Wednesday, June 14, 2017

CHUYỆN BA BÀ NGOẠI

CHUYỆN BA BÀ NGOẠI

(Câu chuyện này xin được tặng cho các bà ngoại bà nội và các cặp đôi trẻ đang có con nhỏ. Chuyện được viết nhân dịp tiễn một bà ngoại sắp lên đường đi chăm cháu)
@@@@@@@@@@@@@

Trong buổi tiệc chia tay tiễn bà Mai đi về miền đông nước Mỹ để chăm con gái sắp đẻ, đôi mắt rướm lệ, khuôn mặt buồn hiu bà Mai nói như rên:
- Còn có ba ngày nữa là mình phải đi rồi.
Thấy bà căng thẳng quá tôi cố tình trêu:
- Đi nuôi con đẻ mà bà làm gì thảm như Chiêu Quân đi cống Hồ vậy?.
Bà cười, miệng méo xẹo nói:
- Mấy đứa nhỏ nhà mình nói là mình giống như sắp bị đi xuất khẩu lao động.

Tôi nhớ mấy tháng trước bà Mai báo tin:
- Bé An, con gái giữa của mình báo tin có bầu, lẽ ra mình rất mừng nhưng mà bây giờ nghĩ đến chuyện phải đi lên nó ở mình oải quá.
- Là cái con bị bệnh bạch hầu hồi nhỏ, bác sĩ bảo sau này nó khó có con đó hả?
- Ừa thì nó đó. Nó có bầu mình mừng lắm nhưng mình ở đây đang vui vẻ sung sướng quá mà phải bỏ đi lên ở với nó một mình, mình thấy sợ quá.
- Thì bà coi như chơi đi, đâu cần căng thẳng dữ vậy?
- Í, đâu có coi như đi chơi được, giống như đi làm thì đúng hơn. Chứ bộ Lam không thấy ở đây mình an nhiên tự tại quá sao, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn, mà chỉ cần dăm phút ra chợ là có đủ hết các món ăn quen thuộc. Bạn bè hú một tiếng, chờ một chút là có đủ mặt. Ở đây giống như ở Việt nam, lên nó giống như đi Mỹ ở. Chưa kể là thời tiết ở miền Đông nước Mỹ đâu có hợp với người già. Mình lại bị đau đầu gối nữa.
- Ừa thì đi miền đông ở buồn là phải rồi, nếu không giá nhà Cali đâu có mắc phi lý vậy. Tôi cũng có một bà bạn sáu năm nay ở trên đó chăm hai thằng cháu nhỏ, ở không thì làm bạn với youtube hay lướt web, coi phim chứ có bạn bè gì chung quanh đâu. Bả còn nói là mùa đông tuyết đổ ngập cả lối đi, phải cào từ khi tuyết còn là một lớp mỏng, để nó dày là hết mở cửa ra vào.Thị trưởng mà không cào tuyết cũng bị phạt.
- Cào tuyết thì chắc chắn là mình không phải cào rồi nhưng mà không có mấy bà hú hí chắc tui buồn chết. Ai già cũng cần bạn mà.
- Vậy thì bà nói thật với nó, bà sẽ chỉ lên ở đến khi con nó đầy tháng thì về.
- Đâu có được, nó hỏng chịu vậy. Nó muốn mình ở một năm luôn. Bà Mai phụng phịu nói.
- Tôi tưởng ở hay không là quyền quyết định của bà chứ đâu phải của nó. Mà sao hôm trước nó nói nó sẽ gửi con.
- Hôm trước nó nói khác, bữa nay nó nói khác. Hôm trước lúc mình than già than khổ thì nó nói hỏng sao đâu mẹ, con có để dành tiền gửi cháu rồi. Bây giờ nó biểu là nó không tin tưởng ai bằng bà ngoại nên nó muốn chính bà ngoại giữ. Nó nói nó đếm từng ngày để mình lên với nó. Nó nói vậy rồi mình cũng khó từ chối. Mà đi thì mình sợ đủ thứ.
- Sợ gì?
- Con này nó khó lắm. Nó ăn ở ngăn nắp sạch sẽ lắm.Chén bát đũa dĩa nó xếp gọn đẹp như trưng hàng bán vậy. Nhà cửa nó sạch bóng như gương. Chưa kể vợ chồng nó rất hạnh phúc, quấn quít hôn hít nhau suốt ngày nên có khi mình sẽ cảm thấy lạc lõng, thừa thãi. Mình sợ sự thay đổi. Ở đây có nhiều níu kéo hơn, thằng Tịnh, con Trang, con Na rồi còn có bạn bè nữa, chưa kể chùa chiền thân thuộc.

