THẦY CỐI!
1- Thầy Cối
Chuông reng!
- Alô! Lam nghe.
- Hey, mày không đi thăm thằng Năm Say hả? Tiếng của Thu, chị họ của tôi gọi và hỏi.
- Ủa, nó bị gì mà đi thăm?
- Ung thư đại tràng sắp chết.
- Ừa, thì nhậu cở nó không bị ung thư mới lạ.
Không hiểu sao nghe tin dữ mà lòng tôi không hề cảm thương, lại còn buông ra một câu ác khẩu. Xét lại lòng mình, tôi giật mình, hình như lúc nào tôi cũng mong thằng Năm Say, tên thật là Năm Ngàn, em họ tôi chết quách cho rồi, càng sớm càng tốt
Nhớ có lần xuống nhà dì Út ăn đám giỗ, dì than:
- Chắc dì phải cưới vợ cho thằng năm Say, hi vọng nó bớt nhậu.
- Ma nào chịu lấy thằng hũ hèm như nó mà dì cưới.
- Thì mình nhờ mai mối. Biết đâu có vợ nó bớt nhậu.
- Bớt được thì tốt. Không bớt lại khổ con người ta. Hình như cứ nói tới thằng Năm Say là tôi chỉ có những lời đầy thành kiến. Thực ra, nó đâu có phải tên Say, chỉ vì nó nhậu say bí tỉ nên mọi ngượi gọi nó như vậy. Gọi lâu thành quen, có khi tôi cũng quên tên thật của nó là gì.
Vậy là thằng Năm Say cưới vợ. Nhờ đất đai ruộng vườn nhiều, gia đình đàng hoàng có tiếng, mai mối lại dẻo mồm dẻo miệng nên cuối cùng nó cũng cưới được một cô gái quê mồ côi mẹ, hiền lành, đằm thắm. Rồi vợ chồng tôi lại được mời đi ăn hết đầy tháng tới thôi nôi. Nhìn bên ngoài tưởng cuộc đời thằng năm Say đã ổn, cuộc đời của dì dượng tôi chắc cũng ổn theo rồi với đứa con cầu tự này. Nhưng hôm thôi nôi tôi lại nghe dì Út thở dài kể lể:
- Thằng Say này có vợ rồi cũng không khá được chút nào. Có bữa nó đi nhậu về, nửa đêm nửa hôm nó dựng đầu dựng cổ vợ nó dậy đấm đá hoài, dì khổ tâm quá.
- Cái thằng quỷ đó sao lại đánh con người ta. Tôi uất ức trả lời.
- Nó nói sao con nhỏ dám đi ngủ trước, không chờ nó về.
- Trời ơi, ai chờ nổi cái thằng say như nó. Tội nghiệp con nhỏ mồ côi mẹ, được mẹ chồng hiền lành tưởng có phước , ai dè gặp phải thằng chồng trời đánh.
- Mà khổ lắm con ơi, buồn ngủ đi ngủ trước nó cũng đánh, đói bụng ăn cơm trước nó cũng đánh.
Tôi nghe dì Út kể mà căm thù thằng em họ của mình, nghe nó đánh vợ mà tôi nóng mặt, mong có bữa trời đánh nó chết cho rồi.
Rồi dì Út chậm nước mắt bàn :
- Chắc dì cho nó đi nghĩa vụ qúa. Mình dạy không được để người ta dạy nó. Vô quân đội biết đâu nó thay đổi.
Vậy rồi dì đành lòng cho thằng con cầu tự đi nhập ngủ. Nó đi biền biệt gần mười năm, bị thương, được giải ngủ về quê…nhậu tiếp. Nó nhậu đến độ phát cuồng, có một thời gian phải đưa vào bệnh viện tâm thần, ra viện lại tiếp tục nhậu.
Nhớ có lần về đám giỗ ngoại, tôi lại nghe dì Út than:
- Thằng năm Say bây giờ được tôn làm sự phụ rồi. Dân miệt vườn này gọi nó là thầy, mà là thầy Cối nữa chứ.
- Sao là thầy Cối.
- Vì nó uống rượu bằng ly cối, uống một lần cả ly cối.
Thằng năm Say là đứa con thứ năm của dì dượng tôi sau khi đã sinh ra được bốn cô con gái xinh đẹp thông minh. Nhưng xinh đẹp thì xinh đẹp, thông minh thì thông minh, dượng Út khi nhậu xĩn, nói nho: “ Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Dượng cứ than trời than đất là Dượng có mười đứa con gái cũng kể bằng không. Và nếu Dượng chỉ cần có một thằng con trai mới được kể là có. Khi ấy cuộc đời của dượng mới trọn vẹn. Dượng lấy cớ không có con trai nên cứ đi nhậu lien miên. Dì Út buồn quá, cứ như dì có lỗi đã không đẻ được cho chồng, cho bên gia đình chồng một thằng con trai để mai mốt, khi Dượng Út nằm xuống có người chống gậy theo sau quan tài, có người hưởng của hương hỏa.Vậy là dì dượng rắp tâm làm phước, bố thí khắp nơi, làm đường xây cầu , để lu nước lạnh đó đây cho người đi đường đỡ cơn khát. Lòng từ tâm của dì dượng rồi cũng động đến thiên đình. Dì Út cấn thai sinh ra thằng Ngàn. Ý nói nó quý như ngàn vàng vậy. Rồi có năm nhà nước cho đổi tiền, năm trăm đổi thành một đồng nên năm ngàn thành mười đồng. Sau mười đồng lại đổi thành một đồng nên sau hai lần đổi tiền, năm ngàn chỉ còn một đồng . Vậy là nó tự chế giễu “ Năm Ngàn bây giờ chỉ còn một đồng thôi. Trị giá của tôi chỉ còn có một đồng thôi”. Khi nghe nó nói vậy, có khi tôi thầm rũa “ Một dồng còn mua được cái bánh tiêu. Còn cái thứ như mầy chỉ báo đời thiên hạ, nhậu cho lắm có chó nó thương.”
Thật vậy, thằng Năm Ngàn hay thằng Say là một thằng sinh ra để làm khổ đời người ta. Suốt ngày nó cứ lè nhè, chẳng chịu giúp gì cho cái xưởng gỗ của dượng Út. Chẳng ai rầy la gì nó được. Sáng sớm nó đi mất, chiều tối nó bò về. Hết tiền thì mèo nheo mẹ. Hình như mục đích duy nhất của đời nó chỉ là kiếm cái gì đó để ăn và cố moi đâu ra tiền để nhậu nhẹt với chiến hữu. Nhậu xong rồi nó nói chuyện nhân nghĩa, dạy đời người ta với câu mở đầu bất hủ: “ Tao nói thiệt nghe, như cái thằng năm Ngàn này nè…..”, mà nó lại hay lỗi phải nữa chứ. Mỗi lần nghe nó mở đầu cái câu “ Tui nói thiệt nha, như cái thằng Năm Ngàn này nè…..” là trong bụng tôi ứa máu và tôi cũng muốn nói thiệt là cứ nhắc tới nó, tôi cứ mong nó chết đâu chết phứt cho rồi, để vợ con nó đỡ khổ, để dì Út tôi, má nó đỡ phải thở dài ngày đêm. Tôi tự hỏi có bao giờ dì hối hận vì đã ngày đêm thắp nhang khấn vái để có được một thằng con trai như nó, sau khi đã có bốn cô con gái xinh đẹp giỏi dang rồi?
