Friday, March 9, 2012

MẸ CHÓ


MẸ CHÓ



1- CON LƯỢM

-           Cô Nam, cô Nam, cô coi con có bụng bự nè.

Đang từ trường về nhà thì tôi bị gọi giật ngược lại từ một cái giọng ngọng nghịu quen thuộc. Theo tiếng kêu, tôi quay lại thì thấy con Lượm đang ngồi ở vỉa hè, vẫn lấm lem như mọi khi, chỉ có điều cái bụng thè lè như sắp sinh. Hồn vía lên mây, tôi đi nhanh tới chỗ của nó hỏi:
-           Con có bầu hả?
-           Ha ha he he, con có bầu đó. Cô coi con có bầu bụng bự rồi nè.
Tôi nhìn cái bụng to như bụng ếch của con Lượm mà rớt cả nước mắt, cứng cả họng, không biết phải tra vấn nó như thế nào.

Con Lượm là một con dở khùng dở điên, chẳng ai biết cha mẹ nhà cửa của nó ở đâu, chỉ biết nó hay lang thang ngoài chợ hay chỗ hàng quán đông người để canh khi người ta ăn dư, vừa đẩy dĩa ra là nó giật lấy mà bốc, vét, húp một hơi hay nuốt thật nhanh. Có khi vì cố ăn nhanh nuốt vội nó bị mắc nghẹn, trợn trắng. Đôi khi thực khách giựt lại cái bát hay cái dĩa, lúc đó với bản năng sinh tồn nó quyết chịu đấm ăn xôi, nó gục đầu vô cái bát liếm cho sạch láng, không ai kéo đầu nó ra nổi. Khi trả lại cái bát, dù có bị đánh đến đổ máu, nó cũng thỏa mãn, nhe nguyên cái hàm răng súng ra cười chiến thắng vẻ vang.

Chẳng ai biết nó tên gì. Từ hồi nó xuất hiện ở xóm tôi, vì đụng cái gì nó cũng lượm thành ra mọi người gọi nó là con Lượm. Gọi riết thành quen, ai kêu “ Lượm Lượm” thì nó nhe răng cười cho biết là nó đã nghe, đã biết mình được gọi tên. Nó không biết dạ thưa hay ừ hử. Nó chỉ biết cười ngô nghê. Nó hay cười. Hình như là nó có nhiều niềm vui hơn nỗi buồn nhân gian.

Tôi biết nó do một lần đi coi kịch về trễ, vợ chồng tôi vào một quán gần nhà ăn khuya thì thấy nó núp đâu ngoài cửa, chờ khi khách vừa đẩy những phần ăn thừa sang bên, nó liền giựt lấy, úp mặt vô  liếm sạch bóng. Một số thực khách nhìn thấy vậy nhăn mặt kinh tởm. Chủ quán sợ mất khách bèn đẩy nó ra, té sấp té ngửa. Bất nhẫn, tôi can thiệp bằng cách dẫn nó ngược vào quán, cho nó ngồi hẳn vào bàn, mua cho nó hẳn một phần ăn có cả một chai nước ngọt. Nó vừa ăn vừa nhe hàm răng sún lởm chởm ra cười khoái trá, đắc thắng, thách thức. Xong nó đứng dậy phủi đít, nhìn tôi cười tít mắt, hiển nhiên như tôi là đồng minh, đồng loã với nó. Từ đó, nó coi tôi là người thân, cứ gặp tôi đâu là nó kêu réo, lẻo đẻo đi theo để kể đủ thứ chuyện trên đời. Thú thật, tôi không đủ kiên nhẫn nghe nó liến thoắng những câu chuyện không đầu không đũa bằng một cái giọng ngọng tắt hơi. Tôi chỉ ừ ừ à à cho xong chuyện rồi tìm một cách nào đó rút đi cho lẹ. Một dạo, tôi không bị nó đón đầu đón ngõ tôi nữa, có khi cũng nhớ tới nó, lòng thầm hỏi: “Ủa, mấy bữa nay con Khùng đi đâu rồi không thấy”. Hỏi là vì không thấy ai canh mình ở đầu ngõ mà réo mà mừng, có khi cũng thấy nhớ nhớ, lòng cũng chẳng bâng khuâng nặng nề gì.  Vậy rồi hôm nay tự nhiên lại thấy nó, vẫn hồn nhiên như bao giờ. Đói thì giựt đồ người ta ăn, thấy gì giựt nấy, ăn no xong thấy đã, chẳng cần thắc mắc ăn gì, uống gì, từ đâu mà có. Mà nó ăn gì cũng ngon. Mặc gì cũng được. Xét cho cùng, cũng chẳng ai để nó hở hang, nhất là các bà. Để nó hở hang thì mấy bà mắc cỡ cũng có mà sợ chồng các bà được dịp mãn nhãn cũng có. Nói chung, rốt cuộc là nó bao giờ cũng có áo quần để mặc, có cái gì đó để ăn. Lâu lâu giựt cà rem của mấy đứa nhỏ thì bị chọi đá , sứt trán mẻ đầu một chút rồi cũng đâu vào đó. Cũng chẳng ai đánh nó hay chọi đá nó cho đến chết. Chết thì phải tội.  Hơn nữa, cuối cùng thế nào cũng có người thấy không nỡ mà can thiệp cho nó thoát nạn. Có khi bị nạn thì được thương hại hơn và được một ít tiền hay một bữa ăn nho nhỏ. Vì thế, bị đòn cũng có cái hay, nó chẳng ngán đòn. Đôi khi, tôi thấy hình như cuộc sống của nó còn ung dung tự tại hơn khối người.
Tôi hỏi nó:
-           Ai làm con có bầu vậy?
-           Ai làm con có bầu? Ha ha, ai làm con có bầu, con làm con có bầu đó.
-           Nói cô nghe, con ngủ với ai mà có bầu vậy?
-           Ha ha, con ngủ với cô đó.

