Wednesday, June 14, 2017

CHUYỆN BA BÀ NGOẠI

CHUYỆN BA BÀ NGOẠI

(Câu chuyện này xin được tặng cho các bà ngoại bà nội và các cặp đôi trẻ đang có con nhỏ. Chuyện được viết nhân dịp tiễn một bà ngoại sắp lên đường đi chăm cháu)
@@@@@@@@@@@@@

Trong buổi tiệc chia tay tiễn bà Mai đi về miền đông nước Mỹ để chăm con gái sắp đẻ, đôi mắt rướm lệ, khuôn mặt buồn hiu bà Mai nói như rên:
- Còn có ba ngày nữa là mình phải đi rồi.
Thấy bà căng thẳng quá tôi cố tình trêu:
- Đi nuôi con đẻ mà bà làm gì thảm như Chiêu Quân đi cống Hồ vậy?.
Bà cười, miệng méo xẹo nói:
- Mấy đứa nhỏ nhà mình nói là mình giống như sắp bị đi xuất khẩu lao động.

Tôi nhớ mấy tháng trước bà Mai báo tin:
- Bé An, con gái giữa của mình báo tin có bầu, lẽ ra mình rất mừng nhưng mà bây giờ nghĩ đến chuyện phải đi lên nó ở mình oải quá.
- Là cái con bị bệnh bạch hầu hồi nhỏ, bác sĩ bảo sau này nó khó có con đó hả?
- Ừa thì nó đó. Nó có bầu mình mừng lắm nhưng mình ở đây đang vui vẻ sung sướng quá mà phải bỏ đi lên ở với nó một mình, mình thấy sợ quá.
- Thì bà coi như chơi đi, đâu cần căng thẳng dữ vậy?
- Í, đâu có coi như đi chơi được, giống như đi làm thì đúng hơn. Chứ bộ Lam không thấy ở đây mình an nhiên tự tại quá sao, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn, mà chỉ cần dăm phút ra chợ là có đủ hết các món ăn quen thuộc. Bạn bè hú một tiếng, chờ một chút là có đủ mặt. Ở đây giống như ở Việt nam, lên nó giống như đi Mỹ ở. Chưa kể là thời tiết ở miền Đông nước Mỹ đâu có hợp với người già. Mình lại bị đau đầu gối nữa.
- Ừa thì đi miền đông ở buồn là phải rồi, nếu không giá nhà Cali đâu có mắc phi lý vậy. Tôi cũng có một bà bạn sáu năm nay ở trên đó chăm hai thằng cháu nhỏ, ở không thì làm bạn với youtube hay lướt web, coi phim chứ có bạn bè gì chung quanh đâu. Bả còn nói là mùa đông tuyết đổ ngập cả lối đi, phải cào từ khi tuyết còn là một lớp mỏng, để nó dày là hết mở cửa ra vào.Thị trưởng mà không cào tuyết cũng bị phạt.
- Cào tuyết thì chắc chắn là mình không phải cào rồi nhưng mà không có mấy bà hú hí chắc tui buồn chết. Ai già cũng cần bạn mà.
- Vậy thì bà nói thật với nó, bà sẽ chỉ lên ở đến khi con nó đầy tháng thì về.
- Đâu có được, nó hỏng chịu vậy. Nó muốn mình ở một năm luôn. Bà Mai phụng phịu nói.
- Tôi tưởng ở hay không là quyền quyết định của bà chứ đâu phải của nó. Mà sao hôm trước nó nói nó sẽ gửi con.
- Hôm trước nó nói khác, bữa nay nó nói khác. Hôm trước lúc mình than già than khổ thì nó nói hỏng sao đâu mẹ, con có để dành tiền gửi cháu rồi. Bây giờ nó biểu là nó không tin tưởng ai bằng bà ngoại nên nó muốn chính bà ngoại giữ. Nó nói nó đếm từng ngày để mình lên với nó. Nó nói vậy rồi mình cũng khó từ chối. Mà đi thì mình sợ đủ thứ.
- Sợ gì?
- Con này nó khó lắm. Nó ăn ở ngăn nắp sạch sẽ lắm.Chén bát đũa dĩa nó xếp gọn đẹp như trưng hàng bán vậy. Nhà cửa nó sạch bóng như gương. Chưa kể vợ chồng nó rất hạnh phúc, quấn quít hôn hít nhau suốt ngày nên có khi mình sẽ cảm thấy lạc lõng, thừa thãi. Mình sợ sự thay đổi. Ở đây có nhiều níu kéo hơn, thằng Tịnh, con Trang, con Na rồi còn có bạn bè nữa, chưa kể chùa chiền thân thuộc.

Cái điệp khúc “ sợ” của bà Mai được lặp đi lặp lại từ ngày bà được tin con gái có” tin vui” cho đến ngày bà phải chính thức lên máy bay. Bà vô cùng sợ phải bỏ cái nơi chốn thân quen đầy ắp tiếng cười với mấy bà bạn già vào những ngày cuối đời này.
Nếu con gái bà biết bà khủng hoảng đến độ nào chắc nó cũng không nỡ thúc hối bà đi, ràng buộc bà ở với mẹ con nó. Trong đầu nó cứ nhớ tám năm trước khi bà chị cả của nó có đứa con đầu, mẹ nó đã mừng đến phát cuồng. “Bà ngoại” tương lai đã để cái hình siêu âm em bé còn trong bụng mẹ trên đầu giường để ngắm nghía, đợi mong đứa cháu ngoại đầu tiên ra đời. Khi có cháu ,bà đã lăn xả vô chăm sóc nó, cho bú rồi cho ăn, tắm rửa, thay tả….Thậm chí bà còn xin cha mẹ nó cho bà trông cả ban đêm. Con gái bà nói: “ Con có cảm tưởng nó là con của mẹ chứ không phải của con”, rồi con gái gọi thằng nhỏ con mình là “ Cậu Út’. Có cháu bà bỏ quên ông chồng già, ông than: “ Hồi nhỏ thì bố phải nhường mẹ cho con, giờ ông phải nhường bà cho cháu. Không biết khi nào anh mới có vợ của mình!”
Khi bố mẹ thằng bé dọn nhà ra riêng và mang thằng cháu ngoại đi bà đã hụt hẩng đến độ các con của bà đã nghĩ đến chuyện đi xin một đứa con nít về cho bà nuôi. Thế nên khi có tin vui, con An đã hí hửng báo tin cho mẹ, nó tin là mẹ nó sẽ vô cùng mừng rỡ để được chăm cháu như ngày xưa bà đã chăm thằng Tịnh.
Trong niềm vui khôn tả, con An quên là khi thằng Tịnh ra đời, mẹ nó trẻ hơn bây giờ nhiều, lúc đó bà còn ở những năm đầu của U 60, còn bây giờ bà đã là U 70. Tám năm không chăm trẻ nhỏ, tám năm nhàn hạ rong chơi, tám năm ung dung tự tại làm bà ngán ngại phải trói mình vô những công việc khi xưa bà vô cùng hào hứng và bây giờ bà vô cùng chán ngán. Bây giờ bà chỉ muốn được chơi với cháu chứ không phải “được” chăm cháu. Đơn giản vì bây giờ hai gối bà đã mỏi, các khớp xương đã rất hay kêu lộp cộp mỗi khi bà di chuyển . Bà thấy khó khăn mỗi khi phải lên lầu hay xuống cầu thang. Bà cũng không tự tin mình đủ sức ẳm cháu một em bé lai, chắc sẽ lớn con hơn dân Á thuần chủng.
Bà Mai sợ đủ thứ, sợ ngủ quên khi trông cháu, sợ mệt mà không được nghỉ, sợ lướng vướng trong tổ ấm ba người của con, sợ cô đơn lạc lỏng trong căn nhà mình được chủ nhân thiết tha mời gọi.