Cái điệp khúc “ sợ” của bà Mai được lặp đi lặp lại từ ngày bà được tin con gái có” tin vui” cho đến ngày bà phải chính thức lên máy bay. Bà vô cùng sợ phải bỏ cái nơi chốn thân quen đầy ắp tiếng cười với mấy bà bạn già vào những ngày cuối đời này.
Nếu con gái bà biết bà khủng hoảng đến độ nào chắc nó cũng không nỡ thúc hối bà đi, ràng buộc bà ở với mẹ con nó. Trong đầu nó cứ nhớ tám năm trước khi bà chị cả của nó có đứa con đầu, mẹ nó đã mừng đến phát cuồng. “Bà ngoại” tương lai đã để cái hình siêu âm em bé còn trong bụng mẹ trên đầu giường để ngắm nghía, đợi mong đứa cháu ngoại đầu tiên ra đời. Khi có cháu ,bà đã lăn xả vô chăm sóc nó, cho bú rồi cho ăn, tắm rửa, thay tả….Thậm chí bà còn xin cha mẹ nó cho bà trông cả ban đêm. Con gái bà nói: “ Con có cảm tưởng nó là con của mẹ chứ không phải của con”, rồi con gái gọi thằng nhỏ con mình là “ Cậu Út’. Có cháu bà bỏ quên ông chồng già, ông than: “ Hồi nhỏ thì bố phải nhường mẹ cho con, giờ ông phải nhường bà cho cháu. Không biết khi nào anh mới có vợ của mình!”
Khi bố mẹ thằng bé dọn nhà ra riêng và mang thằng cháu ngoại đi bà đã hụt hẩng đến độ các con của bà đã nghĩ đến chuyện đi xin một đứa con nít về cho bà nuôi. Thế nên khi có tin vui, con An đã hí hửng báo tin cho mẹ, nó tin là mẹ nó sẽ vô cùng mừng rỡ để được chăm cháu như ngày xưa bà đã chăm thằng Tịnh.
Trong niềm vui khôn tả, con An quên là khi thằng Tịnh ra đời, mẹ nó trẻ hơn bây giờ nhiều, lúc đó bà còn ở những năm đầu của U 60, còn bây giờ bà đã là U 70. Tám năm không chăm trẻ nhỏ, tám năm nhàn hạ rong chơi, tám năm ung dung tự tại làm bà ngán ngại phải trói mình vô những công việc khi xưa bà vô cùng hào hứng và bây giờ bà vô cùng chán ngán. Bây giờ bà chỉ muốn được chơi với cháu chứ không phải “được” chăm cháu. Đơn giản vì bây giờ hai gối bà đã mỏi, các khớp xương đã rất hay kêu lộp cộp mỗi khi bà di chuyển . Bà thấy khó khăn mỗi khi phải lên lầu hay xuống cầu thang. Bà cũng không tự tin mình đủ sức ẳm cháu một em bé lai, chắc sẽ lớn con hơn dân Á thuần chủng.
Bà Mai sợ đủ thứ, sợ ngủ quên khi trông cháu, sợ mệt mà không được nghỉ, sợ lướng vướng trong tổ ấm ba người của con, sợ cô đơn lạc lỏng trong căn nhà mình được chủ nhân thiết tha mời gọi.

