Thursday, April 26, 2012

SỐNG GIÀ


SỐNG GIÀ!
Tới mừng thôi nôi cháu ngoại Bích Ngọc, không thấy Quế Hương, bạn cố tri của Ngọc, tôi hỏi:
-       Sao bữa nay không thấy Quế Hương tới dự thôi nôi cháu bà vậy?
-       Dự sao được, mấy bữa nay bả te tua rồi?
-       Sao vậy?
-       Ừa, thì mấy bữa nay ông già bệnh. Chắc cũng sắp đi rồi.
-       Thì trên trăm tuổi rồi. Ông đã như thân cây mục, cũng nên để ông thay đổi hình hài khác đi chứ. Nhưng còn anh cả đâu? Nghe đâu anh cả chăm ông cụ mà.
-       Ổng xụm luôn rồi.  Mà nói tới ông anh cả của bả mới tội, ổng gần tám mươi rồi mà không được hưởng tuổi già, được sống gần con cái ở Quy nhơn mà phải ở đây lo cho ông già hơn trăm tuổi mới khổ chứ.
-       Nhà Quế hương đông mà, sao lại bắt ông già trẻ chăm ông già già?
-       Thì tại vì ổng là anh cả với lại mấy người kia ở nước ngoài hết rồi. Phần cũng tại ổng nghèo nhất , không có tiền lo cho cha thì phải lãnh phần chăm sóc ông cụ chứ. Mấy người kia chu cấp tài chánh. Đứa bỏ công, người bỏ của mà.


Nói tới anh em ở nước ngoài của Quế Hương tôi mới nhớ là lâu lâu ông cụ làm mệt, Quế Hương gọi các anh chị mình về. Khi về tới nơi thì ông cụ khỏe lại. Cứ thế trong hai năm các anh chị của Quế Hương phải tức tốc về tới bốn lần mà ông cụ cũng chưa đi. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, có hai ngừơi anh của Quế  Hương lại dám bỏ việc hoài nên bị mất việc luôn, nhưng bổn phận làm con mà, biết sao giờ?
Không có Quế Hương tôi mất bạn tung hứng nên truy Ngọc:
-    Nhưng sao tự nhiên Quế Hương lại te tua?
-       Thì ông già hơn tám mươi phải chăm ông già hơn một trăm, nên ông già già chưa khỏe thì ông già trẻ đã sụm rồi . Vậy nên bây giờ Quế Hương phải chăm cả hai ông chứ sao.
Tự nhiên Bích Ngọc cười khùng khục :
-       Nhớ bữa hổm ông anh cả than với tui, ổng nói :’ Trời ơi, hỏng biết chừng nào ông già chết cho tui khỏe vài năm trước khi theo ông bà tổ tiên đây!”
-       Nói gì thảm vậy?
-       Bà nói “ thảm” là ai thảm?
-       Thảm cho cả hai. Bởi vậy mai mốt tốt nhất đừng có chúc ông bà sống lâu trăm tuổi rồi rên nha.
Nói chuyện với Ngọc Bích xong tôi thẩn thờ. Từ cổ chí kim, từ vua chúa cho đến thứ dân, ai cũng mong được trường sinh bất lão nhưng liệu thọ quá có phải là điều hay ho cho bản thân và cho người thân không?  Tuổi già lú lẫn, hình hài nhăn nhúm, sức khỏe suy giảm. Tôi nhớ khi còn nhỏ, dù được cả nhà dạy phải biết kính yêu bà cố nhưng đứa cháu nhỏ của tôi dứt khoát không thấy thoải mái với bà. Có lẽ khi nó có ý thức chút thì bà đã nhăn nheo xấu xí quá rồi, hình ảnh của bà không giống với bà tiên trong truyện cổ tích nữa. Khi đó, bản thân bà không tự chăm sóc được nên bao người lớn quanh nó phải dành sự chăm sóc cho bà nhiều hơn cho nó và nó thì luôn bị mắng mỏ vì ồn ào, vì phá phách làm bà không nghỉ ngơi được. Dạy dỗ gì thì nó cũng thấy mình thiệt thòi vì bà nên nó cứ mơ hồ, miễn cưỡng ghi nhận công lao dưỡng dục xa xưa của bà… thế nên gia đình dòng họ cứ trách móc nó không ngoan, không biết ông bà, bây giờ nó là đứa cháu vô tình, không biết cội nguồn mai mốt chắc là đứa con bất hiếu.