Nhiều nỗi sợ đeo bám làm bà khổ sở trước với những điều có thể không xảy ra. Mà đâu phải chỉ bà Mai sợ, bà Hoa cũng sợ:
- Tháng chín này con Cát Tường nhà tôi sanh. Cũng như bà, tui cũng phải đi lo cho nó thôi mà tui lại không hợp với chồng nó lắm mới khổ chứ.
Bà Lam trố mắt nhìn bà Hoa hỏi:
- Cái thân bà bệnh lên bệnh xuống, lúc nào cũng nghe đi bác sĩ thì bà chăm được ai?
- Thì cũng phải cố thôi. Chẳng lẽ tôi đã chăm đến ba đứa con cho chị nó rồi mà tôi lại không chăm được đứa con đầu cho nó, nó phân bì sao!
- Làm sao nó phân bì được, bà chăm mấy đứa kia khi bà bao nhiêu tuổi, bây giờ bà đã bao nhiêu rồi? Hơn nữa, đã chăm ba đứa rồi bà còn sức sao?
- Bây giờ tôi ở với con Khánh thì con Khánh biết tôi không được khoẻ nhưng nó đâu thể mở miệng nói với em là mẹ không thể giúp em khi mẹ đã giúp chị ngần ấy năm với ngần ấy đứa.
- Tôi nghĩ bà nên thẳng thắn.Bà nghiệm lại đi, khi mình không khoẻ thì mình chỉ lo thương mình thôi, không còn hơi sức tâm trí để thương ai nữa đâu.
- Bà nói đúng nhưng bây giờ tôi nói sao để từ chối chứ. Cái câu “ Con ai đẻ nấy nuôi” cứ nằm sẵn ở cửa miệng mà đâu dễ thốt nên lời với con cái.
Nghe tâm tư của hai bà bạn mà bà Lan cảm thương mình. Bà nhớ cách đây sáu năm khi đưa con gái đi khám thai, bà đã khóc dòn lúc nhìn thấy đứa bé trên màn hình đưa ngón tay lên bú. Cũng như bà Mai, bà đã giữ tấm hình siêu âm trong bóp, gặp ai cũng khoe hình hài chưa trọn vẹn của đứa cháu ngoại đầu tiên.
Rồi đứa nhỏ ra đời.Tâm tư bà lăng xăng còn hơn cả ngày bà có đứa con đầu tiên. Bà đã chăm chỉ đọc sách hướng dẫn nuôi dạy trẻ,bà đã đồng hành cùng bố mẹ nó lo cho đứa bé đầu tiên của chúng với bao quan tâm thừa mà sau này nhớ lại cả nhà đều tự trào phúng bản thân chẳng hạn như ghi nhật ký ị, nhật ký tè của thằng bé. Ghi cả phân vàng hay xanh, nước tiểu trong hay có màu.
Đứa cháu đầu cũng biến một bà ngoại khi còn ở Việt nam chưa một lần vô bếp hay đi chợ đã nấu ăn thành thục khi sang đây. Bà đã vừa có thể một tay nách cháu, một tay xào nấu cho cả nhà ăn để rồi có những khi đêm xuống, bà rã rời chẳng muốn cử động tay chân. Có những khi bà mong ba mẹ nó về để giao con còn hơn nắng hạn trông mưa rào. Lúc đó bà mới nhớ lại tại sao ngày xưa ông bà chỉ có một đứa con dù khi lấy nhau cả hai đều mong bốn đứa. Đơn giản là chăm một đứa bé nó ngốn quá nhiều công sức.


