CHỒNG TÔI SAY…ẢNH!
- Ba
tuần nữa anh đi chụp ảnh với nhóm Sơn Dương, em có đi không?
- Anh
đi bao lâu?
- Thì
sáng sớm thứ bảy đi, chiều tối chủ nhật về.
- Thôi,
đi về có hai ngày, ngồi xe không cũng hết giờ. Mệt thấy mồ. Em không đi đâu. Nếu
đi về ba ngày thì em đi.
- Tụi
nhỏ còn phải đi làm nữa.
- Vậy
thôi anh đi đi, em ở nhà đi dự tiệc kỷ niệm hai mươi năm ngày cưới của cặp
Loan- Phương.
Vậy đó, lần nào đi sáng tác anh cũng
rủ rê. Tôi có cảm tưởng anh rất muốn lôi kéo tôi vào cùng đam mê trong những ngày
tháng đã gác kiếm từ quan này. Khi tôi thử cầm máy ngắm ngắm bấm bấm là anh có
vẻ ủng hộ lắm. Khi tôi chê bai cái máy này không như ý, cái máy kia bắt ảnh quá chậm là anh bắt đầu mày mò tìm
cho tôi một cái máy khác. Nhưng khi anh còn đang cố tìm hiểu thông tin về những
cái máy có thể đáp ứng được những yêu cầu tôi nêu lên thì dù tôi đã thấy như anh đang phí phạm thời gian, tôi có thực sự
tha thiết gì đâu. Thậm chí tôi còn tiếc tiền từ khi hàng còn chưa kịp đặt mua nữa
(Điều này tôi cũng chưa bao giờ nói với anh!). Rồi khi đi theo anh, thấy ai cũng
say sưa bấm bấm thì tôi cũng thử, chỉ là thử thôi vì lúc đó tôi không biết làm
gì. Và tôi cũng tò mò xem mấy cái người
này làm gì mà chụp ảnh như say, như dại vậy. Có điều ngộ là khi chụp thử, tôi cũng
thấy hứng thú lắm, nhưng về nhà tôi lại bị bao nhiêu cái khác cuốn đi và thường thì tôi quên coi lại là mình
đã từng chụp cái gì. Thế nên lần nào anh rủ rê tôi cũng lừng khừng vì tôi cũng
không hình dung nỗi có gì hứng thú cho một người không cầm máy đi
theo những người không nhớ có bạn đồng hành. Nhưng còn một sự thật trái
khuấy hơn là bao giờ đi theo anh tôi cũng rất vui, có lẻ do tính tôi hoà đồng,
tôi có thể dễ dàng làm bạn với những người bạn ảnh của anh.
Nhớ lần thầy Tùng, một tay nhiếp ảnh
gạo cội trong làng ảnh gọi điện thoại tới rủ anh đi. Qua điện thoại tôi hiểu là
chuyến đi dài ngày, khoãng mười ngày gì đó. Ngoài đi Hà giang còn có chuyến đi
Kontum nữa. Hai chuyến đi sát nhau.Tôi nghe anh trả lời trong điện thoại:
- Đi
chứ Thầy, có bà xã đi nữa…
Không biết từ đầu dây bên kia thầy
Tùng nói gì, chắc là nói tôi theo không tiện chăng, chỉ nghe anh trả lời :
- Hoặc
là có bả đi hoặc là không có cả hai.
Lúc đó nhà đang sửa chữa lớn, tôi
không thể nào hiểu- hay chấp nhận được câu trả lời đầy phấn khích của anh “ Đi
chứ Thầy”. Anh thay đổi quá nhiều từ ngày bắt đầu chơi ảnh. Gần ba mươi năm
chung sống, tôi rất ít khi thấy anh sôi nổi trước bất cứ chuyện gì, anh không
phaỉ là loại người cười to, nói lớn, đi nhanh và quyết định vội, nhất là những
chuyện có dính líu tới người khác. Luôn tôn trọng và nghĩ tới những người chung
quanh trước bản thân mình là đặc tính của anh, vậy mà bây giờ…hình như anh bắt đầu
sống cho mình.Tôi hỏi anh, giọng hơi hờn dỗi:
- Một chuyến đi xa lâu như vậy,
chưa nói với em tiếng nào anh đã quyết định rồi.
Anh im lặng không trả lời, tôi bực
bội nói thêm:
- Mà nhà đang sữa chữa bề bộn như vậy, anh quyết định bỏ
đi chơi được sao?