2- Vợ hai
Cái thằng quỷ sứ vậy mà đào hoa. Có lần có một cô gái tên Mận, khoãng tầm ba mươi, dẫn theo hai đứa con nhỏ, tự nhận là vợ thằng Say. Dì Út ngắc ngứ chẳng biết phải ăn nói sao với cô Mận này cho phải phép với con Nhàn, vợ nó. Mà dì cũng không thể hất hủi chối bỏ cô gái tội nghiệp đó được khi hai đứa nhỏ giống cô dẫn theo thằng Say như tạc. Mà có lẽ cô Mận không cần dài lời, chỉ cần nhìn tụi nhỏ dì cũng biết nó là con ai rồi. Chuyện thử ADN như bây giờ người ta hay làm để truy tìm cha cho con là thừa trong trường hợp này. Cô Mận nói khi thằng Say đóng quân ở Tây Ninh năm năm, nó nói nó chưa có vợ. Thấy nó còn trẻ, lại dẻo mồm có duyên nên ba mẹ cô cho hai người làm một đám cưới nho nhỏ rồi cho ăn ở với nhau. Vì lấy chồng lính, cô phải tự bương chải kiếm tiền nuôi con, có khi còn phải chu cấp cho chồng suốt thời gian hai đứa là vợ chồng. Sau này chồng cô bị đưa ra chiến trường Campuchia thì cô bặt tin. Mẹ con cô cứ vò võ ngóng trông, không biết chồng của mình, cha của hai đứa con mình giờ sống chết ra sao nên có lần, mới có được chút tin tức về chồng, cô đã quyết dắt díu con đến nơi đống quân tìm cha chúng. Đến nơi thì đơn vị đã đổi đi xa. Chồng cô cũng chẳng tin tức gì về cho vợ con. Cô nức nở vừa khóc vừa kể như người ta khóc đám tang . Cô nói với dì Út:
- May sao mới đây con gặp được một bạn đồng đội cũ của ảnh. Anh này nói ảnh còn sống và chỉ vẽ đường cho con tìm tới đây. Cực khổ đến nơi thì lại như vậy nè trời!”
Tôi hiểu“ như vậy nè trời!” mà cô nói tức là ám chỉ phận lẻ mọn của mình. Cô ngồi bệt xuống bậc thềm khóc hu hu, cứ như chồng cô vừa chết.
Khi Mận tới thì thằng năm Say đi đâu nhậu mất tiêu, chỉ có dì Út và vợ nó, con Nhạn tiếp cô gái. Con Nhạn thiệt là hiền như cục đất. Thấy chồng đã có vợ hai, con cái lùm đùm mà chẳng phản ứng gì. Có lẽ nó đã ngán ngược, chẳng còn yêu thương trông đợi gì cái thằng chồng này nữa nên khi thấy một người đàn bà khác; cũng vướng vô lưới tình như mình thì lại thấy thương cảm thay cho ghen hờn. Nó tự nhủ : “Dẫu gì thì mình cũng được cha mẹ ảnh cưới hỏi đàng hoàng, có hôn thơ hôn thú, được ở nhà chồng, có mẹ chồng bên cạnh sớm tối để yêu thương, an ủi, còn hơn cô Mận, cô ấy phải chịu bao nhiêu thiệt thòi”
Mận ở lại nhà phụ cơm nước với chị Nhạn chờ cho đến tối thì anh chồng say của hai cô về. Bước thấp bước cao, hai con mắt đờ đẫn, giọng nói lè nhè, vừa vô tới nhà nó đã ra lệnh cho vợ con:
- Con Nhạn đâu, pha cho ly nước chanh coi. Còn hai đứa nhỏ đâu, lại đấm lưng cho ba coo..n.
Cô Mận nghe tiếng thằng Say về thì vội đứng lên mà ngóng. Cô thấy thằng Say nhưng thằng Say không để ý nên không thấy cô. Hai con mắt thằng này dại đi vì rượu, thấy hai đứa nhỏ lạ trong nhà cũng không có chút linh tính máu mũ gì mà còn hỏi:
- Con của ai giờ này còn tới nhà tao vậy bây? Tối rồi sao không về hả nhỏ?
Dì Út nãy giờ rình coi thái độ của thằng Say với vợ con của nó ra sao. Bây giờ thấy vậy, chướng quá chịu không nổi, dì mắng:
- Mầy mở mắt ra coi hai đứa nhỏ này là con ai vậy?
- Con ai ai biết con ai. Con nít đi chỗ khác chơi. Con đi ngủ đây.
Đến nước này thì cô Mận chịu hết nổi. Từ rèm cửa, cô bổ nhào ra lên tiếng:
- Anh Ngàn, anh bỏ mẹ con tui đi biền biệt bao nhiêu năm. Giờ mẹ con tui đi tìm anh, anh còn nỡ đuổi mấy đứa nhỏ nữa là sao?
Nghe tiếng người quen quá, thằng Năm Say mở mắt ra, thất thần rồi tỉnh rượu:
- Ủa Mận, sao em biết tôi ở đây mà tìm?
- Thì anh bặt tăm bao nhiêu năm, không biết anh sống chết ra sao. Nhớ hồi đó anh nói nhà anh ở đây, rồi gặp anh Ân, bạn cũ của anh chỉ đường, nên mẹ con tôi cứ đi tìm đại, may mà gặp.
- Mà em tới đây làm chi, em đâu có ở đây được đâu mà tới.
- Tôi biết rồi. Anh đã có vợ con. Anh đã gạt tôi nên khi đi là anh đi luôn. Mẹ con tôi có chết sống ra sao anh cũng đâu có màng.
Sau một phút gặp lại người xưa, câu nói Mận làm thằng Say bừng tỉnh, trở về thực tế. Thằng Say như cá mắc quai, chẳng biết phải cư xử sao cho phải với cô vợ do cha mẹ mang trầu cau rước về. Dì Út hỏi :
- Mầy đi đâu mà để con rơi con rớt vậy hả? Bây giờ mẹ con nó tìm tới đây rồi mầy tính sao?
- Thì để từ từ tính. Mà má tính đi chứ ai biết tính sao bây giờ.
Thằng Năm Say nói tỉnh queo. Qua giây phút ngỡ ngàng, nó trở lại bản chất của một thằng say vô trách nhiệm, trơ tráo với bản thân và với người thân.
Nhạn nảy giờ núp sau rèm cửa theo dõi giờ bất ngờ lên tiếng:
- Anh Năm không cần tính gì hết. Anh cưới cô Mận đàng hoàng. Hai người cũng ăn ở với nhau có tới mấy mặt con rồi, anh cứ đem mẹ con cô Mận về ở. Mẹ con em đi.
- Í, nói vậy đâu có được.
Dì Út quýnh lên phản đối. Ai cũng biết dì thương con Nhạn còn hơn con gái, nhất là dì tội nghiệp nó lấy phải một thằng ma cà bông như thằng Say. Nhưng con Nhạn là một cô gái quê nghèo, lại mồ côi mẹ, nay lấy được gia đình chồng khá giả, chồng không ra gì nhưng mẹ chồng hết lòng yêu quí thì nó cũng cảm thấy an ủi lắm. Có điều bây giờ phải chịu cảnh chồng chung thì nó không chịu. “Chắc nó nói lẫy” dì Út thầm mong như vậy. Mận khóc nói với chị Nhạn:
- Hồi nào giờ em ghét nhất là phá gia cang nhà người ta. Nhưng hoàn cảnh của mẹ con em là do bị lừa gạt. Bây giờ mẹ con em về. Em cứ coi như ảnh đã bị bom rơi đạn lạc chết rồi cho xong.
Dù dì Út và con Nhạn hết lời giữ mẹ con Mận nghỉ lại qua đêm nhưng cô vẫn cứ nhất định lôi hai đứa nhỏ đi khi hai đứa nó còn chưa kịp kêu một tiếng ba. Nài nỉ mãi dì mới lấy được địa chỉ của Mận, để khi có cơ hội, dì tìm cách giúp đỡ mấy đứa cháu nội tội nghiệp sau.