Tôi nhớ có lần đến tiệm làm tóc, con bé  làm móng cho tôi khoe:
-       Bà cố của con năm nay 115 tuổi rồi, bà được cả chủ tịch tỉnh đến thăm đó cô.
-       Bà con thọ quá há. Vậy bây giờ ai lo cho bà?
-       Dạ, ông ngoại tám của con nuôi.
-       Vậy ai nuôi ông ngoại?
-       Dạ mấy cậu mấy dì nuôi.
-       Mấy cậu mấy dì khá không?
-       Dạ nghèo lắm.
-       Có bà thọ đến vậy chắc thích lắm hả?
Nó trầm ngâm một hồi rồi nói:
-       Dạ thích chứ cô. Dòng họ con ai cũng thích bà thọ để khoe, chỉ có ông ngoại tám của con thì không thích lắm. Ông nói:” Phụ tiền bạc chăm lo cho ông bà là chuyện dễ, trực tiếp chăm lo bệnh hoạn, chịu đựng tính khí của người già mới là khó”.
Câu chuyện của con bé làm móng làm tôi nhớ tới câu chuyện buổi sáng khi tôi đi bộ cùng các bạn trong cùng khu phố, đề tài vô tình nói về tuổi già và về việc phụng dưỡng cha mẹ già . Chị Xuân nói:
-       Dì của em năm nay tám mươi sáu tuổi rồi mà còn làm dâu đó.
-       Vậy bà mẹ chồng chắc thọ lắm.
-       Bà đã hơn trăm tuổi. Mấy chục năm trước khi chú em đi bộ đội về hưu, thấy bà đã hơn tám mươi bèn quyết đem bà về nuôi, nghĩ mẹ chắc cũng không còn sống bao lâu nữa, ráng gần gũi phụng dưỡng mẹ vài năm nhưng tới giờ đã gần hai mươi năm bà vẫn ăn khỏe và vẫn đòi hỏi cơm dâng nước hầu, trà thuốc mỗi ngày làm dì em oải muốn chết.
-       Nhưng cha mẹ già thì mình phải phụng dưỡng chứ sao!
-       Thì đó là bổn phận mà, có điều dì của em cũng đã hơn tám mươi, con dâu dì thuộc thế hệ mới, nó không chịu hầu dì mà dì thì không dám không hầu mẹ chồng.
-       Đó là bất hạnh thế hệ của dì đó. Người ta gọi thế hệ 5X là thế hệ trắng tay, hồi nhỏ thì sợ cha mẹ, khi cha mẹ lớn tuổi thì tự cho mình có bổn phận phải phụng dưỡng. Đối với con cái thì không dám uy quyền, nếu không nói là dốc hết sức mà lo cho con nhưng lại không dám mong con cái lớn lên sẽ chăm lo cho mình, sợ làm phiền nó…
Câu chuyện của chị Xuân làm tôi nhớ tới có lần tôi gặp hai bà lão ở New Jersey. Bà lão người Việt cứ theo nài nĩ tôi nhờ tôi nói giúp với cha xứ mà tôi thân, để cha nói  với con cái bà cho bà được vào Viện dưỡng lão người Việt, lý do là vào ngày thường, con cháu bà đứa đi học, đứa đi làm. Tối về thì đứa nào về phòng đó. Suốt ngày bà ở nhà một mình buồn quá, bà ước ao có tiếng nói đồng hương hay tiếng nói của con người  cho đỡ cô quạnh. Tôi nói lời thỉnh nguyện của bà với cha xứ, cha xứ nói đó là chuyện riêng của gia đình con chiên, cha không muốn can thiệp. Rồi cũng trong những ngày đó, cũng tại khu phố đó, tôi lại tiếp xúc với một bà lão gần tám mươi người Mỹ, chân cũng đã run, mắt cũng đã mờ rồi mà lại sống một mình. Bà ham chuyện lắm nhưng khi hỏi bà ở một mình có buồn không, sao không ở chung với con cháu cho vui. Bà nói dứt khoát:
-       Con tôi nó có cuộc đời của nó. Tôi không muốn và không thể trói buộc cuộc đời nó vào cuộc đời tôi vì tôi sống già.
-       Nhưng đó là bổn phận của con cái đối với cha mẹ lúc về chiều mà .
-       Giáng sinh, sinh nhật tôi có khi nó dẫn vợ con về thăm. Vậy là đủ. Còn bình thường mỗi năm nó chỉ có một số ngày phép, tôi không cho phép mình bắt nó về thăm hoài mà để nó thoải mái đưa gia đình đi đây đi đó. Đòi hỏi ở con là ích kỷ.
Đúng là Tây Ta có khác. Tây nuôi con, khi con vừa lớn đủ, Tây thả cho con vào đời, mong con như cánh chim trời, có sức bay càng xa càng tốt. Tây vui khi dõi theo cánh chim bay. Ta nuôi con, ngày nào còn khả năng, ta vẫn còn muốn giang đôi cánh ra để ấp ủ chăm lo cho con dù cho con có lớn đến bao nhiêu tuổi . Rồi cũng vì cách nuôi dưỡng yêu thương không bờ bến đó, khi già, ta mong con cũng quay lại dòm ngó đến ta dù chỉ bằng một phần nào tình yêu thương mà ta đã cho. Ta nắm níu nhau qua lại, ta làm ấm lòng nhau cũng có mà phiền lụy nhau cũng nhiều.
Trở lại chuyện con bé làm móng, tôi hỏi:
-       Bà con đẹp lão không, hôm nào cô đưa chú tới chụp hình bà nhá.
-       Dạ bà không khỏe lắm đâu cô, bà của con lòa rồi, chỉ nằm một chổ thôi.
Nghe con nhỏ trả lời tôi lại nhớ tới một bà lão người dân tộc ở Bảo lộc đã 103 tuổi, da bà đen nhẻm, từng centimet da thịt hiện lên những nếp thời gian trông hay ho và đẹp đẻ lạ lùng. Toàn thể con người trần trụi của bà  như một món đồ cổ xưa. Ánh mắt của bà trắng dại đưa ta ngược về cả thế kỷ trước. Nói chuyện với con cháu bà lão mới thấy họ kính yêu và quan tâm đến bà vô cùng, nó nói:
-       Hôm trước bà con bệnh, cả nhà con bỏ hết nương rẫy về chăm bà.
Nghe con nhỏ nói về bà với cái giọng thiết tha làm tôi thầm cảm mến em, người dân tộc không cần học Khổng Mạnh cũng biết kính yêu ông bà. Em  khoe tiếp:
-       Bà em nuôi cả nhà đó cô.
-       Nuôi cả nhà? Bà già vậy thì có sức đâu mà làm nuôi cả nhà?
-       Dạ, tại cô không biết, già thiệt già thì không cần làm gì cũng có tiền mà cô. Nhà nước cho mỗi tháng vài trăm ngàn. Lâu lâu mấy cô chú vô chụp ảnh chừng vài giờ cũng được cả trăm ngàn. Chưa kể khách nước ngoài đến chụp ảnh thì còn cho cả giấy xanh, bán được nhiều tiền lắm. Cả nhà con kiếm tiền không bằng một mình bà đâu.
-       Vậy nếu bà không kiếm được nhiều tiền thì có yêu quí bà không?
-       Có chứ cô. Vẫn yêu quí bà chớ nhưng nếu bà bệnh tốn tiền quá thì không mong bà sống lâu đâu. Bà sống đủ rồi thì thôi, để dành ngô khoai nuôi trẻ nhỏ.
Lời con bé người dân tộc làm tôi ngẫm nghĩ hoài” Sống đủ rồi…” Thế nào là sống đủ, ai có quyền định cái chữ đủ ở đây. Phải chăng sống khỏe như bà lão người dân tộc thì sống hoài vẫn chưa đủ, còn sống mù lòa yếu đuối như bà cố của con bé làm móng là quá đủ. Nhưng đủ hay không đủ thì ai có quyền quyết định, kể cả bản thân của người đó.
Tôi có quen biết một đôi vợ chồng nay đã ngoài bốn mươi rồi mà không dám có con cái gì, ở vây nuôi chó và chăm hai bà mẹ hai bên với một người giúp việc. Bà mẹ bên vợ bị bệnh tiểu đường nằm bẹp trên giường không tự lo cho bản thân được. Đã vậy bà lại còn mất trí nhớ, bà chẳng còn nhớ được ai trừ con chó nhỏ vẫn quấn quít bên bà và đứa con gái đang ngày đêm chăm lo cho bà. Khi bức bối là bà la hét. Mỗi đêm hai vợ chồng phải thức dậy giúp bà tiểu tiện và tiêm thuốc cho bà. Bà mẹ bên chồng vẫn còn đi lại được nhưng cũng đã đã ngoài tám mươi. Tôi đã chính mắt thấy anh chồng đút cơm cho mẹ mình với một đôi mắt yêu thương. Hai vơ chồng này chưa hề biết đi đâu chơi xa là gì. Đến ngày tết, ngày lễ còn thê thảm hơn vì người làm nghỉ hết, hai vợ chồng phải đích thân lo toan mọi bề cho hai bà mẹ. Tôi nhìn tình cảnh của họ mà cảm kích, thương cho sự hiếu thảo hiếm hoi còn sót lại trong thời buổi này. Tôi nhớ có một người bạn thấy xót cho sự thiệt thòi cực khổ của đôi vợ chồng trẻ bèn xúi dại người chồng:
-       Bà mẹ vợ của mầy sống đời thực vật lại không còn nhận biết ai nữa. Để bà sống thì khổ bà mà khổ luôn tụi bây, mầy để bà đi cho rồi…
-       Người ngoài bao giờ cũng thấy khác, cảm khác, còn người thân trong cuộc thì không thể dứt ruột ra mà làm vậy được đâu.
Trông người lại nghĩ đến mình. Giờ bản thân cũng đã nghỉ hưu, đã xếp vào hàng “ bà bà” rồi, cái ngày mình già nua yếu đuối lẩm cẩm đang sầm sầm bước tới, không biết sức khoẻ mình rồi sẽ ra sao, con cái sẽ đối xử thế nào. Nữa đây khi đã già, đã yếu, đã chết được rồi mà trời chưa cho đi thì có dám tự xử không hay lại kéo lầy nhầy những ngày tàn héo úa. Đọc báo thấy tổ chức Y tế cứ nói hoài những bệnh của người già, quỷ hổ trợ người già, nước này đang già, nước ta cũng sắp già rồi tưởng tượng nếu mai này ra đường thấy ai cũng nhăn nheo, đi đứng chậm chạp, nói năng lập cập mà sống hoài không chịu đi…thì loài người có nên tiếp tục nghiên cứu để con người trường sinh bất tử chăng?
Văn Mỹ Lan
Ngày 25/4/2012