- Vậy chứ ở nhà anh cũng đâu có làm
gì được đâu?
“Đâu có làm gì được đâu?”; nghe mà
tức chết. Chuyện nhà chuyện cửa là chuyện của đàn ông, anh phải có mặt để mắt tới
thì thợ thầy mới sợ chứ. Cái ích kỷ đàn bà khiến tới như muốn trách móc anh thêm
nhưng một chút công tâm khiến tôi công nhận là thực ra, nếu có mặt, anh cũng sẽ
đóng góp được rất ít trong thời gian thợ thầy thi công. Như đang ganh tị với niềm
vui mới của anh, tôi lại lằng nhằng nữa:
- Một
quyết định đi xa như vậy mà anh chẳng bàn với em tiếng nào.
Tôi trách móc, anh lặng thinh. Môi
anh lặng thinh và đôi mắt anh lặng thinh. Tôi sợ đôi mắt lặng thinh này, nó bí ẩn,
tôi chẳng biết nó nói gì, chắc nó nói tôi đang khó khăn ích kỷ, cản trở cuộc
vui của nó. Tôi sợ đôi mắt lặng thinh của anh vì tôi sẽ không nở để nó buồn. Tự
biết là mình chỉ kiếm chuyện vậy thôi, còn lòng thì đã buông xuôi rồi nhưng tôi
cũng cố chấp, nín thinh không nói với
anh hết một ngày. Mà nhà chỉ có hai đứa, lâu lâu nói qua nói lại một vài câu,
giờ cả hai đều nín hết thì buồn quá. Anh
có tật nếu tôi phát pháo giận hờn thì anh sẽ nín thinh, anh có thể có hành động
này cử chỉ kia để ra tín hiệu là anh muốn làm tôi vui lòng nhưng ít khi anh ra
tín hiệu âm thanh và cuối cùng người khởi đầu chiến tranh lạnh là tôi, người phát
tín hiệu để hoà bình được lập lại cũng là tôi. Ngày xưa khi còn đi làm, còn con
gái ở nhà và nhiều người xung quanh, có khi tôi giận anh được dăm
ba ngày, bây giờ tôi tự rút ngắn thời
gian đó lại. Có gì lạ đâu, càng già tôi
càng nghiệm ra rằng ngày vui không còn nhiều, mà giận nhau thì tự mình phí phạm
những ngày thoải mái ít ỏi của bản thân.
Chân lý đơn giản hơn là giận thì không vui bằng huề nên tôi tự động sớm giải toả u ẩn cho anh :
-
Hà giang là ở đâu?
-
Là vùng đông bắc Hà
nội, là đất thánh của dân nhiếp ảnh. Tới mùa lúa chín dân nhiếp ảnh hội tụ về đó
đông lắm.
Được
hỏi tới anh hùng hồn thuyết minh về một
nơi mà tôi chỉ nghe nói tới hồi còn học địa lý ở cấp một , cấp hai. Tôi chưa từng
nghe anh tán dương bất cứ ai hay bất cứ đều gì
với một âm điệu sôi nổi như vậy. Chỉ nghe cái giọng đó thôi tôi hiểu rằng
ngăn cản anh đi cũng gần đồng nghĩa với tội ác. Tôi đành đầu hàng :
Tôi dùng chữ “ thôi” cứ như là mình
miễn cưỡng ban ân. Thực ra tôi biết anh sẽ không an lòng khi bỏ tôi ở nhà một mình,
cách hay nhất là lôi tôi theo, chữ “
thôi” cũng tạm xài được trong trường hợp
này vậy.
- Ừa,
anh cũng đặt vé máy bay sẵn rồi.
Sướng chưa, tôi mới nói bằng lòng
đi đây thôi còn anh thì “ Anh đã đặt vé
máy bay rồi!”
Thực ra là tôi đã mát ruột, chẳng còn bụng dạ đâu mà giận hờn
bắt bẻ khi nghe anh nói là “Hoặc là có bả đi hoặc là không có cả hai” rồi. Chỉ
tại khi ra sân banh, có một anh bạn cứ kêu tôi là “ thằng” cho nên lâu lâu tôi
phải làm đàn bà một chút, làm mình làm mẩy tí vậy mà.
Cái tật lớn của tôi là ai rủ đi đâu cũng ngán ngại. Tôi sợ
ngồi xe, tôi ớn chờ đợi ở sân bay, tôi không thích thay đổi thói quen sinh hoạt
hằng ngày nhưng khi đã đi, bao giờ tôi cũng là người vui nhất. Lần đi Hà giang
cũng vậy, tôi vui thú với thiên nhiên và với những người bạn mình mới gặp trên đường. Tôi có cảm tưởng mình giàu có hẳn
lên nhờ vậy.