3- Vợ ba
Mà đâu phải thằng Say chỉ có vợ hai với hai đứa con rơi mà nó không hề nhớ tới, không hề ái ngại. Một hôm, lại có thêm một phụ nữ dẫn theo ba đứa con nít đen nhẻm tới nữa. Mà dù tụi nhỏ đen bóng, hai con mắt trắng dã, nhưng cũng giống như mấy đứa con của Mận, mới nhìn một cái là dì Út biết ngay mấy đứa nhỏ này là cháu mình, con của thằng năm Say. Dì ngao ngán than khóc, nói thiệt với cô Thơm, cô vợ thứ ba của nó:
- Trời ơi, tui giờ cũng không biết phải nói sao đây. Cái thằng này đi tới chỗ nào là có vợ có con chỗ đó. Cô cũng không phaỉ là người đầu tiên tới đây tìm nó đâu.
Thơm, vợ ba của thằng Năm Say là cô gái Việt lai Campuchia với nước da nâu dòn, hai con trắng dã, hai bàn tay chai sạm. Dù vậy, cô tỏ ra là một người lanh lợi và bản lĩnh:
- Ới cái anh Năm Ngàn này có cái lòng dạ xấu quá. Tôi biết vậy tôi để Pôn Pốt chặt cái đầu của anh cho rồi, tôi đâu có nhận anh làm chồng đâu. Bây giờ anh phải nói sao với tui, chứ không tôi chém anh chết.
- Thôi thì chuyện lỡ hết rồi. Ở đây nó có vợ con đàng hoàng. Ở Việt nam không cho phép một chồng hai vợ. Để tôi gom góp chút tiền bạc cho cô đem về nuôi con. Rồi chừng nào tôi bán được ruộng vườn thì tôi cũng đi tìm mà cho thêm. Dì Út năn nỉ cô Thơm.
- Tui muốn chồng chứ đâu phải tui muốn tiền mà bà cho tui tiền rồi đuổi tui đi.
- Tôi đâu có đuổi cô. Chồng cô có vợ rồi, làm sao sống với cô được. Thôi thì cô cầm ít tiền về nuôi con, còn bằng nuôi không nổi thì cứ bỏ đây, tôi cũng ráng mà nuôi cho.
- Bây giờ tui muốn gặp chồng tui.
- Được, vậy thì cô cứ ở đó chờ tới tối thế nào nó cũng về.
Dì Út đành thúc thủ chiều theo ý Thơm, cô vợ ba của thằng Say. Cô có vẻ thích gì làm đó, ít thích nghe nói phải trái dài dòng.
Dì Út nhân hậu, Nhạn hiền lành lo cho mẹ con Thơm cơm nước đàng hoàng. Ngộ thiệt, Nhạn không ghen, cô thấy tội nghiệp mấy người đàn bà này. Cô vẫn thấy mình may mắn. Còn mấy người đàn bà này có được gì đâu, sao chồng cô lại lăng nhăng, lấy con người ta rồi bỏ hẳn. Giải ngũ bao nhiêu năm rồi cô có thấy chồng cô bồn chồn nhớ thương ai đâu. Mà còn nhớ thương ai nữa chứ khi suốt ngày chồng cô chỉ nhớ tới mấy chiến hữu bên chén rượu thôi, thầy Cối mà!
Buổi trưa Nhạn rủ Thơm ra sau hè ngồi hỏi thăm hoàn cảnh ăn ở, Nhạn an ủi người đàn bà bất hạnh:
- Phận đàn bà mình khổ như nhau. Mang tiếng có chồng kế bên chứ tôi có được ảnh đỡ đần gì đâu, suốt ngày đi nhậu, lâu lâu còn lôi tôi ra đập cho một trận. May mà có ba má chồng lúc nào cũng canh chừng để bênh vực, nếu không có khi mồ tôi cũng xanh cỏ rồi.
- Sao chị chịu vậy. Chồng mà đánh tui là tui đánh lại liền.
- Mình là đàn bà thì phải nhịn nhục chồng chứ. Chồng đánh lo chạy không kịp nữa chứ sao dám đánh lại .
- Tui khác. Tui có võ Miên nên hồi đó mới cứu được ảnh, không thì Pôn pốt nó đã chém đầu ảnh rồi.
- Vậy thì cô giỏi hơn tôi. Chồng đánh là tôi chỉ biết khóc, la lên cho ba má chồng tới giải cứu thôi.
- Tại chị nhịn chi cho chồng nó làm tới. Tui mà dạy chồng không nghe là tui đạp cho một cái, đá cho một cái. Cái anh chồng này không dám cãi tui đâu, đừng nói chi tới dám đánh tui.
- Vậy thôi tôi nhường chồng cho cô dạy đó. Nhạn nói vậy, gịong thán phục, không biết lòng cô có thực sự muốn vậy không!
Dì Út cho người đi kêu thằng năm Say về gấp. Dì ngán cái cô vợ ba của nó dữ dằn quá, nói năng hung tợn quá. Mà cái thằng Say cũng còn có cái dễ thương là dù làm hùm làm hổ với ai, ở đâu không biết chứ cũng còn biết thương má . Khi dì giận nó cũng sợ quýnh đít quýnh đuôi. Dì biểu nó phải về ngay là nó ở đâu cũng ráng bò về dù miệng có lằng nhằng. Về tới nhà nó thấy có mấy đứa con nít đứng trước nhà. Nó nhìn ngờ ngợ rồi cho qua. Vô nhà nó lè nhè :
- Đang nhậu sắp tới bến mà má kêu về chi vậy?
- Vậy chứ mầy có thấy mấy đứa nhỏ đứng trong nhà đó không?
- Thấy. Con ai mà đen thui như Miên vậy?
- Mầy không biết con ai thiệt hả?
- Con ai làm sao con biết được mà má hỏi.
- Thơm, cô Thơm lên gặp chồng cô nè.
Nghe tiếng nói chuyện ở nhà trên quen quen, Thơm chạy lên, gặp lúc thằng Say tỉnh queo nói về con mình như người xa lạ thì cô nổi khùng, cô nhào tới nắm áo thằng Say mắng xối xả:
- Là con của tui với thằng ma xó đó.
- Trời, Thơm hả? Sao biết đường tới đây?
- Thì anh đi miết không về. Dò hỏi mãi cũng ra chỗ ở của anh thôi. Anh dễ trốn được tôi sao?
- Anh đâu có trốn nhưng mà ở đây anh có vợ rồi. Biết làm sao bây giờ?
- Bộ anh tưởng lấy tui có mấy đứa con rồi muốn bỏ là bỏ sao?.
- Mà tui nhớ hồi đó có hai đứa, sao bây giờ có tới ba đứa, bộ em lấy chồng khác hả?
- Ai chịu lấy gái con đùm con đeo như tui mà chồng khác với không chồng khác. Đứa con thứ ba là tôi mới cấn thai lúc anh được điều đi hành quân. Anh ngủ cho sướng rồi giờ nói không biết con ai hả?
- Nói nhỏ thôi. Sao em dữ quá vậy.
- Tui mà không dữ thì hồi đó anh đã bị chặt đầu rồi.
- Thì biết vậy nhưng bây giờ tui đâu biết tính sao. Nó quay qua dì Út hỏi: “Tính sao bây giờ má?”
Nãy giờ dì Út nghe hai vợ chồng trẻ nói chuyện mà hỡi ơi. Qua câu chuyện dì biết con Thơm đã từng cứu con dì thoát chết. Rồi hai đứa ăn ở với nhau có tới ba mặt con trong ba năm thằng Say đóng ở Campuchia, nhưng thằng này ăn rồi quẹt mỏ. Chuyện ơn nghĩa nó không nhớ, chuyện vợ chồng nó cũng không nhớ. Dì Út rầu quá, đúng là thằng “ quỷ tử” mà. Vậy mà ngày xưa, khi nó chưa ra đời, dì cứ ngỡ mình sắp có quý tử. Đang miên man suy nghĩ thì nghe thằng năm Say hỏi giật ngược, dì Út giận lẫy:
- Chuyện mấy người, mấy người tính, hỏi tui chi.