Rồi khi thằng bé thứ hai sắp ra đời thì hai ông bà thấy sợ hơn thấy mừng. Hai năm trước còn trẻ hơn mà ông bà còn đuối, hai năm sau lại cùng một thử thách cộng với thằng anh nữa thì quả là ngán hơn leo núi. Đó là chưa kể thằng hai khó hơn thằng đầu rất nhiều.
Bà nhớ khi thằng hai sắp ra đời ông chồng bà đã mời vợ chồng tụi nó tới nói chuyện, yêu cầu thuê người giúp việc. Bà ra sức kiếm người từ Việt nam sang du lịch để dễ dùng. Bàn tới bàn lui, lúc thuận lúc chống, cuối cùng hai ông bà nội ngoạị cũng thay nhau ôm luôn thằng hai đến hai tuổi. Khi thằng bé được đưa vào nhà trẻ, ông bà ngoại dọn ra ở riêng, bắt đầu lại cuộc đời thong dong trên vạn nẻo đường để ông săn ảnh, còn bà lảng đảng với những tản văn ngắn dài.
Một ngày khi thằng hai được ba tuổi, đi đứng nói năng đã ngon lành cả rồi thì ông bà biết mình sắp có thêm đứa cháu thứ ba. Thật là một bài toán tình cảm nan giải. Cũng lại là một so sánh khập khiểng: “ Chả lẽ đã ẳm hai thằng anh giờ lại bỏ thằng ba”. Ba mẹ nó cứ gặp bà ngoại là nói dèm dèm đem con đi gửi nhà trẻ để dò xem dò tình ý của ông bà.
Cuối cùng thì ông bà ngoại cũng phải chia ca với ông nội nó để về lo cho cháu. Lần này còn khủng hơn vì ngoài đứa nhỏ phải lo, lâu lâu ba mẹ nó còn nhờ tắm dùm hai đứa lớn, canh cho chúng ăn, đánh răng, súc miệng, đi bô. Mấy thằng nhỏ chỉ tự lập hay kỷ luật khi có ba mẹ nó thôi, còn với bà chúng tha hồ vòi vĩnh:
- Gấu muốn bà ngoại mang vớ cho Gấu.
- Dy luôn.
Hay: “ Dy muốn bà ngoại đút cho Dy ăn hà”. “ Gấu cũng vậy”.
Ba mẹ nó cự :” Đâu phải tụi nó đòi gì bà cũng nghe theo”
Bà trả lời:” Để nó làm biết chừng nào cho xong”
Thực ra bà cũng thích đút cháu ăn hay mặc quần áo, mang giày mang vớ cho chúng. Bà thích cảm giác ấm áp khi nó ngồi trên đùi bà cho bà mang vớ hay khi nó há cái mồm chút xíu có mấy cái răng sữa trắng xinh xinh ra để bà nhét thức ăn vào. Bà bỏ ra cả buổi nấu nấu nướng nướng chỉ để chờ nó nói một tiếng” Yummy”. Mệt thì mệt, than thì than, bà không chối được là tận trong tâm thức, bà nghiện cảm giác thấy mình “ còn cần thiết” cho con cho cháu, nhất là khi chúng thơm lên má bà và nói : “ Dy thương bà ngoại nhiều nhiều nhiều” hay “ Gấu thương bà ngoại hơn cái nhà, hơn cả bầu trời, thương bằng chiếc xe Thomas của Gấu luôn”.
Bà biết chính sự nghiện ngập cảm xúc này đã khiến các ông bà nội ngoại vừa rên vừa sướng.


Bà Hương đã từng nuôi hai đứa cháu lai Mỹ trắng nãy giờ ngồi yên chợt lên tiếng:
- Mà tui nói trước điều này để sau này mấy bà đừng thất vọng nha. Khi lo cho các cháu, các bà phải nhớ thứ nhất là “ One way ticket” ( vé một chiều) thôi nha. Hãy chấp nhận tình cho không biếu không nhá, đừng có mơ mộng hão huyền là giờ mình lo cho nó để sau này nó sẽ lo hay yêu quí mình mà thất vọng não nề đó. Thứ hai là chuẩn bị tinh thần ra rìa khi chúng lớn chút nhá. Trẻ bên này khi đi học là chúng chỉ biết có bạn bè và chỉ cần đến cha mẹ chúng thôi, chúng không quấn ông bà nữa đâu. Nhớ là chúng quen nói tiếng Mỹ, phải rặng tiếng Việt với mình chúng mệt nên thôi khỏi nói luôn cho khoẻ. Đó là chưa kể chúng thích chơi game hơn chơi với người….
- Bà đang nói trường hợp của mình đấy hả? bà Lan hỏi.
- Chứ còn gì nữa. Bà biết tui chăm hai con cháu tui từ hồi lọt lòng. Cứ tưởng chúng quấn mình lâu lâu một chút cũng ấm tuổi già. Ai dè đâu một hôm tôi đi Việt nam về, mới có ba tháng là chúng đã thay đổi rồi, quên tuốt bà ngoại. Con lớn dọn hết đồ của tôi ra khỏi phòng, nó bảo là bây giờ chị em nó lớn rồi, mỗi đứa phải có một phòng riêng, nó không chịu ngủ chung với con em nữa nên bà ngoại phải trả phòng cho chị em nó đi.
- Rồi ba mẹ nó nói sao?
- Ba nó cho là nó có yêu cầu chính đáng. Đó là dấu hiệu trưởng thành nên phải giải quyết cho nó. May mà cái con nhỏ còn nhỏ nên nó còn cho bà ngủ chung. Dù vậy tôi biết là chúng hết tha thiết với mình rồi.
- Còn con gái chị nói sao ?
- Nó bảo : “ Thôi mẹ thông cảm đi. Mỹ trắng nó vậy đó, nó không chịu chung đụng đâu!”.
- Sao bà bảo thằng rể bà tử tế, biết điều với bà lắm.
- Thì tử tế biết điều lúc con nó còn nhỏ thôi. Tôi nhớ hồi đó nó cứ nài nĩ trả tôi mỗi tháng năm trăm đô, tôi từ chối thì nó nói là tôi hãy cầm đi, năm trăm đô mỗi tháng là tốt (rẻ) lắm rồi. Đúng giá phải hơn một nghìn. Nó không thể nhờ tôi mà không trả tiền được. Nếu ba má nó tới chăm cháu thì nó phải báo trước cho ông bà và cũng phải trả tiền, không có chuyện giúp không như bên mình đâu.
- Vậy là nó nghĩ nó đã trả công bà sòng phẳng rồi.
- Thì chắc là nó nghĩ như vậy nên tôi chẳng thấy nó ơn nghĩa gì. Có điều lúc ấy, khi con mình không thấy mình đuối thì nó luôn quan tâm đến chuyện cho mình nghỉ ngơi để lấy sức hôm sau làm tiếp.
- Vậy là nó khôn, nó dưỡng sức cho bà chạy đường dài. Bà Lan vừa nói vừa phá ra cười.
- Có thể là như vậy. Tôi nhớ lúc con Prairie được hai tuổi là nó cho con nhỏ đi học. Nó bảo trẻ hai tuổi phải được đến trường, không nên giữ ở nhà với bà già trẻ sẽ già theo, chẳng phát triển được gì, mất cả tuổi thơ của con nó.
- Vậy là bà mất việc rồi.
- Việc thì còn hằng đống ra đó nhưng vấn đề là nó có muốn mình làm không thôi. Khi con nó đi học rồi thì tôi ở nhà có thời gia chăm sóc cơm nước, áo quần cho cả nhà nhiều hơn nhưng nó lại bảo với vợ nó là các con đã lớn rồi, tụi nó không cần bà giúp nữa và bà có thể ra đi.
- Ối trời…
Nghe bà Hương kể chuyện nhà làm các bà khác trố mắt kêu trời, nhất là bà Mai. Chồng con gái bà cũng là một anh Mỹ trắng. Bà Lam nói:
- Không phải con rể bà Hương xấu xa hay vô ơn gì đâu mấy bà ơi. Chỉ là khác văn hoá thôi. Bây giờ tôi hỏi thật mấy bà nha:” Mấy bà có thương ba mẹ ruột mình không?”
Các bà lao nhao trả lời: “ Có!” hoặc “ Sao không? “ hoặc “ Ba má đẻ mình ra sao, nuôi mình lớn sao mình lại không thương!”
- Vậy tôi hỏi tiếp là các bà có muốn sống với ba má mình không?
Các bà nín thinh chưa ai vội trả lời. Cuối cùng bà Hoa nói: “ Không, tôi không thích sống với má tui dù tôi rất thương bả. Về thăm vài giờ, thậm chí vài ngày thì được. Lâu quá cũng không thích”
Bà Mai dứt khoát : “ Mình cũng không. Thương thì thương. Ở chung thì không!”
Bà Hương: “ Má tôi chết sớm nên tôi không biết. Tôi vẫn luôn khao khát có má”
Bà Lam tiếp: “ Đó mấy bà thấy chưa,? Tụi mình là dân châu Á., bọn mình luôn đề cao chữ hiếu, luôn đề cao công lao dưỡng dục sinh thành mà còn nói vậy thì huống chi bọn Tây, tụi nó luôn tôn trọng đời sống riêng tư. Cái khác nhau giữa mình và Mỹ là tụi nó dám nhìn thẳng, nói thật vào vấn đề trong khi mình thì cố tình lấp liếm loanh quoanh.