Tác giả giữa cao nguyên núi đá Hà giang |
Bạn đường xa của tôi trong suốt
chuyến đi này là thầy Tùng, ngoài ra trên đường đi hai chặng thì có anh Thạch Công
Thịnh và anh Vũ Anh Khoa. AnhThịnh và anh Khoa vừa lái xe vừa làm hướng dẫn suốt
chuyến đi ở Hà giang, Tuyên quang và Thái nguyên, Bắc cạn. Lúc đi Bắc cạn còn có
Phương, vợ của anh Khoa cùng nhập bọn, phải nói thật là tôi thấy ai cũng quá dễ
thương. Cảnh dễ thương nhất là lúc anh Thịnh dừng xe lại ở bên một sườn đồi để
cùng chụp một vạt ruộng bậc thang có hình dạng như một cái đầu rắn thì tôi phát
hiện ra một miếng đất trống có thể ngồi nhậu được. Nhậu ở giữa trời đất bao la, núi non trùng điệp, mây xanh mây trắng
bồng bềnh, suối bên đường róc rách thì còn gì thần tiên hơn. May là khi đi
anh Tùng có đem theo một chai Johny Walker nhỏ, một ít khô bò .Vậy là rượu thịt
đã được bày ra nhưng… tôi kêu lên :
- Thôi
chết rồi, không có ly.
- Lo
gì, có ngay đây. Anh Thịnh tự tin trả lời .
Rồi anh cơ động lấy một con dao
nhỏ, cắt hai đầu chai nước suối để làm hai cái ly. Vậy là chúng tôi bắt đầu
tiệc giữa trời đất bao la, một bên là vách đá sừng sững có một dòng thác trắng róc rách, một bên là thung lũng vàng rực màu
lúa chín. Trên trời mây xanh cao vời vợi, mây trắng cuồn cuộn ngó xuống mĩm
cười. Tôi đang thực sự rung động giữa
cảnh núi cảnh đồi như vậy thì có hai ba xe chở các nhóm nhiếp ảnh khác
từ dưới dốc chạy lên. Có xe do một chị lái súôt từ Hà nội lên. Cũng có
những tay chơi ảnh từ Texas về, có tay đến từ
Cà mau, tận cùng phía nam tổ quốc để đến
Hà giang, lại là một tận cùng khác nữa ở phía bắc. Gặp nhau giữa đường họ réo gọi
nhau, chào nhau í ới. Người nào cũng lùm xùm những cái máy ảnh to tướng, những
chân máy kềng càng. Một xe đậu lại. Các tay chơi ảnh nhảy xuống xe gọn nhẹ thoăn
thoắt như những anh lính ngoài thao trường dù nhìn kỹ, tôi thấy có nhiều người,
chắc đã lên chức ông nội hay ông ngoại gì đó rồi.Anh Tùng và anh Thịnh đã cầm
máy lâu năm nên các anh biết nhau nhiều, họ chào mừng nhau nghe rôm rả lắm. Rồi
các anh mời nhau ly rượu tự chế. Cảnh
hội tụ này làm tôi nhớ tới cảnh hội tụ của các anh hùng võ lâm, tự nhiên thấy
thấm thía câu “ tứ hải giai huynh đệ”, thấy lòng mình như mở ra để dễ thấy yêu
người yêu đời hơn.
Chồng tôi vốn ít nói, anh chỉ chụp
ảnh và coi ảnh suốt chuyến đi mười ngày. Thầy Tùng cũng ham chuyện nhưng thầy chỉ giỏi cổ xuý người khác nói để
thầy cười, giỡn để thầy ké. Mấy em nhiếp ảnh nói thầy khi làm luận, thầy chỉ làm
“ mở bài” nhưng thiếu kết luận vì thầy cũng biết trêu đùa với các cô gái trẻ,
nhưng khi các em hơi liêu xiêu thì thầy tắt tị, vậy là các em thanh niên nhỏ đi
theo được nhờ, Luân trong nhóm Sơn dương photo hay đùa: “ Thầy Tùng chỉ giỏi câu mồi.”