- Thôi má tính đi, con nhỏ này dữ lắm, con không biết tính đâu.
- Ủa vợ mấy người tự lấy, con mấy người tự tạo, bây giờ biểu tui tính là sao?
- Bây giờ lỡ rồi má ráng tính dùm con đi, nếu không con này nó dám chém con lắm đó.
- Ủa, gặp người dữ thì hiền, gặp người hiền như con Nhạn thì làm hùm làm beo là sao hả?
- Thôi mà má, bây giờ đâu phải lúc má rầy con. Má tính dùm con đi.
Nói thì nói vậy, dì biết dì không tính thì cũng không ai tính được. Mà tính làm sao bây giờ, con Thơm nó dữ như con cọp cái, con Nhạn hiền như bụt. Cho hai con vợ ở chung một nhà chắc con Thơm nuốt mất con Nhạn. Mà nếu giải quyết cho con Thơm ở lại thì biết nói sao với con Mận. Thôi bây giờ cứ để con Thơm ở lại mấy ngày để coi nết ăn nết ở của nó ra sao, rồi dì mời con Mận lên. Cho cả ba đứa họp lại mà tự quyết.
Mấy ngày con Thơm ở lại thằng Say như con chuột lủi. Nó chẳng dám chui vô mùng của con vợ nào. Đúng là “một vợ thì nằm giường lèo, hai vợ thì nằm chèo queo”. Con Thơm như con chó cái đến hồi động đực, nó đòi thằng Say phải vô ngủ với nó: “ Anh bỏ tôi bao nhiêu năm rồi, bây giờ anh phải ngủ với tôi chứ?”
Con Nhạn không giành giựt gì hết, nước mắt ngắn nước mắt dài nói:
- Thôi anh ngủ với cổ đi. Anh cũng có lỗi với người ta quá rồi.
Thằng Say gãi đầu:
- Là em nói đó nga.
Dì Út tức mình lên tiếng:
- Ngủ cho sướng đi rồi đẻ chữa ai nuôi?.
- Đàn bà có chồng thì có chữa. Đẻ hết trứng thì thôi chứ sao bà rầy.
Thơm lên tiếng. Nhạn ngồi kế bên há hốc mồm. Lấy chồng bao năm, chưa một lần nào cô dám không dạ thưa với ba mẹ chồng, vậy mà Thơm dám nói năng ngang hàng với bà. Nhạn vừa sợ vừa thích. Cô thầm nghĩ có khi có Thơm lại hay, trị được cái tật hủ hèm của chồng cô chăng.
Dì Út cũng cứng họng, đúng là nói ngang ba làng nói không lại. Dì nhìn hai đứa, hết ý. Chán nản dì đứng dậy phủi đít đi vô nhà. Mặc kệ tụi nhỏ muốn làm gì thì làm.
Thơm ở lại đã bảy ngày, thằng Say ngủ luôn với cô đủ bảy đêm. Cũng bảy đêm dì Út không ngủ được, đêm đêm dì cứ trăn trở, dì nghĩ chắc con Nhạn cũng không ngủ được. Lấy ông hủ hèm đã khổ, giờ lại còn phải chia chồng cho người đàn bà khác. Hổm rày dì cứ lén quan sát, dì thấy con Nhạn vẫn câm lặng như tự thưở nào, lòng dạ dì nát tan. Biết vậy, dì đâu có đi cưới đứa con gái tội nghiệp này cho thằng con trời đánh của dì. Đang trằn trọc thì dì nghe thằng Say la lên ở buồng kế bên:
- Thôi cho tui thua em đi.
- Sao hồi đó đêm nào anh cũng muốn?
- Hồi đó khác. Hồi đó còn trẻ, đi lính không được uống rượu nên tui còn sung, bây giờ “ liễu rủ” rồi em ơi!
- Ai cho anh “liễu rủ “ mà anh rủ chứ. Anh bỏ tôi bao nhiêu năm giờ anh phải bù lỗ cho tui chứ.
Dì Út nghe hai đứa nói chuyện mà hỡi ơi. Đàn bà con gái gì mà trơ trẽn như gái đứng đường, nói năng không ý tứ. Nó mà đòi hỏi kiểu này thì cái thằng hủ hèm nhà dì chắc có ngày chôn sớm. Mà chuyện vợ chồng của tụi nhỏ, làm sao dì tiện chen vào. Bực mình quá, dì tằng hắng để cho tụi nó câm miệng lại cho rồi. Nghe mẹ lên tiếng, thằng Say mắc cỡ mắng vợ:
- Nói nhỏ thôi, má tui nghe kìa.
- Ai muốn nghe thì nghe, tui muốn nói thì nói.
Bực mình, thằng Say tốc mùng chui ra. Con Thơm níu lại:
- Anh chạy đi đâu?
- Đi đái cũng không được nữa hả?
- Anh trốn tui là không xong đâu đó.
Cái từ “ trốn” của con Thơm gợi ý cho thằng Say trốn thật. Đêm đó nó trốn ra sau vườn rồi lén đón xe đò về nhà cậu nó. Chờ chồng cả đêm không thấy, Thơm bực mình chửi rủa um sùm. Cô cứ ngồi ngay cửa mà canh chồng về. Cô đâu biết nhà dì Út mênh mông, bao nhiêu là cửa nhỏ cửa lớn, cửa cho bò, cửa cho heo, cửa ra vườn, cửa ra ruộng. Thằng Say đã muốn trốn thì một người lạ nước lạ cái như cô hết mong mà tìm.
Chờ gần mười ngày không thấy chồng về. Dì Út lại ra sức năn nỉ lạy lục nó tha cho thằng Say mà về Campuchia. Dì hứa cho nó một ít vàng vòng tiền bạc, hứa khi nào bán được ruộng vườn thì tìm mẹ con nó mà cho thêm. Dùng dằng mãi rồi con Thơm cũng đồng ý dắt con về với lời thề :
- Thằng chồng này nó chết thì thôi, nó mà còn sống là tui còn tìm nó. Nó không dễ lấy tui có con rồi bỏ được đâu.
Vậy là Thơm lặn lội tìm chồng, gặp chồng cũng chẳng bằng không. Hồi nào giờ cứ tưởng chồng là của riêng mình, dù sống hay chết. Bây giờ té ngửa ra, cái thằng mắc ôn này nó không phải có một vợ mà có tới ba vợ. Nhà cửa cha mẹ nó to đùng, cứ vậy suốt ngày nó ở không ăn nhậu, chẳng nhớ gì tới vợ con mà nó bỏ lại xứ người. Nghĩ đi nghĩ lại,Thơm càng tức, cô muốn ở lại ăn vạ nhưng mà cái thằng này bỏ nhà trốn mất. Chắc má nó dấu nó ở đâu rồi. Bực quá cô kêu má chồng ra hỏi:
- Má dấu thằng chồng của tui ở đâu? Má kêu nó về cho tui. Chứ nó mà trốn tui, khi tui kiếm được nó là tui chém nó mất cái đầu.
- Trời ơi, chồng của mấy người, mấy người ôm riết cả ngày lẫn đêm, giờ để cho nó đi mất rồi biểu tui kiếm, tui biết đâu mà kiếm.
- Cái nhà này nhiều cửa quá, nửa đêm nó nói nó đi đái rồi đi mất. Má kiếm không ra nó là tui đốt nhà cho nó chui ra đó.
- Trời ơi, chồng con cô cô không giữ được thì ráng chịu, sao đòi đốt nhà tui?
- Con chuột trốn trong hang, tui đốt hang con chuột chui ra. Nó trốn trong nhà này, tui đốt nhà cho nó bò ra.