Nhiều nỗi sợ đeo bám làm bà khổ sở trước với những điều có thể không xảy ra. Mà đâu phải chỉ bà Mai sợ, bà Hoa cũng sợ:
- Tháng chín này con Cát Tường nhà tôi sanh. Cũng như bà, tui cũng phải đi lo cho nó thôi mà tui lại không hợp với chồng nó lắm mới khổ chứ.
Bà Lam trố mắt nhìn bà Hoa hỏi:
- Cái thân bà bệnh lên bệnh xuống, lúc nào cũng nghe đi bác sĩ thì bà chăm được ai?
- Thì cũng phải cố thôi. Chẳng lẽ tôi đã chăm đến ba đứa con cho chị nó rồi mà tôi lại không chăm được đứa con đầu cho nó, nó phân bì sao!
- Làm sao nó phân bì được, bà chăm mấy đứa kia khi bà bao nhiêu tuổi, bây giờ bà đã bao nhiêu rồi? Hơn nữa, đã chăm ba đứa rồi bà còn sức sao?
- Bây giờ tôi ở với con Khánh thì con Khánh biết tôi không được khoẻ nhưng nó đâu thể mở miệng nói với em là mẹ không thể giúp em khi mẹ đã giúp chị ngần ấy năm với ngần ấy đứa.
- Tôi nghĩ bà nên thẳng thắn.Bà nghiệm lại đi, khi mình không khoẻ thì mình chỉ lo thương mình thôi, không còn hơi sức tâm trí để thương ai nữa đâu.
- Bà nói đúng nhưng bây giờ tôi nói sao để từ chối chứ. Cái câu “ Con ai đẻ nấy nuôi” cứ nằm sẵn ở cửa miệng mà đâu dễ thốt nên lời với con cái.
Nghe tâm tư của hai bà bạn mà bà Lan cảm thương mình. Bà nhớ cách đây sáu năm khi đưa con gái đi khám thai, bà đã khóc dòn lúc nhìn thấy đứa bé trên màn hình đưa ngón tay lên bú. Cũng như bà Mai, bà đã giữ tấm hình siêu âm trong bóp, gặp ai cũng khoe hình hài chưa trọn vẹn của đứa cháu ngoại đầu tiên.
Rồi đứa nhỏ ra đời.Tâm tư bà lăng xăng còn hơn cả ngày bà có đứa con đầu tiên. Bà đã chăm chỉ đọc sách hướng dẫn nuôi dạy trẻ,bà đã đồng hành cùng bố mẹ nó lo cho đứa bé đầu tiên của chúng với bao quan tâm thừa mà sau này nhớ lại cả nhà đều tự trào phúng bản thân chẳng hạn như ghi nhật ký ị, nhật ký tè của thằng bé. Ghi cả phân vàng hay xanh, nước tiểu trong hay có màu.
Đứa cháu đầu cũng biến một bà ngoại khi còn ở Việt nam chưa một lần vô bếp hay đi chợ đã nấu ăn thành thục khi sang đây. Bà đã vừa có thể một tay nách cháu, một tay xào nấu cho cả nhà ăn để rồi có những khi đêm xuống, bà rã rời chẳng muốn cử động tay chân. Có những khi bà mong ba mẹ nó về để giao con còn hơn nắng hạn trông mưa rào. Lúc đó bà mới nhớ lại tại sao ngày xưa ông bà chỉ có một đứa con dù khi lấy nhau cả hai đều mong bốn đứa. Đơn giản là chăm một đứa bé nó ngốn quá nhiều công sức.


