1. Đám cưới của Đạt và Nhã Ca. Đám cưới của một anh trưởng đại diện một công ty hóa dược có tầm cỡ trên thế giới và một trong những cô gái trẻ nhất, đẹp nhất nghành hàng không. Đám cưới của một anh chàng hơn bốn mươi với một cô gái mới hơn hai mươi tuổi.
Vợ chồng tôi được hân hạnh mời dự đám cưới đầu. Tôi nói là đám cưới đầu vì tiệc cưới của hai người được tổ chức tới ba lần. Một ở khách sạn New World Sài gòn là nơi chú rể làm ăn. Hai ở Sofitel Đà lạt, là nơi cô dâu sinh trưởng. Ba ở Quãng bình là quê hương của chú rể.
Tại tiệc cưới, bạn chú rể đa số đều đã có tuổi nói cười, bàn tán về cái chuyện trâu già thích ngậm cỏ non này. Một ông nói:
- Trời ơi, ông Đạt này đã gần năm mươi rồi mà còn vớt được một em mới hai mí thì làm sao ổng chịu nổi.
- Vậy là ông không biết rồi, ông khoe ổng luyện khí công, ổng khoẻ lắm. Cô nàng chưa chắc theo kịp. Một anh ra vẻ sành sõi góp chuyện.
- Thiệt không. Bữa nào gặp ổng xin vài bí quyết xài chơi.
- Ổng còn khoe ổng có tuyệt chiêu. Thanh niên còn lâu mới dám bì.
- Được vậy thì tốt. Khỏi lo một ngày nào đó, gặp bạn bè ổng thanlưng đau, gối mỏi.
- Thực ra ông này lấy vợ chủ yếu là để kiếm mẹ cho con, không hẳn chỉ là mê gái đẹp đâu.
- Là sao? Nói rõ hơn chút coi.
- Ông Đạt này là con trai một. Lại gốc Bắc kỳ. Ba má ổng đã già mà chả có con cháu gì ẳm bồng, gia đình ổng rối ruột lên thúc hối ổng cố tìm cho được một đứa cháu đích tôn.
- Ủa, ông gần năm mươi, tướng tá ngon lành như vậy thì chắc là phải có vợ con gì rồi chứ?
- Thì đúng là ổng đã có một đời vợ nhưng vợ ổng bị ung thư chết trước khi hai người kịp có con. Từ đó ổng cứ ỏng eo. Khi thì sợ gái đẹp lấy ổng vì tiền, khi thì muốn tự do…Ổng nói nếu lấy vợ thì ổng quyết tìm một người vừa trẻ, khoẻ, thông minh để truyền giống . Mãi chàng mới chấm được cô nàng này đó.
- Trời, con nhỏ này có trẻ, có khoẻ nhưng chỉ số thông mình chắc cũng bình thường thôi.
- Ừa..thì kén chọn cho lắm rồi cũng mệt mỏi. Mà quý vị đừng tưởng ổng thấy trẻ đẹp mà nhắm mắt lấy bừa đâu?
- Thì vậy chứ còn gì nữa?
- Vậy là quý vị chưa biết ông Đạt này. Trước khi quyết định cưới Nhã Ca, ổng đã cho người về tìm hiểu dòng họ ba đời của cô nường, bảo đảm không có ai khùng điên ba trợn ổng mới cưới đó. Đã nói là ổng tìm mẹ cho con mà….
Nghe các ông bàn tán, tôi quay lên nhìn lại Nhã Ca, tên của cô dâu trẻ đẹp đang làm lễ thành thân với ông bạn già của bạn tôi. Tôi biết cô từ mấy năm trước khi chuyện đi đứng, lấy vé máy bay còn khó khăn. Lần đó cô xuất vé sai tên sai họ, sai mã sân bay thế nào mà sếp tôi lên máy bay không được. Bực mình tôi đến cơ quan cô làm để cự nự. Nhưng đến nơi tôi không nỡ làm ầm ĩ gì trước một cô bé xinh như con búp bê, còn non choẹt, khách la rầy chỉ biết nhe nguyên một hàm răng trắng, có hai chiếc răng khểnh ra để cười trừ. Trước thái độ đó, vẻ đẹp đó, tôi đành nhỏ nhẻ chỉ dạy cô vài câu rồi về. Nghe nói Đạt cũng biết cô trong một tình huống tương tự. Nghiệp vụ yếu kém của cô đã đưa anh đến để kiện cáo. Nhưng thay vì thịnh nộ với những lời lẽ khó nghe thì anh lại mềm lòng trước tuổi trẻ, sắc đẹp của một cô bé mới ra trường. Và thay vì lên lớp với những sai sót của nàng, chàng bèn cám ơn nàng đã tạo cơ hội cho hai người gặp nhau và sau đó là những buối hẹn hò, để cuối cùng là một đám cưới. Vì biết vậy nên tôi không đồng ý là anh Đạt chỉ tìm mẹ cho con. Nhã Ca với anh cũng phải có cơ duyên nên anh đã chọn cô, chứ không phải là những cô gái cũng trẻ đẹp không kém gì cô. Tôi âm thầm phản đối những câu chuyện phiếm trên bàn cưới nhưng chung quanh ồn ào quá, tôi làm biếng phải nói to nên thôi không góp lời.
(ảnh minh hoạ)
2. Vừa bước chân vào cổng nhà anh Đạt, cả Miên và tôi đều nghe rõ ai đó đang chửi mình :
- Đ.M mầy. Đ.M mầy.
Tôi và Miên cùng quay lại tìm cái người vô can vô cớ gây sự đó. Nhưng ngoài sân vắng tanh. Trong nhà cũng có vẻ yên ắng. Ủa, vậy ai tự nhiên chửi mình vậy ta. Hai đứa tôi nhìn nhau, rủa thầm: “ Ai trong nhà này mất dạy quá vậy, khách vừa tới nhà đã thô lỗ ”. Đang nghĩ vậy thì lại nghe: “ Hủ tiếu đây, hủ tiếu đây!”. Tôi hỏi anh Đạt :
- Ủa, tiếng rao hủ tiếu ở đâu vậy anh Đạt? Hồi nảy tôi thấy ngoài hẻm đâu có ai. Tôi vừa hỏi vừa thấy rờn rợn, nghe như có gì bất thường ma quái.
Thay vì trả lời tôi, Nhã Ca vợ anh cười ngặt nghẽo, chỉ mấy ***g sáo treo trong vườn nói:
- Là con sáo nhà em đó, nó bắt chước mấy đứa bán hủ tiếu gõ đó mà.
- Vậy có phải hồi nảy nó chửi thề không?
- Dạ, đúng rồi chị. Có mấy đứa con nít ở đâu tới chơi ngoài cổng rào. Nó nghe mấy đứa này chửi thề rồi nó bắt chước. Thấy vậy mấy đứa nhỏ càng khoái, nhà không có ai, nó đứng ngoài rào dạy con sáo chửi bậy hoài.
- Nếu vậy, sao mình không tiện thể dạy nó chào hỏi đàng hoàng luôn?
- Em với anh Đạt đi cả ngày, lấy thì giờ đâu mà dạy nó chị?
- Vậy sao Nhã Ca không nói mấy đứa nhỏ dạy?
- Có nó dạy mấy đứa con em nói thì có!.
- Là sao? Nhã Ca nói gì mình không hiểu.
- Thì hai đứa nhỏ nhà em không nói chuyện được nên anh Đạt mới nghe lời người ta bày, mua mấy con sáo này về cho nó líu lo chơi, hi vọng hai đứa con của em nó bắt chước mà nói theo.
- Là sao? Tôi ngớ người ra trước những lời gỉai thích lạ lùng của bà mẹ trẻ.