Monday, April 16, 2012

CHƠI THÂN


facebook.com            
     CHƠI THÂN!

                        Thế gian có đến triệu người
                        Với em chỉ thấy một người là anh
                        Thế gian có đến triệu người
                        Sao anh quên mất một người là em?

Chơi thân với đứa không thân
Chỉ vì nhà nó ở gần nhà anh!

Muốn sang thăm bạn nhiều lần
Chỉ vì muốn thấy xa gần bóng anh
Muốn sang thăm bạn nhiều lần
Chỉ vì mong có một lần  được yêu

Ví dầu anh chẳng yêu em
Thì cho em biết kẻo  em đợi chờ
Ví dầu anh chẳng yêu em
Thì cho em biết, chớ lững lờ  tội em

Văn Mỹ Lan, 25/5/04

Bài thơ này viết riệng cho truyện ngắn  ĐƯỢC VÀ MẤT
http://www.blogger.com/blogger.g?blogID=3374539763689475994#editor/target=post;postID=2403876097377688932








                        

Sunday, April 15, 2012

Người Đà lạt bây giờ phong phanh chỉ một chiếc áo như người Sài gòn. Không còn thấy những cô gái má luôn ửng hồng, giọng nói luôn nhè nhẹ, ngắt từng câu ngăn ngắn. Rừng thông Đà lạt không còn bao trùm cả thành phố và sương không còn luôn phủ cả núi đồi. Ôi, Đà lạt thành phố mộng mơ của tôi đâu rồi!
facebook.com

Sunday, April 8, 2012

CHIÊC VÒNG CẨM THẠCH

https://www.facebook.com/vanmylantruyen/
Chiếc vòng cẩm thạch.

Tôi đeo chiếc vòng này chắc phải hơn mười lăm năm  rồi. Nhớ hồi đó, không bíêt tại sao tự nhiên tôi ao ước có một chiếc vòng cẩm thạch màu xanh biếc mãnh liệt đến độ tôi quyết tìm mua ngay và phải mua cho bằng được một chiếc vòng cẩm thạch thật như ý. Một vài ngày ráo riết tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng mua được một chiếc vòng từ một người chuyên bán cẩm thạch cho một gia đình chuyên chơi ngọc
                                     
Minh, chồng tôi đã xăm xoi kỹ lắm khi lựa chíếc vòng  cho vợ. Anh phân vân giữa hai chiếc vòng có  ưu và khuyết điểm khác nhau. Một chiếc không xanh biếc nhưng xanh đều. Một chiếc xanh bíêc nhưng có một vết đen nhỏ. Minh bảo tôi chọn lại một trong hai chiếc. Tôi quyết định chọn chiếc vòng không hòan chỉnh.

Chiếc vòng theo tôi nhiều năm. Hình như càng lúc nó càng bóng hơn, xanh hơn. Nó cũng là đề tài trao đổi với nhiều người quan tâm tới cẩm thạch. Mỗi lần tôi sang công ty bạn làm việc thì chị giám đốc công ty hay nắm tay tôi ngắm nghía chiếc vòng, bình luận về vòng rồi đem khoe tôi chiếc vòng xanh ngắt  của chị r. Chị nói là đã có nhiều người trả chị hơn US$10,000 nhưng chị không bán vì đó là của gia bảo. Chiếc vòng của tôi để cạnh chiếc vòng gia bảo của chị bạn thì nó trở thành chiếc vòng lọ lem và tôi xấu hổ chỉ muốn rút tay về mà dấu nó đi. Nhưng mỗi lần gặp má của Quý Lan, một người rất am tường về ngọc thì tôi lại được dịp nở mũi vì bà cứ giữ chặt tay tôi mà khen nức nở : “ Cô có chiếc vòng đẹp rứa. Chiếc vòng này mới quý làm sao!’
Seng Meng, một đối tác người Singapore của tôi thì cứ bảo Minh rộng rãi để cho tôi sắm một chiếc vòng quý, thực ra ông không bíêt rằng hồi đó tôi mua chiếc vòng đó không mắc lắm, nhưng có lẽ màu xanh biếc của nó đã làm ông lầm tưởng trị giá của nó phải hơn thế nhiều. Rồi khi có một phóng sự về cẩm thạch, báo đài khẳng định là với công nghệ bây giờ, người ta hòan tòan có thể làm ra một chiếc vòng cẩm thạch hòan hảo, xanh biếc, không chút tì vết. Vậy là cái tì vết không hòan hảo trên chiếc vòng của tôi làm cho nó tăng giá trị vì chắc chắn nó là cẩm thạch thật, giống như rau có sâu là rau không có thuốc trừ sâu hay dư lượng thuốc trừ sâu mà người tiêu dùng bây giờ rất ngại