Rồi khi thằng bé thứ hai sắp ra đời thì hai ông bà thấy sợ hơn thấy mừng. Hai năm trước còn trẻ hơn mà ông bà còn đuối, hai năm sau lại cùng một thử thách cộng với thằng anh nữa thì quả là ngán hơn leo núi. Đó là chưa kể thằng hai khó hơn thằng đầu rất nhiều.
Bà nhớ khi thằng hai sắp ra đời ông chồng bà đã mời vợ chồng tụi nó tới nói chuyện, yêu cầu thuê người giúp việc. Bà ra sức kiếm người từ Việt nam sang du lịch để dễ dùng. Bàn tới bàn lui, lúc thuận lúc chống, cuối cùng hai ông bà nội ngoạị cũng thay nhau ôm luôn thằng hai đến hai tuổi. Khi thằng bé được đưa vào nhà trẻ, ông bà ngoại dọn ra ở riêng, bắt đầu lại cuộc đời thong dong trên vạn nẻo đường để ông săn ảnh, còn bà lảng đảng với những tản văn ngắn dài.
Một ngày khi thằng hai được ba tuổi, đi đứng nói năng đã ngon lành cả rồi thì ông bà biết mình sắp có thêm đứa cháu thứ ba. Thật là một bài toán tình cảm nan giải. Cũng lại là một so sánh khập khiểng: “ Chả lẽ đã ẳm hai thằng anh giờ lại bỏ thằng ba”. Ba mẹ nó cứ gặp bà ngoại là nói dèm dèm đem con đi gửi nhà trẻ để dò xem dò tình ý của ông bà.
Cuối cùng thì ông bà ngoại cũng phải chia ca với ông nội nó để về lo cho cháu. Lần này còn khủng hơn vì ngoài đứa nhỏ phải lo, lâu lâu ba mẹ nó còn nhờ tắm dùm hai đứa lớn, canh cho chúng ăn, đánh răng, súc miệng, đi bô. Mấy thằng nhỏ chỉ tự lập hay kỷ luật khi có ba mẹ nó thôi, còn với bà chúng tha hồ vòi vĩnh:
- Gấu muốn bà ngoại mang vớ cho Gấu.
- Dy luôn.
Hay: “ Dy muốn bà ngoại đút cho Dy ăn hà”. “ Gấu cũng vậy”.
Ba mẹ nó cự :” Đâu phải tụi nó đòi gì bà cũng nghe theo”
Bà trả lời:” Để nó làm biết chừng nào cho xong”
Thực ra bà cũng thích đút cháu ăn hay mặc quần áo, mang giày mang vớ cho chúng. Bà thích cảm giác ấm áp khi nó ngồi trên đùi bà cho bà mang vớ hay khi nó há cái mồm chút xíu có mấy cái răng sữa trắng xinh xinh ra để bà nhét thức ăn vào. Bà bỏ ra cả buổi nấu nấu nướng nướng chỉ để chờ nó nói một tiếng” Yummy”. Mệt thì mệt, than thì than, bà không chối được là tận trong tâm thức, bà nghiện cảm giác thấy mình “ còn cần thiết” cho con cho cháu, nhất là khi chúng thơm lên má bà và nói : “ Dy thương bà ngoại nhiều nhiều nhiều” hay “ Gấu thương bà ngoại hơn cái nhà, hơn cả bầu trời, thương bằng chiếc xe Thomas của Gấu luôn”.
Bà biết chính sự nghiện ngập cảm xúc này đã khiến các ông bà nội ngoại vừa rên vừa sướng.