- Thì đó cũng là lí do tại sao tụi này không bao giờ dám mời bạn bè khách khứa về nhà chơi. Khuôn mặt Đạt sầm lại, giọng thâm trầm anh nói chen vào.
Câu trả lời của anh làm tôi nhớ tới hôm gặp lại anh sau hơn mười năm ở một tiệc cưới khác, sau đám cưới của anh. Nhã Ca vẫn như xưa, tươi roi rói, thậm chí còn mặn mà hơn trước khi lấy chồng nhưng anh Đạt thì có vẻ trầm lặng hơn. Tôi cười thầm:
- Ông bạn mình mệt mỏi với cô vợ trẻ rồi đây.
Gặp vợ chồng tôi anh mừng, nói :
- Bữa nào tụi này phá lệ, mời anh chị tới nhà chơi.
“ Phá lệ” là một từ chính xác, tôi nhớ có lần Đức, một người bạn thân với anh hơn tôi nói:
- Tụi này làm ăn với “ ổng” hơn chục năm, ổng bả tới nhà của tụi này cũng hơn chục lần vậy mà chưa bao giờ ổng bả mời tụi này về nhà.
- Sao kỳ vậy?
- Nghe nói ổng bả có hai đứa con “ có vấn đề “ sao đó nên muốn dấu.
Nhớ lời của anh Đức, tôi hỏi lại :
- Sao tụi này hân hạnh được anh phá lệ vậy?
- Tôi đọc truyện của chị, tôi nghĩ chị là người tôi có thể chia sẻ nỗi khổ tâm rất riêng của mình, như một lời thú tội trước cuộc đời.
- Tôi có tính xấu là nghe chuyện của ai làm tui day dứt là tui viết thành truyện đó nha.
- Đó cũng là ý của tôi. Tôi cần phải nói cái điều mà với vợ, tôi lại càng phải dấu. Nên khi viết chị hãy cẩn thận, đừng cho người ta biết đó là tôi, không hay cho hạnh phúc gia đình tôi.
- Được. Vậy hôm nào cà phê đi.
- Chị phải tới nhà tôi chơi rồi chị mới hiểu được cái điều tôi nói.
- Vậy hôm nào thu xếp được, tôi rủ ông Miên ghé thăm ông bà.
Nhớ lại buổi nói chuyện hôm trước, tôi ngập ngừng hỏi:
- Bộ…
- Hai đứa con trai của em, chẳng đứa nào nói được. Nghe anh Đức nói anh chị có tài chơi với con nít. .. Nhã Ca tiếp lời chồng.
- Nhưng sao hai đứa không nói được?
- Chẳng biết. Vợ chồng tụi này đã mang con đi cùng trời cuối đất, Tây Tàu gì cũng thử qua hết mà chẳng có kết quả gì.
- Nhưng lý do là vì sao chứ? Hai cháu có bị điếc không?
- Tụi nó không điếc mới đau chứ chị. Chỉ là cái lưỡi thật bự, thật dày, thật ngắn. Tụi nó chỉ biết kêu la khi tức giận thôi.
- Vậy thầy bà giải thích sao?
- Ở Singapore họ nói là do chích ngừa, bị nhiễm thuỷ ngân gì đó. Trường hợp này chỉ có một trên một trăm ngàn. Xác suất nhỏ vậy mà lại rơi vào ngay con mình.
- Nhưng xác suất nhỏ như vậy làm sao lại giun rủi cho cả hai đứa đều câm chứ.
- Chẳng biết sao mà giải thích….
Thấy vừa bước chân tới nhà, vừa mới qua vài câu giao tiếp mà không khí đã nặng nề, Miên khai pháo chọc cười :
- Thôi nó hỏng nói, nó la cũng được. Chờ tới tuổi lấy vợ tự nhiên nó nói được, tới chừng đó nó đòi hai ông bà cưới vợ quýnh đít lên bây giờ.
- Được vậy cũng cầu. Thôi anh chị ngồi chơi. Em đưa hai con ra chào hai bác đi em. Đạt nhẹ nhàng nói với vợ.
Nhã Ca vào nhà, cùng chị giúp việc bế ra một thằng bé chừng khoảng ba tuổi, người quặt quẹo như không có xương. Một thằng bé khác lớn hơn, trên chiếc môi đỏ chót phơn phớt màu xanh ria mép của tuổi dậy thì, đang phải nằm trên ghế đẩy. Hai đứa sạch bon, môi đỏ hồng, da mịn màng, mắt sáng rỡ. Mới nhìn là biết ngay hai đứa này là những cậu ấm con nhà giàu, được chăm sóc chu đáo. Đạt đưa tay đỡ thằng em, nói:
- Lại đây ba ẳm con.
Sau khi đã dùng một tay bế con, một tay kia anh giúp con vòng tay lại thưa khách nhưng hai tay thằng bé xụi lơ, để mặc cho ba nó kéo lên kéo xuống. Giúp con vòng tay rồi anh Đạt đưa cái tay kia gập cổ thằng bé lại nói :
- Con là bé Bo. Bé Bo chào bác Miên, bé Bo chào cô Lam
Thằng bé để yên cho ông bố độc diễn. Tình cảnh trông thật não nùng. Tôi đưa tay bế nó, nó cứ để ỵên cho tôi sang tay. Người nó nặng như một khối bột mười ký, không như mấy đứa cháu c ở nhà, cùng một trọng lượng nhưng tay biết quàng qua cổ, hai chân biết quặp vào hông, trọng lượng được phân bố đều, ẳm nhẹ hều. Tôi đặt nó lên đùi, hỏi:
- Bo mấy tuổi rồi? Bo có ngoan không?
- Chị hỏi làm gì. Nó có biết nói đâu. Tôi biết mình đã hớ nên chống chế:
- Cứ chịu khó, biết đâu một ngày nào đó lại có phép mầu. Má chị hồi nhỏ câm hẳn, tới năm tuổi tự nhiên nói được. Khi nói được, bả nói quá trời luôn.
- Được vậy, bao nhiêu kiểng chùa tui cũng xây. Anh Đạt nói.
- Mà hai đứa này kỳ lắm chị ơi. Hồi mới sinh ra thằng Bi cũng hoàn toàn bình thường. Một tuổi đã chạy lung tung, phá như giặc, nói như két. Rồi qua thôi nôi thì chân tay yếu dần, cái lưỡi cũng cứng đơ dần và bây giờ thì vậy đó. Nhã Ca tiếp lời chồng, giọng cô không buồn lắm.
- Rồi bác sĩ giải thích sao?
- Bác sĩ cũng chẳng giải thích nổi.
- Hay là máu của hai ông bà…
- Tụi em cũng thử rồi, cái gì cũng bình thường..
- Mà tụi này cũng không muốn tìm hiểu nguyên nhân là từ đứa nào. Ích lợi gì đâu!. Thôi thì đành coi như số phận. Đạt chen vào.
- Thiệt ra là sau khi thằng Bi bị vậy, tụi em đâu có dám đẻ nữa. Sau thèm có một đứa con bình thường quá nên mới đi bác sĩ Lan Phương. Bác sĩ sản khoa nổi tiếng nhất Việt nam mình rồi còn gì nữa, bà theo dõi từ ngày em mới cấn thai cho đến khi đẻ. Bà làm biết bao nhiêu xét nghiệm. Thằng Bo đẻ ra ngon lành lắm chứ, vậy mà qua thôi nôi nó lại cũng giống như thằng anh, còn nhanh hơn, tệ hơn nữa chứ. Nhã Ca hồn nhiên chia sẻ, khác với Đạt muốn dấu diếm chuyện hai đứa con bất hạnh, tôi thấy rõ ràng Nhã Ca rất muốn thở than bằng lời, không muốn chôn dấu nỗi đau như chồng.
Tôi quay qua thằng lớn thử thăm dò khả năng giao tiếp của nó:
- Còn cháu này tên gì, mấy tuổi rồi?