Không khí tự nhiên im ắng lạ, bà Lam lại nói:” Bây giờ tụi mình đang sống trên đất Mỹ thì mình cũng nên có suy nghĩ hành động như tụi nó mới gọi là “ Nhập gia tuỳ tục” . Cứ bắt chước bà Debi bạn tụi nè, con bả phân bì : “ Sao hồi đó ông bà chăm sóc tụi con cho ba mẹ mà ba mẹ không chăm cháu cho tụi con? “ Bà trả lời là ngày xưa khi có chúng mày, ông bà nội ngoại mới bốn mươi, còn bây giờ khi tụi bây có con thì ba mẹ tụi bây đã sáu mươi rồi, sức đâu nữa mà chăm. Lâu lâu tụi bây đem cháu về chơi hay nhờ dòm ngó dùm đôi ba ngày thì OK. Còn thì con ai nấy nuôi đi!”

Mấy bà hùa theo : :” Ừa, nói như bà bạn Mỹ của bà Lam là có lý đó.Tụi mình giờ chỉ nhận chơi hay chăm cháu ngắn hạn thôi. Mình đâu còn bao nhiêu thời gian nữa , phải tranh thủ sống cho bản thân mình chứ. Với tuổi sáu mươi trở đi, một năm sức khoẻ xuống bằng ba năm đó”.

Điện thoại reng. Con gái bà Lam gọi. Vì bận phụ xếp đồ ăn lên bàn nên bà mở loa để có thể vừa nói chuyện vừa làm. Con nhỏ nói:
- Mẹ, tuần tới mấy đứa nhỏ được nghỉ hè một tuần. Mẹ lên trông tụi nó dùm con nha
Bà Lam bối rối vừa nhìn mấy bà bạn già vừa ngập ngừng nói : “ Ờ ờ, để bữa đó mẹ về. Mấy đứa muốn ăn gì thì nói mẹ nấu’
Bà Hoa xìu giọng nói: “ Con Khánh Minh cũng nhờ tui giữ con vào tuần tới nhưng tui tưởng tụi mình đi chơi nên chưa dám trả lời nó. Giờ bà Lam không đi được, bà Mai bay mất, vậy thôi dẹp cái vụ đi San Jose chơi luôn cho rồi.

Bà Nương, bà nội duy nhất trong bàn tiệc, nổi tiếng là người mạnh mẽ và thẳng tính, nhìn như xoáy mắt vào mấy bà ngoại thở dài, ngán ngẩm nói:” Vậy cực khổ là do mấy bà chọn, đâu đổ thừa ai được. Một câu thẳng thắn với con là mẹ đã có hẹn, có kế hoạch rồi mà mấy bà cũng không dám nói thì cũng đừng nên than! Giờ tui hỏi thiệt là mấy bà muốn đi chơi hay muốn trông cháu?
- Thì đi chơi ai lại không muốn, đâu dễ tập họp đông đủ bạn bè.
- Vậy mấy bà để tui xử cho.
Nói xong bà lấy điện thoại gọi lại cho con gái bà Lam. Bà nói :
- Này cháu, mấy cô lên kế hoạch đi chơi hết rồi, giờ cháu kêu mẹ về trông em là mấy cô phải huỷ chuyến đi tội lắm đó.
- Ồ vậy hả cô. Nếu mẹ có chương trình đi chơi thì mẹ cứ đi chơi đi chứ,được vậy tụi cháu còn mừng nữa. Chuyện tụi nhỏ tụi cháu cũng sẽ thu xếp được thôi, chỉ vì mẹ không nói nên tụi cháu không biết, tưởng mẹ mong tụi nhỏ nghỉ để lên chơi với cháu. Con cám ơn mấy cô rủ mẹ đi chơi cho mẹ đỡ buồn, tụi con cũng đỡ áy náy vì không đưa mẹ đi đâu được hết.
Bà Nương cái mặt khinh khỉnh liếc nhìn mấy bà bạn già nói : “ Thấy chưa? Chỉ là mấy bà tự đánh giá mình quá cao, xem thường con quá đáng. Cứ tưởng không có mình là tụi nhỏ chết hết hoặc là vì mấy bà già mà còn ham công tiếc việc, còn muốn bám ghế. Suy nghĩ lại đi mấy mụ!”
Bà Nga, một nhà điêu khắc thành danh, nảy giờ không tham gia câu chuyện, cũng chăm chăm nhìn các bà bạn già của mình với con khó hiểu, rồi chậm rãi nói, nhấn nhá từng chữ :
- Này mấy ngoại, mấy ngoại làm ơn cho mấy đứa nhỏ có cơ hội làm cha làm mẹ với. Mấy ngoại dành làm hết rồi sau này mấy đứa nó có biết làm cha làm mẹ là như thế nào đâu. Mấy ngoại đừng biến con mình thành những người lớn không trưởng thành, nuôi con mà cứ như nuôi búp bê, chẳng khổ cực gì hết, chỉ có chơi đùa hun hít, nựng nịu rồi thôi trong khi đó mấy ngoại mệt bở hơi tai. Mấy ngoại than chăm cháu cực khổ nhưng biết đâu ba mẹ nó cũng muốn nếm trải cái khổ cực đó mà mấy ngoại dành làm cha nó hết rồi. Mà nếu nó không muốn cũng bắt nó trải nghiệm. Mấy ngoại chịu khó từ bỏ vai diễn quan trọng đi, nhường sân khấu cho đám trẻ đi.Tôi rút kinh nghiệm bản thân mình sau khi chăm đứa cháu đầu nên đến mấy đứa sau tôi nói thẳng với các con tôi là tụi bây đẻ thì tụi bây nuôi. Tao già rồi cần nghỉ ngơi. Nếu có nhớ cháu thì tao qua bây thăm, tụi bây nhớ bà thì tụi bây đưa cháu tới thăm bà. Tui thấy nhờ vậy mà gia đình nó gắn kết hơn, biết tổ chức hơn. Cha mẹ giỏi, con nít cũng giỏi theo. Thôi đã đến lúc nhường vai rồi các ngoại ơi. Mà các ngoại cũng đừng nóng ruột mình không phụ thì con mình cực. Đào kép chính thì phải diễn từ đầu tuồng đến cuối tuồng, cha mẹ trẻ nuôi con nhỏ thì phải múa từ sáng đến tối là lẽ tự nhiên thôi các ngoại a.