Bà Hương đã từng nuôi hai đứa cháu lai Mỹ trắng nãy giờ ngồi yên chợt lên tiếng:
- Mà tui nói trước điều này để sau này mấy bà đừng thất vọng nha. Khi lo cho các cháu, các bà phải nhớ thứ nhất là “ One way ticket” ( vé một chiều) thôi nha. Hãy chấp nhận tình cho không biếu không nhá, đừng có mơ mộng hão huyền là giờ mình lo cho nó để sau này nó sẽ lo hay yêu quí mình mà thất vọng não nề đó. Thứ hai là chuẩn bị tinh thần ra rìa khi chúng lớn chút nhá. Trẻ bên này khi đi học là chúng chỉ biết có bạn bè và chỉ cần đến cha mẹ chúng thôi, chúng không quấn ông bà nữa đâu. Nhớ là chúng quen nói tiếng Mỹ, phải rặng tiếng Việt với mình chúng mệt nên thôi khỏi nói luôn cho khoẻ. Đó là chưa kể chúng thích chơi game hơn chơi với người….
- Bà đang nói trường hợp của mình đấy hả? bà Lan hỏi.
- Chứ còn gì nữa. Bà biết tui chăm hai con cháu tui từ hồi lọt lòng. Cứ tưởng chúng quấn mình lâu lâu một chút cũng ấm tuổi già. Ai dè đâu một hôm tôi đi Việt nam về, mới có ba tháng là chúng đã thay đổi rồi, quên tuốt bà ngoại. Con lớn dọn hết đồ của tôi ra khỏi phòng, nó bảo là bây giờ chị em nó lớn rồi, mỗi đứa phải có một phòng riêng, nó không chịu ngủ chung với con em nữa nên bà ngoại phải trả phòng cho chị em nó đi.
- Rồi ba mẹ nó nói sao?
- Ba nó cho là nó có yêu cầu chính đáng. Đó là dấu hiệu trưởng thành nên phải giải quyết cho nó. May mà cái con nhỏ còn nhỏ nên nó còn cho bà ngủ chung. Dù vậy tôi biết là chúng hết tha thiết với mình rồi.
- Còn con gái chị nói sao ?
- Nó bảo : “ Thôi mẹ thông cảm đi. Mỹ trắng nó vậy đó, nó không chịu chung đụng đâu!”.
- Sao bà bảo thằng rể bà tử tế, biết điều với bà lắm.
- Thì tử tế biết điều lúc con nó còn nhỏ thôi. Tôi nhớ hồi đó nó cứ nài nĩ trả tôi mỗi tháng năm trăm đô, tôi từ chối thì nó nói là tôi hãy cầm đi, năm trăm đô mỗi tháng là tốt (rẻ) lắm rồi. Đúng giá phải hơn một nghìn. Nó không thể nhờ tôi mà không trả tiền được. Nếu ba má nó tới chăm cháu thì nó phải báo trước cho ông bà và cũng phải trả tiền, không có chuyện giúp không như bên mình đâu.
- Vậy là nó nghĩ nó đã trả công bà sòng phẳng rồi.
- Thì chắc là nó nghĩ như vậy nên tôi chẳng thấy nó ơn nghĩa gì. Có điều lúc ấy, khi con mình không thấy mình đuối thì nó luôn quan tâm đến chuyện cho mình nghỉ ngơi để lấy sức hôm sau làm tiếp.
- Vậy là nó khôn, nó dưỡng sức cho bà chạy đường dài. Bà Lan vừa nói vừa phá ra cười.
- Có thể là như vậy. Tôi nhớ lúc con Prairie được hai tuổi là nó cho con nhỏ đi học. Nó bảo trẻ hai tuổi phải được đến trường, không nên giữ ở nhà với bà già trẻ sẽ già theo, chẳng phát triển được gì, mất cả tuổi thơ của con nó.
- Vậy là bà mất việc rồi.
- Việc thì còn hằng đống ra đó nhưng vấn đề là nó có muốn mình làm không thôi. Khi con nó đi học rồi thì tôi ở nhà có thời gia chăm sóc cơm nước, áo quần cho cả nhà nhiều hơn nhưng nó lại bảo với vợ nó là các con đã lớn rồi, tụi nó không cần bà giúp nữa và bà có thể ra đi.
- Ối trời…
Nghe bà Hương kể chuyện nhà làm các bà khác trố mắt kêu trời, nhất là bà Mai. Chồng con gái bà cũng là một anh Mỹ trắng. Bà Lam nói:
- Không phải con rể bà Hương xấu xa hay vô ơn gì đâu mấy bà ơi. Chỉ là khác văn hoá thôi. Bây giờ tôi hỏi thật mấy bà nha:” Mấy bà có thương ba mẹ ruột mình không?”
Các bà lao nhao trả lời: “ Có!” hoặc “ Sao không? “ hoặc “ Ba má đẻ mình ra sao, nuôi mình lớn sao mình lại không thương!”
- Vậy tôi hỏi tiếp là các bà có muốn sống với ba má mình không?
Các bà nín thinh chưa ai vội trả lời. Cuối cùng bà Hoa nói: “ Không, tôi không thích sống với má tui dù tôi rất thương bả. Về thăm vài giờ, thậm chí vài ngày thì được. Lâu quá cũng không thích”
Bà Mai dứt khoát : “ Mình cũng không. Thương thì thương. Ở chung thì không!”
Bà Hương: “ Má tôi chết sớm nên tôi không biết. Tôi vẫn luôn khao khát có má”
Bà Lam tiếp: “ Đó mấy bà thấy chưa,? Tụi mình là dân châu Á., bọn mình luôn đề cao chữ hiếu, luôn đề cao công lao dưỡng dục sinh thành mà còn nói vậy thì huống chi bọn Tây, tụi nó luôn tôn trọng đời sống riêng tư. Cái khác nhau giữa mình và Mỹ là tụi nó dám nhìn thẳng, nói thật vào vấn đề trong khi mình thì cố tình lấp liếm loanh quoanh.