- Nó tên Bi, mười hai tuổi rồi đó chị. Nhã Ca lại giành nói.
- Cô Lam chào Bi nha.
Thằng Bi nhìn tôi cười, nước miếng chảy xuống áo. Chị giúp việc vội vàng đưa chiếc khăn mềm dùng cho trẻ con, lau miệng cho nó. Rõ ràng nó nghe được và hiểu được lời chào hỏi của tôi. Được khích lệ, tôi trả em nó lại cho ba tụi nó, tôi ngồi xuống đất cạnh Bi nhẹ nhàng hỏi:
- Bi mấy tuổi rồi?
- Mưư ..ơ ờơiiii haaa iiii tuuuuoổiiiiii. Thằng bé hết sức cố gắng trả lời, nước miếng, nước dãi trong veo, nhớt lầy chảy xuống áo. Trả lời tôi xong, nó sung sướng, cười rỡ ràng khoe nguyên một hàm răng trắng tươi, sạch bóng. Nó có vẻ rất tự hào sau khi đã dùng hết sức lực, trí lực để nói chuyện. Tôi giành lấy khăn tay từ Hằng, tên chị giúp việc để lau nước dãi cho nó cầu thân rồi hỏi tiếp:
- Bi giỏi quá. Con có đi học không?
- Cccoóooo.
Bi cố gắng để gật cho được cái đầu và hết sức vận dụng cái lưỡi để trả lời. Nhã Ca cảm động:
- Nó chịu chị rồi đó. Nhìn nó cười là biết liền Nó mà không thích ai thì nó khóc thét lên, nó có thể hét một giờ cũng không ai dỗ được.
Được động viên, tôi lại kiên nhẫn giao lưu:
- Bi học lớp mấy rồi?
- Lơ ơớp baaaaaaaaaa.
- Giỏi vậy ta.
- Nó học giỏi lắm chị. Chừng ba năm là lên được một lớp rồi. Nhã Ca lại khoe. Nghe giọng cô nói, tôi hiểu là cô đã vui lòng chấp nhận năng lực yếu kém của con, con làm được tới đâu, cô mừng tới đó. Ước mơ khiêm nhường mà cao quý làm sao.
Được khen thằng nhỏ lại cười. Một nụ cười thiên thần. Tôi nắm tay nó, bàn tay đẹp, ngón tay dài búp măng, da tay mịn màng nhưng xương tay chắc nhỏ lắm vì nó cứ quoặt quẹo. Tôi nói bâng quơ:
- Tay cháu thế này làm sao viết được mà đi học?
- Vậy chứ nó viết chữ đẹp lắm đó. Năm nào cũng lãnh thưởng đó cô. Hằng lại tranh trả lời, giọng tràn trề yêu thương, thoả thuê như Bi là con ruột của cô, không phải là con trai của chủ nhà.
- Trời, Bi giỏi vậy ta.
- Đem tập của thằng Bi ra cho cô Lam xem đi Hằng. Nhã Ca phấn khởi giục Hằng đi lấy tập vở của thằng Bi. Nhưng Nhã Ca ra lệnh hơi thừa, vừa nói tới chuyện học của thằng Bi là Hằng đã te te đi vào phòng trong lấy thành quả của bé Bi ra khoe rồi. Cô liến thoắng:
- Cô Lam coi nè. Nó điểm mười không đó.
Tôi đưa tay đỡ lấy mấy quyển vở. Những quyển vở lem luốt, chữ viết nắn nót nhưng vẫn không đủ thẳng thóm. Chữ viết này còn kém hơn một số học lớp một mà mẹ nó đã mừng quýnh lên như vậy rồi . Chắc cô giáo cũng ghi nhận cố gắng của nó nên phần lớn các bài viết đều được điểm mười. Tôi xót cả mắt, đau cả ruột khi nhìn quyển vở của thằng bé
- Trời ơi, nó giỏi toán lắm đó nghe chị. Điểm mười không hà. Chị thử đố toán nó xem. Nhã Ca lại sôi nổi khoe. Tôi lại hỏi:
- Rồi hằng ngày nó đi học như thế nào?
- Thì con ẳm nó thảy lên chiếc xe rồi đẩy tới trường. Hằng tranh nói. Cái cách xen vào câu chuyện của cô người làm này thật lạ. Có lẽ những giúp đỡ của cô đã nâng cô lên ngang tầm của người thân trong nhà, không còn ranh giới chủ tớ nữa. Cái cách thèm nói chuyện của cô cũng làm tôi nghi nhà này tĩnh mịch, bình thường không có ai lui tới nên cô buồn. Hai người đàn bà trong nhà này khao khát nhu cầu xã hội nên hôm nay thấy có khách tới, cô giúp việc bất chấp luật lệ, tự động đứng lại hóng chuyện và góp chuyện. Tôi hỏi tiếp:
- Tới trường rồi sao nữa?
- Thì con vác nó vô lớp.
- Làm sao nó ngồi học được?
- Dạ, có một cái ghế làm riêng cho nó. Đầu tiên thả cái ghế thẳng ra như cái giường rồi cho nó nằm lên đó, sau đó nâng cái giường đó lên từ từ thành cái ghế. Xong cột dây quanh bụng và lưng để giữ nó ở tư thế ngồi.
- Nhưng như vậy thì nó chịu được bao lâu?
- Dạ, thì ra chơi cô giáo giúp thả cái ghế thành cái giường cho nó nghỉ chút.
- Cũng cực dữ há.
- Dạ cực lắm chị. Không có chị Hằng là em chịu. Em đâu có thức khuya dậy sớm, ẳm bồng nó nổi.
Đang nói chuyện thì Nhã Ca đưa tay nhìn đồng hồ nói:
- Anh chị ở chơi với anh Đạt. Em đi chuẩn bị. Tối nay có một cái party lớn ở nhà người bạn.
- Ừa, thôi Nhã Ca đi chơi vui vẻ. Anh chị ngồi chơi chút rồi cũng về. Vợ chồng tôi vẫn xưng anh chị với Nhã Ca dù cô đã là vợ của một người mà tôi gọi là anh. Và mọi người đều mặc nhiên chấp nhận những ngôi thứ lộn xộn đó.
- Thôi anh chị ở chơi lâu lâu đi. Anh Đạt nhà em ít khi mời khách về nhà lắm. Cứ lo cho hai đứa nhỏ ảnh chẳng có bạn bè gì hết, làm em đi đâu chơi lâu cũng ngại.
- Ủa vậy chứ hai người không có bạn chung à?
- Làm sao có bạn chung được chị. Ảnh chê bạn em con nít, còn bạn em chê ảnh “ già” nên bạn em em chơi, bạn ảnh ảnh chơi.
- Vậy là đáng cái tội dụ dỗ trẻ vị thành niên rồi. Miên lại đùa.
Nhã Ca đi rồi Đạt thở dài nói:
- Lấy vợ trẻ cũng khổ.
- Khổ gì, người ta nói “ chồng già vợ trẻ là tiên” mà. Ông là tiên rồi còn gì. Miên nói.
- Tiên đâu không thấy. Thấy như có ba đứa con phải lo, phải chiù.
- Chứ không phải cô nường sung mãn qúa ông không chịu nổi hả?
- Cái khoản đó thì không có vấn đề. Vấn đề là khó chia sẻ. Tôi thấy hai ông bà mà ghanh tị. Ông Miên có chuyện gì cũng nói được với bà Lam, còn tôi thì chịu.
- Sao thấy hai người có vẻ hạnh phúc lắm mà.
- Thì Nhã Ca vẫn cứ hồn nhiên như ngày nào. Làm mẹ hai con rồi mà như chưa trưởng thành.
- Trong nhà chỉ cần một người trưởng thành là được rồi ông. Hai người trưởng thành thì ai chỉ huy ai?