Tôi vốn mê thể thao. Hết cầu lông rồi đến tennis. Các ông thầy dạy tôi đều hăm he là có ngày tôi sẽ làm bể chiếc  vòng. Tôi nhớ có lần anh Phúc, một đối tác làm ăn lâu năm với tôi hay trầm giọng nói mỗi khi nhìn chiếc vòng của tôi : “ Chị cẩn thận. cẩm thạch mà bể thì xui lắm đó. Má tôi làm bể chiếc vòng cẩm thạch và ngay sau đó là em gái tôi bị tai nạn mất”. Lời anh Phúc ám ảnh tôi, tôi sợ chiếc vòng bể quá. Con gái  tôi đi học xa. Ba má tôi đã già, má tôi lại hay bị cao huyết áp đột ngột, tôi sợ chiếc vòng một ngày nào đó vô tình báo hung  tin.. Tôi mua cái băng tay để bảo vệ cái vòng khi chơi thể thao. Tuy vậy, cũng có ngày tôi quên đeo băng, vậy là hôm đó tôi chơi không thoải mái , lòng cứ nơm nớp lo sợ. Một hôm tôi nghe được một bài giảng của Thầy Nhất Hạnh. Thầy nói của cải hay tình yêu cũng giống như chuyện người nông dân mất bò. Có bò thì phải chăm bò và sợ mất bò. Không có bò thì không lo mất bò. Tình yêu cũng là một con bò, nhà cửa, xe cộ , tất thảy cái gì mình sợ đánh mất  thì nó cũng giống như những con bò của người nông dân. Rồi tôi chợt nghĩ có phải tự tôi đeo gông bò vào cổ mình không, không có chíêc cẩm thạch trên tay thì tôi vẫn là tôi, cớ sao tôi cứ vì nó mà có khi phải nơm nớp lo sợ nó vỡ, nó xui. Tôi nung nấu ý nghĩ sẽ bỏ gở chiếc vòng. Ý  nghĩ tháo bỏ chiếc vòng khỏi tay cũng quyết liệt như khi tôi muốn có nó trên cườm tay của mình. Đeo vòng vô tay rất khó, tháo nó ra còn khó hơn nhiều. Tôi thử tháo mấy lần cũng không vuột nó ra được.

Một hôm tôi đi chung xe với Thanh, một cô bạn ở gần nhà một tiệm kim hoàn, khi biết tôi có ý định tháo bỏ chiếc vòng cô bèn bày tôi cách đeo bao nylon vào tay, dùng xà phòng làm cho trơn để tuột chiếc vòng ra. Sáng nay tôi đã là theo lời chị. Hơi đau một chút nhưng cuối cùng tôi đã tuột được chiếc vòng.

Chiếc vòng đã ra khỏi tay rồi. Tôi không còn sợ nó bể, sợ nó báo hiệu một điềm xui xẻo nào nữa nhưng không hiểu sao tôi buồn đến lặng cả người.  Cái cổ tay trống trơn, hình như có nhẹ đi một tí nhưng mà lòng tôi lại nặng trĩu. Một cái buồn không lý giải được. Có phải chăng vì tôi rất con người, tôi vẫn còn thích đeo những gông cùm của cuộc đời, vẫn  còn sẵn sàng đau khổ ưu lo cho những cái mà lẽ ra con người có thể vứt bỏ.

Hôm qua sắp xếp lại toàn bộ hành trang để chuẩn bị cho một chuyến đi xa thật xa, lâu thật lâu tôi lại bắt gặp chiếc vòng cũ. Nó vẫn nằm đó trong cái bao nhung màu đỏ. Tôi lấy nó ra ngắm nghía thật lâu và chợt nhận ra  là lâu rồi mình không có nỗi lo nơm nớp chuyện chiếc vòng bị nứt hay bị đánh vỡ. Tôi nhẹ nhàng cất nó vào bao và đẩy nó thật sâu vào tủ. Tôi không nghĩ có ngày tôi phải vương mang vì nó nữa. 

Văn Mỹ Lan
Sáng 5/2/07

ĐƯỢC VÀ MẤT

-->
                                                       ĐƯỢC VÀ MẤT


Hơn hai mươi năm tôi mới trở lại trường xưa. Đang ngơ ngác, thẩn thờ với bao điều cũ    
mới, đang ao ước được gặp gỡ, nói cười với một người bạn thuở trong đầu còn chưa bị những lo toan cuộc đời làm trái tim nặng trĩu thì bất chợt,  tôi nghe ai đó gọi tên mình:
-       Chi Lam. Phải chị Hồng Lam đó không?
Tôi giật mình xoay người lại theo hướng gọi của một âm thanh reo mừng sau lưng, một khuôn mặt thật quen hiện ra. Tôi cố nhớ lại tên của người đã chào đón tôi bằng âm điệu nồng nàn vừa rồi, ký ức hiện về….Tôi kêu lên:
-       Thuận!  Thuận  phải hả?
-       Em Thuận đây. Trông chị vẫn như xưa.
-       Còn em trông chững chạc hơn nhiều rồi đó
Tôi vừa hỏi vừa chăm chăm nhìn cô Thuận , cô giáo Toán, người bạn đồng nghiệp trong năm năm theo nghề dạy học của tôi. Thuận vẫn giữ được nét thanh tú ngày nào: đôi mắt đen dài, hai cánh mũi nhỏ xinh xinh, đôi môi hồng duyên dáng nổi bật với nét viền môi đen đen. Tôi nhìn vào đôi mắt sáng long lanh tự tin ngày nào giờ lại nhuộm một màu xa xăm sâu thẩm. Tôi hỏi:
-       Sao? Được mấy cháu rồi?
Thuận cười, một nụ cười gượng gạo khoe hàm răng vẫn trắng đều tăm tắp, đôi mắt trĩu nặng nhìn tôi nói:
-       Chị Lam, em cố tìm chị bao nhiêu năm nay nhưng chị lặn đâu mất biệt, ai cũng tưởng anh chị đã định đi cư nước ngoài.
-       Chị chỉ dọn nhà ra Sài gòn ở thôi, chị nghĩ mình là người bỏ cuộc nên cũng không giữ liên lạc với bạn bè đồng nghiệp. Thôi nói chuyện của em đi