Lần đâu tiên tham gia một tour
photo làm tôi trăn trở với cuộc đời đa sắc màu. Bấy lâu nay quanh tôi, khi còn
trong thương trường, tôi có thấy người ta “ say tiền”. Say tiền thì thế gian này
nhiều lắm, có những người tiền kiếm đủ ăn ba bốn đời rồi mà vẫn bị tiền hành, cứ
lao vô kiếm tiền đến mất ăn, mất ngủ, mất luôn cả thời gian để xài tiền. Mà tiền
kiếm thì kiếm cho nhiều để biết mình giàu vậy thôi, cũng ít người như Bill Gate
Melinda đem cái dư thừa của mình để chia sẻ bớt cho những kẻ khốn cùng. Xét cho
cùng, muốn “say” bất cứ “ mồi “ nào thì người ta cũng phải có tiền để mua say,
nhưng chỉ say một thứ “mồi tiền” thì chán chết. Tôi cứ tội nghiệp những người
chỉ có tiền thôi, dù họ có nhiều đến bao nhiêu đi nữa tôi vẫn thấy họ rất nghèo.
Giống như trên mâm cơm chỉ có một loại gạo thật ngon, sơn hào thật bổ dưỡng nhưng
thiếu chút muối, tiêu, hành, đường, tỏi, ớt , mắm tôm, dưa hành. Những món làm
cho người ta tê lưỡi khi nếm vào. Bữa ăn lạt nhách, cuộc đời của họ cũng lạt nhách.
Có lẻ vì tôi là người dễ say, dễ đắm đuối nhiều thứ trên đời nên tôi đang cố tự
biện minh cho chuyện dám từ bỏ cơ hội kiếm thêm tiền khi còn “ quá sung mãn”,
khi mà làm thế thì “ quá uổng, quá phí phạm” theo nhận xét của nhiều người
chung quanh. Tôi say mê nhiều thứ lắm, khi ra sân tennis, tôi thích vút trái banh vàng chạy qua chạy lại không
cần nghỉ lấy sức. Khi ra biển, tôi muốn chìm đắm dưới nước, tôi chỉ muốn làm một
con cá để có thể lội thật xa, lặn thật sâu. Khi hát hò, tôi chỉ muốn lịm chết
trong nỗi đau của từng tình khúc, bạn bè cứ trêu tôi là “ Thích nữ Thích Đủ Thứ”
vì tôi cũng thích thiền và cả Yoga….tôi không có thời gian để sống cho hết, cho
đủ những đam mê luôn dâng trào trong huyết quản của mình nhưng tôi chưa từng biết
người ta say ảnh ra sao..Bây giờ là lúc tôi chiêm nghiệm đây.
Bữa đầu tiên ở Hà nội, Thầy Tùng
bảo bốn giờ sáng chuẩn bị khởi hành. Tôi rủa trong bụng: “ Trời, đi chơi gì mà điên
dữ vậy!” Sau một chuyến bay muộn chưa kịp hồi sức, sáng mai tôi phải dậy sớm để
theo hai người điên leo lên một chiếc xe đò nhét người như nêm mắm. Tôi chờ chồng
tôi phản ứng vì anh là người khó chịu khi đi xa ngồi chật. Tôi nhớ hồi đó có lần
theo mấy đứa bạn đi một vòng đất nước chơi, chồng tôi đã than khổ vì anh không
thể nhét đôi chân dài quá khổ Việt nam vào những cỡ xe cung cấp cho thị trường
Châu á. Tôi vẫn không thể nào quên anh rên rỉ như thế nào mỗi lần cả nhóm tổ chức
đi chơi xa. Bao giờ anh cũng được ưu tiên ngồi ở hàng ghế sau tài xế, nơi có
khoãng trống rộng nhất để anh thoải mái hơn vậy
mà tôi cứ nghe anh than mỏi lưng,
tê chân. Còn bây giờ; anh cứ như một người nào khác, hăng hái lên xe, ra vẻ thoải
mái với cái ít thoải mái nhất. Anh chẳng thể hiện một dấu hiệu khó chịu nào.
Chưa hết ngạc nhiên vì ngày đầu
xuất phát sớm, tôi lại vô cùng ngạc nhiên khi những ngày tiếp theo sau cả bọn cũng
phải dậy sớm như vậy. Anh Thịnh:” Sáng mai khởi hành lúc năm giờ rưởi nha”
Thầy Tùng như thấy chưa đủ, trả
giá: “ Năm giờ đi”
- Tôi
đã tính, giờ đó là vừa.