- Vậy chứ ở nhà này, con nít chỉ huy người lớn không hà chị ơi.
- Thì lấy vợ trẻ phải ráng chiều chứ. Hồi xưa nghe nói ông cũng chọn kỹ lắm mà.
- Thì đau ở chỗ chọn kỹ đó. Đúng là chạy trời không khỏi nắng mà.
- Là sao?
- Hồi đó có ông thầy bói nói tôi cố mà ăn ở cho có đức, nếu không coi chừng nhận quả báo.
- Trời, quả báo mà có một người vợ vừa trẻ vừa đẹp như ông chắc ai cũng muốn bị quả báo.
- Tui đâu có nói chuyện vợ, tui nói chuyện con mà…
- À….
Nghe Đạt nhắc tới nỗi đau của mình, cả Miên và tôi đều như cá mắc quai, ấp ứ chẳng biết đối đáp ra sao.
- Tôi nghe nói chị chấp bút chuyện “ Lời nguyền”. Câu chuyện đó có thật không?
- Cho tôi xin miễn trả lời câu hỏi khó này.
- Đọc xong bản thào của chị tự nhiên tôi muốn gặp chị để chia sẻ. Có lẻ trường hợp của tôi cũng “ Lưới trời lồng lộng” hay “ chạy trời không khỏi nắng”
Nghe Đạt chịu hé mở bí mật của mình, cả hai đứa tôi nín thở lắng nghe.
3. Hai mươi hai tôi đã tốt nghiệp thủ khoa trường quốc gia hành chánh. Hai mươi bốn tuổi tôi cưới con gái tỉnh trưởng. Hai mươi sáu tuổi làm quận trưởng. Cuộc đời công danh của tôi thênh thang như diều gặp gió. Tuổi trẻ ngông cuồng, tôi hành xử như một ông vua con ở một góc trời. Đã có nhiều người bị xử oan khuất vì có một mảnh đất đẹp, vì có một cô con gái đẹp. Nhưng có một lần, để giành lấy một miếng đất đẹp tiện đường mở cây xăng cho sếp trên, tôi cho đệ tử đi thương lượng để mua lại giá rẻ. Chủ đất nhất quyết không bán. Nguyên đám lính xa nhà, xa vợ con của tôi lui tới nhà người dân không lo làm nhiệm vụ được giao mà thay nhau hãm hiếp con gái chủ nhà. Cô gái này sắp lấy chồng, bị làm nhục bèn treo cổ tự tử. Trước khi chết, cô nguyền rủa cho cả đám lính tham gia hãm hiếp cô bị chết bờ chết bụi, chết bất đắc kỳ tử. Có con thì bị đui sứt què, cụt, câm điếc…
Ém nhẹm là một chuyện không dễ. Người dân kéo đến dinh quận trưởng càng lúc càng đông. Báo cáo lên cấp trên, tỉnh trưởng mắng:
- Chỉ mấy thằng dân đen mà chú mầy giải quyết cũng không xong thì làm ăn con mẹ gì.
Lúc tôi còn chưa dẹp được loạn dân thì ông trời con, cháu của ngài tỉnh trưởng, bị chú rầy, bực mình nhậu say, đi xuống bắn loạn xạ vào đám biểu tình, làm chết tại chỗ hai người, bị thương có hơn bảy người. Riêng ông già có con gái tự tử chết thì chỉ bị thương nhẹ, ông tru tréo:
- Tao lấy cái mạng già này quyết sống chết với bọn bây. Có giỏi giết tao nè để cha con tao làm ma đời đời ám theo lũ khát máu tụi mầy. Tao sẽ theo ám thằng quận trưởng cho hết kiếp. Mầy cầm đầu, mầy dung dưỡng lính tráng giết người, hãm hiếp, cướp đất dân đen. Tao nguyền rủa mầy tuyệt tông tuyệt tự. Đẻ con gái thì làm đĩ, đẻ con trai thì làm cướp. Nếu không thì con cái tụi bây cũng bị què đui, sứt mẻ, câm điếc, khùng điên. Đi sông chết sông, đi đường chết chợ….Ông già cứ ra rả rủa xả. Khi lính tráng tôi hăm dọa thì ông thách thức:
- Trừ khi mầy cắt lưỡi tao. Nếu không, ngày nào còn thở được, tao sẽ nguyền rủa mấy thằng khốn kiếp tụi mầy.
Chịu không nổi tôi cho bắt trói ông lại, hăm doạ:
- Ông già tưởng tôi không dám cắt lưỡi ông chắc.
- Tao chấp mầy dám cắt lưỡi tao đó.
- Bây đâu. Lôi ổng đi. Cho ổng câm miệng lại.
Khi nói cho ổng câm miệng lại, tôi nghĩ là lính của tôi sẽ bịt miệng ổng lại nhưng một hồi, một thằng lính lại tưng tưng đem vào một lưỡi đầy máu và nói:
- Em cắt lưỡi cái thằng già lắm lời rồi, thưa ngài quận trưởng. Nghe nó báo cáo mà tôi điếng hồn, mắng:
- Tao đâu biểu mầy cắt lưỡi ổng. Tao biểu mầy tống giẻ vào mồm ổng thôi mà.
- Tống giẻ vào mồm rồi mai mốt lấy ra ổng lại chửi nữa. Cắt quách cho xong.
Chuyện đã vậy, tôi đành cho nhốt ổng xuống hầm, quên không nghĩ đến chuyện cầm máu cho ông. Sau một ngày xuống thăm thì ông đã đập đầu tự tử chết tự lúc nào. Thân thể đã cứng mà hai con mắt còn mở trừng trừng, máu chảy cả hai bên khóe miệng, máu chảy hai bên khoé mắt. Từ đó tôi bị ám ảnh nên sau khi người vợ đầu chết trẻ, tôi không dám lấy vợ vì sợ, có khi sợ mơ hồ nhưng vẫn cứ sợ. Rồi đến khi tuổi càng lúc càng lớn hơn, chuyện cũ có nguôi ngoai hơn, tôi thèm có con để ẳm bồng nhưng lời nguyền của ông già vẫn ám nên tôi đã lựa vợ rất kỹ, bảo đảm khoẻ mạnh, xinh đẹp, nhưng cuối cùng hai đứa con tôi lại bị như vậy.
- Nhã Ca có biết chuyện này không?
- Tuyệt đối không. Có biết chị cũng cố giữ kín dùm. Ai đó thỏ thẹt với cô nàng về chuyện tôi cho người điều tra về gia phả của cô nàng cũng đã đủ lớn chuyện lắm rồi.
- Thấy hai ông bà cũng vui vẻ hạnh phúc lắm mà.
- Thì cũng may là cô nàng của tôi vô tư lắm nên chuyện của hai đứa con như vậy cũng không làm cho nàng đau khổ như những bà mẹ khác. Chỉ có tôi là đau đáu không nguôi.
- Như vậy cũng tốt cho Nhã Ca. Vì nếu bàn tới nhân quả, có khi hai đứa nhỏ bị như vậy cũng là từ phía của anh mà ra, bắt cô nàng chịu khổ lây thì cũng tội.
- Tôi cũng ngầm hiểu như vậy nên tôi chấp nhận hiến cả đời mình để chăm lo cho hai đứa, coi như trả quả cho hết kiếp này.
- Có khi suy nghĩ như vậy khiến anh chấp nhận bất hạnh này nhẹ nhàng hơn.
- Anh chị là hai người bạn đầu tiên tôi kể chuyện này. Coi như một lời thú tội cho nhẹ long dù có muộn màng.
- Sao lại chọn tụi tui mà nói?
- Vì tôi biết chị sẽ viết. Tôi cũng múôn gửi gấm câu chuyện của mình đến cho nhiều người cùng nghiền ngẫm. Có điều chị nhớ biến tấu thế nào để Nhã Ca không nhận ra câu chuyện của mình.