Tôi chán nản, cho nó mười ngàn rồi bỏ đi. Có tiền nó mừng quýnh, đi kiếm cái gì mua về ăn ngay. Khùng gì thì khùng, nó không khùng tiền, nó đủ khôn để biết tờ giấy màu xanh nhỏ  năm ngàn thì mua được ít đồ hơn tờ giấy màu xanh lớn hai chục ngàn. Và mười ngàn là tờ giấy hồng, mua được nhiều hơn tờ giấy năm ngàn  nhưng ít hơn tờ hai chục ngàn. Không gạt được nó, mấy bà bán hàng méc tôi:
- Khùng gì nó mà khùng cô ơi. Bán mắc nó giựt đồ bù lại liền.
- Vậy mấy chị đừng bán mắc nó tội nghiệp.

Tôi nhìn cái bụng con Lượm, ngán ngẫm. Biết không làm thế nào để  điều tra cho ra tác giả của cái bào thai, tôi đành mang một bụng khắc khoải đi về.

2- AI LÀ TÁC GIẢ  ?

Một sáng  tôi  gặp dì Tâm, tổ trưởng tổ phụ nữ, dì là một cán bộ về hưu, có học và có tấm lòng. Tôi hỏi dì:
-           Dì Tâm  biết con Lượm khùng có bầu không?
-           Biết chứ. Cái bụng của nó như cái trống chầu mà ai không biết. Dì Tâm vừa cao giọng, vừa dài giọng nói.
-           Không biết ai dụ dỗ con nhỏ cho nên nỗi. Dì có thử hỏi nó chưa?
-           Hỏi quá đi chứ sao không hỏi, té ra cô không biết gì à?
-           Dạ, con cũng ít biết chuyện của hàng xóm lắm.
-           Vậy muốn biết, cô vô đây tôi kể cho mà nghe.
Vừa tò mò vừa bức xúc, tôi vô nhà nghe dì kể chuyện điều tra tác giả cái bụng bầu của con Lượm.