Quái, làm cái gì mà dậy sớm dữ vậy,
chỉ là chụp hình thôi sao mấy ông này tự hành xác dữ vậy trời. Còn ôngThịnh, mắc
gì ông phải khổ cực vì sự đòi hỏi điên khùng của hai ông này. Mà để khởi hành lúc
năm giờ rưởi, ôngThịnh phải dậy sớm hơn nửa giờ để chuẩn bị vệ sinh xe và xăng
nhớt. Đúng là điên cả lũ!
Suốt chuyến đi chỉ có tôi với anh
Thịnh là nói. Nói đủ chuyện trên trời dưới đất, chuyện vui nhiếp ảnh, chuyện
vui chính trị, chuyện tếu lâm vùng cao, rồi anh còn đọc thơ châm biếm nữa. Tôi
với anh có nhiều đề tài chung. Trên xe có bốn người thì hai người nói suốt và hai
người nghe suốt. Có khi tôi liu thiu ngủ, ngừng phát thanh thì anh Tùng lại nhắc
:
- Nói
gì đi chị Lan.
Tôi hỏi anh Thịnh:
- Sao
mình phải đi sớm vậy anh?
- Để
kịp bắt một vạt nắng trên cánh đồng lúa chín, đẹp lắm. Đi muộn chút thì mất công
toi.
- Mấy
anh quan tâm đến thời tiết ghê quá hả?
- Dân
nhiếp ảnh khi gặp nhau chỉ hỏi thăm nhau về nắng mưa thôi chị.
- Vậy
mấy anh có kinh nghiệm gì để dự báo thời tiết không?
- Dân
chơi ảnh nào cũng phải biết chút chứ. Nếu không thì chỉ là công dã tràng.
Tôi cứ bị hai từ “ vạt nắng” của
anh Thịnh ám ,“ Bắt một vạt nắng”.” Cho kịp bắt một vạt nắng” nghe nó lãng mạn
như một từ trao chuốt trong một bài thơ tả cảnh nào đó. “ “Kịp bắt một vạt
nắng” làm tôi nhớ tới chàng thư sinh Tú
Uyên cố canh để bắt cho được người đẹp Giáng Hương trong tranh , nghe cứ như thơ….
Anh Tùng có một mái tóc bạc trắng
như cước úp trên khuôn mặt bầu bĩnh trẻ thơ với đôi môi phụng phịu, nhìn anh thật
khó đoán tuổi, tiếp xúc với anh cũng khó mà đoán tính bởi anh chẳng thể hiện một
chút cá tính nào. Anh không hay góp chuyện nhưng rất chịu nghe ..ngóng. Nhớ về
anh, tôi chỉ nhớ mỗi lần anh Thịnh cho xe chạy qua một cánh đồng ruộng bậc
thang, lúa chín vàng rực rở hay một thung lũng nào đó bắt mắt là anh nài nĩ :
Mái ngóiđen thẩm nằm im lìm nhìn xuống thửa ruộng vàng đang soi nắng sáng |
- Cho
xin chút xíu đi.
- Chưa,
chỗ này đáng gì với chỗ tôi sắp đưa quý vị tới.
Anh vẫn nài nĩ :
- Thôi,
cho xin chút xíu đi mà.
Có khi anh Thịnh miễn cưỡng dừng
xe lại cho hai anh xuống bấm bấm chụp chụp, có khi anh cứ lờ đi, tiếp tục chạy đến
một điểm nào đó, theo anh là tuyệt vời hơn.
Hai từ “ chút xíu” của anh Tùng
nghe vừa buồn cười vừa đáng yêu, nghe cứ như một đứa bé mèo nheo: “ Cho liếm ké
chút cà rem đi, cho xin mút ké tí kẹo đi” . Tôi thực chẳng hiểu anh đang van
xin cái gì. Ừa thì cảnh núi cảnh đồi bao giờ cũng đẹp nhưng có gì đến đỗi. Nhưng
có lẻ các anh bắt được một cái đẹp nào khác so với đôi mắt ngoại đạo của tôi nên
anh thấy là không thể bỏ qua. Cái đẹp của một vạt nắng sớm, của một sườn đồi, của
một vạt khói, của một tà áo sơn nữ. Tất cả hình như lung linh hơn trong mắt các
anh. Khi tôi nhìn thấy cái đẹp của núi rừng cây cỏ hoa lá, tôi giữ lại trong đầu,
tôi viết lại để chia sẻ bằng con chữ thì các anh lại muốn lưu giữ nó bằng chính
hình ảnh đó với các sắc màu của chính thời khắc đó.Tôi thấy hình như trong tôi có
phần nào chia sẻ được khát vọng của các anh.