- Được, tôi sẽ cố.Nhưng anh cũng đừng quá nặng lòng vì ở Việt nam , có khối người hiền lành, một đời nhân hậu nhưng chẳng may bị nhiễm chất độc màu da cam thì con cái cũng đâu có lành lặn . Như thế đâu thể nói họ đã gây nên một tội ác nào trong quá khứ. Trong nhà tôi cũng có đứa em gái rất rất khờ, không thể đi học được dù ba má tôi một đời chỉ làm phúc...- Cám ơn chị có lời an ủi nhưng tôi thì không nằm trong trường hợp này.Tôi vẫn tin đó là cái oan nghiệp mà tôi phải trả.
Lời cuối:
Mấy năm sau nữa tôi gặp lại Nhã Ca ở phi trường. Vợ chồng cô đã li dị sau khi hai người sang Canada định cư. Đạt muốn trả tự do cho cô khi hai đứa con đã được nhà nước Canada chăm sóc chuyên môn, còn anh thì đi làm một cư sĩ, suốt ngày theo hổ trợ cho các tổ chức từ thiện.
Văn Mỹ Lan
( 28/7/2011)
Tuesday, March 27, 2012
CHẠY TRỜI...
facebook.com
Friday, March 23, 2012
CHỊ TÔI
Ba lần kết tóc xe duyên
Ba lần tan vỡ chị tôi bẽ bàng
Đến khi hết cả mơ màng
Chị về yên phận lỡ làng tóc tơ
Thế rồi một sớm tinh mơ
Chị tôi xa khuất con thơ ngỡ ngàng
Xe tang có cả ba chàng
Khóc than như thể trăm ngàn tiếc thương
Thôi đi một chút vấn vương
Tiếc chi một chút tình sương khói buồn
25/4/2004
MẸ HÃY NGỦ ĐI
Con Ngọc không khóc nữa . Nó ngồi tỉ mỉ xếp
lại từng lọn tóc cho mẹ nó. Tỉ mỉ trang điểm mắt môi cho mẹ. Là thợ uốn tóc, đã
học qua khoá trang điểm cô dâu , đã kinh qua nhiều lần thực tập nên nó làm công
vệc này có vẻ thành thục lắm. Làm xong nó nghiêng qua, nghiêng lại ngắm
nghía tác phẩm của mình bằng đôi mắt sưng bụp vì kêu khóc từ sáng đến giờ. Mẹ
nó đẹp thật . Dù đã năm mươi mốt tuổi rồi mà vóc dáng, mắt môi của mẹ nó vẫn còn
tươi mát lắm . Da thịt mẹ nó vẫn ấm vì người ta mới vừa rút bình oxy ba mươi
phút trước đây thôi mà.
Dì Tiên giục:” Thôi nhanh lên để người ta còn mặc áo cho mẹ, con”
Dì Tiên giục:” Thôi nhanh lên để người ta còn mặc áo cho mẹ, con”
Nó không muốn đứng lên. Cứ ngồi bất động ngắm nhìn
mẹ nó. Đôi mắt mất cả thần sắc. Cái đầu trống rỗng mơ hồ với bao hình ảnh của
ngày hôm qua, của tháng qua và của cả nhiều năm qua nữa.
Nó nhớ mẹ nó đã hân hoan chuẩn bị đám cưới
cho nó . Ngày cưới của nó , mẹ nó rộn ràng hơn cả bản thân vợ chồng nó.
Mắt của mẹ nó sáng long lanh, miệng như không khép lại được nụ cười chực
nở trên môi. Gặp ai mẹ nó cũng muốn nói hoài về chuyện con Ngọc sắp lấy thằng
Phong. Thằng Phong là con út, người cao ráo đẹp trai lắm.Thằng Phong
thương con Ngọc lắm. Thằng Phong lễ phép lắm. Thằng Phong thương em út của con
Ngọc . Gia đình thằng Phong tu hành, đàng hòan, hiền lành lắm. Con Ngọc có
phúc quá. Ít bữa nữa tụi nó có con, mẹ nó sẽ thôi không buôn bán nữa mà ở nhà
để trông cháu. Vậy là qua rồi những năm tháng mẹ con nó cứ cãi vã giận hờn,
khóc lóc.
Cãi vã ! Hai từ này như cả một cuộn phim đang chiếu
chậm trước mặt nó. Con Ngọc nhớ lại là nó đã oán hờn mẹ nó suốt tuổi thơ
vì cái việc mẹ nó đã bỏ ba nó để ở với chú Long và đã đẻ ra thằng Tú bây
giờ. Hồi đó chị em nó giận mẹ. Bây giờ lớn khôn hơn nhiều, nó
với con Mai em nó mới thấy thương mẹ nó hơn. Mới lấy ba nó được hai tháng thì ba nó phải đi học tập cải tạo . Mẹ nó phải nuôi ba nó
suốt mấy năm học tập. Nuôi chồng và nuôi con. Khi được về nhà thì ba nó hết
xuất huyết bao tử lại tới ho lao. Mẹ nó phải một mình đầu tắt mặt tối nuôi
chồng bệnh, nuôi ba con dại với cái lý lịch đen
thui chẳng xin đi làm ở đâu được trừ chuyện mua thúng bán bưng.. Đã vậy,
ba nó lại còn ảo tưởng sẽ làm được một thí nghiệm sinh hoá nào đó, một phát
minh vĩ đại nào đó để đổi đời làm giàu. Bao nhiêu tiền mẹ nó làm được không đủ
để ăn nay còn phải đốt vô phòng thí nghiệm. Lâu lâu lửa phực cháy một lần
làm cả nhà hết hồn, hết vía, làm cả xóm la làng. Chưa hết, ba nó hoàn toàn
không ý thức được thực tế của cuộc sống, ngày nào nhà còn gạo nấu cơm ăn là ba
nó còn tưởng rằng trời vẫn chưa sập . Dì Ba nói ba nó bệnh sĩ . Ba nó lại
hay nói tướng với bà nội nó như là ba nó ngon lành lắm. Nội muốn gì ba nó cũng
đáp ứng được. Bà nội nó lại đi buôn đường dài, nghe đâu nội nó lại còn
đánh bài đánh bạc gì đó, vậy là mỗi lần nội nó về than khóc là y như rằng có
bao nhiêu tiền chợ ba nó đưa hết cho nội. Ba nó không cần biết mẹ nó thức từ
bốn giờ sáng để chuẩn bị ra chợ .
Thế rồi có lần nội nó lên than khổ, ba nó bán luôn
cái bàn máy may là của hồi môn bà ngoại cho mẹ nó lúc lấy chồng, để đưa tiền
cho nội. Vậy là bùng nổ. Lần này mẹ nó nhất định không tha thứ. Hai người đã
dùng những từ bẩn thỉu để thoá mạ nhau. Mẹ nó bỏ nhà đi cho ba nó biết mặt, cho
ba nó biết thế nào là cơm áo gạo tiền, cho ba nó từ bỏ những giấc mơ vĩ đại ….
Hằng tháng mẹ nó chỉ gửi đủ gạo đủ tiền về để cho chị em nó không đói. Nhưng không có
mẹ, gia đình buồn hiu. Trước đây, dù là hằng ngày mẹ nó vẫn ở ngoài chợ từ sớm
đến tối, chị em nó cũng không thường gặp được mẹ nhưng chị em nó vẫn thấy bóng
dáng mẹ nó trong nhà. Bây giờ mẹ nó bỏ đi, chị em nó thấy cái nhà như bỏ hoang.
Thằng Tiến đòi ăn kẹo, đòi ăn kem. Ba nó cứ dỗ suông: “Thôi ráng đi con, ít bữa
nữa rồi ba cho ăn kem Bạch đàng sướng luôn.”