Con Nhạn thấy con Thơm làm căng quá thì ra sức vỗ về:
- Nhà này không phải của anh Ngàn đâu mà cô Thơm đòi đốt. Bây giờ ảnh trốn là ảnh bỏ cô mà cũng là bỏ luôn cả tui rồi. Thôi thì từ nào giờ cô sống sao thì bây giờ cứ như vậy mà sống. Có kiếm được ảnh thì cũng không nhờ vả gì được đâu. Ảnh không biết lo gì cho vợ con đâu. Có thêm ảnh cô còn phải mắc công lo thêm một miệng ăn chứ có sướng nỗi gì.
- Nhưng tui không dễ bị ăn hiếp như chị được. Đâu có lấy tui rồi muốn bỏ là bỏ được đâu.
Dì Út sợ con Thơm đốt nhà thiệt. Suốt ngày dì cứ theo canh chừng. Xăng dầu, hột quẹt gì dì đều đem dấu hết. Sống trong phập phồng riết rồi dì chịu hết thấu đành phải nhờ tới một anh công an xã tới làm việc. Anh công an yêu cầu Thơm phải xuất trình giấy tờ tùy thân để được tạm trú tạm vắng. Thơm không có tới một tờ giấy lộn lưng. Anh công an phải khuyên Thơm về quê nếu không thì sẽ bị bắt bỏ tù. Nghe tới bỏ tù thì cô sợ lắm. Rồi cả nhà súm nhau nói ra nói vào, cuối cùng cô cũng chịu về quê với lời thề có bữa cô sẽ trở lại, kiếm cho được cái thằng chồng bội bạc, cắt cho đứt cái giống nòi khốn kiếp.
4- Là con gì?
Con Thơm đi buổi sáng thì buổi chiều thằng Say bò về…nhậu tiếp. Chiến hữu của nó đang chờ mà. Cứ vậy, thằng Say cứ nhậu, dì dượng Út cứ mỗi ngày mỗi già hơn, công ăn việc làm càng lúc càng khó khăn hơn, ruộng vườn càng lúc càng teo tóp hơn. Xưởng cưa bây giờ cũng không còn vang tiếng máy nên sân nhà không còn đỏ màu những hạt mạc cưa thơm thơm mùi gỗ nữa. Dì Út càng lúc càng ngồi chống tay lên cằm mà thở dài nhiều hơn. Dì lo cho thằng Say, ngộ nhỡ dì dượng qua đời, ruộng vườn không còn được bao nhiêu thì nó lấy cái gì mà sống. Từ nhỏ tới giờ dì dượng bưng bợ nó quá nó quen rồi, bây giờ làm sao đổi được. Dì ngao ngán ngẫm nghĩ mấy bà già nói vậy mà đúng, mấy đứa con cầu con tự, con một, con út là mấy đứa dễ hư thân mất nết, dễ sống ích kỷ. Mà nói cho công bình, đâu phải tự nhiên mà nó hư, cũng tại ai cũng cưng chìu nó, không ai dám rầy la dạy dỗ khi nó còn nhỏ, nó thành ông hoàng con trong nhà, bây giờ thói hư tật xấu đã ngấm vào máu rồi thì biết làm sao được.
Tội nghiệp dì dượng Út, cả đời làm lụng vất vả nuôi con, khi tới tuổi về chiều thì mọi thứ quanh dì dượng cũng nhuộm màu hoàng hôn. Xưởng mộc bao đời cứ mỗi ngày mỗi tàn lụi theo sức khỏe của dì dượng. Mà không tàn sao được khi dượng đã gần bảy mươi tuổi rồi mà vẫn chưa được nghỉ ngơi. Thực ra dượng muốn an nhàn quá đi nhưng lấy ai lo quản lý cái cơ ngơi to đùng này. Có thằng con trai cũng như không, thiệt là đứa con cầu tự, nghĩ tới mà ngán! Mấy bữa nay dượng không khỏe, cái lá phổi bao năm hít bụi mạc cưa giờ bắt đầu lên tiếng. Dượng thấy khó thở, ngộp…bác sĩ nói dượng bị ung thư phổi ở giai đoạn cuối rồi, tim mạch cũng không ổn, phải hết sức tránh xúc động lo buồn, chắc là dượng cũng không còn bao lâu nữa. Dượng mất rồi thì mấy đứa cháu nội lấy ai lo. Từ hồi có thằng Say tới giớ, dì dượng phải nuôi nó, xong rồi lo nuôi luôn vợ con nó chứ dì dượng có trông cậy nó được gì đâu... Đi lang thang trong vườn một hồi dượng có một quyết định dứt khoát: Nói chuyện với thằng Say, nói cách khác là trăn trối những lời cuối đời với nó. Dượng vào nhà tìm nó, chưa chắc giờ này nó đã dậy.
Đến buồng của nó dượng gọi:
- Ngàn, Ngàn, dậy ba nói chuyện.
Thằng Say cũng vừa dậy. Bữa nay nó nhức đầu quá. Dạo này uống rượu nó hay bị đau bụng nữa , có khi đau dữ dội lắm. Đã vậy, lâu lâu lại đi tiêu ra phân đen, chắc là bị trĩ nội gì đây. Vợ nó cứ giục nó đi khám nhưng mà nó ngán nghe mấy ông bác sĩ mắng mỏ, thế nào thì cũng phải bỏ rượu này này nọ nọ. Chưa kể, nếu có bệnh, thế nào thiên hạ cũng nói :
- Đáng đời, nhậu cho cố. Vậy là nó cứ lá mơ mà uống. Vậy mà có khi cũng êm.
Nghe tiếng ba nó gọi dậy sớm nó vừa ngạc nhiên và thấy lo lo. Ông già giận nó lâu rồi đâu thèm nói chuyện, sao bữa nay ông lại tìm nó mà mở miệng trước chứ. Nói vậy chứ nghe ba kiếm nó cũng mừng thầm, cái cảm giác bị ông già giận không thèm ngó tới mặt, thấy vậy chứ cũng khổ sở lắm. Có điều ổng giận cũng có cái tốt là khỏi nghe ổng la rầy, nhưng mà thực ra bị rầy dễ chịu hơn bị giận không thèm ngó tới cái mặt. Nói chung nó cũng ray rứt cái chuyện ông già giận, nhưng giận thì giận chứ đến lúc nó lên cơn ghiền rồi thì cái con ma men mạnh hơn mưòi lần cái chuyện ông bà già giận hay cái chuyện vợ bỏ. Nó ló đầu ra khỏi buồng hỏi:
- Có gì vậy ba?
- Chiều nay con đừng đi đâu nhậu hết. Ở nhà nhậu với ba. Ba đãi.
- Ba nói giỡn. Ba đang bệnh làm sao mà uống?
- Bệnh cũng phải uống với con một lần. Vậy nhá. Con Nhạn chiều nay làm con gà mái tơ cho tao với thằng chồng bây nhậu.
Buổi chiều hôm đó dì Út ngồi nhổ lông gà mà nước mắt ngắn, nước mắt dài. Dì hiểu tâm ý của chồng. Chắc ổng muốn nói lời cuối cùng với con. Gần năm năm nay ông bỏ hẳn rượu rồi, bây giờ đang bệnh nặng mà ổng lại đòi nhậu với thằng con trai mà ông đã bất lực dạy dỗ. Dì thở dài. Buồn quá. Cuộc đời chẳng biết đâu là được, đâu là mất. Hồi đó có bốn đứa con gái, ai cũng nói là tứ quý nhưng mà dì dượng thấy chẳng có gì quý. “ Nữ sinh ngoại tộc”. Mầy đứa con gái rồi đây cũng đi lấy chồng, lo cho gia đình chồng như dì vậy. Nuôi nó chỉ tốn cơm, mất công lo mai này tụi nó đi làm dâu không nên thân lại bị bên chồng mắng vốn. Suy nghĩ này dì dượng công khai cho mấy đứa con biết, tụi nhỏ bất mãn dữ lắm. Tụi nó phản đối rùm trời. Con Vân nói :
- Má nói vậy chứ hồi đó giờ thiếu gì đứa con gái lấy chồng vẫn lo cho cha mẹ lúc về già. Người ta nói: “ Đàn ông quan tắt thì chầy, đàn bà quan tắt nửa ngày nên quan”, biết đâu nữa tụi con lấy chồng giàu sang, tụi con còn giúp ba má gấp mấy lần con trai cho biết.