Lâu lâu tôi lại nghe các anh kêu
lên :
- Ồ
nắng đẹp quá.
Tôi chợt nhớ câu ca “ nắng vàng,
em đi đâu mà vội, nắng vàng, nắng vàng ơi’. Không biết cố nhạc sĩ Trịnh công sơn
có chơi ảnh không hay là ông chỉ nói dùm tiếng nói của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tôi
chia sẻ ý nghĩ này với anh Thịnh thì anh nói :
- Nắng rất quan trọng trong nhiếp
ảnh. Hôm nào có việc ở nhà mà nhìn nắng lên ngoài trời là cứ thấy rạo rực cả người.
Anh dùng hai chữ “ rạo rực”, tôi
nhớ hình như hai từ này hay được dùng để thể hiện cảm xúc lứa đôi! Nhiếp ảnh đối
với các anh có lẻ còn nồng nàn hơn tình đôi lứa vì có người vì say chụp ảnh mà
không dám cưới vợ.
Có khi xe anhThịnh vừa dừng lại bên
một sườn đồi thì thầy Tùng và Minh mở bật cửa xe, hai ông phóng xuống nhanh như
một cái lò xo được nén chặt giờ bị bung ra. “ Phóng!” là một động từ tôi chưa
bao giờ hình dung để miêu tả chồng mình. Anh vốn không nói to cười lớn. Anh vốn
đi đứng khoan thai đĩnh đạc. Ai biết anh cũng sẽ xác nhận điều tôi nói nhưng bây
giờ, chồng tôi đó, khi tuổi đã bước xa ngủ tuần lại bắt đầu đi rất nhanh, nhanh
như chạy. Có khi anh nói lớn, cười to. Có khi tôi thấy anh như người xa lạ. Tôi hỏi :
- Làm
gì chạy dữ vậy?
- Chậm
đâu được em, nắng nó hừng lên đó rồi nó tắt mất đó. Uổng!
Lạ chưa? Tôi chưa quen nghe anh nói
những câu ngắn gọn, chắc nịch lại kèm theo những tán thán từ đầy tính cảm thán
như vậy.
Ánh dương hồng! |
Lúc nào tôi cũng hồi hộp anh không đủ sức khoẻ cho cuộc chơi, anh vừa qua một cơn bệnh khá ngặt nghèo để lại ít nhiều di chứng nhưng tôi không thấy anh mang theo di chứng đó khi anh đi săn ảnh.
Nhớ vào một chiều, khi nắng đã tắt,
anh Thịnh và anh Tùng chạy băng qua một cánh đồng để vào một thôn làng trong một
vùng núi sâu, hình như mấy anh muốn chụp hình mấy con bò đang lững thững về nhà
vào một buổi chiều hôm. Minh nói :
- Thầy
và anh Thịnh đi đi. Tôi mệt rồi.
Tôi nhìn lại anh. Người anh đẫm mồ
hôi và phờ phạc. Hai anh kia cũng có vẻ phờ phạc nhưng vẫn tiếp tục tác chiến.
Tôi hơi lo, chắc anh lớn tuổi rồi, anh Tùng đã từng nói:
- Chị
mua cho ảnh cái D3 đi, anh lớn tuổi rồi nên thao tác cũng chậm chạp, làm sao đấu
lại tụi nhỏ.
Nguyên câu của anh Tùng chỉ lọt vào
tai tôi mấy chữ “Ảnh lớn tuổi rồi”.Lớn tuổi rồi nghĩa là thời gian để ảnh có đủ sức khoẻ mà chơi sẽ nhỏ lại. Tôi hỏi anh:
- Mệt
dữ hả?
- Cũng
hơi mệt. Đi theo anh có chán không?
- Có
gì đâu mà chán. Em chỉ cần ngồi giữa trời đất cỏ cây là thích rồi.
Vừa trả lời anh tôi vừa bâng quơ
nhìn quanh, chợt thấy dưới thung lũng có một sơn nữ đang mặc áo hoa mới đỏ tươi
rực lên trong sắc chiều lãng bãng. Tay cô nắm hơn chục sợi dây của đàn dê đủ màu
đen, trắng, xám. Các chú dê theo sau cô theo hình rẻ quạt. Tôi kêu lên:
- Coi
kìa, cái cô gái chăn dê dưới thung lũng đẹp quá kìa.
- Hên
quá!