Dù còn nhỏ, thằng Tiến cũng biết rất rõ là ba nó chỉ nói vậy thôi, Ít bữa nữa và nhiều bữa nữa cũng chẳng có bánh có kẹo gì đâu. Ngẫm nghĩ vậy rồi nó khóc rống lên đòi mẹ. Rồi con Ngọc khóc theo thằng Tiến. Con Mai khóc theo con Ngọc. Ba nó ngồi im chẳng dỗ đứa nào. Vét hết những đồng tiền cứu trợ của mấy dì, ba nó đi mua rượu về ngồi uống một mình. Chị em nó thương ba nhưng mà tiếc tiền mua rượu lắm, tụi nó uớc gì ba nó để dành tiền mua rượu mua thêm mấy cái hột vịt để chấm nước mắm ăn cơm với rau muống luộc cho dễ nuốt còn hơn.
Dù còn nhỏ, thằng Tiến cũng biết rất rõ là ba nó chỉ nói vậy thôi, Ít bữa nữa và nhiều bữa nữa cũng chẳng có bánh có kẹo gì đâu. Ngẫm nghĩ vậy rồi nó khóc rống lên đòi mẹ. Rồi con Ngọc khóc theo thằng Tiến. Con Mai khóc theo con Ngọc. Ba nó ngồi im chẳng dỗ đứa nào. Vét hết những đồng tiền cứu trợ của mấy dì, ba nó đi mua rượu về ngồi uống một mình. Chị em nó thương ba nhưng mà tiếc tiền mua rượu lắm, tụi nó uớc gì ba nó để dành tiền mua rượu mua thêm mấy cái hột vịt để chấm nước mắm ăn cơm với rau muống luộc cho dễ nuốt còn hơn.
Vậy rồi ba má nó ra toà. Trong tay ba nó
là cuộn băng có ghi lời thú nhận của chú Long “ Chúng tôi yêu nhau, tôi
biết rất rõ vì sao Hồng không thể sống được với anh”.
Tội chứng rành rành. Ai cũng thương hại ba nó là một trí thức lỡ thời bị vợ cấm sừng . Ba được xử nuôi ba đứa nên được giữ cái nhà mà mẹ nó tằn tiện mua đựoc. Đang là những học sinh giỏi, ba chị em nó tuột xuống thành học sinh khá, rồi trung bình, rồi kém và bị lưu ban…
Tội chứng rành rành. Ai cũng thương hại ba nó là một trí thức lỡ thời bị vợ cấm sừng . Ba được xử nuôi ba đứa nên được giữ cái nhà mà mẹ nó tằn tiện mua đựoc. Đang là những học sinh giỏi, ba chị em nó tuột xuống thành học sinh khá, rồi trung bình, rồi kém và bị lưu ban…
Lúc đầu ba nó không cho mẹ nó về thăm con nhưng
chính ba chị em nó do đói quá cũng phaỉ trốn ba nó bò về nhà ngoại gặp mẹ nó.
Dẫu gì thì về nhà ngoại cũng no cái bụng. Mà cái bụng no thì dễ chịu hơn nhiều.
Hơn nữa về nhà ngoại thì các dì mỗi người cho một ít cũng làm cho chị em nó
thấy thoải mái hơn là chỉ nghe những lời hứa suông của ba, chờ hoài cái ngày
thí nghiệm nào đó của ba nó thành công . Cái bụng của tụi nó không thể
chờ được. Chính ba nó cũng không từ chối các món ăn từ tiền của mẹ và các
dì, cậu nó viện trợ nữa. …. Dần dà, chỉ trong vòng nửa năm, cả ba chị em nó đã
về sống hẳn với mẹ nó nhưng cái nhà mà mẹ nó một mình tạo dựng thì ba nó giữ để
ở với dì Mỹ. Sợ bị trách móc, ba nó luôn nhắc nhở tụi nó là gia đình tan
vỡ là do lỗi của mẹ nó. Và cả ba
chị em nó đã tin như vậy rất lâu!.
Thân mẹ như kiếp con cò, lại tiếp tục đi làm nuôi
cả ba chị em nó, lại nuôi thêm thằng Tú và cả chú Long. Không biết trước
khi lấy mẹ nó, chú Long đã làm nghề gì để sống mà khi lấy mẹ nó rồi thì mẹ nó
lại phải nuôi ba đứa con riêng, một đứa con chung và cả ông chồng suốt ngày chỉ
ngổi phì phèo điếu thuốc. Các dì xấu hổ vì mẹ nó lăng nhăng. Các dì thương
cháu nhưng không nói chuyện, lờ mẹ nó đi. Có dì còn nói:” Thà mẹ mày chết đi,
tụi tao sẵn sàng nuôi tụi bây”. Nhà ngoại vẫn chính chuyên một vợ, một
chồng mà sao mẹ nó lại làm chuyện xấu hổ như vậy . Bỏ chồng lấy trai
!. Các cậu các dì bên ngoại vẫn trách mẹ nó như vậy. Nhất là các dì
đang đến tuổi yêu đương. Các dì xấu hổ lắm về mẹ nó . Mẹ nó là vết nhơ của cả
nhà mà !
Không biết sao rồi mẹ nó cũng chia tay với
chú Long. Lần này thì mẹ nó có bốn đứa con để nuôi.
Bẳng đi vài năm tưởng mẹ nó sẽ thôi chuyện yêu
đương. Nhưng rồi một ngày, chị em tụi nó lại thấy mẹ nó chưng
diện như một cô gái mới lớn. Các dì than thở :” Mẹ mày lại yêu nữa rồi. Xấu hổ
đến chết đi được.” Nó nhớ là lúc đó dù gần năm mưoi tuổi, khi ăn diện vô,
nhìn từ sau lưng, nhiều người sẽ tưởng mẹ nó là một thiếu nữ
đôi mươi . Mẹ nó vẫn giữ được vóc dáng của một thiếu nữ. Da ngăm dòn, môi hình
trái ấu, mắt đen long lanh, nói năng ngọt ngào ân cần, mẹ nó được lòng mọi
người bất chấp mọi chuyện không hay trong đời riêng. Rồi lại xuất hiện một người đàn ông lạ trong
nhà. Nghe có vẻ bảnh tỏn, trí thức hơn chú Long. Là hiệu trưởng của một trường
tiểu học, đang thôi việc chờ bảo lãnh đi Mỹ. Mẹ nó định làm hôn thú với chú Tư
và đem thằng Tú sang Mỹ . Mẹ nó chán đất nuớc này lắm rồi.
Các dì vẫn rất xấu hổ về bà chị không gương mẫu của
mình….
Khi chị em nó lớn khôn hơn, phải suy nghĩ nhiều về
người chồng tương lai của mình. Chị em nó mới thấy thương mẹ nó thật nhiều. Mẹ
nó thật tội nghiệp, một đời truân chuyên. Mẹ nó cũng xinh đẹp, duyên dáng dịu
dàng, nói năng khôn khéo nhưng sao mà bạc phận thế. Thực ra mẹ nó cũng
chỉ khao khát một tình yêu, một gia đình như các dì thôi mà. Bây giờ nghĩ lại
nếu mẹ nó không tần tảo thì ba nó không lấy gì ăn mà nói chuyện trí thức, nói
chuyện hiếu thảo. Nếu ba nó thực tế hơn, đừng lấy của mẹ nó làm những thí nghiệm
viễn tưởng, lấy của mẹ nó cho bà nội bài bạc thì chắc là mẹ nó không phải long
đong duyên phận thêm vài lần nữa… Khi chị em nó nhận ra điều đó để thông cảm
hơn với mẹ thì cũng là lúc phát sinh chuyện chú Tư ngược đãi con
Mai. Ông bà ngoại đuổi chú Tư đi vì nhà chị em nó ở là tiền của mấy cậu ,
mấy dì hùn lại cho.. Mẹ nó đau khổ, chấp nhận chia tay.