Con Thủy lại nói;
- Thời buổi này mà má làm như chuyện trăm năm trước. Bây giờ gả con thì nó sờ sờ ra đó. Có biến mất xác đâu mà má lo. Bây giờ cũng đâu có cảnh làm dâu như hồi xưa đâu mà má sợ. Má chồng không biết điều, có khi còn mất luôn con trai, mất luôn cháu nội nữa chứ đừng giỡn.
Mặc mấy đứa con gái tân thời muốn nói gì thì nói. Dì dượng vẫn ước mơ có một đứa con trai. Hai người ra sức ăn chay, cầu khẩn bao nhiêu chùa chiền mới đẻ được thằng năm Ngàn. Dì dượng cưng nó hơn vàng, nó là ngàn vàng mà. Vì vậy nên dì dượng mới đặt tên nó là Ngàn.
Có được con trai, dì dượng mới thấy cuộc đời mình là mỹ mãn. Trên bàn tiệc, dượng Út mới hết bị bạn bè chê cười. Cưng thằng con trai quá, đi đâu dượng Út cũng dẫn nó theo. Người ta nhậu thì nó được nhấm mồi. Mồi nào ngon nhất thì dượng gấp cho nó, không cần cả nể quy luật “ kính lão đắc thọ” gì hết.
Dì dượng đã vô cùng sung sướng có thằng con trai sáng sủa lanh lợi. Dì Út hay nói khi nựng “ tí” của thằng Ngàn:
- Tui có con trai rồi nha. Tui có người nối dõi rồi nha. Mấy đứa con gái là ra rìa hết nha.
Mấy đứa con gái bực mình:
- Họ nhà mình thì thế gian thiếu gì. Xét cho cùng gia đình mình cũng có phải là dòng họ danh gia vọng tộc gì đâu mà ba má quan trọng chuyện nối õi quá vậy.
Rồi dượng ra sức làm để sau này có của ăn của để lại cho thằng Ngàn, không phải đời nó mà luôn cả đời con của nó. Trong bài tính yêu thương của dượng, dượng quên tính tới chuyện thằng Ngàn phải tự làm mà kiếm ăn, chuyện thằng Ngàn khi lớn cũng phải có tư cách để làm cha của mấy đứa cháu nội. Có lẻ khi sức khỏe suy sụp thì dượng cũng ngộ ra điều này nhưng đã muộn quá rồi, mầy chiến hữu của dượng lâu lâu cứ cho thằng nhỏ thử một chút rượu với câu: “ nam vô tửu như kỳ vô phong”, rồi lại kèm theo vài câu tâng bốc : “ Thằng này đã à nha. Mai mốt nhậu với ba mầy được rồi. Rồi cứ như vậy, từ từ nó biến thành bợm:”Hổ phụ sinh hổ tử” mà.
Thằng Ngàn nối nghiệp “ nhậu” của cha. Có điều nhậu thì nhậu, dượng Út cũng phải làm. Còn đàng này, thằng con trai của dượng nhậu là chính, làm là chuyện chưa vội, mai mốt nó làm chủ, nó chỉ tay năm ngón, cần gì phải nai lưng ra mà làm. Làm kiểu lấy công làm lời là xưa rồi. Nó chưa cần làm. Vậy đó, chuyện thằng con trai “ngàn vàng của dì dượng” thành thầy Cối cũng không phải lỗi của một mình nó. Thương con, dì dượng cũng biết con hư là tại…cha, mà cũng tại mẹ.Nói chung là bất hạnh ngày nay có phần do dì dượng tạo ra.
Rồi chiều đó chén dĩa được dọn ra, chỉ có hai cha con nhậu, không mời ai.
Thằng Say hồi hộp chờ giờ lên bàn tiệc. Nó linh cảm ông già muốn nói một điều trọng đại gì với nó đây.
Sau vài chén, dượng Út nói với con trai:
- Ngàn à, hồi mới đẻ con ra, ba má nghĩ là mình đã sinh ra một thằng con trai.
- Thì con là con trai mà.
- Không, con không phải là con trai, mà là con gì ba cũng không biết. Con trai dưới biển thì nó cho thịt để ăn, thịt của nó cũng có giá lắm, hải sản mà. Còn ngọc của nó gọi là ngọc trai, giá bán ngọc trai cũng không rẻ.
- Vậy ba nói con là gì? Thằng Say chuẩn bị tinh thần sập bẫy nói chữ của ba nó.
- Con là con gì ba cũng không biết. Con nghĩ coi, chung quanh mình, con gì cũng có việc để làm. Con trâu để cày, con ngựa để kéo xe, con chó để giữ nhà, con giun để đào đất; mỗi con mỗi việc. Còn con là con gì mà suốt ngày, suốt tháng , suốt năm ba chẳng thấy con làm việc gì cả. À hay con là con sâu. Con sâu thì chẳng làm ăn gì cả, cứ chờ người ta gieo trồng cho ra hoa, ra lá rồi gặm nhắm, đục khoét.
- Thì ba cứ nói đại con là con sâu rượu đi. Thằng Say mất kiên nhẫn.
- Vậy con có muốn làm con sâu rượu suốt đời không?
- Vậy chứ không phải ba tập cho tui uống rượu đó sao?
- Chính là ba đã làm hư con. Vậy cho ba lạy con để xin lỗi với cuộc đời con và với vợ con của con, ngay cả với má con nữa.
Bất ngờ dượng Út sụp xuống, khóc lạy thằng Say. Thằng này hết hồn hết vía kéo ba nó dậy, khóc theo và nói:
- Ba ơi, ba muốn con bỏ rượu thì để con từ từ bỏ, ba đừng làm vậy tổn thọ con.
Nhưng lạ kìa, người của dượng Út như cây chuối đổ gục, thằng Say không kéo ba nó lên nỗi, đầu ông quẹo xuống, người ông như cục bột. Thằng Say hốt hoảng hét lên :
- Má ơi má, má vô coi ba sao nè.
Dì Út với con Nhạn dưới bếp chạy ào lên kêu réo rùm trời nhưng dượng Út chẳng ư hử gì cả. Cả nhà mau mau đưa dượng vô bệnh viện cấp cứu nhưng đã muộn rồi. Dượng Út đã ra đi; đột quỵ do quá xúc cảm.
5- NHƯ MỘT ANH HÙNG
Dượng Út ra đi đột ngột khiến cả nhà thành nấm mồ. Dì Út câm lặng. Con Nhạn câm lặng. Thằng Say nhịn nhậu mấy ngày để lo tang ma cho cha. Có hoàn cảnh buộc phải nhịn rượu mấy ngày làm nó cai cơn thèm dễ hơn. Chiến hữu giờ cũng bớt rủ rê. Không ai thấy chuyện dượng Út khóc, quỳ lạy thằng Say rồi đi luôn nhưng chuyện cũng bị đồn ra ngoài, thằng con trai nhỏ của thằng Say biết và nó kể lại, tả lại, hồ hởi phấn khởi như nó là nhân vật chính, nhân chứng sống trong một vụ án mạng giết người. Vậy là bắt đầu có xì xầm. Vì thằng Say nhậu quá, dượng Út phải quỳ lại nó mà chết.