-       Khi con Lượm bắt đâu giựt đồ chua của người ta ăn thì có một số bà tinh ý nghi ngờ. Mấy bà già nhìn vô thóp cổ của nó thấy phập phồng thì cả quyết con Lượm có bầu, bèn hỏi  dò nó nhưng mà nó nói chuyện ba lơn nên không ai biết đường đâu mà lần. Một lần khi các bà đang bu lại tra hỏi nó thì có một vị sư trụ trì của chùa Giác viên đi ngang, nó bèn cười khì khì chỉ ngay sư thầy. Vậy là sư Thầy bị công an mời lên mời xuống. Ai cũng tin chính Thầy làm cho con Lượm có bầu vì con này hay lê la trong chùa. Đơn giản là vì ở đó luôn có cái gì đó để lót bụng, lại có chỗ ngủ sạch sẽ không ai xua đuổi nữa. Sư Thầy lại hay cho nó đồ cúng của đệ tử thập phương tới viếng. Chuyện này ai cũng biết !
-       Dì Tâm nói thầy Giác Đức hả ? Tôi nóng ruột hỏi vì tôi quen biết với vị cao tăng này.
-       Thì chùa Giác Viên chỉ có một sư Thầy chứ mấy.
-        Nhưng Thầy Gíac Đức là một vị chân tu, con không tin. Tôi ngắt ngang lời dì Tâm.
-       Thì tình ngay lý gian mà…Bỗng dì hạ giọng nói thật nhỏ : “ Nhờ vậy mới biết thầy đâu có cái đó !”
-           Là sao?
-           Thì thầy cứ bị công an mời lên mời xuống, giáo hội cũng truy vấn. Đệ tử tẩy chay, chùa vắng tanh. Vậy rồi tự nhiên Thầy không bị mời nữa, mọi người thắc mắc, công an mời tổ dân phố họp, tuyên bố thầy vô tội mà không nói lý do tại sao tự nhiên đang có tội giờ lại vô tội, trong khi thủ phạm thì chưa tìm ra.
-           Vậy sao thầy được minh oan?
-           Thì anh công an không nói nhưng mà vợ của anh nói. Thầy bị dị tật bẩm sinh, đâu có cái đó đâu mà làm cho con Lượm có bầu.
-           Thật là ác mồm ! Thật là tội ! Tôi kêu lên, thấy nhẹ cả người. Vậy là coi như không tìm ra ai hết.
-  Ừa,  không tìm ra ai mà ai cũng bị nghi ngờ hết mới vui chứ.
Dì Tâm vừa nói vừa đắc ý cười. Tôi thấy chẳng có gì vui để cười nên trả lời cụt lủn :
-  Con không hiểu.
-  Thì từ từ để  tôi kể cô nghe. Hôm họp tổ phụ nữ, các bà dụ con nhỏ khai. Nó có biết tên tuổi của ai đâu mà khai. Các bà bèn đem hình của một số đàn ông thanh niên  đến cho nó nhận diện. Để tránh nó nói quàng nói xiên, các bà đem cả hình của mấy người được coi là đàng hoàng tới để trắc nghiệm độ chính xác, ai dè đâu nó cứ ngay ông tổ trưởng tổ dân phố mà chỉ. Nó còn ôm riết lấy hình của ổng vô ngực nữa  làm vợ chồng ổng muốn độn thổ luôn. Mọi người được một phen cười vở bụng, một phen bàn tán. Chuyện có hay không, không ai  chứng minh được, chỉ biết sau đó vợ chồng ông đâm ra cãi cọ đến độ tổ phụ nữ phải đứng ra hòa giải, nói là cái con đó nó khùng, nó thấy ông quen mặt đẹp trai nên nó nói xàm…
Nói tới đây dì Tâm khoái chí cười đã đời, tôi cũng không thể nào không cười bò ra.  Rồi vừa lau nước mắt; dì vừa kể tíêp:
-       Sau đó tụi này đưa nó lên công an lấy cung. Chú công an hỏi nó : “ Mầy ngủ với ai?” Nó bèn nhe răng cười, chỉ ngay anh trưởng công an phường, làm anh này sợ bở hơi tai. Từ đó chẳng còn ai dám nghĩ tới chuyện điều tra nữa.
-       Vậy rồi mấy dì cứ để nó mang bầu vậy sao?
-       Chứ biết sao bây giờ. Tụi này tính nát nước rồi đó chứ. Có người bàn, nói là nó khùng, cái thân nó  còn không thể tự lo được, đẻ con rồi sao có thể chăm lo cho con nên tính đưa nó đi kế hoạch.
-       Kế hoạch sao bây giờ cái bụng nó chừ bự vậy dì?
-       Thì vậy mới có chuyện nói. Tụi này đưa nó vô bệnh viện Từ dũ, trong bệnh viện đòi phải có người thân ký tên chịu trách nhiệm rủi ro thì người ta mới chịu kế hoạch. Xét cho cùng, có ai thực sự là người thân của nó đâu, mà cũng đâu có ai tự nhiên dám đứng ra ký nhận trách nhiệm nên cuối cùng phải kéo nhau về.
Dì Tâm thở dài, tôi cũng thở dài. Nghĩ đến cái thân của mẹ con của con Lượm sau này mà não cả lòng.