Văn Mỹ Lan
June 13, 2017

Saturday, June 10, 2017

NỤ QUỲNH BỎ QUÊN
(Một chút tản mạn trong vườn thiền với tiếng chuông gió ngân, với hương ngọc lan thoảng và một tách trà nhạt thơm)

Tôi là một kẻ ngoại đạo với cái thú chơi quỳnh. Hồi còn ở quê nhà, lâu lâu nghe các cụ rủ nhau uống trà để thưởng thức một nụ quỳnh nào đó sẽ âm thầm nở qua đêm tôi biết mình sẽ không bao giờ nuôi quỳnh vì tôi không thích chuyện đầu tư công sức cho một loài hoa lặng lẽ đó, nhất là cái cống hiến cho đời của nó quá khiêm tốn với thời gian và công sức dài đằng dẳng như thế mặc kệ bao thơ ca, truyện cổ thêu dệt về loài hoa hương sắc mong manh này.

Vậy mà khi về ở khu nhà mới này tôi lại thay đổi suy nghĩ . Quỳnh ở đây sắc màu rực rở, nhất là hoa có thể lộng lẫy được đến mấy hôm trước khi héo tàn. Chỉ trừ quỳnh trắng chỉ nở lúc xế chiều đẹp dịu dàng như một nàng tiên áo trắng mang ánh sáng của đêm trăng rằm và đằm thằm thanh khiết vào buổi sớm mai, rồi héo tàn khi nắng lên. Tôi đã nhẫn tâm nghĩ đến chuyện từ bỏ nó cho ai để lấy đất chậu cho loài hoa khác hương sắc bền lâu hơn.
.
Tháng năm tháng sáu là tháng của hoa quỳnh. Đi đâu cũng thấy quỳnh đỏ, quỳnh tím, quỳnh vàng nở rực trời và các chậu quỳnh, bình thường được cho ra nhà sau âm thầm ngậm nắng hứng sương giờ được chủ nhà mang ra trước sân cho khách qua đường ngắm chơi.

Mỗi sáng vợ chồng tôi thường đi bộ quanh khu nhà. Dọc đường đi tôi cứ hay dừng ở nhà này, đứng lại ở nhà kia để ngắm nghía mấy cái hoa đang độ xuân thì hay trầm trồ mấy cái hoa lạ mà mình chưa từng thấy. Ngắm hoa thì không bao giờ chán vì hôm nay hoa còn là cái nụ, sáng mai nó đã là một cành hoa tươi thắm và vài ngày sau nữa nó đã héo tàn, rồi hôm sau nữa nó đã rời cành để nằm chỏng chơ rũ rục trong sọt rác.

Sáng nay khi đi ngang nhà của bác Phương gần nhà tôi phát hiện một chậu quỳnh đang có năm cái hoa trắng ngần đang âm thầm nở trong vườn hoang. Tôi gọi là vườn hoang vì bácị Phương ít khi ra thăm vườn. Bác trai mất nửa tháng trước ngày dọn nhà. Có thể vì thế nên bác Phương không vui, bác sống âm thầm ít giao tiếp, thậm chí bác còn từ chối khách đến thăm.


Tôi không nỡ để năm cái hoa tinh khôi đầy sắc hương âm thầm đến rồi đi nên tôi bước vào vườn thì thầm với em vài câu trước khi nắng lên lấy mất cái trong ngần của em, trước khi em âm thầm héo rũ trong vườn vắng. Rồi khi về nhà tôi lại ngắm chậu quỳnh của mình đang có mấy cái nụ khủng mà tôi chờ đợi gần một năm nay. Mấy cái hoa quỳnh màu sen, màu vàng, màu hồng phấn của tôi cũng sắp âm thầm khai hoa nở nhuỵ một mình vì tối nay tôi phải đi xa. Tôi có ý muốn mang qua gửi chị hàng xóm để chị ngắm nghía nó thay tôi nhưng tôi lại ngại ngại vì biết tính mình hay thương hoa tiếc ngọc hơi quá chút nên thôi. Ấm ức cho những nụ quỳnh bị bỏ quên của người và của mình nên giờ tôi mới có đôi lời thì thầm, mong gặp được ai đó cũng dư cảm như mình ( ha ha)
Văn mỹ Lan
23/5/2017

CHỈ LÀ CHIẾC LÁ VÀNG RƠI

CHỈ LÀ CHIẾC LÁ VÀNG RƠI


Viết thay một nén hương lòng của đứa con xa xứ, của một phiên bản khác trong nhà, khác cả lòng tưởng niệm đến cha yêu )
***********************