Người đời nghĩ vậy, thằng Say cũng nghĩ vậy. Nếu những lời nói của dượng rơi vào một trường hợp khác chắc nó cũng chẳng để tâm, nhưng cái chuyện ông già phải quỳ xuống lạy thằng con thì đạo nghĩa nào chấp nhận được. Từ đó nó cứ bị ám mấy lời cuối cùng của cha: Con trâu đi cày, con ngựa kéo xe, còn nó sinh ra như một loài sâu bọ, chỉ để gậm nhấm cuộc đời của cha mẹ nó, những người đã từng khẩn cầu có nó, những người đã từng tưởng sinh ra của báu quý như ngàn vàng. Khóc bên quan tài của cha, lời kinh tiếng kệ ngân nga về công lao dưỡng dục sinh thành làm cho nó như tỉnh người ra, nó thắp nhang trước quan tài cha, cầu mong ông già tiếp thêm sức mạnh cho nó cai rượu.
Nhưng lão trời già cũng cay độc. Bao nhiêu năm chén chú chén anh thì không sao, bây giờ quyết tâm bỏ rượu, quyết tâm tu tỉnh thì đủ thứ bệnh. Các đầu ngón tay, ngón chân nó cứ nhức nhối sưng vù. Bác sĩ bảo nó bị thống phong hay gút gì đó, phải ăn uống kiêng cữ, nhất là tuyệt đối kiêng rượu. Chưa hết, nó lại cứ bị lộn xộn với cái ruột. Khi thì tiêu chảy, khi thì bón, khi lại đi phân đen. Bà già thấy vậy sốt ruột, bà giận sao hồi nào giờ thằng nhỏ hư hỏng thì không bị bệnh tật gì. Bây giờ thằng nhỏ đã biết tu thân thì sinh ra đủ thứ bệnh. Bà cứ giục nó đi khám nhưng nó không chịu đi. Nó nói nó có bệnh gì thì cũng đáng đời thôi. Chữa trị làm gì.
Một bữa giỗ bốn mươi chín ngày của dượng Út. Sau khi quỳ cúng cả buổi cho cha xong thì thằng Say cầm ly rượu uống. Nó nói đây là ly rượu cuối cùng nó uống với cha nó. Từ đây nó quyết không đụng tới rượu nữa, cầu khẩn cha nó phù trợ cho nó đạt được tâm nguyện này, để nó không còn làm sâu mọt, để nó được làm một đứa con trai thật sự như ước nguyện của ba nó.
Có lẽ cái tội để cha già quỳ lạy lớn lắm hay sao không biết, vừa uống xong ly rượu thì thằng Say, bây giờ cả nhà lại gọi nó là thằng Năm Ngàn bỗng đau bụng dữ dội, nó đau vã mồ hôi, đau xanh mặt mũi, đau gập cả người. Mấy người bà con cô bác cho là dượng Út thiêng quá nên trừng phạt nó. Mọi người xúm nhau khấn: “ Dượng ơi, con nó biết lỗi rồi thì dượng tha cho nó, phạt nó chi tội nghiệp quá”.
Mặc cho mọi người đua nhau khấn nguyện, cơn đau của thằng năm Ngàn càng lúc càng khủng khiếp hơn. Có người bàn đi rước Pháp sư về cúng vái nhưng dì Út, dù quê mủa, không tin là chồng mình về trừng phạt con. Dì tin dượng đang mỉm cười khi đứa con trai duy nhất của họ người đã biết tu thân. Chắc nó bị bệnh. Dì bỏ hết chuyện cúng quảy, chuyện tiếp đãi các sư sãi mà mau gọi xe đưa con trai đi cấp cứu.
Rồi thằng năm Ngàn cũng được chữa trị cho qua cơn đau và bác sĩ quyết định cho nó làm đủ mọi xét nghiệm, nội soi để tìm bệnh. Kết quả rụng rời : trong ruột nó có bướu, mà là bướu độc. Hay nói khác hơn là nó bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối.
Dù bác sĩ khẳng định nguyên nhân của bệnh chủ yếu là do ăn uống, bệnh đã phát từ nhiều năm, không phải một ngày một bữa mà ra, mọi người vẫn cứ cho là trời phạt thằng Năm Ngàn đã phạm phải tội đại bất hiếu, để cho cha già quỳ lạy, để cho mẹ khóc mờ mắt và để cho bao nhiêu đứa con rơi sống như nhưng đứa trẻ không cha.
Năm Ngàn hồi nào giờ hư hỏng không ra gì, chuyện gì cũng trông cậy mẹ, giờ đứng trước vận mệnh của bản thân tự nhiên có lập trường sống hẳn hoi. Nó như biến thành người khác, nó bình tĩnh hỏi bác sĩ là bệnh của nó còn sống được bao lâu nữa, chữa trị phải tốn kém bao nhiêu. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn, nó quyết định không chữa trị gì cả, để dành tiền lại cho mẹ và cho vợ con ở nhà và hai người vợ ở đâu đó với những đứa con mà từ lâu rồi nó đã quên.
Năm Ngàn nói với dì Út và vợ :
- Má à, con hồi nào giờ sống còn thua con ngựa, con trâu trong chuồng. Ba nói là con giống như con sâu. Con nghĩ ba nói cũng đúng. Bây giờ con sâu này không muốn đục khoét nữa. Má với em đừng ép con chữa trị mà tốn kém cũng không cứu được cái thân này. Hãy để tiền đó mà lo cho tuổi già của má, lo chuyện ăn học của mấy đứa nhỏ. Con cũng còn mấy đứa con khác nữa, nếu được thì má và em vì con mà giúp đỡ tụi nó. Khi con chết, má cũng đừng cho mấy người đó biết. Khi còn sống, con đã không biết tới ai. Vậy khi con chết, cũng đừng báo để người ta phải cực khổ đường xa mà tới đây đưa ma.
- Í đâu được, nghĩa tử là nghĩa tận mà con. Đã là con thì cũng phải để cho tụi nó về để tang cha chứ.
- Con có đáng là cha nó đâu mà biểu tụi nó để tang.
- Nhưng thôi đừng có nói xàm. Đã bệnh thì phải chữa. Có mẹ nào mà ngồi nhìn con mình chết được đâu. Còn nước còn tát con à.
- Nếu bỏ công ra tát nước mà cuối cùng xuồng cũng chìm thì tát chi, má?
- Con ơi, con người ta chưa tắt thở là chưa chết. Biết đâu …
- Từ nào giờ chuyện gì của con má cũng quyết, lần này má cho con quyết một lần đi , để con thấy mình là con người, chết như một con người. Ít ra cũng có một lần con thấy mình xứng đáng làm con của ba má, làm chồng làm cha của bằng cách không đục khoét thêm tài sản của gia đình mình.
Nói tới đây thằng Năm Ngàn ngừng một chút để trầm ngâm rồi kết luôn: “Mà bây giờ chắc cũng không còn nhiều nhỏ gì”.
- Không được đâu con. Tài sản là vật ngoài thân. Có tiền cũng chỉ để dùng khi hữu sự. Má đã quyết, dù còn một đồng cuối cùng cũng phải lo chữa trị cho con.
- Bác sĩ nói chữa trị cũng chỉ kéo dài những ngày tháng sống khổ sở đau đớn, chứ không phải là sẽ sống một cách bình thường cho tới chết. Bệnh đã trễ lắm rồi.
- Má đã nói là tim còn đập, mũi còn thở là còn sống, còn sống thì phải quyết giành lấy sự sống, dù chỉ là một ngày, một giờ. Dì Út bật khóc. Con Nhạn cũng khóc. Mấy đứa nhỏ thập thò ngoài cửa nghe lén. Thấy người lớn khóc tụi nó cũng òa lên khóc um sùm như thằng năm Ngàn đã thực sự chết rồi.
- Má có biết trước khi mất, ba nói gì với con không? Ba nói con trâu đi cày, con ngựa kéo xe, con giun xới đất. Còn con chỉ là sâu mọt, sinh ra chỉ để gậm nhấm, đục khoét… Thằng năm Ngàn vừa khóc, vừa nói.
Dì Út dỗ:
- Tại ba con bệnh, tâm trí không tỉnh táo nên nói vậy thôi chứ ổng thương con nhất đời.
