

Muốn sang thăm bạn nhiều lần
Chỉ vì muốn thấy xa gần bóng anh
Muốn sang thăm bạn nhiều lần
Chỉ vì mong có một lần  được yêu

Ví dầu anh chẳng yêu em
Thì cho em biết kẻo  em đợi chờ
Ví dầu anh chẳng yêu em
Thì cho em biết, chớ lững lờ  tội em

Văn Mỹ Lan, 25/5/04

Bài thơ này viết riệng cho truyện ngắn  ĐƯỢC VÀ MẤT
http://www.blogger.com/blogger.g?blogID=3374539763689475994#editor/target=post;postID=2403876097377688932








                        

Sunday, April 15, 2012

Người Đà lạt bây giờ phong phanh chỉ một chiếc áo như người Sài gòn. Không còn thấy những cô gái má luôn ửng hồng, giọng nói luôn nhè nhẹ, ngắt từng câu ngăn ngắn. Rừng thông Đà lạt không còn bao trùm cả thành phố và sương không còn luôn phủ cả núi đồi. Ôi, Đà lạt thành phố mộng mơ của tôi đâu rồi!
facebook.com

Sunday, April 8, 2012

CHIÊC VÒNG CẨM THẠCH

https://www.facebook.com/vanmylantruyen/
Chiếc vòng cẩm thạch.

Tôi đeo chiếc vòng này chắc phải hơn mười lăm năm  rồi. Nhớ hồi đó, không bíêt tại sao tự nhiên tôi ao ước có một chiếc vòng cẩm thạch màu xanh biếc mãnh liệt đến độ tôi quyết tìm mua ngay và phải mua cho bằng được một chiếc vòng cẩm thạch thật như ý. Một vài ngày ráo riết tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng mua được một chiếc vòng từ một người chuyên bán cẩm thạch cho một gia đình chuyên chơi ngọc
                                     
Minh, chồng tôi đã xăm xoi kỹ lắm khi lựa chíếc vòng  cho vợ. Anh phân vân giữa hai chiếc vòng có  ưu và khuyết điểm khác nhau. Một chiếc không xanh biếc nhưng xanh đều. Một chiếc xanh bíêc nhưng có một vết đen nhỏ. Minh bảo tôi chọn lại một trong hai chiếc. Tôi quyết định chọn chiếc vòng không hòan chỉnh.

Chiếc vòng theo tôi nhiều năm. Hình như càng lúc nó càng bóng hơn, xanh hơn. Nó cũng là đề tài trao đổi với nhiều người quan tâm tới cẩm thạch. Mỗi lần tôi sang công ty bạn làm việc thì chị giám đốc công ty hay nắm tay tôi ngắm nghía chiếc vòng, bình luận về vòng rồi đem khoe tôi chiếc vòng xanh ngắt  của chị r. Chị nói là đã có nhiều người trả chị hơn US$10,000 nhưng chị không bán vì đó là của gia bảo. Chiếc vòng của tôi để cạnh chiếc vòng gia bảo của chị bạn thì nó trở thành chiếc vòng lọ lem và tôi xấu hổ chỉ muốn rút tay về mà dấu nó đi. Nhưng mỗi lần gặp má của Quý Lan, một người rất am tường về ngọc thì tôi lại được dịp nở mũi vì bà cứ giữ chặt tay tôi mà khen nức nở : “ Cô có chiếc vòng đẹp rứa. Chiếc vòng này mới quý làm sao!’
Seng Meng, một đối tác người Singapore của tôi thì cứ bảo Minh rộng rãi để cho tôi sắm một chiếc vòng quý, thực ra ông không bíêt rằng hồi đó tôi mua chiếc vòng đó không mắc lắm, nhưng có lẽ màu xanh biếc của nó đã làm ông lầm tưởng trị giá của nó phải hơn thế nhiều. Rồi khi có một phóng sự về cẩm thạch, báo đài khẳng định là với công nghệ bây giờ, người ta hòan tòan có thể làm ra một chiếc vòng cẩm thạch hòan hảo, xanh biếc, không chút tì vết. Vậy là cái tì vết không hòan hảo trên chiếc vòng của tôi làm cho nó tăng giá trị vì chắc chắn nó là cẩm thạch thật, giống như rau có sâu là rau không có thuốc trừ sâu hay dư lượng thuốc trừ sâu mà người tiêu dùng bây giờ rất ngại