Ông Mẫn bỏ vợ ở lại Mỹ để chăm cháu, một mình ông về chăm ba mẹ mình. Cả hai cụ đã hơn chín mươi tuổi rồi. Ông nói lần này ông về trả hiếu vài tháng, sau này ba mẹ có mất, ông không chắc sẽ về. Ông chỉ chăm người sống. Ông không chăm người chết.
Có người nói ông dị hợm. Nhớ khi còn ở Việt nam, ông bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để chăm sóc một quỹ từ thiện do các Mạnh Thường Quân trong trường đóng góp để hổ trợ cho các thầy cô lớn tuổi gặp khó khăn. Các bạn góp tiền chắc không thể hình dung ra hết cái khó của người điều hành quỹ tiền chung. Ông phải đi nhận tiền lắc nhắc lẻ mẻ hai chục, năm chục, cũng có khi được vài trăm đô từ các nơi gửi về ở nhiều nơi khác nhau để nạp vào ngân hàng. Rồi để bảo đảm tính trong sáng của quỹ, mỗi tháng ông phải bỏ ra cả buổi để tổng kết cả những con số lẻ nhất. Ở cơ quan ông có kế toán, thủ quỷ làm việc này, ở nhà ông phải tự làm lấy. Rồi hằng tháng ông phải mang tiền đến tận nhà các Thầy cô ở rải rác khắp nơi trong thành phố. Nghe thì dễ nhưng làm thì không đơn giản. Các Thầy Cô già cô đơn, người nào cũng có nhu cầu chia sẻ những kỷ niệm xưa và nói chuyện già cả ốm yếu bệnh hoạn hôm nay. Có những ông Thầy bà Cô cần tâm tình đến vài tiếng đồng hồ. Ông cứ nghe mãi những tiếng thở dài, tiếng chắc lưỡi than thân đến não cả lòng. Mà ông có rảnh rang gì đâu. Ông vẫn phải đi làm, lại làm cho công ty nước ngoài với rất nhiều áp lực, cuối cùng ông chọn giải pháp gửi tiền qua bưu điện.
Các Thầy Cô già rất quí người học trò cũ tốt bụng, ít nói, biết lắng nghe. Gia đình của các Thầy Cô còn quý ông hơn. Thế nên khi các Thầy cô trở bệnh nặng phải vào viện là họ réo ông than khóc. Những lần đầu ông có lên tiếng để tìm người hổ trợ thêm nhưng càng về sau ông thấy chuyện hô hào đó quá phiền. “ Phiền” người khác là cái từ ông tối kỵ . Thế nên sau này khi các Thầy Cô đến “cận ngày” thì ông cứ lẳng lặng nhìn họ đi như nhìn những chiếc lá vàng rơi. Nó cũng là một chuyện tự nhiên sẽ đến thôi mà. Có khi ông thầm mừng cho những chiếc lá úa tàn được lìa cành để về với cát bụi, để một ngày nào đó cát bụi trở lại nhân gian với một hình hài nõn nà hơn.

Tận tuỵ là thế nhưng khi các Thầy Cô qua đời ông biến mất, không đến dự đám tang, mặc ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Nay ông lão dưới bảy mươi tuổi về chăm ông bà già dưới một trăm tuổi. Cha mẹ ông không còn biết mình là ai. Họ cũng không biết mình có đang mặc áo quần hay không. Ăn uống ỉa đái gì cũng phụ thuộc vào người làm. Các em ông rất nuông chiều người ăn kẻ ở. Tụi nó trả tiền cho họ hậu hỉ, nói năng với họ chừng mực lễ phép để giữ được họ ở lại chăm sóc cho cha mẹ mình . Họ có thể hào phóng bỏ tiền ra để mua sự chăm sóc cho cha mẹ nhưng họ không đủ hiếu thảo để bỏ công ăn việc làm mà ở nhà cơm dâng nước hầu, tắm táp thay tả đổ bô . Làm thế họ sẽ không có tiền để làm gì cả. Các em ông đã góp tiền lại để nuôi đến bốn người làm thay nhau lo cho ông bà già. Ai cũng khen họ chu đáo, ông bà già có phước.

Mấy người làm quanh năm quanh quẩn với hai ông bà lão tính khí nóng lạnh thất thường họ cũng ngán. Có khi hai cụ hiền lành, ngoan ngoãn cho họ chăm sóc. Có khi họ nổi cơn hung hăng đánh cả người chăm sóc. Họ nói thà chăm sóc con nít ít tiền hơn mà vui, thấy tụi nó lớn lên từng ngày mà sướng, còn chăm người già thì chỉ thấy họ mỗi ngày mỗi tệ hơn. Đã vậy, họ lại phải đối diện với bao con mắt dòm ngó của những người thân, giống như họ có nhiều ông bà chủ vậy. Chưa kể những người đến thăm viếng , ai cũng sẵn sàng dạy dỗ họ hay chủ họ cách chăm sóc cha mẹ sao cho tốt hơn. Họ tự hỏi mấy người này có thực sự hiếu thảo chu đáo như lời họ dạy không; hay chỉ muốn làm thầy. Mấy người giúp việc không thích được hay bị góp ý nhiều dù họ được bồi dưỡng thêm tiền.

Để yên tâm, các con ông lắp camera để tiện theo dõi cha mẹ ở nhà. Dù vậy người đến thăm vẫn thấy có khi ông bà già mặc quần ướt nước đái hay bốc mùi phân thúi

Ở xa về nhìn cha mẹ không được tinh tươm ông sót. Người giúp việc không cả nể ông lắm vì họ biết ông đến rồi đi. Ông góp ý họ bực mình doạ bỏ việc. Ông bồi dưỡng họ vẫn làm nư. Các em ông cần người giúp việc hơn cần ông anh từ nơi xa xôi về đây tạm giúp họ bây giờ để khó khăn lại cho họ sau này. Thế là anh em xích mích nhau . Họ nói tiền của ông có gửi về bao nhiêu cũng không giữ được cha mẹ sống sạch như ý ông. Lần này ông quyết đích thân về cơm dâng,nước hầu, thuốc thang tắm rửa cho cả cha lẫn mẹ suốt ba tháng để sau này cha mẹ có ra sao thì ông cũng không hối tiếc.


Chăm người già lú lẫn cũng có nhiều chuyện để kể. Có hôm mẹ ông chỉ chồng mình, khều ông bảo :” Chú ơi chú báo cảnh sát bắt cái ông già đó dùm tui, sao ông đó cứ theo tui hoài”
Ông cười bảo : “ Cái ông đó là chồng của má mà má nhận không ra hả?”
- Chú nói sao kỳ vậy. Chồng tui trẻ măng, đẹp trai lắm. Còn cái ông này già ngắt, xấu quắc làm sao là chồng tui được. Chắc chú điên rồi”
Ba ông cũng không kém. Ông hỏi : “ Chú là ai mà ở trong phòng tui hoài vậy”
- Con là Mẫn nè. Con là con của ba mà.
- Chú nói gì kỳ vậy. Tui còn trẻ măng, chưa có vợ mà con cái gì.