3. MẸ CHÓ
Vợ chồng tôi có thói quen dậy thật sớm để đi tập dưỡng sinh. Một hôm trên đường ra sân tập tôi thấy một đám đông bu quanh xem một cái gì  đó có vẻ phấn khích lắm. Tò mò tôi tới gần hơn để nghe ngóng. Tôi nghe người ta nhao nhao:
-  Con trai, con trai.
-   Có ai biết cắt rún, băng rún thì băng dùm con nó đi.
Linh cảm là  có chuyện gì  liên quan tới con Lượm, tôi chen đám đông vào xem. Thì ra con Lượm đẻ rớt trên vỉa hè. Mấy người đi chợ sớm nghe tiếng khóc của con nó nên xúm vào xem. Đời cũng còn nhiều người tốt bụng, có người xé áo lấy vải  quấn rún cho con nó, có người lấy khăn trùm đầu ủ ấm cho đứa nhỏ sơ sinh. Ai cũng xúm xít lo cho một sinh linh tội nghiệp vừa cất tiếng khóc chào đời.
Không biết con Lượm có đau đẻ lắm không nhưng tự nhiên thấy trong bụng mình lòi ra được một đứa con nít đỏ hỏn thì nó có vẻ tò mò và sung sướng lắm. Mỗi khi có ai thò tay vô chăm sóc con nó thì nó nhìn lom lom như sợ người ta  sẽ đánh cắp mất con của nó. Cái cách nằm cong cong, nghiêng nghiêng  úm con vào lòng của nó làm tôi nhớ tới hình ảnh của mấy con chó đẻ. Người ta nói “đồ chó đẻ” để nói đến đặc tính dữ tợn của loài vật này khi sinh nở, nó sẽ tấn công bất cứ ai đến gần con nó, trừ chủ nó ra. Mà không riêng gì con chó, con vật nào khi đẻ con cũng có chung bản năng sống chết để bảo vệ con mình. Con Lượm dù khùng cũng có bản năng của một bà mẹ.
Nghe tiếng xôn xao ồn ào trước cửa nhà, bà Sáu bán tạp hoá đẩy cửa sắt ra xem. Sau khi biết có người đẻ rớt thì bà la hoáng lên :
-           Trời ơi, chỗ làm ăn mua bán của người ta mà tới đây đẻ đái sao được. Đi đi đi…
-           Thôi làm phước đi bà ơi, người ta đang đẻ mà đuổi đi đâu. Tiếng ai đó nói hộ.
-           Đẻ ở đâu thì đẻ, đẻ ở đây xui  xẻo làm sao tui làm ăn mua bán được chứ.
-           Thì bà cho mấy miếng băng vệ sinh làm phúc. Có đức hỏng sức mà ăn.
-           Thôi thôi không có phúc đức gì hết. Không đi tôi tạt nước đó.
-           Ác thì cũng ác vừa vừa thôi chứ…
-           Gì gì, ai nói tôi ác chứ…
Thấy sắp có xô xát, tôi ngoắc một chiếc xích lô quen, trả tiền trước rồi dặn :
-           Anh chở  mẹ con con Lượm vô bệnh viện để người ta băng rún cho con nó. Anh cứ chở tới cổng bệnh viện, chạy thẳng  vô phòng cấp cứu rồi chuồn về. Tui sẽ vô sau.
-           Cô nói phải rồi. Cái vụ này lâu lâu tui có gặp một lần. Đã vô cấp cứu là bệnh viện phải nhận. Đi đăng ký đàng hoàng thì nó đòi hỏi giấy tờ lung tung. Được rồi, cô để tui lo, khỏi tiền bạc gì hết.
Anh xích lô nghèo lăng xăng làm chuyện phước thiện một cách đầy kinh nghiệm. Tôi biết nếu tôi hay ai đó đưa con Lượm vô đàng hoàng thì bệnh viện sẽ làm khó. Còn nếu anh xích lô chở nó tới, quăng đại  đó thì người ta sẽ bất đắc dĩ mà lo cho mẹ con nó. Sau này, nếu có vô thăm, tôi cũng chỉ là kẻ bàng quang, không phải ách giữa đàng mà mang vào cổ. Anh xích lô thấy vậy mà nhanh trí.