Vậy là hết mệt. Anh hộc tốc lấy máy
ra, đứng sát mép đất trên thung lũng mà ngắm mà bấm, có khi còn kêu lên:
Chỉ là mấy con dê thôi mà chồng tôi
tự nhiên biến thành lão ngoan đồng. Tôi nhớ anh Thịnh có lần kể :
- Vợ
của thằng Khoa ( Khoa nào đó tôi không biết- không phải anh Khoa Thái nguyên) nói là mấy thằng nhiếp ảnh đều điên, vợ con không
chụp mà cứ lo chạy theo chụp mấy con trâu, con bò.
Anh Bình ở Bảo lộc cũng nói:
- Cứ
ra đường mà thấy thằng nào con mắt cứ ngó dáo dác như mấy thằng điên là mấy thằng
nhiếp ảnh đó…
Tôi cũng thấy họ điên , là những
người điên dễ thương nhất. Có khi tôi cũng nói họ điên nhưng chẳng thấy ai có vẻ
giận, hình như họ còn vui để được điên ảnh.
Chàng điên của tôi cũng đã có lần làm cho tôi sững sờ. Tôi
nhớ có lần tôi nhờ anh chụp cho tôi vài tấm ảnh trong chuyến đi xa như vậy thì
anh trả lời:
- Lo
chụp hình cho em rồi anh mất cơ hội chụp ảnh sao!
Tôi nghe mà lùng bùng cả lổ tai, không tin là chồng mình có
thể từ chối một yêu cầu đơn giản và tự
nhiên, hiển nhiên như vậy. Lần đó tôi ngạc nhiên đến quên giận, bấy lâu nay tôi đã quá quen với một người ăn nói cẩn ngôn,
cư xử tế nhị nhẹ nhàng. Có lẻ ngày xưa nếu không sẵn sàng thì anh chỉ giữ im lặng.
Tôi ngạc nhiên đến độ quên giận mà thành thương lượng:
- Thì
lâu lâu anh chụp cho em một tấm cũng được.
Anh nói vậy nhưng như có một thoả
hiệp ngầm, lâu lâu anh cũng chộp cho tôi một tấm trong ngàn tấm ảnh anh chụp.
Cuối cùng vì sợ ở nhà buồn tôi cũng chịu đi Bảo lộc với anh
hai ngày sau vài lần quyết đi rồi lại không
đi. Tôi nhủ:” Thôi thì bây giờ chỉ có hai đứa, ổng đi đâu mình theo đó để có sự
thay đổi. Ở nhà riết rồi thành mụ người đi”
Lúc đầu anh bảo tôi là đi sớm, 5 giờ sáng. OK, năm giờ sáng
cũng không sao, bình thường giờ đó mình cũng đã thức dậy đi đánh banh rồi. Sau
anh thông báo lại :
- Đi
hai giờ đêm nha em.
Sau cùng là :
- Mười
hai giờ đêm nha em.
- Trời!
Sao mà hành hạ bản thân dữ vậy.
- Đi
giờ đó thì mới kịp đi chụp sương rồi qua chụp buổi sáng trên đồi trà.
Lần này thì tôi không ngạc nhiên nữa. Lần trước thì “ Kịp đón
vạt nắng sáng trên nương lúa”, bây giờ là “ Sương sớm trên đồi trà”, một lúc nào
đó sẽ là chụp mưa sau khi chụp nắng. Bây giờ thì tôi có thể thản nhiên chấp nhận
mọi cái anh muốn chụp. Nếu nhà thơ giữ sương, giữ khói, giữ đời trên trang giấy,
chồng tôi đang muốn giữ sương giữ gió bằng sắc màu ống kiếng. Vậy thôi!. Có
điều làm thơ, viết văn thì có thể viết về sương sớm khi nắng đang rực lửa bên
ngoài, viết về lửa khi trời đang mưa nhưng một nhiếp ảnh gia thì phải dậy sớm
để giữ sương khi có sương, giữ khói khi có khói, giữ lửa khi lò đang cháy….lao động
nhiếp ảnh khổ cực hơn nhưng mà hình như đa số những tay nhiếp ảnh chuyên nhiệp đều
không giàu có lắm .Dường như Trời
cho họ
một tâm hồn phong phú rồi thì ông không hào phóng cho họ thêm vật chất
dư thừa nữa.