Mãi đến khi gia đình Phong đánh tiếng cưới xin, mẹ
nó mới hết ưu phiền. Mẹ nó vui như mẹ nó là người sắp lấy được người mình yêu.
Gia đình nó yên vui được vài tháng. Lúc này mẹ nó chỉ có một đề tài để
nói thôi: đám cưới con Ngọc.
Khi còn sống, không nhiều người biết đến mẹ
nó nhưng đám tang thì rình rang lắm. Bên chồng nó đưa cả họ qua tế lễ. Mâm
quả, heo quay, liễng đỏ như một lễ hỏi
lớn. Quan hệ của hơn mười đứa em, có những đứa rất thành đạt đã mang
những chiếc xe hơi đời mới đến đưa tang.. Dì ba còn mua được cho me nó
một chỗ nằm rất đẹp ở nghĩa trang chùa Vĩnh Nghiêm nữa.. Kèn trống không
thiếu thứ gì. Mẹ nó chết không lặng lẽ hẩm hiu như cuộc đời mình, cả ba người
chồng đều đủ mặt. Ba con Ngọc lăng xăng
chạy tới, chạy lui như muốn chứng tỏ cho mọi người bíêt ba nó mới là chồng chính
thức của mẹ nó. Ba nó cố dấu vẻ thoả mãn nào đó. Thằng Tú thấy ba của các chị
thì chạnh lòng cô quạnh, xin phép bà ngoại cho ba nó về dự tang. Ba thằng Tú
lặng lẽ về thắp nhang , rồi lặng lẽ ngồi
ở một góc nhà. Không có ai tới chào hỏi
ba nó mà ba nó cũng chẳng màng tới
chuyện nói năng với ai . Ba nó ngồi một
mình cho tới hai ba giờ sáng rồi âm thầm bỏ đi. Mới bốn gìơ sáng người ta lại
thấy ba nó ngồi thu lu ở một góc nữa, cũng có người chạnh lòng liếc một cái
nhưng mà hoàn cảnh trớ trêu, danh không chính, ngôn không thuận nên mọi người
bên nhà ngoại cứ lờ ba nó đi. ThằngTú buồn lắm. Nó biết là nó ra đời trong một
hoàn cảnh không được nhiều người mong đợi. Cả chú Tư cũng về. Chú Tư khóc như
mưa bấc suốt mấy ngaỳ liền làm cho nhiều người cảm thương. Con Ngọc không cho
chú sờ mớ tới cái quan tài, không cho chú đứng gần vì sợ nước mắt của chú níu kéo
làm mẹ nó khó mà ra đi nhẹ nhàng. Dì ba
nói là khi chết mẹ nó có lắm người tiếc thương nhưng khi còn sống, súôt đời mẹ nó chưa từng được bíêt sung sướng
trong tình yêu là gì.
Vì mẹ nó qua đời sát Tết nên phải mở cửa mả ngay
sau khi chôn . Ông Thầy cúng không cho sát sinh và muốn thả chim thay cho
cúng gà. Thầy bảo: “ Bắt con gà chạy ba vòng nó khờ câm rồi làm sao linh hồn siêu thoát được. Thí chủ nên
thả chim đi!” Ngày sát Tết không sao tìm được chim để mua. Con bé
Nhi thương dì Hai vẫn hay cho nó kẹo, bèn đồng ý cho dì Hai hai con
sáo đang nuôi để mở cửa mả. Lúc cúng xong, thầy thả đôi chim cho nó bay đi. Một
con vút cánh bay cao lên trời. Một con cứ bay về đậu trên mộ, đuổi mấy lần cũng
không chịu bay. Bà Ngoại cho là do mẹ nó lưu luyến không chịu đi. Nó muốn mẹ nó
là con chim đã bay vút lên trời xanh kia chứ không phải là con còn đậu lại trên
cành cây trước mộ.
Nắng đã lên cao. Con Ngọc cứ ngồi hoài bên tàn
hương . Mọi người giục giã nó về. Ngoại bảo nó đừng khóc nữa để linh
hồn mẹ nó siêu thoát. Khi sống mẹ nó đã không sung sướng gì thì thôi
hãy để mẹ nó bình thản ra đi . “Thôi đừng khóc nữa hãy để yên cho mẹ ngủ.” bà
Ngoại đã thúc thít nói. “Ừ thì thôi , mẹ hãy ngủ đi !” Con Ngọc thì
thầm.
Trước khi vào xe, chị em con Ngọc quay lại nhìn nấm
mồ chưa xây lần cuối : Thôi mẹ hãy ngủ đi. Mẹ hết khổ rồi đó! Mẹ hãy ngủ đi!
04/6/2004
23/3/2012 (edited)
Văn Mỹ Lan.
facebook.com/vanmylanfacebook.com/vanmylan
Văn Mỹ Lan.
Wednesday, March 21, 2012
BẠN MUỐN CHẾT RA SAO?
BẠN MUỐN CHẾT RA SAO?
Một buổi sáng khi trời
còn mù mù cả khu phố, tôi ngồi trước hiên nhà mang giày chuẩn bị chạy bộ thì má
chồng tôi đến ngồi bên, giọng bà trịnh trọng nhưng rất hưng phấn:
- -Lan, má tính lúc chết thì hiến xác cho trường Đại
học Y dược.
Tự nhiên tôi đâm ra nghi ngờ tai nghe của mình, không tin những
điều bà cụ vừa nói. Tôi định thần nhìn bà để chắc là mình hiểu được những điều
bà vừa truyền đạt. Tôi hỏi lại:
- - Má hiến xác ?
-
Ừa, má tính rồi. Bây giờ mà chôn cất thì chẳng
chỗ nào được nằm cho yên thân. Có thiêu rồi gửi tro cốt vào chùa thì có ngày nó
cũng bị quăng lăn lóc ở một xó nào đó. Mỗi
năm thêm vài ba hủ, chỗ đâu mà để cho hết. Người quen trong chùa chết hết thì
cũng không ai thèm trân trọng chút tro cốt của mình nữa .
-
Nhưng má suy nghĩ kỹ chưa?
-
Kỹ rồi. Mai má đi Đại học Y dược đăng ký hiến
xác. Còn Lan ,nữa khi chết rồi Lan thích sao?
-
Con chưa nghĩ tới
Vừa trả lời bà nói tôi vừa tiếp tục mang giày và đứng dậy
đi. Gần một tiếng đồng hồ đi bộ loanh quoanh trong khu phố tôi cứ nghe văng vẳng
tiếng của bà cụ” Má muốn hiến xác!” và tôi thấy đôi mắt chăm chăm của bà nhìn
tôi, chờ tôi hưởng ứng, mở lời khen tặng bà mỗi khi bà có một quyết định hay một
hành động nào táo bạo.
Má chồng tôi năm nay đã hơn tám mươi nhưng bà có sức khỏe của một người năm mươi khỏe mạnh. Người
bà roi roi nhưng bà không hay ốm vặt. Bà ăn khỏe và thường kết thúc bữa ăn bằng
một câu nói nuối tiếc :
http;//facebook.com
-
Cái miệng còn muốn ăn nữa mà cái bụng đã căng cứng
rồi.
Mỗi ngày tôi nhìn bà ăn mà phát thèm. Sợ mập, sợ bệnh, vợ chồng
tôi nhịn đủ thứ: nhịn cơm vì có nhiều tinh bột, sợ mập. Nhịn bánh ngọt vì sợ tiểu
đường. Nhịn mở vì sợ cholesterol… Vậy mà trọng lượng vẫn vượt chuẩn cho phép và
khi đi khám định kỳ thì huyết áp vẫn cao, mở máu vẫn có chút vấn đề. Còn bà chỉ
thích ăn cơm, thích chè thật ngọt, mở ăn từng cục thật to nhưng khi đi khám tổng
quát, bác sĩ chỉ lắc đầu, hít hà nói:
-
Sức khỏe của bác còn tốt hơn cháu nữa.