Mấy cô y tá dùng dằng thay miếng băng rún cho đứa con đẻ rớt của  con  Lượm. Nó cũng được vô nằm trong một cái giường nhưng không có khăn trải giường màu trắng như những giường kế bên. Chắc cả y tá lẫn tạp dịch đều biết con khùng này chỉ nằm vạ, làm gì có tiền thanh toán viện phí, nói chi tới chuyện bồi dưỡng. May là đời cũng còn lắm người tốt, các sản phụ nằm gần, thấy con nhỏ bơ vơ cũng thương, họ cũng cho nó một chút cơm thừa, quà dư từ những thân nhân đến thăm viếng. Vậy là hoàn cảnh của con Lượm, đúng như câu “ trời sinh voi sinh cỏ “, chẳng đói chẳng khát cũng chẳng thiếu thứ gì.

Rồi tổ phụ nữ vô thăm .Chủ yếu là vì tò mò xem thằng nhỏ giống ai trong xóm. Khổ nỗi, thằng nhỏ hình như giống lung tung. Cái trán giống ông tổ trưởng, cái mồm hơi hô giống anh trưởng công an phường. Mỗi người thấy một kiểu giống, miễn sao đừng giống ông nhà mình là tốt rồi.

Các bà lại bàn tán nên làm thế nào với đứa con của nó. Một bà thở dài nói:
- Khùng điên như nó, thân lo còn chưa xong, làm sao lo được cho con.
- Vậy coi ở đây có ai hiếm mụôn, muốn xin con nuôi thì nuôi dùm nó đi. Một bà gợi ý cho một bà đi cùng, đang muốn xin con nuôi. Nhưng bà này giãy nảy :
- Không có con thì không có con, ai đi rước con của con mẹ khùng với thằng cha vô liêm sỉ về mà nuôi.
- Vậy chứ khi đi xin con nuôi bà có biết cha mẹ nó là ai không? Trừ những đứa mồ côi ra, thì đa số cũng là con của những người không ra gì mới cam tâm vứt nấm ruột của mình ra đường đó thôi.
- Thà là không biết thì thôi chứ biết rồi thì sao nuôi được. Nuôi mà cứ sợ nữa lớn lên nó thành thằng khùng như mẹ nó hay một thằng lưu manh như cha thì ai dại gì bỏ công sức ra mà nuôi.
- Thôi thôi mấy dì đừng cãi nữa. Xét cho cùng, dù khùng, dù điên thì con Lượm cũng là mẹ, mình đâu có  quyền quyết định số phần con của nó chứ-  Một người can.
- Cô nói giỏi vậy thì cô lo luôn mẹ con nó đi.
- Sao tự nhiên dì nói vậy. Ai tới đây cũng vì tội nghiệp nó thôi. Ai giúp được gì thì giúp, không giúp được thì cũng là số phận phải chịu đoạ đày mà mẹ con nó phải chịu…

Rốt cuộc rồi cũng như lần nó vừa cấn thai, không ai có thể hay có quyền để quyết định thay cuộc đời của con Lượm. Thậm chí sau đó, cũng không ai nhớ hay rảnh rỗi để trở lại bệnh viện thăm nó lần hai.

Khoảng một tuần sau lại thấy nó xuất hiện trong xóm, lần này trên tay luôn có một đống vải lùm thùm. Nó ôm con nhỏ như em bé đang ru búp bê ngủ. Âu yếm yêu thương sung sướng. Nó còn biết hát ư ư không thành câu ca gì cả.

Một lần,  thấy nó ngồi  bên vỉa hè đầu hẻm, tôi tạt ngang hỏi :
-       Con về hồi nào vậy?
-       Con về, con về hồi nảy. Coi nè , coi nè. Có con nè.

Nó chìa đứa nhỏ ra cho tôi xem như cô bé sáu tuổi khoe búp bê. Nó thậm chí không biết là mình về hồi nào, nhưng có một điều nó biết chắc là nó có con, dù nó không biết xưng hô mẹ con. Rõ ràng nó rất sung sướng và sẵn sàng sống chết để bảo vệ con mình. Tôi lục trong giỏ ra cho nó một trái bắp, vài chục ngàn rồi bỏ đi, tôi không thể cưu mang nó được. Lòng tự hỏi chẳng biết có một tổ chức xã hội nào lo được cho mẹ con nó không. Tôi vẫn cho rằng nên đưa  con nó vô một cơ sở nuôi dạy nào đó thì tốt hơn là để nó nuôi con như thú hoang ngoài đồng. Nhưng chỉ là nghĩ vậy thôi, trái tim tôi nhân hậu nửa vời, chưa đủ từ tâm để biến thành một hành động thiết thực cụ thể. Có chăng, lâu lâu cũng thăm dò cầm chừng xem có lối thoát nào cho mẹ con nó rồi thôi.