Trong nhóm đi Bảo lộc lần này phần lớn đều là các anh bạn trẻ,
trẻ lắm, trẻ tuổi đời lẫn tuổi chơi ảnh. Họ chỉ trên dưới ba mươi. Họ đều
là những người bắt đầu gây dựng cơ nghiệp. Họ đam mê nhiếp ảnh, đam mê kỹ thuật
nhiếp ảnh, công nghệ thông tin và chịu khó đọc sách. So với phần lớn cô chiêu cậu
ấm mà tôi biết, họ là những người trẻ tuổi trưởng thành nên tôi không thành một
bà cô già lạc lỏng giữa đám choai choai.
Tôi hay tò mò. Trong đoàn có năm người còn trẻ, hai người đã
có vợ và con nhỏ, ba người đang có người
yêu. Cuối tuần cả năm kéo nhau đi chơi ảnh, chơi ảnh vừa tốn kém,vừa mất thơi
gian, vừa mất sức khoẻ. Tôi hỏi chuyện vợ con thì Luân đùa lại bằng một câu
chuyện khác :
- Cô
ơi, nếu cô có tiền bạc, có đam mê, có thời gian mà cô có con vợ là ba cái có kia
của cô bị triệt tiêu liền.
Câu chuyện của Luân làm tôi nhớ lại chuyện vợ chồng hai trình
dược viên của công ty trước đây.Có lần tôi ra Hà nội công tác, gặp tôi hai đứa đều
tranh thủ kêu ca. Anh chồng:
- Sống
trên đời phải có đam mê phải không chị?
- Đam
mê phải có giới hạn chứ phải không chị. Cô vợ giành trả lời.
- Nhưng
mấy đứa đang nói tới đam mê gì? Tôi chen vào.
- Em
chỉ mê chụp ảnh. Cuối tuần là phải đi chụp ảnh.
- Cuối
tuần nào ảnh cũng đi thì còn thời giờ nào nữa cho vợ ? Vậy cưới vợ chi?
Cô vợ bắt đầu khóc. Anh chồng tiu nghĩu lặng câm. Tôi nói :
- Hay
là một tháng em đi một lần thôi.
- Đi
chụp ảnh cũng có thời vụ chị, khi thì lúc chín, lúc hoa đào nở… nhằm đợt an hem
đi mà mình không đi thì mất cơ hội.
Ngày xưa tôi bối rối, bản thân là một người nhiều đam mê tôi
hiểu cho anh chồng. Bản thân cũng là một người đàn bà tôi thấy thương cô vợ. Bây
giờ chồng tôi cũng đang say anh nên tôi thấy hiểu cho cả hai. Cũng trong chuyến
đi Hà giang đó, nhóm nhân viên cũ giờ đã có con, mấy đứa nghe vợ chồng tôi ra Hà
nội bèn tổ chức một buổi họp mặt với đầy đủ cả nhà. Tôi hỏi lại chuyện cũ :
- Chuyện
chụp ảnh của em ra sao rồi?
- Bây giờ con đã hai đứa, em đành bỏ máy vô tủ
khoá lại, bao giờ con vào đại học mới lôi
ra chơi lại chị ạ.
Tôi lại nghĩ đến chồng tôi. Ờ thì bây giờ con đã học xong,
đã đi làm, đã có gia đình. Tóc anh đã trắng, tôi không cho anh chơi thì có khi
anh không còn dịp để vui. Mà cái từ “ cho” mới lạ, cứ như tôi là người có toàn quyền
đối với chuyện chơi của anh vậy. Thôi thì là không cản trở cuộc chơi của anh vậy.
Tôi lại nhìn mấy em trong đoàn. Các em cũng phải đi làm nhiều
ngày để được chơi một vài ngày. Tôi đã thấy có nhiều đứa bằng tuổi các em đổ tiền
vào các quán bar đến khuya lơ khuya lắt, đổ tiền vào những chiếc xe đời mới, vào những nhà hàng sang trọng với các em chân dài. Nhưng ở đây, các em bỏ
tiền ra để được giữ lại hình ảnh của các vũ điệu sơn cước, để ghi lại ánh lửa bùng
lên trên cao nguyên rầm trì thác đổ, để giữ lại hình ảnh một chiếc thuyền con mong manh trong mênh mông
đất trời, một bóng cây khô lung linh trong sắc nước sắc trời cho dù người ướt đẫm
mồ hôi và có khi gai góc xé nát cả chân tay. Tôi thấy các em đáng yêu vô cùng
khi cho nhau xem những tấm ảnh mà các em kêu lên: “Đã thiệt!”. Chỉ nghe vậy thôi
tôi cũng thấy “ đã” làm sao!
Văn Mỹ Lan ( 22/7/08)
No comments:
Post a Comment