Có một năm tết đến, con cháu về đông đủ để thăm ông bà. Thấy nhà đông người quá ông sợ, ông nghĩ đó là những người đến hôi của nhà ông năm Mậu thân, thế là ông lấy cây đánh đuổi chúng, còn bà thì khóc hu hu bám lấy người giúp việc kêu lên : Cô ơi cho tui về nhà, sao tự nhiên đem tui ra chợ đông quá vậy nè.
Con cháu phải đưa bà lên xe chạy một vòng để ở nhà lũ nhỏ ở nhà giải tán. Vậy là mấy đứa nhỏ có cớ để đến thăm ông bà mà có đứa sợ vì nét nhăn nheo ngờ nghệch.

Ông về đây với cha mẹ nhưng cha mẹ không nhận ra ông. Duy nhất có lần ba ông tỉnh lại và nhận ra đứa con trai đầu thân thiết nhất. Ông gọi con trai đến gần vừa khóc vừa nói:
- Mẫn, con là đứa hiểu ba nhất nhà. Con biết ba là một người muốn sống có nhân phẩm, sao con nỡ để ba sống thế này?
- Dạ..tụi con còn điều gì chưa chu đáo với ba thì con xin ba dạy cho.
- Ba không nói tới điều đó. Ba nhìn phòng ốc sạch sẽ, nệm ra trắng muốt là ba biết các con có lòng, muốn cố “kéo lê” cuộc sống vô vị của ba mẹ. Đó là một điều tàn nhẫn con biết không?
- Dạ nhưng tụi con không thể làm khác được?
- Tụi con có thể làm khác được nếu tụi con vì ba mẹ chứ không phải vì bản thân mình. Tụi con muốn được cái tiếng hiếu thảo mà không quan tâm tới chuyện ba mẹ sống ra sao, có còn là con người không hay chỉ là một đống thịt được giữ cho đừng thối rửa.
- Vậy ba dạy tụi con phải làm sao?
- Từ đây trở đi ba xin con đừng có dây nhợ gắn đầy người của ba mẹ nữa. Xin các con đừng có một chút là đưa vô bệnh viện nằm phòng đặc biệt này nọ. Xin các con thôi nội soi, thôi MRI…..Ba mẹ giờ như chiếc lá đã úa vàng, hãy để cho nó nhẹ nhàng lìa cành mà về với cát bụi
- Nhưng ông bà ta dạy “ còn nước còn tát”. Khi ba mẹ còn sống thì tụi con còn phải tận lực mà giành giựt sự sống của ba mẹ mình với tử thần. Chết thì dễ, muốn sống mới khó
- Tôi thất vọng thấy anh cũng giống như những đứa khác, chỉ bám lấy cái sống dù hèn, chỉ bám lấy cái hiếu sách vở, nỡ để cho chúng tôi sống người không ra người.


Sau lần đó ba ông không còn tỉnh táo lần nào nữa. Ông không phân biệt được ngày hay đêm dù con cháu nói đi nói lại là “ Khi nào ba thấy trời sáng thì là ngày, khi nào ba thấy trời tối có đèn là đêm”. Điệp khúc này được lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng ông già cũng cứ hỏi : “ Bây giờ là đêm hay ngày vậy cô ( chú?)?.


Hôm nay bên này nhìn vào điện thoại có kết nối với camera theo dõi ở phòng ông bà già, ông thấy những người mạc áo trắng đến nhà đưa ba ông vào bệnh viện cấp cứu. Ông nhớ tới lời thổn thức của ông cụ. Ông ước chi lúc đó ông thu âm được những lời tâm nguyện của ông già mà gửi về nhắc nhở các em. Mà nói thì dễ, rủi khi ba mẹ ông khó thở thì phải cấp cứu thôi .Làm sao các con lại có thể đành lòng nhìn ông bà già hước hước thở mà chịu được chứ, làm sao có thể để bà già té gãy khớp háng mà không đưa vào bệnh viện. Đưa vào thì bà phải bị mổ xẻ đớn đau. Thuốc mê vào thì bà mất trí đâm ra ngơ ngác. Ông nghĩ làm con vô tình thì dễ, làm con hiếu thảo thì khó. Hiếu thảo có trăm đường. Cái hiếu của đứa con chưa chắc là cái mà cha mẹ muốn nhận.

Ông nhớ tới bà má vợ của mình mà bái phục. Hai ông bà già ngày ngày quấn quít nhau như đôi tình nhân trẻ nhưng khi ông bỏ ăn, các con nóng ruột đưa vào viện thì bà dứt khoát bảo : “ Tụi bây muốn đưa ba vô bệnh viện thì đưa nhưng dứt khoát không nội soi, không MRI, không mổ xẻ, chỉ trị triệu chứng thôi.Thấy không xong thì cho ông về nhà.”

Bà già không sợ thiên hạ nói gì nghĩ gì. Bà làm theo tâm nguyện của ông là để ông được ra đi nhẹ nhàng khi bản thân thấy sống không khoẻ không vui nữa, khi con cháu đã bắt đầu ngán ngại mình. Thậm chí bà còn tiếc là ông đã không đi từ ba năm trước khi bệnh trở nặng tưởng chừng phải đến lúc lo hậu sự. Lúc đó tất cả con cái, dâu rể gì cũng còn quí trọng ông lắm, các cháu luôn đem ra ông ra làm hình mẫu để tả về một ông nội/ ngoại kính yêu. Không như những năm cuối đời, ông trở thành một ông già hung hăng, trở chứng như ma nhập, luôn bắt khó cháu con. Bà kể lại là cứ sau một lần vô máu là một lần ông đổi tính, có khi hiền như một thầy tu, có khi cư xử nói năng sằng bậy như một người vô học. Rồi ông bị lảng một bên tai và khi đứa cháu nội gái mà ông cưng như vàng như ngọc đến thăm, nó thưa :” Thưa ông nội con mới tới:’ Nếu ông không nghe thì ông bảo nó gặp ông nội mà không chào hỏi, ông bắt nó ngồi lại nghe ông dạy bảo đến cả giờ. Lần sau nó thưa thật to cho ông nghe thì ông bảo nó quát ông vô phép, thế là nó biến luôn, không đến nữa.
Mỗi lần con cháu đến thăm với một lọ thuốc bổ thì ông đọc từng chữ từ chữ đầu đến chữ cuối ở ngoài hộp lẫn trong toa thuốc. Đọc xong ông buộc người biếu quà phải chở ông tới cơ sở sản xuất để kiểm tra, để bảo đảm là không phải thuốc của lang băm. Các cơ sở thường nằm ở các huyện ngoại thành, đi về phải mất hơn nửa ngày.
Lại có lần các con đưa ông đi một bác sĩ danh tiếng để khám chữa bệnh gan. Ông là trường hợp ung thư gan giai đoạn cuối mà sống được tới hơn ba năm. Muốn ông không phải chờ đợi các con phải tốn tiền để lấy số đầu. Vị bác sĩ có nhiều bệnh nhân nên thời gian khám chữa được tính từng phút.Thế mà khi được vào phòng khám, ông làm khó bác sĩ, ông đòi xem bằng cấp, giấy phép hành nghề. Ông còn bắt bác sĩ viết giấy cam đoan sẽ chữa ông khỏi bệnh già trong một thời hạn nhất định nào đó. Bác sĩ bèn thẳng thắn : “ Dạ anh chị đưa ông cụ về tìm bác sĩ khác, ở đây tôi không đủ khả năng”
Đi thầy đông y thì ông cũng có những yêu cầu tương tự.Từ từ các con đều có cớ để tránh xa ông ra. Chúng nó bận quá, nào việc cơ quan, việc đưa đón con cái học hành…..vân và vân