Để hai mẹ con có thể tồn tại, con Lượm trở thành tinh ranh quỷ quái hơn trong chuyện kiếm ăn. Nó núp núp ló ló ở đâu không ai thấy, nhưng khi đánh hơi thấy trong giỏ của ai có đồ ăn là nhanh như cắt,  nó chộp lấy và cho ngay vào mồm hay làm cho hư hỏng để người ta bỏ luôn cho nó hưởng. Một bịch chè để tênh hênh trong giỏ là coi như xong. Nó chộp lấy, cắn thật nhanh để người ta không còn nghĩ đến chuyện giành lại. Khi cần kíp, nó  quăng thật nhanh gói đồ ăn nào đó xuống đất cho đổ bể dơ dáy rồi nhe răng sún ra cười. Nếu món đồ ăn nào đó vì thế mà bị chê bỏ luôn thì coi như nó thành công. Người ta giận đập cho nó vài cái thì có hề gì. Đánh riết cũng hết đau hết sợ. Đói mới đáng sợ nhất là khi phải cho con bú.

Với bản năng tự nhiên, khi con khóc, con Lượm cững biết vạch vú cho con bú. Trời thương, sống bằng đủ thứ canh thừa cơm cặn, cải sống, trái cây thúi, hai bầu vú của con Lượm vẫn căng đầy, có khi còn chảy ướt cả áo. Vậy là thằng con của nó cứ thế mà lớn, có khi còn cười sằng sặc khi mẹ nó ngọng nghịu chuyện trò.

Mẹ con của con Lượm vất vưởng vậy rồi cũng sống qua ngày. Thằng nhỏ đã lớn bộn bộn rồi, hai mẹ con hú hí thấy cũng thương. Nhưng một hôm đi chợ về, đi ngang qua chỗ hai mẹ con nó, tôi thấy nó đang ôm con, khuôn mặt lo lắm. Lần đầu tiên tôi thấy khuôn mặt của nó có vẻ bồn chồn. Tôi ghé vào hỏi :
-       Gì vậy Lượm?
-       Nó nè, nó nè….
Vừa nói con Lượm  vừa chỉ tay vào thằng nhỏ. Tôi đến gần xem. Thì ra thằng nhỏ đang sốt dữ dội, mê man. Tôi nói:
-       Thôi  chết rồi, thằng nhỏ bệnh sắp chết rồi.
-       Chết rồi, chết rồi. Đừng chết, đừng chết mà . Con Lượm oà khóc.

Hoá ra con Lượm vẫn ý thức được cái chết là cái chia xa vĩnh viễn nên nó sợ hãi. Tôi dỗ nó:
-       Bây giờ nếu con muốn em bé không chết thì con đưa bé cho cô, để cô nhờ người chửa bệnh cho bé.
-       Không đưa, không đưa đâu.
-       Không đưa thì em bé sẽ chết. Đưa bé cho cô. Tôi giành lấy thằng nhỏ trên tay con Lượm. Có lẽ linh cảm của một bà mẹ cho nó biết là nếu chịu giao con cho tôi thì con nó mới được cứu sống, nên nó cũng không giành giật như mọi khi, mà chỉ chạy lốc thốc theo sau. Tôi đưa con nó vào bệnh viện. Thằng nhỏ bị sốt phát ban, phải nằm lại. Tới đây lại khổ. Tôi không thể ở lại để chăm lo cho con nó được. Tôi còn trường lớp phaỉ lo. Tôi cũng có con nhỏ ở nhà. Cuối cùng tôi bèn gửi nó cho Phượng, một đứa bạn hồi tiểu học, đang làm hộ lý ở đó chăm sóc mẹ con nó dùm. Nhưng nhỏ Phượng cũng chỉ nhận nửa lời:
-       Thôi, tớ rảnh thì tớ ngó chừng dùm. Không hứa gì đâu nha.

Về nhà tôi lại ghé dì Tâm. Dì đang nghỉ hưu, không con cháu, rất tốt bụng. Không giao mẹ con nó cho dì thì còn giao cho ai. Khổ, dì Tâm lại đang bệnh già, đang ho sù sù. Dì nói khi nào dì đỡ một chút thì dì sẽ lên coi nhưng dì khuyên nên gửi con nó vào cô nhi viện hay vào chùa nhờ ai nuôi hộ bởi con Lượm không có khả năng nuôi con mà cũng không ai có thể cưu mang nó. Tôi nghĩ lời dì Tâm là hợp lý nhưng không biết có hợp tình không. Hơn nữa, cũng đâu dễ mà bắt mẹ con của nó xa nhau. Thằng nhỏ thì không biết gì nhưng con Lượm chưa chắc đã chịu giao con.