Không khí tự nhiên im ắng lạ, bà Lam lại nói:” Bây giờ tụi mình đang sống trên đất Mỹ thì mình cũng nên có suy nghĩ hành động như tụi nó mới gọi là “ Nhập gia tuỳ tục” . Cứ bắt chước bà Debi bạn tụi nè, con bả phân bì : “ Sao hồi đó ông bà chăm sóc tụi con cho ba mẹ mà ba mẹ không chăm cháu cho tụi con? “ Bà trả lời là ngày xưa khi có chúng mày, ông bà nội ngoại mới bốn mươi, còn bây giờ khi tụi bây có con thì ba mẹ tụi bây đã sáu mươi rồi, sức đâu nữa mà chăm. Lâu lâu tụi bây đem cháu về chơi hay nhờ dòm ngó dùm đôi ba ngày thì OK. Còn thì con ai nấy nuôi đi!”

Mấy bà hùa theo : :” Ừa, nói như bà bạn Mỹ của bà Lam là có lý đó.Tụi mình giờ chỉ nhận chơi hay chăm cháu ngắn hạn thôi. Mình đâu còn bao nhiêu thời gian nữa , phải tranh thủ sống cho bản thân mình chứ. Với tuổi sáu mươi trở đi, một năm sức khoẻ xuống bằng ba năm đó”.

Điện thoại reng. Con gái bà Lam gọi. Vì bận phụ xếp đồ ăn lên bàn nên bà mở loa để có thể vừa nói chuyện vừa làm. Con nhỏ nói:
- Mẹ, tuần tới mấy đứa nhỏ được nghỉ hè một tuần. Mẹ lên trông tụi nó dùm con nha
Bà Lam bối rối vừa nhìn mấy bà bạn già vừa ngập ngừng nói : “ Ờ ờ, để bữa đó mẹ về. Mấy đứa muốn ăn gì thì nói mẹ nấu’
Bà Hoa xìu giọng nói: “ Con Khánh Minh cũng nhờ tui giữ con vào tuần tới nhưng tui tưởng tụi mình đi chơi nên chưa dám trả lời nó. Giờ bà Lam không đi được, bà Mai bay mất, vậy thôi dẹp cái vụ đi San Jose chơi luôn cho rồi.