Ăn đã ngon, bà ngủ còn ngon hơn. Mỗi khi đi khuya về, dù bà
thủ đủ công cụ chống trộm trên đầu giường, chó sủa um sùm, cửa cuốn kêu rầm rầm,
sáng mai gặp lại bà sẽ hỏi:
-
Hồi tối mấy đứa về mấy giờ vậy?
Và sau khi bọn tôi trả lời bà, câu kết của bà bao giờ cũng
là:
-
Vậy mà má có hay gì đâu.
Sức khỏe bà tốt, tinh thần bà còn tốt hơn. Tôi vẫn thích thú
câu chuyện bà lừa những người trong khu phố khi họ đi ngang nhà, tò mò nhìn lên
khi thấy một bà lão tóc trắng tập đàn. Thấy có người nhìn, bà để máy đệm đàn,
còn mình thì giả bộ nhún nhảy như đang say sưa thả hồn trên bàn phím. Cái láu lĩnh của bà làm tôi thấy gần gũi bà
hơn.
Bữa nay tôi tách ra đi một mình trên con đường khác, không
đi chung nhóm với các bạn vì tôi muốn được yên tĩnh suy nghĩ. Vợ chồng tôi đã
mua năm miếng đất để xây bốn cái kim tĩnh ở một nghĩa trang của chùa Vĩnh
Nghiêm cho cha mẹ hai bên. Nghĩa trang này nằm ở quận 12, một khu nghĩa trang
thật đẹp, yên tĩnh và luôn sạch đẹp. Mỗi lần đi đưa đám ai ở khu đó ông bà đều
đưa người quen tới “ nhà mình” để khoe ,
vậy mà hôm nay tự nhiên bà lại có một quyết định khác… Tôi lại nhớ trước ngày
ba chồng tôi chết, ông cũng đòi về quê, không màng tới cái nhà tương lai trong
khu phố sang trọng mà bọn tôi đã chuẩn bị cho. Hình như lúc về với hư không,
người ta thấy những cái mang nặng hình
thức hay có ý nghĩa vật chất đều trở thành hư ảo.
Vừa đi tôi vừa nghĩ tới câu
hỏi của bà : “ Nữa khi chết, Lan
thích sao?”
Thú thật tôi không hay nghĩ đến việc khi mình chết sẽ ra
sao. Nhớ trong giấy phép lái xe của hai con tôi đều ghi hiến hết nội tạng cho
người sống. Nhưng tôi biết tuổi của mình nội tạng không còn hữu dụng cho người
sống nữa. Không còn cơ hội khi phải bất
ngờ ra đi thì một phần thân thể của mình vẫn còn đi lại trên một cơ thể sống nào
đó. Vậy khi chết mình muốn gì? Con gái tôi cứ nói tới một công nghệ nung đốt
nào đó để khi chết, xương cốt mình có thể biến thành một loại đá quí nào đó như
hồng ngọc, sapphire, thâm chí trở là kim cương? Nhưng mà như thế để làm gì? Có
hay ho gì để trở thành một loại vật chất bất biến không siêu thoát .
Tôi miên man suy nghĩ khi đi bộ bốn vòng quanh khu phố cho một
giờ tập thể dục buổi sáng và trong tôi hiện lên dãy núi đá Grand Canyon mấy tỉ
năm tuổi hay là những đại dương mênh mông sóng vỗ . Vậy là tôi biết khi chết,
tôi muốn gì rồi. Còn các bạn thì sao?
Ngày 21/3/2012
Saturday, March 10, 2012
MẸ CON HÀ MÃ
Mẹ con hà mã
Không kỳ vọng thì sẽ tránh được thất vọng. Không gắn bó thì tránh được nỗi đau chia lìa. Tôi nhớ tới hình ảnh hai mẹ con hà mã trong một phóng sự truyền hình… Sau ba năm nâng niu ấp ủ yêu thương, chú hà mã mẹ đã dứt khóat đuổi cổ chú hà mã con ra khỏi lãnh địa; bất chấp chú bé ngơ ngác, ngỡ ngàng và vẫn còn tha thiết bên gối mẹ yêu thương…
Bước thấp bước cao, chú hà mã con ra đi mà không tin vào sự phủ phàng của mẹ. Đêm qua, mẹ vẫn còn là mẹ mà, vậy sao sáng nay mẹ có thể phùng mang, nhe răng hất hủi chú. Chú cất từng bước chân đi ngập ngừng. Đầu vẫn nghõanh lại. Chú không tin. Có lẽ mẹ chú muốn đùa dai đó thôi. Nhưng nhìn kìa, đôi mắt của mẹ dứt khóat, đôi chân dậm thình thịch chắc nịch ở tư thế tấn công.
Buổi sáng miễn cưỡng ra đi, buổi tối chú lần bước trở về. Từ ngày ra đời đến giờ chú chỉ ngủ loanh quanh đâu đó bên mẹ thôi nên chú tin rằng, dù buổi sáng mẹ đuổi chú đi nhưng buổi tối chắc mẹ cũng mong chú về bên hơi ấm của mình. Nhưng không, chú không còn chỗ nương thân ở nơi chú đã sống suốt thời thơ ấu. Dù đêm tối đầy hiểm nguy rình rập, mẹ chú vẫn cương quyết tống cổ chú ra khỏi nơi một thời bình yên .
Một tuần sau chú hà mã con trở về với đôi chân khập khiểng và mình đầy thương tích. Một tuần ra đời kiếm sống với biết bao va chạm. Mẹ chắc phải xót xa nhìn chú bị thương tội nghiệp đến như vậy. Chắc mẹ sẽ liếm vết thương của chú, chắc mẹ sẽ gừ gừ an ủi. Chú chậm chậm lê từng bước về nhà, cố tình cho mẹ thấy là chú đang bị đau lắm, là lỗi của mẹ đấy. Mẹ đã đẩy chú vào chốn hiểm nguy. Chắc mẹ phải hối hận lắm.
Nhưng chú đã lầm rồi. Bất chấp việc chú bị thương đớn đau, mẹ chú, một lần nữa, dậm mạnh chân, nhe răng, đôi mắt dứt khóat, dấu hiệu tấn công để tống cổ chú ra khỏi lãnh thổ yêu dấu một thời.
Lần này thì chú đi thật. Đi dứt khóat không quay đầu. Đi bất chấp chân đau và mình đầy thương tích. Lần này chú muốn bước đi thật mau dù lòng xiết bao đau đớn. Nhưng chú biết rằng, chú chỉ đau lần này nữa thôi. Từ đây trở đi, chú không kỳ vọng được đón trở về nữa nên có lẽ chú sẽ không còn bị thất vọng vì sự hất hủi của mẹ mình. Từ đây trở đi, chú không còn mong đợi yêu thương nữa nên chú không còn đau khổ vì chia xa. Chú đâu biết mẹ cũng rứt ruột, đành đọan đẩy chú vào đời để có ngày chú thực sự khôn lớn, trưởng thành và đầy bản lĩnh một khi chú mãi mãi không còn mong một bàn tay chở che nào nữa.
Con người không cư xữ dứt khóat được như hà mã mẹ, vẫn cứ mãi mãi muốn ôm con trong vòng tay, nên đứa con cứ mãi bé bỏng . Rồi cũng có những đứa con, khi đã đủ khôn lớn, đủ mạnh mẽ lại dễ dàng dứt khóat ra đi, quên quay đầu nhìn lại.
Ngaỳ 15/5/06
Văn Mỹ Lan.
Subscribe to:
Posts (Atom)