Chuyện của con Lượm xảy ra vào ngay thời điểm thi tú tài. Tôi phải đi gác thi, chấm bài và thành thật mà nói, tôi cũng chỉ thỉnh thoảng có nhớ tới mẹ con nó, lòng còn bao nhiêu vướng bận khác.

Một hôm tôi đi làm về, đi ngang qua ngõ cũ thì thấy con Lượm cũng đang ngồi chỗ cũ, tay đang ôm một con chó mới vừa mở mắt…  cho bú.
-       Bú đi, bú đi con há. Không bú chết đó. Bú đi bú đi há.
Hai bầu vú của con Lượm căng tròn, sữa một bên chảy ròng ròng. Một bên thì con chó nhỏ xíu nằm gọn trong lòng bàn tay của con Lượm say sưa nút chùn chụt. Tôi đứng lặng người nhìn nó. Lần đâu tiên tôi thấy ngừơi cho chó bú với một tình yêu thiết tha của một bà mẹ đang say đắm đứa con nhỏ của mình. Nhìn cảnh này tôi đoán được đôi điều, một là thằng bé đã chết, hay là ai đó đã sắp xếp cho con nó đi.Tôi hỏi :
-       Lượm cho con bú hả?
-       Há há, con cho nó bú đó, không bú là nó chết.

Thấy không thể nói năng gì với nó, tôi nhủ thầm hôm nào gặp dì Tâm hay Phượng sẽ hỏi thăm.


Rồi một hôm có chuyện lên bệnh viện, tôi gặp Phượng, bèn hỏi :
-       Này nhỏ, bộ thằng con trai bị bệnh của con Lượm khùng không cứu đựơc sao mà ta thấy nó cho con chó con bú vậy?
-       Gì, bộ bà thấy nó cho con chó bú hả? Phượng vừa hỏi vừa trố mắt, vẻ mặt đầy hứng thú.
-       Sao, bộ nhỏ bày ra trò đó hả?
-       Ừa, thì thấy nó khùng quá làm sao nuôi được thằng nhỏ nên khi con nó khá hơn một chút, tập thể ở đây quyết định gửi con nó qua bộ phận những đứa trẻ bị mẹ bỏ sau khi sinh, để  ai có nhu cầu xin con nuôi thì cho đi. Chỉ một ngày sau là có người ẳm đi liền. May là người ta không biết thằng nhỏ có mẹ khùng, nếu không chưa chắc…
-       Nó để yên cho các vị cho con nó đi à?
-       Đâu dễ. Cho lén đó chứ, khi nó tìm không thấy con thì nó gào khóc thảm thiết, gặp ai áo trắng cũng níu lại đòi con, gặp con ai cũng giành lấy, hai bảo vệ phải trói lại đẩy ra khỏi bệnh viện mà còn chưa yên với nó nữa đó.
-       Nên quý vị ở đây đem chó con thế chỗ con nó hả?
-       Thì cũng tình cờ có bà kia, nhà có con chó mẹ vừa đẻ xong năm con chó con. Đẻ khó thế nào mà mẹ chết. Lũ con không sữa bú, bà bèn nhờ con Lượm cho chó con bú dùm.
-       Nó chịu sao?
-       Lúc đầu nó không chịu. Sao mọi người xúm lại dỗ, nói là con nó bị bệnh, uống thuốc xong bây giờ hết bệnh nhưng thành chó con rồi. Vậy là nó mừng quá, ẳm lên hun hít, nựng nịu cho bú liền. Mà cũng nhờ vậy, nó không la khóc đòi con của mình nữa
-       Nhỏ nói một bầy chó con, sao ta thấy nó chỉ cho một con bú thôi.
-       Ai mà hiểu được con khùng này. Lúc đầu nó cho năm con bú, rồi sao nó chỉ ẳm đi có một con nhưng lâu lâu sữa căng cứng quá nó thì cũng cho mấy con kia bú ké. Thương thì nó chỉ thương có con chó vá đó thôi.
-       Vậy nó thành mẹ chó rồi.
-       Thì vậy. Nhờ cho chó bú mà nó cũng được ăn phần cơm của mẹ chó. Cũng còn tốt hơn giựt đồ người ta ăn bị đánh bể đầu, sứt trán.