Hai chị em đưa nhau đến một ghế đá dưới gốc cây phượng già ngồi. Tôi bồi hồi nhớ lại cảm giác ngày nào cả bọn con gái chúng tôi tụ tập tỉ tê cũng dưới gốc cây này. Gốc phượng chứng kiến bảy năm tôi là học sinh và năm năm tôi đứng trên bục giảng. Với ngôi trường này, tôi vừa là trò vừa là cô giáo nhưng thời gian đi dạy ở đây không ghi lại trong tôi dấu ấn nào, chỉ có thời đi học là còn ở lại mãi trong tôi.


Buông ký ức đang ào ạt quay về làm tôi choáng ngộp, quay lại mĩm cười với Thuận, tôi hỏi:
- Sao chuyện  chồng con thế nào, Thầy Hưng có khoẻ không?
Đáp lại câu hỏi của tôi là đôi mắt đen chợt tối sầm lại. Tôi bối rối hỏi tiếp:
-       Có chuyện không vui à?
Ký ức lại trở về. Tôi nhớ ngày ấy Thuận mới ra trường, là một giáo sinh thực tập môn Toán. Thuận ngày ấy mới về trường tươi mát như một bông hoa mới nở còn đọng sương mai khiến bao thầy giáo trong trường ngẩn ngơ. Trong trường tôi lúc đó cũng có vài thầy giáo độc thân, trong đó có thầy Hưng, người được đánh giá là một nhân tố tích cực và đầy tiềm năng. Ngòai chuyện tham gia những hoạt động của trường một cách nhiệt tình sôi nổi, thầy còn là một cây văn nghệ, có thể vừa đệm đàn guitar vừa hát những bài tình ca vô cùng ấm áp. Hình ảnh ấy đã  làm bao trái tim của những cô nữ sinh mới lớn và các cô giáo trẻ còn độc thân say đắm, trong đó có cô Thuận.


Nhà thầy Hưng ở gần nhà tôi, không biết có phải  vậy không mà cô Thuận tự nhiên quý mến tôi và hay đến nhà tôi chơi dù hai người khác tổ chuyên môn và cũng không có cái  chung.

Lúc ấy lớp tôi chủ nhiệm có một cô bé tên Bạch Nga rất xinh đẹp. Ba Bạch Nga mới mất đã để lại cho hai mẹ con Bạch Nga một tài sản kếch sù. Mẹ Bạch Nga chỉ mong chọn được một anh rề quý để phụ bà cai quản gia sản trên. Tôi có đi đám tang ngày ba Nga mất và khá thân với mẹ cô bé. Một lần mẹ Bạch Nga nhờ tôi mời thầy Hưng tới dạy phụ đạo cho Nga môn Lý với tiền bồi dưỡng rất hậu hĩ. Rồi lại có một hôm khác, thầy Hưng đến mời tôi đi uống cà phê để hỏi ý kiến:
-  Chị Lam nghĩ sao nếu tôi  kết hôn với bé Nga.
-  Trời, có chuyện đó nữa hả? Ai đốn ai ngã vậy? Tôi kinh ngạc hỏi lại.
-  Thôi chị đừng giỡn mà. Hưng năn nĩ tôi và xuống giọng tâm sự tiếp: “ Nga bảo là Nga yêu tôi. Má Nga rất ủng hộ chuyện này. Bà nói sau đám cưới bà sẽ giao cho tôi cai quản một số cơ sở của gia đình..."
-  Vấn đề là ông có yêu nó không? Tôi hỏi ngang, giọng đầy nghi ngờ:
-  Thực tình thì nó là một cô gái mới lớn rất đẹp và giàu …
-  Và điều đó chi phối quyết định của ông chứ không phải tình yêu?
-  Nó rất giàu. Hưng nhấn giọng nói gọn. Lấy nó tôi có thể thay đổi vận mệnh của bản thân và của cả gia đình mình.
-  Và đánh mất bản thân ông!
Tôi ngắt ngang lời Hưng một lần nữa và anh cúi đầu nhìn xuống đất như đang muốn đóng đinh quyết định của mình xuống nền nhà. Biết anh không muốn hay không thể trả lời, tôi hỏi theo hướng khác :
-     Ông có quan tâm tới cô Thuận không?
-  Có. Thuận cũng rất yêu tôi . Thuận xinh đẹp, trưởng thành, chín chắn, đảm đang.
-  Nhưng Thuận nghèo và phải nuôi một bố già nằm liệt giường, ông chưa sẵn lòng chia sẻ gánh nặng này?
Hưng im lặng một lúc rồi hạ giọng :
-  Chi Lam kết tội tôi à?
-  Không. Tôi hiểu ông. Ông yêu Thuận nhưng tình yêu của ông chưa đủ lớn để bù đắp  khát vọng sớm đổi đời của ông. Tôi hiểu những năm tháng khốn khó đã khiến ông lưỡng lự, không đủ can đảm dứt bỏ một tài sản kếch sù mà ông dễ dàng có được. Lấy Thuận thì khả năng đổi đời của ông sẽ xa vời khi cả hai đều đi dạy.
-  Tôi hi vọng chị không kết tội tôi. Có khi tôi oán số phận, bố Thuận nằm mãi mà không chịu đi  làm cho Thuận cực khổ quá, tốn kém mà lại bó chân bó tay, muốn dạy để kiếm tiền thêm cũng không có thời gian…
-  Trời kêu ai nấy dạ. Đâu phải ông lão muốn vậy đâu. Tội thì ông nên tội cho cả hai.  À còn vụ con Nga, chắc  ông phải chờ cô bé ra trường mới cưới chứ hả?
-  Có lẽ phải như vậy. Có điều bây giờ mẹ Nga muốn đám hỏi trước.
-  Nếu lòng ông còn phân vân thì ông đừng làm đám hỏi, phòng khi ông suy nghĩ lại thì tội nghiệp con gái người ta, nó cũng là học trò lớp tôi chủ nhiệm đó.
-  Có lẽ tôi sẽ suy nghĩ thêm.
   