Bà Nương, bà nội duy nhất trong bàn tiệc, nổi tiếng là người mạnh mẽ và thẳng tính, nhìn như xoáy mắt vào mấy bà ngoại thở dài, ngán ngẩm nói:” Vậy cực khổ là do mấy bà chọn, đâu đổ thừa ai được. Một câu thẳng thắn với con là mẹ đã có hẹn, có kế hoạch rồi mà mấy bà cũng không dám nói thì cũng đừng nên than! Giờ tui hỏi thiệt là mấy bà muốn đi chơi hay muốn trông cháu?
- Thì đi chơi ai lại không muốn, đâu dễ tập họp đông đủ bạn bè.
- Vậy mấy bà để tui xử cho.
Nói xong bà lấy điện thoại gọi lại cho con gái bà Lam. Bà nói :
- Này cháu, mấy cô lên kế hoạch đi chơi hết rồi, giờ cháu kêu mẹ về trông em là mấy cô phải huỷ chuyến đi tội lắm đó.
- Ồ vậy hả cô. Nếu mẹ có chương trình đi chơi thì mẹ cứ đi chơi đi chứ,được vậy tụi cháu còn mừng nữa. Chuyện tụi nhỏ tụi cháu cũng sẽ thu xếp được thôi, chỉ vì mẹ không nói nên tụi cháu không biết, tưởng mẹ mong tụi nhỏ nghỉ để lên chơi với cháu. Con cám ơn mấy cô rủ mẹ đi chơi cho mẹ đỡ buồn, tụi con cũng đỡ áy náy vì không đưa mẹ đi đâu được hết.
Bà Nương cái mặt khinh khỉnh liếc nhìn mấy bà bạn già nói : “ Thấy chưa? Chỉ là mấy bà tự đánh giá mình quá cao, xem thường con quá đáng. Cứ tưởng không có mình là tụi nhỏ chết hết hoặc là vì mấy bà già mà còn ham công tiếc việc, còn muốn bám ghế. Suy nghĩ lại đi mấy mụ!”
Bà Nga, một nhà điêu khắc thành danh, nảy giờ không tham gia câu chuyện, cũng chăm chăm nhìn các bà bạn già của mình với con khó hiểu, rồi chậm rãi nói, nhấn nhá từng chữ :
- Này mấy ngoại, mấy ngoại làm ơn cho mấy đứa nhỏ có cơ hội làm cha làm mẹ với. Mấy ngoại dành làm hết rồi sau này mấy đứa nó có biết làm cha làm mẹ là như thế nào đâu. Mấy ngoại đừng biến con mình thành những người lớn không trưởng thành, nuôi con mà cứ như nuôi búp bê, chẳng khổ cực gì hết, chỉ có chơi đùa hun hít, nựng nịu rồi thôi trong khi đó mấy ngoại mệt bở hơi tai. Mấy ngoại than chăm cháu cực khổ nhưng biết đâu ba mẹ nó cũng muốn nếm trải cái khổ cực đó mà mấy ngoại dành làm cha nó hết rồi. Mà nếu nó không muốn cũng bắt nó trải nghiệm. Mấy ngoại chịu khó từ bỏ vai diễn quan trọng đi, nhường sân khấu cho đám trẻ đi.Tôi rút kinh nghiệm bản thân mình sau khi chăm đứa cháu đầu nên đến mấy đứa sau tôi nói thẳng với các con tôi là tụi bây đẻ thì tụi bây nuôi. Tao già rồi cần nghỉ ngơi. Nếu có nhớ cháu thì tao qua bây thăm, tụi bây nhớ bà thì tụi bây đưa cháu tới thăm bà. Tui thấy nhờ vậy mà gia đình nó gắn kết hơn, biết tổ chức hơn. Cha mẹ giỏi, con nít cũng giỏi theo. Thôi đã đến lúc nhường vai rồi các ngoại ơi. Mà các ngoại cũng đừng nóng ruột mình không phụ thì con mình cực. Đào kép chính thì phải diễn từ đầu tuồng đến cuối tuồng, cha mẹ trẻ nuôi con nhỏ thì phải múa từ sáng đến tối là lẽ tự nhiên thôi các ngoại a.

Văn Mỹ Lan
June 13, 2017

No comments:

Post a Comment