Tôi vốn mê thể thao. Hết cầu lông rồi đến tennis. Các ông thầy dạy tôi đều hăm he là có ngày tôi sẽ làm bể chiếc  vòng. Tôi nhớ có lần anh Phúc, một đối tác làm ăn lâu năm với tôi hay trầm giọng nói mỗi khi nhìn chiếc vòng của tôi : “ Chị cẩn thận. cẩm thạch mà bể thì xui lắm đó. Má tôi làm bể chiếc vòng cẩm thạch và ngay sau đó là em gái tôi bị tai nạn mất”. Lời anh Phúc ám ảnh tôi, tôi sợ chiếc vòng bể quá. Con gái  tôi đi học xa. Ba má tôi đã già, má tôi lại hay bị cao huyết áp đột ngột, tôi sợ chiếc vòng một ngày nào đó vô tình báo hung  tin.. Tôi mua cái băng tay để bảo vệ cái vòng khi chơi thể thao. Tuy vậy, cũng có ngày tôi quên đeo băng, vậy là hôm đó tôi chơi không thoải mái , lòng cứ nơm nớp lo sợ. Một hôm tôi nghe được một bài giảng của Thầy Nhất Hạnh. Thầy nói của cải hay tình yêu cũng giống như chuyện người nông dân mất bò. Có bò thì phải chăm bò và sợ mất bò. Không có bò thì không lo mất bò. Tình yêu cũng là một con bò, nhà cửa, xe cộ , tất thảy cái gì mình sợ đánh mất  thì nó cũng giống như những con bò của người nông dân. Rồi tôi chợt nghĩ có phải tự tôi đeo gông bò vào cổ mình không, không có chíêc cẩm thạch trên tay thì tôi vẫn là tôi, cớ sao tôi cứ vì nó mà có khi phải nơm nớp lo sợ nó vỡ, nó xui. Tôi nung nấu ý nghĩ sẽ bỏ gở chiếc vòng. Ý  nghĩ tháo bỏ chiếc vòng khỏi tay cũng quyết liệt như khi tôi muốn có nó trên cườm tay của mình. Đeo vòng vô tay rất khó, tháo nó ra còn khó hơn nhiều. Tôi thử tháo mấy lần cũng không vuột nó ra được.

Một hôm tôi đi chung xe với Thanh, một cô bạn ở gần nhà một tiệm kim hoàn, khi biết tôi có ý định tháo bỏ chiếc vòng cô bèn bày tôi cách đeo bao nylon vào tay, dùng xà phòng làm cho trơn để tuột chiếc vòng ra. Sáng nay tôi đã là theo lời chị. Hơi đau một chút nhưng cuối cùng tôi đã tuột được chiếc vòng.

Chiếc vòng đã ra khỏi tay rồi. Tôi không còn sợ nó bể, sợ nó báo hiệu một điềm xui xẻo nào nữa nhưng không hiểu sao tôi buồn đến lặng cả người.  Cái cổ tay trống trơn, hình như có nhẹ đi một tí nhưng mà lòng tôi lại nặng trĩu. Một cái buồn không lý giải được. Có phải chăng vì tôi rất con người, tôi vẫn còn thích đeo những gông cùm của cuộc đời, vẫn  còn sẵn sàng đau khổ ưu lo cho những cái mà lẽ ra con người có thể vứt bỏ.

Hôm qua sắp xếp lại toàn bộ hành trang để chuẩn bị cho một chuyến đi xa thật xa, lâu thật lâu tôi lại bắt gặp chiếc vòng cũ. Nó vẫn nằm đó trong cái bao nhung màu đỏ. Tôi lấy nó ra ngắm nghía thật lâu và chợt nhận ra  là lâu rồi mình không có nỗi lo nơm nớp chuyện chiếc vòng bị nứt hay bị đánh vỡ. Tôi nhẹ nhàng cất nó vào bao và đẩy nó thật sâu vào tủ. Tôi không nghĩ có ngày tôi phải vương mang vì nó nữa. 

Văn Mỹ Lan
Sáng 5/2/07