Sau đó vài ngày thì Thuận đến nhà tôi khóc nức nở. Hình như Hưng đã nói ý định cưới Nga cho Thuận biết. Tôi an ủi cô nàng:
-  Thôi em cố quên Hưng đi. Rồi em sẽ tìm được một người tốt hơn người không dám sống cho tình yêu của mình. Nếu Hưng lấy em, Hưng sẽ cứ nuối tiếc tài sản của cô vợ hụt và hai người cũng khó lòng mà hạnh phúc được.
-  Nhưng em thực sự yêu Hưng.
-   Lấy Hưng chưa hẳn là hay, mất Hưng chưa chắc là dở.Tôi cố an ủi Thuận.
                           

Một hôm tôi đang ngồi soạn bài thì có một bé trai hớt ha hớt hải chạy đến gọi tôi ơi ới từ ngoài cổng:
-            Cô Lam ơi cô Lam, cô đến nhà chị Nga mau lên. Chị Nga tự tử rồi.
-            Cái gì?
-            Chị Nga tự tử gần chết rồi. Má chị Nga sai em tới mời cô đến ngay. Thằng bé hổn hển nói.

Tôi không cần hỏi thêm câu nào nữa mà ba chân bốn cẳng chạy tới nhà Nga. Từ ngày ba Nga mất, má Nga coi tôi như người tin cẩn nhất vì con gái bà nghe lời tôi, vì tôi thân với thầy Hưng. Bà nói con bé thần tượng tôi.

Khi tôi đến thì Nga đang hôn mê sâu, mạch rất yếu. Không biết con bé đã uống bao nhiêu viên thuốc ngủ . Tôi và mẹ Nga vội đưa nó đi bệnh viện. Bác sĩ nói đã quá trễ để sút ruột nên chỉ cho truyền dịch. Bác sĩ nói hi vọng với tuổi trẻ con bé sẽ đủ sức vượt qua nguy hiểm.
Miên man hai ngày đêm thì cô bé tỉnh dậy. Cũng may, có lẽ số thuốc ngủ chưa đủ để đưa cô bé vào giấc ngủ thiên thu.
Khi cô bé tỉnh dậy và có thể nói chuyện được, tôi hỏi:
-            Sao dại vậy em?
-            Em buồn lắm cô. Em muốn chết cho rồi. Thầy Hưng nói thầy sẽ không lấy em nữa. Thầy nói là thầy không thể lấy em được. Em không phù hợp với Thầy.
Cô bé nghẹn ngào nói, nước mắt đầm đìa đôi má mịn màn xanh mướt, đôi môi hình trái ấu trắng nhách. Tôi vừa vuốt tóc cô bé vừa hỏi:
-            Sao tự nhiên không lấy nữa. Có chuyện gì kể cô nghe coi? 
Nức nở, cô thổn thức :
-            Em không biết. Cô hỏi thầy Hưng đi.


 Tôi hoang mang. Hôm trước Hưng nói là mình đã quyết định cưới Nga rồi mà. Chắc tôi phải ghé nhà Hưng hỏi chuyện mới được còn bây giờ chuyện quan trọng là thì làm cho cô nàng tỉnh trí trước đã. Tôi nói tỉnh rụi:
-            Không lấy thầy Hưng thì lấy người khác. Biết đâu sau này em lấy được người khác còn tốt hơn thầy Hưng nhiều nhiều lần.
-            Em không cần ai hết. Em chỉ muốn lấy thầy thôi. Cô bé quả quyết.
-            Nhưng nếu em chết rồi thì làm sao lấy thầy được. Khi đó Thầy cũng sẽ lấy người khác. Mà em không nghĩ đến má em sao. Bây giờ má chỉ còn có một mình em thôi đó.
Cô bé nín thinh không trả lời. Đầu óc lừ đừ rả rời vì thuốc làm cho cơn đau tình ái nguôi ngoai. Tôi có cảm tưởng là cô bé đã phần nào tỉnh ngộ. Khi rời bệnh viện tôi đến thẳng nhà thầy Hưng.

-            Trời ơi, ông làm gì mà con bé Nga nó tự tử vậy.
-            Thật không?
-            Ông vào bệnh viện mà xem.
-            Trời, tôi phải vô thăm nó ngay mới được.
Thầy Hưng quơ nhanh cái nón dợm chân bước ra cửa. Tôi định quay trở lại bệnh viện với Hưng nhưng chợt  nghĩ lại, tôi  nói:
-            Thôi ông làm ơn kể sự thể cho tôi nghe trước đi để tôi xem ông có nên vô thăm nó không đã. Hưng tần ngần một chút rồi ngồi xuống bắt đầu kể:
-            Tôi không trả lời má Nga là tôi sẽ lấy Nga nhưng sau đó tôi có mua quà cho Nga coi như một lời đáp trả. Quan hệ giữa chúng tôi thân hơn và dĩ nhiên tôi đến nhà Nga chơi cũng thường hơn nên tôi mới biết Nga là một cô gái không chịu nổi.
-  “Không chịu nổi !”. Ý ông là sao?
            Hưng đăm chiêu :
-  Nga là một cô gái nhà giàu xinh đẹp, đỏng đảnh. Chỉ vậy thôi.
-  Ý ông nói nó rỗng tuếch và kênh kiệu chứ gì?
-  Thì chị biết rồi.
-  Nhưng mà điều này ông cũng biết từ trước rồi. Ông cũng phải châm chước là nó mới mười bảy tuổi, thời gian sẽ giúp nó trưởng thành hơn.
-  Không thể chịu được. Khi biết tôi đồng ý kết hôn thì Nga bắt đầu uy quyền yêu sách với tôi. Với cái ngử con gái ngồi một chổ lớn tiếng sai biểu cha, mẹ, chồng con là chướng tai gai mắt lắm, tôi không chịu nổi. Đã vậy má Nga lại muốn tôi ở rể.
-  Thì nó là con gái một, lại là con gái nhà giàu nữa, nó cũng chưa đủ lớn để hoàn thiện bản thân. Ông có cố chấp quá không?
-  Có lẽ tôi có tính gia trưởng. Tôi biết đàn ông nhà tôi có tính gia trưởng không bỏ được. Với tôi đàn bà như thế là vứt đi.