Vậy là đã rõ. Thật là xót xa cho bà mẹ điên. Con của con Lượm cuối cùng đã bị cho đi dù bà mẹ vẫn còn thiết tha ẵm bồng. Con bị cho đi mà không ai cần phải hỏi ý kiến của người  mẹ đẻ nó. Để bù đắp mất mát đó, con Lượm được làm mẹ một bầy chó con. Chó là loài vật trung thành, chắc đến chết, lũ chó cũng sẽ không bao giờ quên hơi mà rời xa hay chê bai bà mẹ điên của chúng.


Có một thời gian tôi  không thấy mẹ người con chó luẩn quẩn chỗ cũ. Tôi bực mình với bản thân. Tự thấy như mình có cảm giác nhẹ cả người, giống như thoát khỏi một gánh nặng không ai buộc tôi phải gánh. Thú thực, trong lòng tôi cứ luôn giằng xé, lờ nó luôn thì lòng không yên ổn, thấy mình ích kỷ nhẫn tâm, vướng vô nó thì cũng chỉ ở mức độ chiếu lệ để tự lừa dối bản thân là mình chưa đến đỗi nào, chứ cho nó thêm chút thời gian, tiền bạc, công sức thì lòng còn rất ngại ngần. Con Lượm biến mất chỉ để lại tôi một chút bâng khuâng, ít hơn cảm giác nhẹ lòng.

Rồi một hôm tôi vào uỷ lạo tại bệnh viện tâm thần Biên hoà, khi gặp gỡ những người điên không có thân nhân viếng thăm và những người bệnh ít có  khả năng hồi phục. Tôi lại thấy con Lượm, trần truồng, dơ dáy, một chân bị xích  ở một góc cột. Tôi hỏi quản lý ở đó:
-       Sao cô kia bị xích lại vậy?
-       Ôi, cái con khùng đó dữ thầy chạy cô ơi.
-       Nó dữ như thế nào vậy cô?
-       Gặp ai nó cũng cắn xé. Khi trời nắng lên nó la hét không chịu nổi. Có khi tụi con phải xịt nước nó mới chịu ngồi yên.
-       Nó vô đây lâu chưa vậy cô?.
-       Chắc chừng khoảng vài năm gì đó. Nghe nói nó nuôi một con chó con. Nó với con chó đi ăn trộm đồ ăn của người ta . Chịu hết nổi người ta kêu xe bắt chó tới bắt mất con chó của nó, vậy là nó nổi điên, cởi hết quần áo chạy trần truồng ngoài đường, gặp ai cũng đánh, cũng cấu xé nên công an phải tới hốt nó đem vô đây đó chứ.
-       Vậy hỏng chừng mình cho nó một con chó con khác thì nó sẽ bình tâm lại chăng?
-       Sao được cô. Ở đây có nội quy ở đây, đâu cho nuôi súc vật. Cứt đái ai dọn. Lông chó đờm vãi ai hốt. Ở đây còn hơn một ngàn bệnh nhân, đâu phải chỉ có một mình nó.
-       Tui tới gần nó được không?
-       Không nên đâu. Nó là bệnh nhân nguy hiểm đó. Muốn nói chuyện thì cô phải đứng xa hơn một thước. Mà này, cô không được chụp hình đưa lên báo nhá. Chụp hình bệnh nhân bị xiềng là nhạy cảm lắm đó. Ban Giám đốc bệnh viện không cho đâu.

Rời cô quản lý tôi tới thăm con Lượm. Tôi kêu :
-       Lượm, Lượm, nhớ cô Lam không?
Nó chẳng thèm quay lại nhìn tôi, chẳng biết nó có nghe không. Rồi bất ngờ, nó xoay người lại, vung thẳng cái chân có sợi xích đá tôi với tất cả lòng căm thù.
-       Trả con, trả con đi. Trả con, trả con.

Hình như nó nhớ tôi, người đã ẳm con nó vào bệnh viện để rồi sau đó mẹ con nó chia xa vĩnh viễn.

Trưa hôm đó sau buổi uỷ lạo về, tôi mang theo tiếng kêu thét của con Lượm, mang theo nỗi lòng không giải toả được. Có ai đó nói dùm tôi là tôi đã hành động đúng hay sai với mẹ con của nó không?

Ngày 8/9/07
Last Edited 27/6/11


No comments:

Post a Comment