- Ba con nói đúng má à. Nghĩ lại cả đời con chưa làm được điều gì cho ai. Làm con không ra con, làm chồng không ra chồng, làm cha không ra cha. Bây giờ bị bệnh cũng là do gieo nhân nào gặt quả đó thôi. Con thấy mình cũng đáng tội. Có điều, con thật sự không muốn chữa trị má à. Có chữa trị thì con cũng chết, không chữa trị thì con cũng chết. Thân xác của con đâu có xứng đáng để gia đình bán hết ruộng vườn mà lo. Sau đó má sống ra sao? Vợ con của con biết sống thế nào. Thương con, má đừng bắt con chữa trị gì hết, sống được ngày nào hay ngày đó. Ít ra, lòng con cũng vui vì cuối cùng mình cũng biết sống cho người thân, dù đã muộn lắm rồi.
Nhạn nghe chồng nói vậy mà đau đứt ruột. Từ lâu cô đã chán ngán ông chồng hủ hèm này lắm rồi nhưng thương mẹ chồng, thương mấy đứa nhỏ cô đành phải cay đắng mà sống cho qua tháng ngày. Bây giờ nghe chồng nói vậy, tự nhiên cô cảm thấy nể phục, tự hào. Ít ra, từ đây khi nói tới chồng tới cha, mẹ con cô có thể kể về hành động anh hùng cao cả này chứ không phải chỉ kể về những ngày be bét của chồng. Cô nói :
- Anh ơi, có bệnh thì phải chữa chứ. Còn sống là còn phải chạy chữa. Hết tiền hết của cũng phải đi vay đi mượn, đợ vợ đợ con. Làm sao má với mấy mẹ con em nhìn anh chết được. Anh đừng suy nghĩ nông cạn mà tủi thân cả nhà.
- Nhạn, cho anh xin lỗi bao nhiêu năm sống không phải với em. Con ma men nó hại đời anh. Bây giờ anh phải trả giá là phải rồi nhưng bắt em cả đời phải chịu một thằng chồng say xỉn, đi đâu lang chạ tới đó thì tội anh đáng chết. Anh có lỗi với ba má, với em, với mẹ con Mận, mẹ con Thơm. Anh có chết cũng đừng cho họ hay. Khi sống anh không ra gì, khi anh chết cũng đừng làm phiền họ. Anh không xứng đáng với những giọt nước mắt của họ đâu.
- Anh biết sai mà sửa là được rồi. Thôi cố uống thuốc để sống với mẹ con em.
Chưa bao giờ Nhạn tha thiết với sự sống, cái chết của chồng như bậy giờ. Mười mấy năm vợ chồng, lần đầu cô thấy mình cũng may mắn lấy được một người chồng khí khái. Cô cảm thấy yêu chồng tê tái, như ngày nào nhìn thấy anh từ xa trong ngày dạm hỏi. Dì Út dứt khoát :
- Nghe má nói đây. Ruộng đất này má có chết cũng để lại cho con. Bây giờ con bệnh thì bán đi mà lo bệnh. Để đó cũng không làm gì.
- Bệnh này có lo được đâu má?
- Còn thở còn chữa. Dì Út dứt khóat.
- Vậy thôi tùy má.
Năm Ngàn nghe mẹ nói vậy thì thôi không cãi nữa. Nó mệt rồi. Hơn nữa nó cũng biết tính má nó, dù hiền lành như cục đất nhưng đã quyết chuyện gì thì cứng rắn như đồng.
Mấy ngày Năm Ngàn phát bệnh, tính tình thay đổi làm dì Út và Nhạn đâm ra thương cảm. Cả hai người đàn bà không còn nhớ tới những ngày Năm Ngàn say xỉn về nhà phá làng, phá xóm, đánh vợ mắng con nữa. Bên tai Nhạn, giờ chỉ văng vẳng những lời nói khí khái của một người đàn ông đầy trách nhiệm. Chưa bao giờ Nhạn mong được sống đời vợ chồng như bây giờ. Nhớ hơn chục năm qua, cô đi lấy chồng, chỉ ngày trước ngày sau là cô đã vỡ mộng . Đêm thì mặc cho chồng muốn thương thì thương, muốn đánh thì đánh. Ban ngày thì lầm lũi với công việc nhà, chẳng bao giờ được nghe lời nói ngọt ngào ân ái. Thất vọng đắng cay nhưng cô đành phó mặc cho số kiếp. Xét cho cùng, cô còn có thể làm gì hơn nữa. Sớm mồ côi mẹ , cô chẳng được mẹ kế yêu quí gì. Ba có lẽ cũng thương con nhưng cũng ở chừng mực bảo vệ cho cô còn được ở cùng nhà, ngày có hai bữa cơm sau khi đã lầm lũi cả ngày. Biểu lộ tình cảm chỉ làm cho mẹ kế chướng mắt và cô dễ ăn đòn hơn thôi. Nghe sắp có nhà tử tế đến hỏi cưới, lòng cô mừng rơn. Ai dè hơn mười năm đi lấy chồng là hơn mười năm cô đổi từ kiếp nạn này sang kiếp nạn khác.. Bây giờ chồng cô đã biết nghĩ thì ông trời lại muốn mang anh đi. Đau lòng, nước mắt cô cứ tuôn. Hay số của cô chỉ được sống với một ông hủ hèm. Mà có chồng hũ hèm với không có chồng, cô thực sự không biết chọn đường nào. Nói gì chứ lâu lâu có người ấm nồng, mang tiếng có chồng có khi vẫn hơn chăng?
Sau bữa nói chuyện với mẹ và vợ, Năm Ngàn quyết chết. Nó quyết không uống thuốc, không ăn mặc cho má nó, vợ con nó khóc lóc nài nỉ. Khi lên cơn đau vật vã, nó cũng không cho chích thuốc, chỉ van xin cho một liều thuốc độc để nó đi cho sớm. Ngưới của nó bây giớ teo tóp như bộ xương khô, đen nhẻm, hai con mắt trắng dã. Để vô thuốc cho nó, bác sĩ phải trói tay chân nó lại, nếu không thì nó giựt phăng hết mấy sợi dây truyền dịch. Đút thuốc thì nó ngậm miệng. Cạy miệng để đút thức ăn thì nó phun ra. Nó đã quýêt chết.
Bác sĩ nói nếu hết sức chữa trị thì thằng năm Ngàn có thể sống được sáu tháng nhưng vì nó từ chối chữa trị lại tuyệt thực nên chỉ mười ngày là nó ra đi.
Những ngày đầu đời thằng năm Ngàn đã mang hạnh phúc tuyệt vời tới cho ba mẹ nó. Rồi sau đó, khi lên chức thầy Cối nó đã mang tới cho cha mẹ, vợ con bao nhiêu là nước mắt. Nhưng cuối đời nó đã có một hành động dũng cảm ngọan mục, quyết chết sớm để giải thoát cho người thân khỏi phải khổ cực chăm sóc nó, tiêu tốn tiền bạc cho căn bệnh không có khả năng chữa trị của nó, để bảo đảm cho mẹ gìa, vợ dại con thơ có nhà để ở, con cái có tiền để học. Tôi không cổ vũ những người bệnh hành xử như nó vì sự sống là cái quí nhất mà ai cũng phải trân trọng từng ngày nhưng hành động cao cả của thằng em họ hư hỏng của tôi trong những ngày cuối đời đã làm cho thay đồi cái nhìn của tôi với nó!
Hôm đưa ma nó, tôi đã thành khẩn thắp nén nhang lên mộ nó với bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu ray rứt vì lòng ghét bỏ của tôi khi nó còn sống. Tôi đã từng coi nó như sâu mọt. Bây giờ trước di ảnh lung linh nụ cười của nó, tôi ngưỡng mộ nó như một anh hùng.
Ngày 7/01/2010
Edited : 26/6/2011
Văn Mỹ Lan
No comments:
Post a Comment