Tôi không góp ý nữa mà nhìn ra chỗ khác suy nghĩ. Tôi hiểu Hưng lớn lên ở một làng quê  miền Trung nghèo khổ, nơi có tiếng là “ cá ăn đá, gà ăn muối”. Ở nơi đó, anh em Hưng đã bữa đói bữa no. Cha Hưng đã bị bạo bệnh mà chết vì không tiền thuốc men. Từ đó Hưng muốn đổi đời nhanh chóng bằng mọi cách, lấy con gái nhà giàu là cách làm giàu nhanh và an toàn nhất . Có điều Hưng muốn nhiều quá, vừa muốn ôm của người ta vừa muốn làm  cha người ta nên anh không thể chấp nhận cái thói đỏng đảnh con nhà giàu của cô bé Nga. Với Hưng, đã là đàn bà con gái thì phải công dung ngôn hạnh để hầu chồng và lo cho con cái bất kể cô xuất thân từ đâu. Tận sâu trong đáy lòng, tôi cho Nga đã may mắn  khi bị Hưng từ chối cuộc hôn nhân này.
Thấy tôi im lặng, Hưng đứng dậy nói:
-  Thôi tôi đi thăm bé Nga đây.
-  Khoan đã. Nó đã tỉnh dậy rồi và bảo đảm sẽ không nghĩ đến tự vẫn nữa đâu. Nếu ông đã quyết định không lấy nó thì thôi đừng gặp nó nữa. Gặp nó ông sẽ nói gì với nó?  Trừ khi ông suy nghĩ lại và quyết định cưới nó.
Hưng đứng tần ngần một chút rồi ngồi xuống. Tôi hiểu diễn biến trong đầu anh nên đề nghị:
-  Thôi, để tôi nói chuyện với mẹ con bé Nga dùm cho.

Sau khi từ bệnh viện về thì bé Nga chuyển trường. Thầy Hưng cũng khổ sở vì mang tiếng   quan hệ lăng nhăng khiến học trò phải tự tử, mất thi đua năm đó. Để bịt mồm dư luận, thầy cưới cô Thuận ngay mùa hè năm đó. Nhà trường đứng ra tổ chức đám cưới giúp đôi vợ chồng trẻ. Hôm đó cô Thuận trông thật là xinh tươi và mãn nguyện. Thầy Hưng thoáng nét đăm chiêu!

Rồi tôi nghỉ dạy và dời nhà ra quận ba ở cho tiện việc đi làm và cho con gái tôi tiện việc đi học. Ở môi trường mới, tôi vô cùng bận rộn và quên mất chuyện thầy Hưng, cô Thuận và bé Nga. Tiếng Thuận lôi tôi về hiện tại :
-  Chị có dự đám cưới em mà. Em bây giờ có hai nhóc rồi. Thằng lớn còn học cấp ba. Con gái nhỏ mới bốn tuổi thôi.
-  Nghe có vẻ lý tưởng quá rồi, có đủ nếp đủ tẻ nhưng sao em có vẻ không vui.
Lặng câm một chút rồi Thuận nói:
- Em sống với anh Hưng không vui. Em cứ nhớ lời chị nói “ Lấy Hưng chưa chắc đã là hay. Mất Hưng chưa chắc đã là dở”. Hồi đó lấy được anh Hưng em mãn nguyện lắm. Em thấy em là người con gái sung sướng nhất đời vì lấy được người mình yêu, một người dạy giỏi hát hay, không rượu chè, không hút sách, không cờ bạc.
-            Thì thầy Hưng đúng là như vậy mà.
        Không trả lời tôi, Thuận mơ màng nói:
-      Chị đã nhắc nhở em  câu đó, sao chị không nhắc thêm là những cái tài hoa của anh Hưng thường là dành cho xã hôi, không phải cho vợ con. Khi lấy anh Hưng rồi, em không hạnh phúc được bao nhiêu ngày. Tính anh rất gia trưởng. Cùng đi dạy nhưng khi về nhà một mình em phải cơm nước, con cái, hầu hạ chồng và mẹ chồng. Khi con cái đau ốm thì anh rầy la  em chăm con không chu đáo. Khi túng thiếu thì anh nuối tiếc tài sản của cô vợ hụt mà đay nghiến em. Chị biết không bé Nga tự tử vì không lấy được anh Hưng còn em muốn chết vì lấy được anh. Được và mất thật khó lường chị ạ.
-            Sao lại nghĩ tới chết ở đây?.
-            Thì đau khổ quá nên em nói vậy thôi. Em là cô giáo lại có con nên em sẽ không bao giờ làm như vậy. Em đã nghĩ tới chuyện chờ đến khi con khôn lớn thì sẽ ly hôn nhưng ngày đó cũng sẽ không bao giờ đến được.
-            “ Sẽ không bao giờ đến được ?”. Tại sao?
-            Vì bây giờ anh Hưng sẽ mãi mãi nằm liệt một chỗ và em không bao giờ có cơ hội thoát khỏi con người này. Cô Thuận ngậm ngùi nói:
-            Mãi mãi nằm một chỗ ?
-            Giao thừa ba năm trước đây ảnh nhậu sai rồi nhiếc móc em. Ảnh nói vì lấy em cho nên ảnh ngóc đầu không lên. Em trả lời lại là bây giờ chia tay cũng không muộn. Ảnh rượt đánh em rồi trượt cầu thang té, bị chấn thương cột sống cổ phải nằm  một chổ.
-            Trời!
       Tôi kêu trời thảng thốt. Tiếng kêu của tôi không biết nên dành cho Hưng hay cho Thuận.
       Thuận vẫn nói như mơ:
-            Ảnh liệt tay chân nhưng cái miệng không liệt.
-            Chị không hiểu. Hưng vẫn không hối hận vì đã đối xử tệ với em à?
-            Làm gì được như vậy chị. Ảnh còn mắng nhiếc em nhiều hơn vì cho là tại em mà ảnh nghèo, rồi tại em chạy mà ảnh té nên bị liệt.
       Tôi không nén được tiếng thở dài. Tôi thương Thuận xót xa. Ai biết được một cô gái xinh đẹp như vậy lại bất hạnh đến như thế. Ai biết được ngày Thuận được lên xe hoa là ngày tàn của đời Thuận. Phải chi ngày xưa Thuận đừng bao giờ lấy được người mình từng yêu. Được mất thật khó lường!