Rồi chính tay bà già đã rút hết ống thở, hết ống dinh đưỡng để cho ông đi… Con cái có đứa bất mãn, có đứa nhẹ nhõm. Những đứa ít trực tiếp chăm ông là những đứa phê phán bà nhiều nhất. Đám ma ông, không ai thấy bà khóc nhưng qua một đêm thì ai cũng thấy mí mắt bà bị sưng.

Ông Mẫn bần thần. Ba ông lại có chuyện vào viện. Ông gọi điện về để nhắc lại lời cha dặn lúc tỉnh táo. Các em ông bảo: “ Anh có giỏi thì về đây mà quyết. Đành là ông cụ muốn đi nhưng bọn này không thể nhìn ông chết mà không cố níu kéo.”
Ông hiểu các em mình không thể làm theo lời cha dặn, làm như vậy là trái với lương tâm của một người làm con, là bất hiếu với cái nhìn của xã hội mà chúng không dám bỏ qua. Phải chi ba ông ở bên Mỹ này thì ông cụ đã có thể viết ước nguyện của mình trên giấy. Ông nén tiếng thở dài và tự hỏi nếu ba ông mất, ông có thể ở lại ngậm nỗi đau mất cha bên này đại dương mà không bay về nhìn mặt cha lần cuối như đã từng nói hay không. Có rất nhiều cái nói thì rất dễ, làm lại rất khó. Và có một nỗi niềm riêng mà ông chưa dám thố lộ với ai đó là ông có một nỗi sợ đến kinh hoàng đối với những người sắp lâm chung. Sợ nhất là lúc lịm hay hạ huyệt. Ông nhớ hồi trẻ ông có một người bạn rất thân. Anh bạn của ông bị ung thư. Lúc lâm chung, gia đình người bạn này có gọi ông đến. Ông đã đến và đã không vào nhìn mặt bạn mình. Ông đã không vượt qua chính mình để bước qua ngạch cửa nhìn mặt người bạn chí thân lần cuối trong đời.

Lần này thì ba ông mất thật. Mất sau vài ngày vật vả với bao dây nhợ trợ thở quanh ông. Thôi thì ba ráng chịu khổ vài ngày để các con khỏi mang tiếng với đời. Con xin lỗi đã không thể làm theo tâm nguyện của ba.
Các em gọi báo tin và hỏi: “ Anh có về ngay không thì tụi em chờ”.
- Không, không đừng chờ anh. Anh sẽ về nhưng các em không phải chờ anh.

Và ông đã về đến nhà buổi chiều sau khi ba ông đã nằm yên dưới huyệt lạnh vào buổi sáng. Để rồi hôm sau, trời chưa sáng tỏ ông đã đón xe lên thăm mộ ba. Buổi sáng một mình trong nghĩa trang vắng. Ông nhìn di ảnh của ba, ba ông cũng đang nhìn lại ông. Ông không thắp nhang mà chỉ thì thầm nói với người trong ảnh: “ Cuối cùng thì ba cũng ra đi. Ba sẽ không còn bực bội vì dây nhợ gắn đầy người phải không ba? Ba cũng không còn xấu hổ mỗi khỉ tỉnh dậy thấy mình sống không “đường hoàng sạch sẽ” nữa phải không ba? Con không về dự tang ba vì chuyện mất ba là một chuyện rất riêng của gia đình mà con không thích chia sẻ với những người đến vì những quy ước xã hội. Ba đã dặn đừng báo tang để khỏi làm phiền người ở xa, để người ta có cái cớ khỏi đến dự tang mà tốn kém, mà mất công mất việc. Ba đã dặn là cứ chấp điếu để ngay một em bán vé số, một chị bán hàng rong mà ba hay giúp đỡ vẫn có thể cúng năm ngàn, mười ngàn cho yên lòng họ rồi lấy tiền đó làm từ thiện lần cuối cho ba. Nhưng con biết các em của con, các đứa con thành đạt của ba thích đếm những lẳng hoa có giá hơn triệu bạc để thấy đám ma của ba mình là hoành tráng. Hình như các em con cần một chút hào nhoáng trong tang lễ của cha mình. Con giống ba, con không muốn những hình thức hời hợt đó nên con đã không về, để tránh bất đồng ý kiến trong ngày tang chế. Nhiều người đã nói con bất hiếu nhưng con tin ba con mình hiểu nhau. Con biết ba muốn một cái hiếu kiểu khác, một kiểu hiếu mà xã hội sẽ gọi là bất hiếu.

Ông ngồi đó thì thầm với người đã mất nhưng không khuất trong lòng ông.

Gần đó, trong tầm mắt của ông là một bụi tre rất to đã bị đốn trụi gốc nhưng dưới gốc tre khô già đó có rất nhiều mầm non đang nhú lên xanh tươi. Ông nhìn thấy trước một lùm tre đầy sức sống khác sẽ thế chỗ cho bụi tre già.
Bụi tre già không chết, nó sống qua hình hài của bụi tre xanh.
Ba ông không mất, ba ông chỉ khuất bóng. Ông già vẫn còn đó trong hình hài của cháu con hay lãng bãng trong gió, cát, bụi quanh ông.

Nắng đã lên. Nghĩa trang có bắt đầu có bóng người. Ông nhìn lại di ảnh của ba và nhìn lại bụi tre xanh đang hứng nắng hứng gió mà vươn lên. Nhẹ nhàng, ông cất bước rời nghĩa trang.


Có những cây cổ thụ trên đường ông đi, có những chiếc lá vàng đang nhẹ nhàng rơi xuống để thay thế bằng những mầm non.


June 06, 2017
Văn Mỹ Lan