    Theo yêu cầu của Thuận tôi không đến thăm Hưng. Thuận bảo nếu Hưng gặp tôi, Hưng sẽ nhớ tới tài sản của bé Nga mà mình bị vuột mất và sẽ đay nghiến Thuận thêm nhiều nữa. Tôi tin lời Thuận.

Chia tay với Thuận rồi, tôi thẩn thờ chua xót cho cô. Đau khổ nhất là tôi không  biết làm sao để giúp được cô. Lòng thầm mong Hưng sớm ra đi để giải thoát cho bản thân mình và cho cả Thuận. Tôi nói ý này ra và bị một số người kết án tôi nhẫn tâm nguyền rủa một người bạn vẫn đang sống còn.

Trong một chuyến đi công tác ở Anh về tôi gặp lại bé Nga ở phi trường. Giờ Nga xinh đẹp hơn xưa bội phần. Cô bé Nga ngày xưa đau khổ vật vờ vì yêu nay đã trở thành một phu nhân bác sĩ  thành đạt, giàu có, hạnh phúc. Nga đã lấy chính anh bác sĩ thực tập chăm sóc Nga vào cái lần cô thất vọng vì yêu. Có điều sau lần thất bại với Hưng Nga trưởng thành hẳn ra, biết tự sửa mình để giữ người yêu và để giữ chồng. Nga cười tươi như hoa hồ hởi kể :
-                Nhờ thầy Hưng bỏ em mà em lấy được anh Thành. Hai đứa em sống rất hạnh phúc. Em không có cảm giác ngăn cách với anh Thành như với thầy Hưng. Có khi em còn thầm cám ơn thầy Hưng đã tạo cơ hội cho em gặp anh Thành.
Nhìn Nga phơi phới, tràn trề hạnh phúc, tôi cám cảnh cho Thuận. Có lẽ khi sinh ra mỗi người đã mang một số phận.
-  Cô mừng cho em trưởng thành và hạnh phúc.
-  Dạ, em cứ nhớ ngày xưa cô nói là được mất khó lường. Ngày xưa em tưởng em mất tất cả nhưng ngay vào thời điểm đó em lại được tất cả. Một bài học để trưởng thành và một cơ hội dể em có được tấm chồng tuyệt vời hơn mơ ước.

Vài tuần trước tôi về quê chiụ tang cha, lúc quay về quá cảnh hơn ba giờ ở Taiwan tôi gặp Thuận, cô cũng đang quá cảnh để sang Mỹ thăm vợ chồng con trai. Gặp cô ở đây tôi mừng quá, linh cảm là cô đã thoát khỏi hoàn cảnh éo le ngày nào từ mười mấy năm trước. Hai chị em ngồi xuống hàng ghế đợi mà chia sẻ với nhau bao biến cố của đời mình. Thuận nói:
- Em bây giờ cũng khoẻ rồi. Mới xin nghỉ hưu non.  Thằng lớn của em săn được học bổng sang Mỹ học rồi lấy vợ đẻ con, giờ em qua chăm cháu.
- Vậy còn con gái?
- Ơn trời con bé học cũng tốt, cũng lấy được học bổng và đang học ở Úc chị ạ.
- Vậy còn ông Hưng thì sao?
Nói tới Hưng Thuận khựng lại nhìn tôi hỏi ngược:
- Vậy chị không biết tin anh Hưng nhà em mất sao?
- Ô, chị ở xa quá nên không hay biết gì.
- Báo chí đăng tin tùm lum mà.
- Nhưng chồng em mất thì mắc gì báo chí phải đăng tin?
- Vì chính con gái em làm cho anh ấy đi sớm khi nó mới có năm tuổi.
- Trời! Lại có chuyện đó nữa sao? Bằng cách nào?
- Hôm đó con bé em hơi bị sốt nên không đi học , em để bé ở nhà với ba. Ở nhà ổng réo gọi sai biểu nó lấy nước, nó chậm chạp sao đó nên bị ổng cứ ra rả chưởi hoài, chịu không nổi nó đi lấy cái gối đè lên mặt ba nó cho ổng đừng có la nữa rồi bỏ đi chơi, khi em về lấy cái gối ra thì ổng đã ngộp thở chết. 
- Rồi công an có đặt nghi vấn gì không?
- Theo giám định tử thi thì anh Hưng mất lúc em đang đứng lớp nên em không bị nghi ngờ gì. Báo chí có nêu lên nghi vấn vợ giết chồng hay con gái nhỏ vô ý làm tử vong cha bị bại liệt toàn thân. Bên nội  thương cháu mà bỏ qua không khiếu nại gì, thậm chí bà nội còn đem con bé về quê không cho dự tang cha để khỏi ai xầm xì ảnh hưởng đến tâm lý của nó sau này Cả xóm lại sẵn lòng làm chung một tờ đơn xin miễn truy cứu tội của con bé vì ai cũng nêu lên tình trạng tra tấn tinh thần của ba nó từ bao nhiêu năm nay nên cuối cùng Toà cũng không ghi án con bé. 
- Vậy khi bé lớn lên bé có bị chấn động tâm lý gì không?
- Dạ nó cũng mặc cảm nặng nề lắm chị, may nhờ em có quen với một thiền sư giỏi về trị liệu tâm lý, cho con bé theo Thầy thiền tập một thời gian thì bé cũng ổn. 

Đoạn cuối của cuộc đời Thuận đã kết thúc một cách vừa nhẹ nhàng vừa dữ dội. Cô cho biết bây giờ cô nghe pháp mỗi ngày, ngồi thiền mỗi ngày nên tâm cũng bình an, cho quá khứ đi qua mà sống yên vui với hiện tại. Con gái cô thì cố học tập, không phải để kiếm công danh với đời mà để sau này phục vụ cộng đồng tốt hơn, hầu chuộc lại cái tội sát sanh vô tình khi còn bé dại, nhất là người bé giết hại lại chíng là cha đẻ của mình.


Ngày 06/9/2005. Edit Jan 30, 2017
Văn Mỹ Lan